Phòng bệnh là việc phải làm cả năm

YÊN LAM 26/08/2017 02:08 GMT+7

TTCT - Chủng virút “đã lâu không gặp”, biến đổi khí hậu và cả sự phát triển của ngành hàng không... đều có thể xem là nguyên nhân của dịch sốt xuất huyết diễn biến phức tạp ở nhiều quốc gia mùa hè này.

2006-Prof. Frank Hadley Collins, Dir., Cntr. for Global Health and Infectious Diseases, Univ. of Notre Dame--This 2006 photograph depicted a female <i>Aedes aegypti</i> mosquito while she was in the process of acquiring a blood meal from her human host, who in this instance, was actually the biomedical photographer, James Gathany, here at the Centers for Disease Control.  You’ll note the feeding apparatus consisting of a sharp, orange-colored “fascicle”, which while not feeding, is covered in a soft, pliant sheath called the

 

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), có bốn chủng virút dengue đã được phát hiện là DEN-1, DEN-2, DEN-3, DEN-4.

Nhiều người cho rằng bị sốt xuất huyết một lần thì cả đời không bị nữa - điều này không thực sự chính xác bởi lẽ khi mắc sốt dengue/sốt xuất huyết do một trong bốn chủng này gây ra, người bệnh sẽ miễn dịch suốt đời với chủng đó, song vẫn có thể tiếp tục mắc bệnh từ ba chủng virút còn lại.

Lần sau nguy hiểm hơn

Điều không may hơn nữa là nếu mắc bệnh lần thứ hai trở đi, nguy cơ bệnh sẽ nặng hơn. Điều này có nghĩa bị sốt xuất huyết lần đầu (và khỏi bệnh) thì không phải là tin vui để có thể thở phào nhẹ nhõm, mà trái lại càng phải cẩn trọng hơn vì về lý thuyết, một người “phải bị” sốt xuất huyết bốn lần và nếu lỡ mắc từ lần thứ hai trở đi thì độ nguy hiểm sẽ cao hơn.

Chính đặc điểm này của bệnh sốt xuất huyết lý giải dịch bệnh đang bùng phát nhanh không chỉ ở Việt Nam, mà tại nhiều nước nhiệt đới và cận nhiệt đới khác.

Theo Bộ Y tế Sri Lanka, quốc gia này đã ghi nhận hơn 109.000 ca nhiễm sốt xuất huyết trong bảy tháng đầu năm nay - con số cao kỷ lục (gần gấp đôi tổng số ca ghi nhận được năm 2016), với hơn 300 người đã chết.

Các xét nghiệm lâm sàng cho thấy virút dengue chủng 2 là nguyên nhân chính của dịch bệnh ở Sri Lanka. Mặc dù cả bốn chủng virút DEN đều tồn tại cùng lúc ở Sri Lanka trong 30 năm qua, nhưng chủng DEN-2 rất hiếm khi được ghi nhận kể từ năm 2009, theo WHO.

Vì DEN-2 hiếm khi xuất hiện nên rất ít người ở Sri Lanka miễn dịch với chủng virút này, kể cả người từng bị sốt xuất huyết trước đó và điều này góp phần làm dịch bùng phát.

Ngoài ra, còn có những nguyên nhân khác như mưa lớn và các trận lũ lụt hồi đầu hè tạo môi trường lý tưởng cho ấu trùng muỗi sinh sôi nảy nở. Những đống rác sũng nước mưa không được dọn dẹp cũng chính là nguyên nhân dịch bệnh bùng phát ở Sri Lanka, theo WHO.

Tương tự, theo bản tin ngày 4-8 của WHO, tính đến ngày 11-7 đã có 623 ca sốt xuất huyết được ghi nhận ở Bờ Biển Ngà và 66% do DEN-2 gây ra. Bang miền nam Ấn Độ Kerala cũng ghi nhận hơn 11.000 ca nhiễm virút dengue từ tháng 5 đến cuối tháng 7.

Chính phủ phải theo dõi thời tiết

Theo trang thông tin về sốt xuất huyết của WHO, hiện chưa có điều trị đặc hiệu đối với bệnh sốt xuất huyết. Bệnh nhân chỉ có thể trông cậy vào chăm sóc y tế của bác sĩ, vốn có thể giúp giảm tỉ lệ tử vong từ hơn 20% xuống dưới 1%.

Một trong những lưu ý trong điều trị là phải duy trì được lượng dịch cơ thể (gồm nước và các ion thiết yếu) của bệnh nhân.

Hồi đầu năm 2016, Hãng Sanofi Pasteur (Pháp) được phép đăng ký và lưu hành văcxin ngừa sốt xuất huyết Dengvaxia dành cho người từ 9-45 tuổi sống trong các vùng có dịch ở một số nước.

WHO khuyến cáo các quốc gia chỉ nên cân nhắc dùng văcxin này ở nơi dịch bệnh thực sự có nguy cơ bùng phát cao. Ngoài Dengvaxia, một số chủng ngừa sốt xuất huyết khác vẫn đang được phát triển.

Trước mắt chỉ có thể phòng bệnh. Các lời khuyên như mắc màn khi ngủ, dọn dẹp ao tù nước đọng không bao giờ là thừa. Khi dịch sốt xuất huyết bùng phát với số ca tăng kỷ lục, Chính phủ Sri Lanka đã khởi động chiến dịch toàn quốc nhằm ngăn chặn dịch bệnh, thậm chí quyết định huy động cả lực lượng vũ trang hỗ trợ các hoạt động dọn dẹp những nơi tù đọng.

Hội Chữ thập đỏ Sri Lanka huy động được 300 tình nguyện viên dọn vệ sinh và kêu gọi được 6.000 người tình nguyện khác cho chiến dịch kéo dài sáu tháng nhằm nâng cao nhận thức của người dân về nguy cơ sốt xuất huyết.

Tuy nhiên, Reuters dẫn lời các chuyên gia cho biết Sri Lanka đã hành động quá trễ. Bài học kinh nghiệm là “các biện pháp ngăn ngừa dịch bùng phát phải được thực hiện xuyên suốt cả năm, chứ không đợi đến khi số ca bệnh tăng cao rồi mới làm”.

Faseeha Noordeen, giáo sư vi sinh vật học ĐH Peradeniya (Sri Lanka), cho rằng các chỉ dấu bệnh có thể bùng phát vốn đã rõ ràng, như cứ sau mỗi đợt mưa to thì số ca lây nhiễm tăng cao. Và đây là mấu chốt quan trọng để tiến hành các chiến dịch phòng bệnh kịp thời.

“Chính phủ nên theo dõi dự báo thời tiết để khi thấy sắp có mưa to thường xuyên thì đưa ra các biện pháp diệt trừ sốt xuất huyết ngay và duy trì suốt thời gian mưa” - Noordeen nói.

Khi muỗi... đi máy bay

WHO dẫn một nghiên cứu gần đây cho biết thế giới có đến 390 triệu người nhiễm virút dengue mỗi năm. Tổ chức này nhấn mạnh: bệnh sốt xuất huyết đã bắt đầu lây lan ra nhiều khu vực chưa từng có trước đó.

Theo nhiều nghiên cứu độc lập mới công bố gần đây, nguyên nhân là do biến đổi khí hậu và sự phát triển của phương tiện di chuyển đường hàng không.

Theo nghiên cứu đăng trên tạp chí PLOS Neglected Tropical Diseases ngày 3-8, hai nhà khoa học đến từ ĐH Bắc Kinh (Trung Quốc) và cộng sự từ ĐH Oxford (Anh) đã chỉ ra mối liên hệ chặt chẽ giữa du lịch bằng máy bay và sự lây lan của bệnh sốt xuất huyết trên khắp châu Á.

Virút dengue vốn chỉ gây bệnh ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Song quy luật này đã bị phá vỡ khi một đợt dịch sốt xuất huyết bùng phát ở Nhật Bản năm 2014.

Nhóm nghiên cứu này cũng cho rằng sốt xuất huyết ngày càng lan ra nhiều khu vực địa lý mới trong những năm gần đây.

Họ đã phân tích 2.202 chuỗi gen của virút dengue thu thập ở 20 quốc gia hoặc khu vực của châu Á suốt 59 năm (1956-2015) và tìm hiểu tương quan giữa sự lây lan dịch bệnh với các yếu tố kinh tế - xã hội, xu hướng di cư và du lịch hàng không/hàng hải.

Kết quả, họ nhận ra sự lây lan của ba chủng DEN-1, 2 và 3 liên quan đến việc di chuyển bằng máy bay nhiều hơn bất kỳ các yếu tố nào khác.

Báo cáo cho biết các trung tâm trung chuyển hàng không trong khu vực như Thái Lan và Ấn Độ là nguồn cơn của các đợt dịch sốt xuất huyết, trong khi Trung Quốc, Campuchia, Indonesia và Singapore “góp phần” lan truyền virút dengue sang các nước châu Á khác.

Theo nghiên cứu, sự lây lan đến từ cả việc người đã mắc virút dengue lẫn những con muỗi được “đi du lịch” bằng máy bay sang nước khác.

Khi nhiều người có virút sốt xuất huyết trong người di chuyển sang nước khác gặp môi trường thuận lợi, chủng virút sẽ bắt đầu lây lan ở khu vực đó.

Tương tự, muỗi vằn có thể theo các chuyến bay đi từ nước này sang nước khác và sinh sôi ở môi trường mới, gieo rắc dịch bệnh.

Nhóm nghiên cứu nhắc lại sự cố năm 1994 khi 8-20 con muỗi Anopheles gây sốt rét “nhập cảnh” nước Pháp từ một chuyến bay. Muỗi có thể sống sót trên những chuyến bay dài nếu chúng tìm được môi trường sống thích hợp để “ổn định chỗ ở”, chuyện “ăn uống” thì không phải lo vì đã có đầy hành khách!

Đã an cư và no bụng, muỗi sẽ bắt đầu “gầy dựng gia đình” và cuối cùng là truyền bệnh. Ngoài ra, biến đổi khí hậu cũng là nguyên nhân có thể khiến bệnh sốt xuất huyết bùng phát và lan truyền mạnh hơn, theo một nghiên cứu khác cũng đăng trên tạp chí PLOS Neglected Tropical Diseases ngày 19-7.

Theo nhóm nghiên cứu đến từ ĐH Notre Dame (Mỹ), khi biến đổi khí hậu tiếp tục tăng, tốc độ dịch bệnh do muỗi truyền như sốt xuất huyết và Zika sẽ tăng theo. Lũ lụt triền miên tạo môi trường sống cho muỗi cũng có thể xem là tác động gián tiếp của biến đổi khí hậu.

Tiến sĩ Alex Perkins, giáo sư khoa khoa học sinh học ĐH Notre Dame, cho biết các bệnh do muỗi gây ra có độ nhạy cảm nhất định với nhiệt độ, do đó “tốc độ lây lan sẽ nhanh hơn khi nhiệt độ tăng”.

Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy không chỉ số người có thể nhiễm bệnh sẽ tăng (vì Trái đất nóng lên), mà những người đó còn có thể nhiễm bệnh trong một khoảng thời gian ngắn hơn hiện nay - tiến sĩ Perkins nhấn mạnh - Đây là một vấn đề lớn vì sẽ gia tăng sức ép lên các hệ thống y tế”. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận