Làm bạn với cây

TRÚC ANH 11/04/2022 17:05 GMT+7

TTCT - Còn gì tuyệt hơn khi biết cái cây trước ngõ ta vẫn thường lại qua và nói chuyện với nó trong đầu nay đã có email và luôn sẵn sàng hồi đáp những gì ta muốn nói?

 
 Một con đường trong công viên Fitzroy Gardens (Melbourne). Ảnh đăng trên Instagram của thành phố.

Khi được chính quyền thành phố kêu gọi hãy để mắt đến cây cối nơi mình sống một chút, người dân Melbourne không những vui vẻ hưởng ứng mà còn làm vượt quá mong đợi. Họ kết bạn với những cái cây và trò chuyện với chúng; không phải bằng cách vỗ về thân cây và nói lời thầm thì, mà là trút nỗi lòng vào những lá thư điện tử gửi cho chính những cái cây.

Đây là một email như thế: “Gửi Hồng Đàn. Năm qua tớ đã đạp xe ngang qua cậu mỗi ngày và tớ muốn cậu biết cậu đã khiến tớ vui thế nào. Bất kể thời tiết hay có gì xảy ra xung quanh, cậu luôn mạnh mẽ, tao nhã và xinh đẹp. Tớ viết để cho cậu biết thế thôi”.

Đây không phải trò đùa; sự thật là hơn 70.000 cây xanh ở thành phố lớn thứ hai của Úc đều có một địa chỉ email riêng, sẵn sàng đón nhận tâm tình của con người, và người ta cũng sẵn sàng mở lòng với chúng. Việc cấp thư điện tử cho cây nằm trong chiến lược sinh thái và rừng đô thị do chính quyền thành phố tiến hành từ năm 2012. Dự án này gồm một bản đồ rừng đô thị trực tuyến, thể hiện vị trí, tuổi, chi và tình trạng của 7 vạn cái cây làm nên mảng xanh của Melbourne. Mỗi cây được cấp mã số và có địa chỉ email riêng, người xem bản đồ muốn gửi thư chỉ việc click vào.

 
 Bản đồ cây xanh Melbourne. Ảnh chụp màn hình

Mục đích ban đầu của việc này là để công dân thông báo cho hội đồng thành phố biết khi thấy cây già yếu hay bị hư hại. Nhưng những người yêu mảng xanh lại sử dụng chúng với mục đích khác. Suốt 10 năm qua, hàng vạn lá thư điện tử đã được gửi cho những cái cây ở Melbourne; có người chỉ chào hỏi, có người gửi tặng bài thơ, có người cảm ơn cây vì đã mang bóng mát và niềm vui cho đời.

Khi dự án được truyền thông quốc tế đưa tin, những cái-cây-có-địa-chỉ-email ở Melbourne trở nên nổi tiếng và bắt đầu nhận được email gửi về từ khắp thế giới. “Ước gì tớ có thể đến chỗ cậu và kể cậu nghe về cây ở Đức, nhưng nước Úc lại quá xa. Hãy tránh xa lửa nhé” - một người ký tên Tina từ Đức viết.

 
Ảnh: ABC News

Hội đồng thành phố có thể đã không lãng mạn tới mức nghĩ rằng kế hoạch thuần về quản lý của họ lại có “kết quả ngoài dự đoán nhưng đầy tích cực” như vậy, song họ cũng đủ nhanh nhạy để tận dụng tình huống bất ngờ. Trước tình cảm nồng ấm mà công chúng dành cho những cái cây, đơn vị phụ trách bản đồ rừng đô thị không thể để xảy ra chuyện thư đi mà tin chẳng lại. Vì thế, họ phân công người đọc và hồi âm những email được gửi về. 

“Tôi thường trả lời email theo cùng cách mà chúng được gửi. Nếu họ kể chuyện cười về cây cối, tôi sẽ đáp lại bằng một mẩu truyện cười tương tự. Nhưng nếu họ thổ lộ chân thành hơn, tôi cũng sẽ cố gắng hồi âm chân thành” - Giuliana Leslie, chuyên viên dự án, nói trong một podcast.

Việc lập bản đồ trực tuyến cho cây ở Melbourne nằm trong chiến lược dài hơi và đầy tham vọng của thành phố: tăng độ che phủ của cây xanh trên diện tích đất công cộng từ 23% năm 2012 lên 40% vào năm 2040. Một phần quan trọng của nỗ lực này, bên cạnh giám sát và bảo vệ kỹ lưỡng mảng xanh hiện hữu, là trồng thêm khoảng 3.000 cây mới mỗi năm.

Tờ New York Times ngày 28-3 nhận định bên cạnh hiệu ứng lãng mạng “gửi mail cho cây”, dự án “làm bạn với cây” đã thực sự gặt hái được những kết quả tích cực, góp phần giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, sau gần 10 năm nhờ các dữ liệu thu thập được giúp ích cho việc đưa ra các quyết định liên quan. 

Bài viết dẫn lời Rohan Leppert, nghị viên hội đồng thành phố và là người phụ trách chính của dự án: “Chúng tôi quyết tâm duy trì dự án này lâu dài vì trồng cây để làm mát thành phố là cách hiệu quả nhất về chi phí mà chúng tôi có thể làm để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu”. Leppert lưu ý rằng một tán cây khỏe mạnh có thể giảm nhiệt độ thành phố từ 4 - 6OC. Sau bản đồ cây đô thị, thành phố sẽ sớm có bản đồ trực quan về đa dạng sinh học, không chỉ có cây xanh mà còn cả hoa, côn trùng và động vật đặc hữu.

Mô hình làm bạn với cây ở Melbourne đã gây được tiếng vang khắp nơi, và được người trong giới hưởng ứng. “Sẽ chẳng ích gì nếu trồng hàng triệu cây mà không kêu gọi được sự tham gia của cộng đồng trong việc duy trì sự hỗ trợ lâu dài cần thiết để việc trồng cây mang lại thành công. Nói về tương tác của cộng đồng với cây cối, những gì diễn ra ở Melbourne thật tuyệt vời” - Gillian Dick, thành viên phụ trách trồng rừng thuộc hội đồng thành phố Glasgow (Scotland), nói với New York Times.

Tại Glasgow, cách làm của dự án mà Dick chủ trì là tạo trang web và mở tài khoản Twitter để nghe những câu chuyện của cộng đồng về ý nghĩa của cây cối trong thành phố đối với họ, từ đó rút ra thông tin nền cho các chiến lược phát triển rừng. Theo Dick, nhờ vậy mà chính quyền mới nhận ra ai cũng có mong muốn thầm kín được chia sẻ cây cối có ý nghĩa với họ đến mức nào.

Có lẽ dự án ở Melbourne thành công cũng nhờ tình cờ đánh trúng vào khát khao được nói chuyện với cây đó. Còn gì tuyệt hơn khi biết cái cây trước ngõ ta vẫn thường lại qua và nói chuyện với nó trong đầu nay đã có email và luôn sẵn sàng hồi đáp những gì ta muốn nói?

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận