Mặt nạ trung thu

ĐỖ PHẤN 30/09/2015 21:09 GMT+7

TTCT - Người Việt từ xưa vốn không có văn hóa mặt nạ gắn liền với các nghi thức tế lễ, hội hè. Nhiều nhất chỉ có những hóa trang sơ sài thời kỳ văn hóa Đông Sơn với hình ảnh con người vẽ mặt, đội mũ lông chim nhảy múa bên trống đồng.

Tranh: Lê Thiết Cương
Tranh: Lê Thiết Cương

Đó là những dấu ấn duy nhất có từ hơn 2.000 năm trước. Và hầu như nó không còn được nhắc lại ở bất cứ giai đoạn lịch sử nào về sau. Khác hẳn với nước láng giềng Indonesia, trên đảo Bali có truyền thống làm mặt nạ cho các dịp lễ hội từ mấy nghìn năm trước vẫn duy trì đến tận hôm nay. Những mặt nạ Bali được đục chạm bằng gỗ nhẹ, sơn vẽ màu sặc sỡ hết sức phong phú về hình thức và được lưu truyền cho nhiều thế hệ sử dụng.

Người Việt hình như mới chỉ được tiếp xúc với mặt nạ từ khi nghệ thuật tuồng phát triển. Chưa thấy có kết luận cụ thể nào về niên đại xuất hiện nhưng có giả thiết cho rằng tuồng là môn nghệ thuật có từ thế kỷ 13.

Khi bại binh nhà Nguyên bị nhà Trần bắt sống sung vào cung làm con hát, họ mang lối hát “hí khúc” bản quán ra mua vui cho vua quan nhà Trần. Cách hóa trang khuôn mặt theo nhân vật tuồng có quy cách cẩn thận để ai xem cũng nhận ra. Đó là những mặt nạ có tính cách điệu rất cao, che giấu toàn bộ gương mặt thật của diễn viên.

Mặt nạ trung thu tuổi đời có lẽ cùng với trò chơi múa lân, múa sư tử chưa lâu lắm. Đó là thứ mặt nạ chế tạo thô sơ bằng giấy bồi sơn vẽ sặc sỡ có vải trùm kín sau đầu. Chỉ có hai nhân vật đàn ông và đàn bà. Tạo hình mũm mĩm, hài hước. Đàn ông râu quặp, lông mày cụp, mắt tròn ngơ ngẩn. Đàn bà gò má cao đỏ chót, mắt ti hí, môi dày ham hố.

Tất cả đều cười toe toét. Đám múa sư tử đeo vào cùng với trang phục lùng thùng, độn bụng tròn căng, thễu thện phe phẩy quạt giấy đi theo đoàn múa đúng nhịp trống phách. Trẻ con đứng xem có đứa cười tít mắt. Cũng có đứa sợ vãi.

Cho đến tận những năm 1990, chợ trung thu phố Hàng Mã (Hà Nội) vẫn thịnh hành chỉ một loại mặt nạ giấy bồi mà thôi. Ngoài mặt nạ hề múa sư tử có thêm mặt nạ các con vật và những nhân vật “Tây du ký”. Cũng chỉ Tôn Ngộ Không và Trư Bát Giới là đắt hàng. Đường Tam Tạng và Sa Tăng chỉ bày thêm cho đủ bốn thầy trò, trẻ con rất ít đứa mua.

Lũ trẻ con nhà nghèo vài đứa khéo tay có thể tự làm mặt nạ bằng cách nặn khuôn dương bản bằng đất sét, bồi lên đấy vài bốn lượt giấy báo bằng hồ bột sắn nấu nước vôi trong. Vẽ màu nước và quét dầu quang nón. Luồn dây là có thể đeo được ra phố tối hôm rằm. Những mặt nạ giấy bồi do công nghệ thô sơ nên chỉ trông vào tài vẽ mà thành nhân vật. Cái cốt giấy bên trong nhiều khi dùng chung cho cả mặt hề lẫn Tôn Ngộ Không.

Những mặt nạ giấy bồi hiền hậu, khôi hài dịp Tết Trung thu bắt đầu mai một kể từ khi ngành công nghiệp nhựa phát triển. Không phải ngành nhựa Việt Nam mà là nhựa bên Trung Quốc. 

Quãng cuối những năm 1990 người ta bắt đầu nhập về vô vàn mặt nạ nhựa Trung Quốc. Ngoài những con vật được làm hết sức chi tiết, ly kỳ còn có thêm người dơi, người nhện, siêu nhân. Dĩ nhiên không thể thiếu Tôn Ngộ Không và Trư Bát Giới là đặc sản của Trung Quốc.

Lại có thêm khá nhiều mặt nạ kinh dị, kỳ quái và bạo lực theo lối lễ hội hóa trang Halloween của Tây. Dịp Trung thu bây giờ buổi tối lên khu vực phố cổ Hàng Mã, Hàng Lược có thể bắt gặp ở đấy cả một “thế giới” mặt nạ. Không chỉ trẻ con mà rất nhiều thanh niên nghịch ngợm cũng chơi mặt nạ. Để hóa trang thành nhân vật nổi bật trên phố không còn dễ nữa khi công nghệ sản xuất mặt nạ đã tiến kịp với thế giới.

Người lớn tuổi Hà Nội dịp này ra đường hình như tất cả đều không có ý kiến gì. Nét mặt không ra cổ xúy cũng chẳng giống phê bình. Họ có chung gương mặt thờ ơ ấy thấm thoát đã gần 20 năm rồi thì phải?■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận