Đáp án đơn giản cho muôn vạn câu hỏi tại sao

CHRISTOPHER BROOKS 27/07/2020 11:07 GMT+7

TTCT - Việc thừa nhận “ba/mẹ không biết” chính là một nước cờ khôn ngoan để giải phóng mình khỏi gánh nặng biết tuốt khi đang phải sắm vai “người lớn”.

 Trước giờ đi ngủ. Tranh của Celia Pike (1980)

Phụ huynh nào ắt hẳn cũng từng được trải nghiệm chương trình hỏi xoáy đáp xoay cùng các “Socrates nhí” trong gia đình, bất kể giờ giấc hoàn cảnh nào trong ngày. 

Cả khi sắp đánh răng đi ngủ, các cô cậu bé cũng không thể ngừng tuôn ra hàng tá câu hỏi về bản chất của sự vật sự việc, về thế giới quan xung quanh mình, trong khi việc cần làm chỉ là tập trung chải cho thật kỹ mấy chiếc răng xinh để ông bô bà bô mệt phờ của nó còn đi ngủ.

Câu hỏi lợi hại nhất mọi thời đại

Nhiều thắc mắc của con trẻ thực sự quá sức với các bậc cha mẹ bởi vốn dĩ trong cuộc sống bận rộn hằng ngày, chúng ta gần như chẳng bao giờ cần phải trả lời những câu hỏi như: Điều gì là quan trọng? Điều gì thực sự đúng, điều gì là sai? Làm thế nào để chúng ta biết chúng ta có thể tin tưởng các giác quan của mình? Tại sao chúng ta tồn tại? Những câu hỏi vĩ mô mà chính bản thân ta cũng từng một thời tò mò mỗi ngày đang bị xếp xó đâu đó trong tâm trí và dần bị thờ ơ lãng quên theo năm tháng.

Trách nhiệm với gia đình, công việc, các mối quan hệ xã hội cuốn người ta đi xa khỏi những thắc mắc mang đậm tính triết học cho đến khi phải trở thành những ông bố bà mẹ, phải đối mặt hằng ngày với những phiên bản thu nhỏ đầy tò mò của chính mình.

Các thiên thần nhỏ vốn không phân biệt câu hỏi tốt xấu hay dở, chúng chỉ quan tâm tìm kiếm sự thật, khám phá bản chất của thế giới bằng cách hăng hái chất vấn ông bà cha mẹ hoặc bất cứ người lớn nào chịu trả lời. 

Những câu hỏi có thể từ rất nghiêm túc đến vô cùng vô nghĩa, chẳng hạn như vì sao những người thân đã mất rồi thì chúng ta không thể gặp lại họ, hoặc vì sao chó có đốm còn con người lại không.

Khi đặt câu hỏi, trẻ chỉ có một khát khao cháy bỏng là nhận được câu trả lời thỏa đáng. Cái khó cho người lớn lúc này nằm ở chỗ không phải câu trả lời nào đưa ra cũng làm hài lòng được các triết gia nhí. Luôn luôn phải là một câu trả lời thật hay và hợp lý! Nếu không, cuộc hội thoại sẽ kéo dài liên tu bất tận chỉ với một câu hỏi lợi hại nhất mọi thời đại: Tại sao?

Nhiều khả năng cuộc nói chuyện của bạn với trẻ con trong nhà sẽ diễn ra hệt như cảnh đối thoại giữa Plato và Socrates, những câu hỏi vô thưởng vô phạt lần lượt được đặt ra cho đến khi người được hỏi bị mắc bẫy trong chính những câu trả lời của mình. Chẳng hạn như khi bắt đầu đi đánh răng:

- Vì sao con phải đánh răng?

- Vì ai cũng đánh răng mà con.

Lý do này là thỏa đáng với phần lớn người trưởng thành vì chúng ta hiểu đó là quy chuẩn chung của toàn xã hội. Nhưng đối với những đứa trẻ nhỏ và không có khái niệm về quy ước xã hội, những việc có nhiều người làm không đồng nghĩa với chuyện việc đó đủ hay ho hoặc đúng đắn để chúng phải làm theo. 

Với những chuyện bị cấm hoặc không nên làm cũng vậy, cuộc chất vấn sẽ tiếp tục:

- Vâng, nhưng tại sao mọi người luôn phải đánh răng?

- Vì đánh răng tốt cho chúng ta.

- Tại sao đánh răng tốt cho chúng ta?

- Vì đánh răng giúp làm sạch răng.

- Vâng, nhưng tại sao lại như vậy?

- À, vì đánh răng giúp răng không bị sâu.

- Nhưng tại sao răng sâu lại không tốt?

- Răng của con sẽ bị hư và bị đau. Và con không muốn bị đau răng đâu, đau lắm đó.

Vô vàn chứng cứ khoa học có thể làm bằng chứng vững chắc bảo vệ lập luận của chúng ta, nhưng mọi thứ trở nên vô nghĩa khi đối tượng đang tranh luận chỉ mới có vài năm trải nghiệm cuộc đời. Các câu trả lời kiểu như trên sẽ khiến cuộc đối thoại trở nên luẩn quẩn như một trò đùa, mà trẻ con thì chắc chắn là thích đùa giỡn và chúng sẽ không đời nào chịu ngừng lại khi trò chơi vẫn còn đang vui.

Nếu gặp được những đứa trẻ dễ dụ, người lớn có thể dựng lên hình ảnh một “ông kẹ” sâu răng xấu xí nào đó để dọa, khiến trẻ sợ mà phải thực hiện hành động đánh răng. Tuy nhiên đối với những ca ranh mãnh gan lì hơn, chiêu này sẽ không hiệu quả mà còn có khả năng phản tác dụng, kéo cuộc hỏi đáp ra lê thê hơn vẫn chỉ với một câu hỏi: Tại sao?

 

 

Hãy biết nói không biết

Khi câu chuyện dần trở nên bế tắc, các bậc cha mẹ dần cạn kiệt năng lượng và sự kiên nhẫn có khuynh hướng sẽ trả lời qua loa đại khái: “vì ba/mẹ nói vậy”, “vì nó là như vậy đó” hay đùn đẩy trách nhiệm cho một thế lực vô hình nào đó cao siêu hơn như ông trời hoặc vũ trụ để sớm được yên thân.

Rõ ràng kiểu đối đáp này có khả năng sẽ khép lại được cuộc đối thoại, tuy nhiên biện pháp dập tắt không thể nào khiến những đứa trẻ thỏa mãn được. Phương án tối ưu và hiển nhiên nhất mà ai cũng biết ngay từ đầu là nói thẳng ra: “Ba/mẹ không biết con ạ!”.

Câu trả lời tưởng chừng rất đơn giản nhưng lại có vẻ sai trái khi phải thốt ra thành lời. Người lớn thường sợ phải thừa nhận việc mình không biết nguồn gốc căn nguyên của một vấn đề gì đó trước con em mình bởi việc này có thể gây nên cảm giác xấu hổ, kém cỏi khi đang trong vai trò là người giám hộ và hướng dẫn con trẻ phát triển. 

Để nhìn nhận một cách khách quan hơn về việc trả lời “không biết” khi trẻ thắc mắc, chúng ta có thể suy ngẫm thêm rằng chỉ mỗi việc đánh răng đã mất cả tiếng đồng hồ để giải thích và... chịu thua, thì đối với những vấn đề phức tạp khác còn phải mất bao lâu để giáo dục cho hiệu quả mà không ảnh hưởng đến uy quyền và hình tượng của chính mình trong mắt con?

Thực ra việc thừa nhận “ba/mẹ không biết” chính là một nước cờ khôn ngoan để giải phóng mình khỏi gánh nặng biết tuốt khi đang phải sắm vai “người lớn”. Câu trả lời này mặt khác cũng mở đường để trẻ và người lớn có cơ hội cùng nhau học hỏi nhiều hơn, để biết người kia nhìn nhận vấn đề như thế nào và chia sẻ suy nghĩ của từng bên.

Cách nói “ba/mẹ không biết” không đồng nghĩa với “ba/mẹ không quan tâm”, mà chính xác hơn sẽ là dù không biết nhưng ba mẹ cũng muốn biết và chúng ta sẽ cùng nhau tìm câu trả lời vào lúc nào đó thích hợp hơn.

Việc này cũng giúp giảm tính áp đặt trong mối quan hệ cha mẹ - con cái, việc đối thoại trở nên cân bằng hơn do đôi bên đồng thuận không phải những gì người nhiều tuổi hơn nói cũng là đúng là chuẩn mực bất di bất dịch. Trẻ con có thể chưa cảm thấy trân trọng kiểu tương tác này ngay lập tức nhưng sẽ dần hiểu được sự khác biệt theo thời gian. 

Giải quyết các câu hỏi “tại sao” theo cách này cũng giúp trẻ hiểu quan trọng không phải là có được câu trả lời đúng để làm theo mà là cùng nhau khám phá những vấn đề chưa rõ. ■

Hiếu Thảo lược dịch

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận