Để mùa ngón ám ảnh không về

TRẦN MAI 25/04/2018 19:04 GMT+7

TTCT - Anh cán bộ xã Sơn Dung (huyện Sơn Tây, Quảng Ngãi) vừa “khoe” hơn nửa năm qua không có vụ tự tử bằng lá ngón nào ở đây. Nhưng tại xã Trà Lâm, huyện Trà Bồng lại vừa có tin một đôi tình nhân tự tử bằng lá ngón.

Lá ngón trở thành nỗi ám ảnh ở vùng cao. Ảnh: TRẦN MAI

 

B. và N. vốn là tình cũ, chẳng ai ở góc núi Trà Lâm biết được lý do họ chia tay, chỉ biết cả hai đã lập gia đình và có cuộc sống ổn định. Nhưng một ngày cuối tháng 3, một đám cưới trong xã được tổ chức, họ cùng có mặt trong buổi tiệc. Chạm mặt nhau, có lẽ những luyến lưu của ngày cũ ùa về khi cả hai cùng chếnh choáng với những cốc rượu ngày cưới, rồi cùng hẹn hò tâm sự. Người em chồng của N. bắt gặp được, gia đình biết chuyện. N. trở về nhà, gặp những ánh mắt đầy căm phẫn của chồng.

Những câu chuyện buồn

Cô gái 20 tuổi lao ra rẫy, hái lá ngón tự tử. Biết chuyện, B. lao đến can ngăn nhưng không kịp, lấy luôn những lá ngón xanh rì trong tay người yêu cũ để kết liễu cuộc đời mình. Khi người làng phát hiện sự việc, N. đã chết, còn B. thoi thóp. Quãng đường từ xã Trà Lâm đến Trung tâm Y tế huyện Trà Bồng không xa, nhưng B. không qua khỏi. Nắm lá ngón xanh rì ấy đã biến con của B. và N. thành trẻ mồ côi.

Ông Hồ Văn Quý, phó chủ tịch UBND xã Trà Lâm, tay chống cằm, mắt hướng về phía rừng xa tít tắp. Phía đó vẫn có những bản làng, nơi mà nhận thức của người đồng bào Cor còn hạn chế. “Thiệt sự tôi sốc, chẳng thể ngờ hai cái chết lại đến dễ dàng như vậy. Chẳng biết rồi những đứa trẻ sẽ lớn lên như thế nào” - ông nói. Nhưng cái lo hơn của ông Quý lại đến từ những ngọn lá ngón nhú lên từ lòng đất xanh rì rừng rẫy. Những cái chết tạo nên tiền lệ, biết đâu sẽ lại có những giận hờn, ghen tuông được kết thúc bằng lá ngón.

Thôn Đăk Lang (xã Sơn Dung) là nơi luôn ám ảnh bởi lá ngón. Vài chục nóc nhà dân nằm lẩn khuất dưới thung lũng mờ sương đã có đến hơn chục người “trốn chạy” khỏi cuộc sống bằng loại cây này. Bà Đinh Thị Đô (68 tuổi) có lẽ là người ám ảnh với lá ngón nhất trong thôn Đăk Lang bởi đã tiễn con trai, con dâu và cháu nội về với Yàng chỉ hơn một tháng ngắn ngủi.

Bà Đô kể trong tiếng thở dài: “Tết năm 2015, thằng L. - con thứ của tôi - uống rượu về cãi nhau với vợ. Nó bỏ ra sau nhà, ai dè ăn lá ngón”. L. mất, nỗi buồn nơi bà Đô chưa kịp vơi thì ám ảnh lại tìm đến: “Chưa đầy một tháng sau, Đ.V.Nh., cháu nội tôi, xin tiền mẹ đi chơi, bị mẹ la, đứa trẻ 15 tuổi đổ sự dỗi hờn ấy vào lá ngón. Rồi khoảng nửa tháng sau, Đ.T.Th. - mẹ Nh. - cũng ăn lá ngón luôn. Nhà tôi bị Yàng bắt ba người như vậy đó”. Tất cả nỗi đau ấy gói gọn trong những ngày đầu năm 2015. Miền núi Quảng Ngãi mùa này trời cứ rả rích, nghe giọng đều đều, lơ lớ của bà Đô nói về những cái chết quả thật ám ảnh. Bỗng có tiếng bước chân thấp, cao của người đàn ông sau cuộc rượu đang lững thững đi về. Đó là anh Đinh Văn Nhách, chồng chị Th.. Bên cạnh anh Nhách là thằng bé mặc chiếc áo cáu bẩn, kéo ống quần cha. Bà Đô nói: “Từ ngày vợ và con chết, nó cứ rượu chè mãi. Tôi cũng không dám la. Sợ nó lại theo Yàng”.

Ở Đăk Lang bây giờ có những ngôi nhà tái định cư làm rất bề thế rồi... bỏ hoang. Cha con anh Nhách cũng có một ngôi nhà ở khu tái định cư thủy điện Đăk Đrinh, được làm với số tiền hơn 350 triệu đồng và bỏ hoang. Người Ca Dong tin rằng căn nhà có người ăn lá ngón rất xui rủi, ở đó sẽ có thêm người ăn lá ngón nên nhà cửa cứ thế mà trơ trọi lạnh tanh. Trong cơn say, anh Nhách chỉ tay về con trai, ngập ngừng: “Mẹ con nó về Yàng rồi. Tôi cũng muốn theo Yàng, mà còn thằng nhỏ này nên không đi. Buồn lâu rồi!”.

Cạnh nhà anh Nhách có căn nhà bỏ hoang hơn hai năm qua. Người làng bảo đó là nhà của một thanh niên. Ba năm trước, người thanh niên này sau cuộc cãi vã nhỏ với vợ đã ăn lá ngón tự tử lúc mới 24 tuổi. Trong màn mưa, chiếc xe U-oat đưa chúng tôi rời khỏi Đăk Lang. Anh cán bộ huyện Sơn Tây tổng kết xót xa: vợ chồng cãi nhau, con bị cha mẹ la, thất tình, túng quẫn, uống rượu bị ngăn cản... những lý do như vậy cũng khiến người làng tìm đến lá ngón.

Buổi chiều, chúng tôi đứng trên đỉnh dốc Cà Rá U Sầu nhìn về phía xa xa là Sơn Màu, cạnh đó là Sơn Long, Sơn Tinh, nơi cũng có những cái chết bằng lá ngón. Như bà Đ.T.A. (xã Sơn Màu) uống rượu bị chồng ngăn, thế là bỏ cuộc nhậu ra rẫy cho nắm lá ngón vào miệng. Ông Đ.V.H. (xã Sơn Long) khuyên con không nghe cũng tìm đến cái chết. Hi hữu, ông Đ.T.Ng. (xã Sơn Dung) đã ba lần ăn lá ngón tự tử và được người làng cứu sống, nhưng rồi ông Ng. vẫn giữ “thói quen” buồn là ăn lá ngón.

Những bản làng đẹp như tranh, đằng sau ấy là những câu chuyện buồn từ lá ngón. Ảnh: TRẦN MAI
Những bản làng đẹp như tranh, đằng sau ấy là những câu chuyện buồn từ lá ngón. Ảnh: TRẦN MAI

Tuyên chiến với “ma ngón”

Những cái chết bằng lá ngón vẫn đeo đuổi trong nhận thức hạn hẹp của người đồng bào thiểu số miền tây Quảng Ngãi. Tôi nhớ đọc ở đâu đó câu: “Chẳng có bóng ma nào sau cái chết, chỉ có nỗi ám ảnh dành cho người sống”. Nó đúng với những gia đình có cái chết bằng lá ngón, họ co ro, sợ hãi khi nhắc về lá ngón. Mùa này, những dây ngón bắt đầu bung lên từ lòng đất, khắp núi rừng, bu bám vào cây lớn. Chỉ vài tháng nữa, ngón sẽ vào đợt hoa vàng. Đi dọc đường Đông Trường Sơn hay các tuyến đường tỉnh lộ sẽ thấy vẻ đẹp chết chóc ấy, nhưng đừng hỏi quá sâu sẽ khiến người dân ở đây sợ hãi.

Sau những cái chết, xã Sơn Dung đã tuyên chiến với “ma ngón”. Những khu vực quanh làng, trai tráng được Đoàn thanh niên vận động phát dọn. Những năm 2014-2015, xã Sơn Dung còn cắt cử cả một lực lượng bám làng. Những gia đình có chút “cá biệt” hay bất hòa, con cái ăn chơi được để ý dõi theo. Ông Phạm Đại Quang, chủ tịch UBND xã Sơn Dung, nói: “Cây lá ngón mà dọn hết thì không thể. Nhưng xã cũng “dọn” được phần nào ý thức trong người dân. Cả năm qua, Sơn Dung không có trường hợp nào tự tử bằng lá ngón”.

Sơn Tây là một trong những huyện nghèo nhất nước. Thời điểm xảy ra tự tử bằng lá ngón rộ lên trùng với núi tiền người dân có được từ đền bù dự án thủy điện Đăk Đrinh. Cả trăm tỉ đồng ấy cũng là nguồn cơn của nhiều bi kịch như chuyện ăn tiêu thả ga, hết tiền rồi... ăn lá ngón. Chính quyền huyện Sơn Tây giải quyết bài toán đó bằng những mô hình kinh tế. Cá được thả xuống lòng hồ thủy điện cho người dân đánh bắt, thanh niên được đi học nghề, tạo việc làm. Rượu cũng được kiểm soát từ những cam kết với hộ buôn bán...

“Dù còn lẻ tẻ vài vụ nhưng không đáng kể, bây giờ ý thức của người dân tốt hơn rất nhiều. Làm ra tiền, người dân cũng yêu mạng sống hơn” - ông Đinh Quang Ven, phó chủ tịch UBND huyện Sơn Tây, nói. Còn ở huyện Trà Bồng, sau cái chết của B. và N., ông Nguyễn Xuân Bắc, chủ tịch UBND huyện, đã nhanh chóng yêu cầu cán bộ, hội đoàn lập tức đến làng trò chuyện với người dân. Những câu chuyện kinh tế, nếp truyền thống, văn hóa cộng đồng dân tộc, lễ hội được nhắc đến để xua đi những ý nghĩ về cái chết còn phảng phất quanh làng. “Nhiều năm qua, chúng tôi ngăn chặn tốt tình trạng tự tử nhờ kịp thời về làng” - ông Bắc nói.■

Cả trăm vụ ăn lá ngón tự tử

Theo thống kê của UBND huyện Sơn Tây, trong ba năm 2015, 2016 và 2017 có hơn 100 vụ ăn lá ngón tự tử. Số người chết cũng gần tương tự. Những người may mắn được cứu sống bây giờ cũng ý thức hơn. Hỏi cặp vợ chồng trẻ Đ.V.T. và Đ.T.O. lý do tự tử cách đây một năm, hai vợ chồng vừa tròn 21 tuổi nói: “Hồi đó hai đứa túng thiếu quá, cha mẹ lại không hỗ trợ lấy đồng nào để sống, thế là nghĩ quẩn. Giờ mình có rẫy, có vườn cau rồi, không sợ đói nữa”.

Cây lá ngón là cây gì?

Cây lá ngón còn gọi cái tên khác là đoạn trường thảo (nghĩa là cây đứt ruột), mọc nhiều ở vùng núi nước ta. Cây lá ngón là một loại dây mọc leo, hoa có cánh màu vàng, mọc thành chùm ở đầu cành hay ở kẽ lá. Cây lá ngón gây chết người do các hợp chất hữu cơ alkaloid chứa trong toàn bộ cây, độc tính giảm dần theo thứ tự rễ, lá, hoa, quả và thân. Chỉ cần một lượng nhỏ chất này là đủ gây chết người.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận