​Cuộc trùng phùng sau 40 năm

DƯƠNG NGỌC HÀ 02/07/2015 03:07 GMT+7

Một gia đình lạc nhau, “sáu người đi bốn hướng” năm 1975. 40 năm sau, họ lần lượt tìm thấy nhau và vỡ òa trong nước mắt hạnh phúc.

Vợ chồng ông Niết và hai người con gái gặp lại nhau sau 40 năm thất lạc. Hiện họ đang sống ở huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam - Ảnh: Ngọc Hà

Non tháng nay, người dân thôn Suối Cát, xã Cam Hiệp Nam (huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa) vẫn còn hỏi thăm nhau chuyện các con của ông Nguyễn Niết tìm thấy cha sau 40 năm thất lạc.

Cách Cam Hiệp Nam khoảng 550km, người dân thôn Phước Thành, xã Quế Thuận (huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam) cũng chưa hết bàn tán về câu chuyện gia đình bà Phan Thị Tý sum họp cùng chồng và con trai sau 40 năm xa cách.

Về lại quê cũ sống cùng vợ và các con, ông Niết cứ rưng rưng mỗi khi có người hỏi chuyện: “Nhờ phước lớn của ông bà để lại gia đình tôi mới có ngày hôm nay”. Còn bà Tý từ khi đón chồng về trở nên linh hoạt, khỏe khoắn hẳn ra. Suốt ngày bà quanh quẩn bên ông, chăm sóc từng miếng ăn, giấc ngủ. Ông Niết năm nay 87 tuổi, bà Tý cũng trên 80, đều ở tuổi xưa nay hiếm.

Chuyện của mẹ và con gái

Chị Nguyễn Thị Liên, con gái út của bà Tý, kể rằng buổi sáng đầu tháng 5, chị đang bán hàng ở chợ Đàn thì một người quen đến trách chị: “Răng (sao) ba mi (mày) còn sống ở Cam Lâm mà tụi mi không đi kiếm?”. Chị ngạc nhiên: “Chú nói chi lạ rứa (vậy), cha con chết 40 năm rồi mà”. Ông này quả quyết: “Tao nói ổng còn sống, có người về đây xác minh lý lịch cho con ổng vô Đảng”.

Từ khi nghe được tin đó, chị Liên bồn chồn không yên. Theo lời má kể lại, ba chị và người anh trai đầu thất lạc từ lúc chị mới 3 tuổi trong hành trình di cư vô miền Nam. Gần 40 năm nay, năm nào mẹ chị cũng làm đám giỗ cho hai cha con vào ngày thất lạc là ngày 13-2 âm lịch.

Xong buổi chợ trưa, chị Liên tìm đến nhà người quen lúc sáng để hỏi thăm. Ông này chỉ qua nhà ông Phan Văn Huệ - phó bí thư Đảng ủy xã Quế Thuận. Ông Huệ xác nhận có người về xác minh lý lịch vào Đảng, có tên cha là Nguyễn Niết, trùng tên cha chị Liên. Ông Huệ còn cho số điện thoại con trai út của ông Niết với người vợ sau. Từ anh con trai này, chị Liên có được số điện thoại của anh Tuệ - con trai của vợ chồng ông Niết và bà Tý.

Chị Ty, con gái bà Tý, nhớ lại cuộc nói chuyện đầu tiên với anh Tuệ: “Hắn nói không phải đâu, má và chị của hắn đã chết lâu rồi mà. Nhưng tui linh cảm đúng là hắn rồi. Tui hỏi hắn hồi xưa nhà mình ở mô (đâu), hắn nói gần đường ray xe lửa. Tui thấy hắn nói trúng phóc nên hỏi tới. Vậy mà chuyện chi hắn cũng nhớ: hai chị em khiêng nước rớt thùng trúng chân, chuyện hắn với thằng Huệ (con trai út của bà Tý) ra Đà Nẵng bán bánh mì...

Hắn còn đọc đúng tên bác, tên chú, tên má...”. Rồi chị Ty nhờ người em (cùng cha khác mẹ) của anh Tuệ đưa hình của ông Niết lên Facebook để nhận diện. “Tui thấy hình ba giống y ngày xưa, chỉ có già hơn” - chị Ty nhớ lại.

Từ hôm nghe tin chồng và con trai còn sống, bà Tý đứng ngồi không yên. Sao ông ấy còn sống mà mấy chục năm rồi không về thăm quê, không đi tìm mẹ con bà? Mà người chi bạc lạ, ở trong nớ còn có vợ khác, có con riêng nữa. Nhìn hình, bà nhận ra đúng là ông Niết. Bốn mươi năm rồi nhưng bà không thể nhầm với ai được người chồng có vết bớt lệch bên trái trên trán, cái mũi hở và gương mặt lưỡi cày...

Sáng hôm sau, chị Ty và vợ chồng chị Liên đón xe vô Cam Lâm. Chị Liên kể vô tới nơi có hai thanh niên ra đón. Họ đưa chị Liên và chị Ty vào quán cà phê cạnh đường lộ. Tuệ đang ngồi chờ ở đó. Họ nhận ra nhau ngay. Mấy chị em ôm nhau khóc như mưa.

“Chừng về nhà thằng Tuệ, tui vừa nhìn thấy ba là nhận ra liền. Ba không khác mấy so với hồi xưa. Em út tui (chị Liên) sau này hỏi có đặc điểm gì mà mới nhìn đã nhận ra ba, tui nói bên nội mình ai cũng có nước da đồi mồi, chú bác, ông nội ai cũng có hết trơn, chị cũng có. Ba giống y khuôn mấy anh chú bác còn ngoài này mà” - chị Ty kể.

Ông Niết và người em trai trong ngày gặp lại nhau - Ảnh: Ngọc Hà

Chuyện của cha và con trai

Tháng 2-1975, sau khi thất lạc vợ và con, ông Niết dẫn anh Tuệ đi tìm khắp nơi nhưng vô vọng. Từ đầu chuyến đi, ông đã chứng kiến rất nhiều người chết, người thì rớt xuống biển hoặc bị giẫm đạp khi di chuyển từ tàu qua các sà lan, từ tàu này qua tàu khác, người thì chết vì đói, vì khát, vì tiêu chảy sau khi uống nước biển... Tìm không ra vợ con, ông nghĩ chắc họ đã rớt xuống biển rồi.

Sau đó ông dẫn anh Tuệ vô cảng Cam Ranh ở mấy tháng rồi theo người ta lên vùng núi tìm đất sinh sống cho tới ngày nay. Anh Tuệ lấy ảnh trong thẻ căn cước của má còn sót lại trong giỏ họa thành hình lớn lập bàn thờ. Ông Niết lấy ngày trước khi vợ con thất lạc làm ngày giỗ theo phong tục, tức ngày 12-2 âm lịch.

Anh Tuệ lớn lên, hỏi thăm ông Niết về quê cũ nhưng ông chỉ buồn buồn nói rằng ngoài đó thất lạc hết rồi. Làng cũ trước năm 1975 nằm ở khu vực mất an ninh, gia đình ông và cả những người anh em phải chuyển chỗ ở nhiều lần trước khi quyết định đi về phía nam lập nghiệp. Cả gia đình sáu người xuống tàu ở Đà Nẵng nhưng giờ chỉ còn hai cha con mình, má với các chị đã chết cả rồi, có về quê cũng không còn ai.

“Lúc ra đi có đủ mặt mọi người, giờ về chỉ có hai cha con thì ăn nói làm sao với bà con, xóm làng” - ông Niết thường nói với anh Tuệ như vậy.

Một ngày đầu tháng 5-2015, anh Tuệ nhận được cuộc gọi từ số điện thoại lạ xưng là chị ruột của anh. Tuy rất mừng nhưng anh Tuệ vẫn cố kìm nén cảm xúc và lịch sự mời những “người lạ” đến nhà để nói chuyện. Khi chị Ty vô đến Khánh Hòa thì anh dặn người em và con trai ra quốc lộ đón, còn mình ngồi trong quán cà phê quan sát.

“Chị Ty vừa xuống xe, tôi nhận ra liền. Cái dáng của chị từ thời mới lớn đến nay đã gần 60 tuổi vẫn không thay đổi chút nào. Tôi chưa kịp bước ra ngoài thì chị đã nhận ra tôi, phăm phăm chạy vô quán ôm tôi khóc nức nở” - anh Tuệ xúc động nhớ lại.

Ông Niết và cháu gọi ông bằng cố - Ảnh: Ngọc Hà

Sáu người lạc bốn hướng

Ông Niết kể vào khoảng đầu năm 1975, khu vực Quế Sơn xảy ra bắn phá liên miên. Một ngày ông về nhà được tin vợ ông đã đem bốn người con, theo thứ tự là chị Ty (16 tuổi), anh Tuệ (12 tuổi), anh Huệ (khoảng 8 tuổi), chị Liên (3 tuổi) ra Đà Nẵng để vô Cam Ranh làm ăn. Ông tức tốc ra Đà Nẵng và may mắn gặp được vợ con.

Ông kể từ đất liền, dòng người phải di chuyển qua nhiều tàu nhỏ ra tới sà lan đậu ngoài biển chờ tàu lớn tới đón. Khi lên tới sà lan thì vợ chồng ông lạc mất chị Ty và anh Huệ. Bốn người còn lại lay lắt trên sà lan, ai cũng lả đi vì đói và khát.

Đến đêm, ông Niết dặn vợ con (lúc này chỉ còn anh Tuệ và chị Liên) ngồi yên một chỗ để đi xin nước uống. Khi quay lại thì ông không thấy vợ và con gái út đâu nữa, chỉ còn mình anh Tuệ ngồi chỗ cũ. Ông hối hả đi tìm khắp nơi, lật mặt nhìn cả những xác chết trên sà lan cũng không tìm ra vợ con. Sau hai ngày vật vờ trên sà lan, ông đành cùng anh Tuệ xuống tàu vô Cam Ranh.

Lúc ông Niết đi xin nước thì chị Liên khát quá nên lả trên tay mẹ. Bà Tý ẵm con lết đi xin vài giọt nước thấm lên môi chị Liên. Chen lấn một hồi, bà để lạc mất anh Tuệ. Sau gần một ngày mỏi mắt tìm chồng con trong tuyệt vọng, bà Tý và con gái 3 tuổi theo dòng người lưu lạc vô tận Vũng Tàu. Sau đó bà ẵm con quay ngược về quê cũ, vừa đi bộ vừa quá giang xe ròng rã một tháng trời thì về đến Quế Sơn.

Chị Ty bị lạc ba má ở Đà Nẵng cũng theo tàu vô tới Cam Ranh, sau đó chị tìm đường về lại Quế Sơn sau bà Tý mười ngày. Bà Tý đau đáu chờ chồng. Những người thân, sơ lần lượt về quê cũ, trong khi chồng bà vẫn biệt tăm. Nghe theo người nhà, bà làm lễ cầu siêu cho hai cha con rồi lập bàn thờ.

Còn anh Huệ đi lạc vào tận Cam Ranh, sau đó không may bị thương do bom đạn. Anh được đưa vô Sài Gòn chữa trị và được một gia đình tại đây nhận làm con nuôi. Khoảng năm 1980, anh Huệ tìm về quê cũ và sum họp cùng bà Tý, chị Ty và chị Liên.     

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận