Tàu du lịch: Không còn là chuyện xa xỉ

HỮU NGHỊ 31/07/2019 18:07 GMT+7

TTCT - Trong tâm thế dân mê đi du lịch, dường như vẫn còn vài cách nhìn “sai sai” về hình thức chu du bằng tàu du lịch (cruise) cùng các hành khách của nó.

Quầy bar, nhà hàng và phố đi bộ trên một tàu du lịch. Ảnh: Hữu Nghị
Quầy bar, nhà hàng và phố đi bộ trên một tàu du lịch. Ảnh: Hữu Nghị

Cơ bản, nên gọi đó là tàu du lịch, chớ không phải “du thuyền” nghe rất “sang chảnh” - cũng như gọi là hạm trưởng, chớ đừng gọi thuyền trưởng với những chiến hạm to và rất to. Do thuyền có ý nghĩa là nhỏ, nên khi nghe rủ đi “du thuyền” thường nghĩ ngay tới những con thuyền be bé nên người ta cứ thắc mắc: “Có say sóng không?”.

Ở một thái cực khác thì từ “du thuyền” (yacht) lại thường chỉ những “biệt thự trên biển” công suất lớn của giới triệu - tỉ phú đôla, nên mặc nhiên hàm chứa ý nghĩa sang trọng, để rồi từ đó hình dung là khách du thuyền thảy đều giàu sộp.

Tàu mấy sao là sao?

Tất nhiên, có những tàu du lịch “chào đời” đã dành riêng cho dân “cành vàng lá ngọc” rồi, nhưng tàu du lịch cho giới bình dân vẫn đông hơn! Tàu du lịch được xếp hạng từ 1 đến 6 sao. Các hãng tàu, trong chiến lược kinh doanh, đều nhắm sẵn tới những phân khúc hành khách nhất định để đóng tàu tương ứng.

Thành ra, đọc tên hãng là biết ngay thứ hạng đội tàu. Tỉ như Hãng Seabourn Encore hay Silversea Cruises từ khi khai sanh đã được đăng ký 6 sao: phòng ốc đều là phòng suite có phòng khách, lan can riêng, thậm chí buồng tắm lát đá cẩm thạch, tàu tải trọng 40.000 tấn, dài hơn 200m, song số phòng chỉ là 298, nhận chỉ 596 khách, lại có đến 411 nhân viên.

Như chiếc Silver Muse, tỉ lệ nhân viên/khách là 0,7 mới bảo đảm được “sự hoàn hảo về mọi mặt” như lời quảng cáo. Nhưng dịch vụ “hoàn hảo” thì tiền cũng “hoàn hảo” theo. Tính ra, tiền tàu (bao gồm ăn ở) đầu người trên những con tàu 6 sao là khoảng 600-800 USD/ngày.

Những con tàu như Symphony of The Seas hay Mariners of The Seas của Hãng Royal Caribbean xếp hạng 4-5 sao, tùy theo mùa mà đón khách từ Singapore chạy loanh quanh qua Malaysia tới Thái Lan rồi về lại bến khởi hành, tiền tàu ++ (thuế, tip thu cuối chuyến…) khoảng 100 USD/ngày/người, dịch vụ cũng vừa phải hơn: số nhân viên là 1.186 người cho số khách là 3.114 người, tỉ lệ nhân viên/khách là 2,6.

Tất nhiên, không phải tất cả nhân viên đều làm phục vụ phòng, nhà hàng, sân chơi, hồ bơi, sân khấu, sòng bạc, quầy bar…, tức “hữu hình” trước mắt khách, mà còn những người trong đài chỉ huy, hầm máy, bếp, nhà kho, an ninh, phụ trách lên xuống tàu mỗi bến…

Song, tỉ lệ nhân viên/khách càng lớn cho thấy sự phục vụ càng chăm chút. Có những con tàu mà nhân viên làm phòng không chỉ dọn vệ sinh, thay ra giường, mà còn dành thì giờ để xếp cái khăn nhỏ thành một hình đẹp mắt rồi đặt trên đầu giường của khách.

Có những con tàu mà mỗi lần ra khỏi phòng, quay trở lại đều thấy drap giường phẳng phiu trở lại, dù khách chỉ rời phòng lên nhà hàng rồi xuống ngay. Nhân viên phục vụ trên tàu đa quốc tịch, song số đông vẫn là Philippines, Nam Á vì tiếng Anh tốt. Lâu lâu tôi cũng gặp vài nhân viên người Việt, thường là ở nhà hàng hay quầy bar, như một lần trên chuyến tàu Địa Trung Hải.

Với thời gian cùng sự mở cửa của đất nước và cố gắng ở từng cá nhân, các thanh niên này cũng tham gia vào cái nghề làm 6-8 tháng mới hết một vòng hợp đồng, song cũng có chút tiết kiệm tiền bạc và thu thập kinh nghiệm làm nghề cùng vốn sống “quốc tế”.

Làm quần quật ngày này sang ngày khác, ngày khách xuống tàu còn cực hơn ngày tàu chạy do phải thức đêm hôm trước đưa hành lý từ cửa mỗi phòng xuống tầng lối ra, tàu cập bến cho khách xuống, trưa đưa hành lý khách mới lên tàu…, rồi lại bắt đầu một vòng quay mới. Tất nhiên, cũng có bữa được nghỉ xoay tua, cũng xuống đất liền như ai, song thật họa hoằn.

Nhân viên phục vụ nhà hàng có lẽ phải đóng góp công phu nhiều nhất: mới phục vụ bữa buffet sáng, trưa đã thấy ở bữa trưa, chiều lại thấy trên các quầy ăn nhẹ trên boong… Ai phục vụ bữa tối ở nhà hàng dọn món càng phải công phu hơn, do trực tiếp ra vô phục vụ mỗi bàn gần chục lần từ kéo ghế, lấy thực đơn, đến dọn từng món, bao nhiêu món là bấy nhiêu lần bưng ra, bưng vô…

Và lần nào cũng “tự nhiên” cười nói với khách tươi như hoa: do trực tiếp tiếp xúc hơn nửa giờ mỗi bữa ăn nên khách sẽ nhớ mặt, nhớ tên mà chấm điểm trong phiếu nhận xét khi rời tàu; các nhân viên dọn phòng cũng được chấm điểm, song do thời gian tiếp xúc thoáng qua nên thường thì chấm trên kết quả làm phòng nhiều hơn. Gia hạn hợp đồng hay không tùy nơi kết quả chấm điểm.

Quyền được riêng tư

Riêng tư hay chung đụng ít hay nhiều là hai thái cực của sự hưởng thụ trên các tàu du lịch. Khách đi những tàu 6 sao như Silver Muse chỉ toàn phòng suite cùng lan can, tất nhiên không có những phòng phía trong tàu không nhìn ra biển, không phải “chia sẻ” hành lang chung trong tàu hoặc những tiếp xúc “ngoại ý”, từ ở nhà hàng buffet tới nhà hàng dọn món buổi tối…

Tuy nội quy đi tàu nêu rõ phải ăn mặc tươm tất ở nhà hàng dọn món, ăn nói từ tốn vừa phải, muốn mặc quần bơi, nô đùa mời lên nhà hàng buffet, song ở một vài khu vực địa lý vẫn gặp những khách cùng mâm 6 người mặc quần cộc và quen thói ồn ào, bỗ bã khi họ là số đông ở một góc nào đó của nhà hàng.

Có khách ngừa trước cảnh “như vỡ chợ” này bằng cách khi đóng tiền lần thứ nhì, và điền tên tuổi, thêm vào phần ghi chú: “Chúng tôi là dân nói tiếng này (hoặc tiếng kia), nên vui lòng thu xếp cho chúng tôi ngồi ở phòng ăn theo cùng ngôn ngữ”. Nói ít, hiểu nhiều: sẽ được xếp chỗ bàn ăn như ý, tránh những “va chạm giữa các nền văn minh” không mong muốn - một bữa còn được, chớ suốt hành trình có mà phát… “ban đỏ”!

Sự khác biệt “giữa các nền văn minh” này có khi được chính hãng tàu nghiên cứu để phục vụ cho sâu sát. Cũng tuyến Singapore - Thái Lan, song hãng này chọn đưa vào chương trình các buổi diễn văn nghệ mỗi tối một số tiết mục “đại chúng châu Á”, hãng kia lại vẫn trung thành với chương trình “phương Tây” do biết đội tàu của họ đón khách Âu - Mỹ nhiều hơn là Á.

Dấu vết Á hay Âu còn thể hiện cả nơi chai nước tương (xì dầu) trên bàn ăn những con tàu mang tên “X of The Seas” (với X là đủ kiểu tên hoa mỹ) chạy tuyến Singapore - Thái Lan. Cùng tuyến này, những con tàu có tên “Costa Y” lại không dọn xì dầu. Tất cả đều do sách lược kinh doanh của từng hãng. Có hãng tự tin sẽ thu hút được đông đảo khách từ nước hay châu lục mình ngay cả khi khai thác các tuyến ở Đông Nam Á.

Có hãng chọn “đại chúng hóa” trong thời buổi mà khách Á nay đã đông hơn trước, sao cho những khách - có khi lần đầu tiên ra khỏi phố huyện - không thấy bỡ ngỡ, trái lại còn “thung thướng” khi thấy chút bản sắc văn hóa nước mình được thể hiện trên sân khấu con tàu du lịch “quốc tế”, thêm một điểm cộng cho hãng tàu!

Cái tâm lý tìm kiếm đặc sản quê nhà vẫn mạnh mẽ nơi những tâm hồn còn chưa “mở cửa” nhiều, nhưng cũng dễ thương: nhiều nhà Việt Nam ở Mỹ, ở Úc, ở bốn phương trời, tại những thành phố có chợ Việt, đã quen nấu phở để dành ăn cả mấy tháng! Ở cấp độ tàu du lịch cũng có hãng vẫn “giữ gìn bản sắc dân tộc”: một hãng tàu Ý nhất định phục vụ mỗi tối thực đơn một vùng của nước Ý, dù chạy tuyến Đông Nam Á.

Có hãng như Carnival chạy tuyến từ Los Angeles (Mỹ) xuống Ensenada (Mexico) nổi tiếng với món tôm hùm, cũng là đặc sản của vùng biển đó. Sự chăm chút khách là một điểm cạnh tranh: có hãng khi làm thủ tục xuất vé, hỏi khách có ngày kỷ niệm nào trong chuyến đi không, rồi tùy kỷ niệm gì mà chiêu đãi: bó hoa, chai sâmbanh trong xô đá trên bàn ngủ trong phòng, ổ bánh sinh nhật ở nhà ăn…

Đi tàu du lịch để được gì?

Trước hết và cơ bản là không phải sáng sáng vác vali lên xe di chuyển sang một thành phố hay đất nước khác. Càng không phải “chạy” 600-700 dặm như những tour nội địa ở Mỹ, cứ hai ba tiếng dừng chân ở một thắng cảnh, xuống xe tham quan, ăn uống, rồi lại… chạy tiếp, cho tới 10h tối mới đến một khách sạn kiểu Hilton, có điều ở tuốt ngoại ô cho rẻ, leo lên cái giường “King Bed” hầm hố nhưng chưa kịp ngáy hết công suất đã bị gọi dậy bắt đầu một ngày chạy mới.

Thế nên, có anh bạn nói vui khi tôi hỏi cảm nhận về Mỹ sau chuyến du lịch “đi tour” đầu tiên: “Hóa ra nước Mỹ nó là chiếc xe hơi, ông ạ!”.

Tàu du lịch, trong khi đó, là một khách sạn, một resort biết đi, bởi vậy hợp nhất với những người già. Ban đêm khách ngủ, tàu chạy, sáng hôm sau đã tới một bến cảng mới, một thành phố khác, có khi là một đất nước khác. Ăn sáng xong, lững thững xuống tàu đón xe vô nội địa, dằn túi chục bạc uống cà phê, thưởng thức một món ngon, mua một vật lạ, cứ thế mà đi ngắm chỗ này chỗ khác.

Không thích đi chung thì tự túc đi. Thời buổi YouTube, mấy tuần trước khi khởi hành kiếm vài vlog du lịch chất lượng về các điểm đến mà “ngâm cứu” trước. Rồi cứ thế, sáng rời tàu, 5h chiều về tàu, chuẩn bị dùng bữa, coi hát, nhảy đầm, nghe nhạc, rồi xuống phòng ngủ, không phải khổ sở “không biết tối nay ăn ở đâu, chơi gì” hay “mệt quá, thôi đi ăn đi, tui ở lại phòng”…

Khi tất cả trong “lòng bàn chân” như thế, từ ăn uống, bơi lặn, tắm nắng, thậm chí nghi lễ tôn giáo định kỳ, cũng sẵn trên tàu, và khi các hãng cạnh tranh khiến chi phí ngày một thấp, nay đã xuất hiện những khách “thường trực” trên tàu du lịch.

Không ít dân châu Âu tuổi hưu trí, không dư dật gì, thay vì bán nhà ở thành phố tìm về nơi vắng vẻ ẩn dật thì đáp tàu từ Marseille sang tận Singapore, hành trình 30-40 ngày, đến nơi xuống thả bộ vài bữa, rồi đón chuyến khác, rong ruổi về xứ. Cơm nước, phòng ốc có người lo, chi phí không tới 50-60 USD/ngày/người, có khi rẻ mà sung sướng hơn là vô viện dưỡng lão hay ở nhà với mèo!■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận