TTCT - “Sách cũ Sài Gòn đã đi sang con dốc bên kia của thời hoàng kim rồi!” - một ông chủ kinh doanh trên phố sách Trần Huy Liệu nói. Tuy nhiên, sách cũ vẫn đang sống lay lắt và đầy những câu chuyện thú vị, bất chấp máy đọc sách điện tử hay máy tính bảng đang dần thay thế trang giấy.

Phóng to
Ông Đạt, chủ trang Facebook “Sách cũ xưa và nay”, trong kho sách tại nhà - Ảnh: Duy Kỳ

Chỉ cần một buổi sáng dạo quanh những phố sách lớn như Trần Huy Liệu, Trần Nhân Tông, Nguyễn Thị Minh Khai, Bùi Hữu Nghĩa, bạn sẽ dễ dàng tìm được rất nhiều bản in sách cũ, những trang giấy vàng ố có từ thời cha mẹ ngày trước.

Tìm được sách hay nhờ duyên

Anh Huy, chủ cửa hàng sách cũ trên đường Điện Biên Phủ, vừa ngồi tỉ mẩn khâu từng trang của quyển sách bong trang, ố vàng, vừa kể: "Một ông khách là bạn cũ của cha tôi, khi nhìn thấy quyển Bảng lược đồ văn học của Thanh Lãng (NXB Trình Bầy, in 1967) đã mừng rỡ không tả nổi. Đó là quyển sách ông bị thất lạc từ rất lâu. Quyển sách đó không rẻ chút nào. Nhưng hạnh phúc của người đọc sách là đi tìm cái mình không có và tìm cả cái mình đã mất, dù cho quyển sách tìm được có nhàu nát, ố vàng. Mấy thứ như vậy chỉ có thể tìm ở cửa hàng sách cũ thôi!".

Chẳng ai đoán định nổi những phố sách cũ sôi động đến cỡ nào. Nó có một đời sống riêng. Ông Trần Thành Được, chủ nhà sách 752 trên đường Cách Mạng Tháng Tám (Q.Tân Bình), nhớ lại: "Một Việt kiều Mỹ về nước tìm bộ tiểu thuyết Quần đảo ngục tù do Ngọc Thứ Lang dịch, Trí Dũng xuất bản năm 1974. Tôi nói giá 400.000 đồng. Vị khách đưa hẳn cho tôi 1 triệu. Hóa ra đó là quyển sách ông ấy đã tìm suốt bốn năm trời không gặp".

Người trong làng sách và kẻ đi tìm sách hiểu rằng sách cũ chưa bao giờ rẻ mạt, chất đống hay bán tháo. Nó là một nguồn mạch khơi mở những câu chuyện của ngày xưa và gói cả những tri thức khó tìm thấy. Mới ngày hôm trước, bộ Thúy Kiều truyện tường chú (1973) ông Được vừa đưa lên kệ đã có người đến hỏi mua ngay lập tức.

Anh Duy Tuệ, chủ nhà sách ở phố sách Trần Huy Liệu, kể: "Năm 2000, cửa hàng sách của tôi còn nằm trên đường Ba Tháng Hai, gần nhà sách Phú Thọ. Một Việt kiều Mỹ ghé tiệm sách của tôi để tìm mua quyển Bạc Liêu xưa và nay của tác giả Huỳnh Minh. Quyển sách này ông ấy tìm hoài mà không mua được. Thông cảm với sự đau đáu của ông về quyển sách đó nên tôi đồng ý tách bộ sách tác giả này ra một cuốn riêng và bán cho ông ấy".

Phóng to
Bộ sách tiếng Hoa về đông y Phùng thị cẩm nang y thư hơn 100 tuổi, một trong những bộ sách y thuật mà ông Đạt tự hào khi được sở hữu vì giá trị trong nghề thuốc của nó - Ảnh: Duy Kỳ

Người bán sách cũ tìm được bản sách "ngon" hay không là nhờ la cà ở tiệm ve chai hoặc từ những người gom sách của gia đình. Sách cũ giống như cái duyên. Ông Huỳnh Văn Long, 60 tuổi, thường đi lang thang các hiệu sách cũ trên đường Cách Mạng Tháng Tám. "Gia tài" của ông giờ đã vài ngàn quyển. Ông kể: "Có lần tôi mua được quyển Hơn nửa đời hư của Vương Hồng Sển, ngồi giở lại mấy trang sách cũ này thấy nao lòng, thấy cả sự ngả màu ám lên từng con chữ".

Những độc giả cả trẻ lẫn già đi tìm sách trên các con đường, các ngả phố. Những người bán sách thì tìm cách tích trữ các "bí kíp" dành cho các "siêu độc giả" của mình. Trong ngôi nhà đầy sách của mình trên đường Hòa Hưng, ông Bàng Sĩ Nguyên (88 tuổi), một nhà thơ, họa sĩ, cho biết: "Cuốn hay thì giữ lại, quyển nào dở mang đi cho những người bán ve chai. Ngày trước tôi hay lang thang những tiệm sách cũ nằm trên đường Cách Mạng Tháng Tám. Bây giờ chân yếu đi không được thì có một, hai người hay mang sách đến tận nhà cho tôi. Một tháng tôi tiêu hết khoảng 3 triệu đồng tiền sách cũ".

Tuyệt bản trước làn sóng ebook

Bây giờ đọc sách dễ lắm. Ai có điện thoại, máy tính bảng, máy đọc sách, chỉ cần lên mạng chép vài trăm MB (megabyte) là được cả ngàn quyển sách. Giá tiền tính ra rẻ như cho không. Người trẻ ai cũng đọc ebook, vậy số phận sách cũ ra sao?

Phạm Quang Huy, sinh viên Đại học HUFLIT, nói một cách hùng hồn về sách cũ: "Như quyển Khảo về đồ sứ cổ Trung Hoa của cụ Vương Hồng Sển, bản in 2006 của NXB Phương Đông đã cố tình lược bỏ hai chương cuối cùng và một phụ lục tranh vẽ về đồ cổ. Hai chương ấy viết về gốm Bát Tràng và tổng lược về mỹ thuật Việt Nam. Bản in cũ do chính tác giả tự in năm 1971 có đầy đủ hai phần này". Có lẽ sự chu toàn về mặt tư liệu, tác phẩm cũng như những tri thức chưa bị mai một trong các bản in cũ đã kéo người đọc sách, đặc biệt là giới nghiên cứu, lại gần thế giới của sách cũ hơn bao giờ hết.

Huy nói: "Tôi đã lục tìm khắp các nhà sách lớn đến tiệm sách cũ, cuối cùng cũng có duyên tìm được cuốn sách mà mình yêu thích trong một tiệm sách cũ. Đó là cuốn Cú phạt đền của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Tựa này chỉ được NXB Kim Đồng xuất bản đúng một lần vào năm 1985. Đó là một cảm giác sung sướng khó tả".

Phóng to
Ông Trần Thành Được, chủ nhà sách 752 Cách Mạng Tháng Tám - Ảnh: Duy Kỳ

Tất cả những giá trị đó, người đọc ebook chưa chắc tìm được trên những dòng chữ trong thiết bị của mình. Về sách cũ mới, ông Được cất giọng buồn buồn: "Sách bây giờ tái bản nhiều, khi in lại thì bị cắt xén. Độc giả hồi xưa khi đọc sách xưa hay đối chiếu với những bản in tái bản. Họ thấy không còn đầy đủ nên không tin vào sách đã được in lại. Họ thấy mặc cảm với sách mới và phải đi tìm sách cũ".

Ông Đạt (tên thật là Vương Văn) đã tự "lấn sân" với ebook bằng cách lập trang Facebook bán sách cũ trên mạng. Hằng ngày, ông chủ tiệm sách cũ trên 50 tuổi này lựa từ trong hàng nghìn quyển sách chất trong nhà ra, chụp ảnh, đưa lên trang Facebook, với tên tựa, vài lời giới thiệu và năm xuất bản. Trang Facebook của ông chỉ vài tháng đã nhận được lời hỏi mua, đặt hàng và người mua sách ở Sài Gòn thường chạy thẳng đến nhà sách của ông để tìm quyển ưa thích. Ông chia sẻ: "Bán sách trên mạng được rộng hơn, có khi đến cả nước. Sách đọc có giá trị riêng của nó. Rất nhiều bạn trẻ tìm đến sách thật (trong đó rất nhiều người có thiết bị điện tử). Họ chia sẻ rất thích thú khi được cầm trên tay một quyển sách thật".

Với người đọc trẻ như Huy, sách cũ có giá trị riêng của nó. "Chừng nào còn người ham mê sách cũ thì sách cũ vẫn tồn tại dài lâu. Sách càng cũ càng quý, nhất là khi sách mới ra hàng loạt thì sách cũ sẽ trở nên khan hiếm dần, khó tìm và trở thành những tuyệt bản" - Huy giải thích.

Buổi sáng, tại một tiệm sách cũ trên đường Cách Mạng Tháng Tám, một giảng viên khoa tiếng Pháp Trường đại học KHXH&NV TP.HCM vừa lục tìm sách vừa kể: "Tôi đã đọc các tác phẩm của Erich Maria Remarque do dịch giả Mặc Đỗ dịch, như cuốn Mặt trận miền Tây vẫn yên tĩnh là cuốn sách một thời mê đắm của tôi. Sau này có bản dịch lại là Phía Tây không có gì lạ, tôi chẳng thích một tí nào!".

Cũng trong những buổi lang thang ấy, người viết dừng lại một nhà sách cũ trên đường Trần Hưng Đạo, hỏi quyển Hải ngoại kỷ sự của nhà sư Thích Đại Sán, in một lần duy nhất năm 1963. Người bán sách chạy vào cầm quyển sách ra… Quyển sách mà ông chú tôi lặn lội đi tìm 20 năm không gặp, giờ tôi đang cầm trên tay. Những trang giấy cũ gần như muốn mục, chen lẫn là những tờ photo do người chủ tiệm sách tìm kiếm và lắp vào cho đầy đủ những trang bị mất.

Sách cũ là lời thủ thỉ tâm tình của cả một đời sống về nghề nghiệp gắn với tri thức. Ebook sống kiểu ebook, sách cũ sống kiểu sách cũ. Trên đời này có mới ắt là sẽ có cũ kia mà!

Phóng to

Nhà thơ, họa sĩ Bàng Sĩ Nguyên làm bạn với sách tại ngôi nhà ông dùng làm xưởng vẽ - Ảnh: Duy Kỳ

“Người đọc sách bây giờ hiếm lắm. Với tôi, sách chính là bạn. Nó cứu mình. Sách là tri âm. Một họa sĩ đời Đường có nói: 1.000 năm có 1 tri âm.

Văn hóa đọc đang mất đi. Văn hóa đọc trông cậy vào mạng sẽ là một nguy cơ. Tôi khuyên các bạn trẻ hãy đọc sách. Nếu không có tri âm thì cứ tìm đến sách thủ thỉ với nó. Nó sẽ không bao giờ phản bội mình cả”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận