Vaccine COVID-19: Cân đong nguy cơ

TƯỜNG ANH 21/03/2021 23:00 GMT+7

TTCT - Tiêm hay không tiêm vaccine COVID-19 đang là một câu hỏi không dễ trả lời lúc này. Cùng lúc với việc phân bổ và mua bán vaccine các loại trên khắp thế giới, hai luồng ý kiến đồng thời xuất hiện: ủng hộ và không ủng hộ tiêm vaccine. Vì sao?

Ngày 12-3, Reuters đưa tin Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) đã bắt đầu kiểm tra xem ba loại vaccine đã được EU phê duyệt có thể kích hoạt giảm tiểu cầu miễn dịch, dẫn đến xuất huyết nội hay không. 

Việc này diễn ra do có các báo cáo về những tác dụng phụ được quan sát thấy sau khi tiêm AstraZeneca, Pfizer/BioNTech, Moderna. EMA công bố quyết định này sau khi tại Áo và Đan Mạch có những ca tử vong do hình thành cục máu đông gây thuyên tắc phổi, sau khi các nạn nhân này tiêm AstraZeneca.

Ảnh: The Washington Post

 

Đây không phải là lần đầu vaccine COVID gây lo ngại. Trước đó, thế giới đã một phen giật mình khi Ruud Dobber, giám đốc điều hành cấp cao của hãng dược phẩm Anh - Thụy Điển AstraZeneca, nói thẳng rằng công ty của ông sẽ không chịu trách nhiệm về vaccine COVID-19 đang được phát triển.

Tác dụng phụ sau... 4 năm?

Cụ thể, nguyên văn lời Dobber: “Chúng tôi đơn giản không thể mạo hiểm... nếu sau 4 năm vaccine phát ra tác dụng phụ”. Theo ông, chính quyền một số nước đã sẵn sàng “tự mình gánh vác nguy cơ này, vì nó đáp ứng lợi ích quốc gia của họ”.

Dobber không liệt kê chính xác những quốc gia nào, ngoài Hoa Kỳ và Vương quốc Anh, đồng ý với các điều khoản của AstraZeneca, một trong những đơn vị đi đầu trong cuộc chạy đua chế tạo vaccine. 

Tổng cộng, hãng này đã cam kết cung cấp hơn 2 tỉ liều, giá cứng. Sau AstraZeneca, những gã khổng lồ dược phẩm toàn cầu khác - Pfizer, Sanofi và Johnson & Johnson - cũng tuyên bố không sẵn sàng chịu trách nhiệm cho vaccine mình chế tạo. 

Liên quan đến đề tài này, Reuters cũng nhắc ở Hoa Kỳ năm 2005 đã thông qua quy định loại trừ các khiếu nại pháp lý chống lại nhà sản xuất thuốc trong bối cảnh khủng hoảng sức khỏe cộng đồng, gọi tắt là đạo luật “PREP”, trong khi châu Âu chưa có quy định như vậy.

Tình hình quả là lưỡng nan. Nếu không tiêm vaccine, sẽ không thể nhanh chóng đánh bại đại dịch, và khả năng một cuộc phong tỏa mới các nền kinh tế là rất cao. 

“Việc AstraZeneca và nhiều công ty dược phẩm lớn đang gấp rút đưa vaccine COVID-19 ra thị trường và các chính phủ cấp quyền miễn trách nhiệm tư pháp cho họ nếu vaccine có tác dụng phụ cho thấy các nhà quản lý và chính phủ có rất ít niềm tin vào những loại thuốc này”, nhà phê bình Mỹ Tyler Durden nói trên blog Zerohedge.

Bất chấp các mối lo xuất hiện gần đây, hằng tuần trên trang web của WHO, danh sách các vaccine đang được phát triển liên tục được cập nhật với các ứng viên mới. 

Các công nghệ khác nhau được sử dụng trong quá trình phát triển và WHO có kế hoạch chi 18,1 tỉ đôla mua các loại vaccine khác nhau, “để mọi người đều có thể nhận được liều lượng cần thiết”.

 

Nhưng bất chấp sự phong phú của các ứng viên và nhiều cách tiếp cận, chỉ một số vaccine có khả năng về đích, nhiều loại sẽ bị loại bỏ ở giai đoạn nghiên cứu tiền lâm sàng và lâm sàng. 

Cùng với các loại thuốc tiêm thông thường, một số loại vaccine dùng trong mũi đang được phát triển (bao gồm ở Viện Y học thực nghiệm St. Petersburg, Nga). 

Đây là các loại vaccine được sử dụng dưới dạng xịt mũi, chủ yếu bảo vệ màng nhầy - “cửa ngõ” của nhiễm trùng, vì ngoài các globulin miễn dịch IgG, chúng còn kích thích sản xuất IgA, đóng vai trò quan trọng chống lại các tác nhân gây các bệnh đường hô hấp và đường ruột.

Trong quá khứ, đã có trường hợp tiêm chủng để lại hậu quả lâu dài, nguy hiểm. Svpressa.ru dẫn lời bác sĩ Thụy Điển Jan Forsberg cho biết một trong những loại vaccine viêm gan B từng gây ra bệnh đa xơ cứng sau đó đã bị cấm. 

Cũng đã có tiền lệ thất bại trong chủng ngừa cúm, gây ra hội chứng Guillain-Barré (suy giảm cảm giác) và chứng ngủ rũ (mất ngủ vào ban đêm và ngủ đột ngột vào ban ngày). 

Ngày nay, các chuyên gia tin rằng do áp lực về thời gian và do đặc điểm di truyền, một số người được tiêm vaccine COVID-19 mới có thể gặp phải các tác dụng phụ nghiêm trọng. Nhưng nếu tỉ lệ là 1:100.000 thì việc tiêm chủng được coi là thành công.

Rủi ro của một số vaccine đang lưu hành

Những rủi ro và tác dụng phụ của một số vaccine sau khi tiêm, tổng hợp từ các phương tiện truyền thông như DW (Đức), NY Times (Mỹ) và RIA Novosti (Nga) như sau:

Với BioNTech/Pfizer, trong các thử nghiệm lâm sàng, vaccine BNT162b2 không gây ra bất kỳ tác dụng phụ nghiêm trọng nào ở những người tham gia. Một phản ứng điển hình khi tiêm chủng như suy nhược và đau đầu ở bệnh nhân cao tuổi là rất hiếm và hầu hết là nhẹ. 

Tuy nhiên, kể từ khi bắt đầu được đưa vào sử dụng, vaccine có gây dị ứng nghiêm trọng ở một số ít bệnh nhân. Một người Mỹ và hai người Anh bị sốc phản vệ, kèm theo đỏ da và khó thở. Các cơ quan y tế của Anh đã cảnh báo những người bị dị ứng về nguy cơ với việc tiêm vaccine này.

Với Moderna, vaccine mRNA-1273 của hãng về thành phần rất giống với thuốc BioNTech/Pfizer. Trong quá trình thử nghiệm lâm sàng, những người tham gia thử nghiệm, theo nhà sản xuất và các cơ quan kiểm soát, dung nạp vaccine tốt. 

Phản ứng sau tiêm chủng nhẹ và tồn tại trong thời gian ngắn. Đồng thời, 9,7% số người được tiêm chủng mRNA-1273 cảm thấy yếu đi trong người.

Một số ít người tham gia nghiên cứu có phản ứng dị ứng với vaccine và trong một số trường hợp cá biệt, bị liệt dây thần kinh mặt. Tuy nhiên, người ta không biết liệu phản ứng này có liên quan trực tiếp đến việc tiêm chủng hay không.

Có một giả thiết cho rằng phản ứng phụ không phải do mRNA gây ra, mà là do một hạt nano lipid, đóng vai trò như chất vận chuyển các sinh vật gây bệnh để phân phối đến các tế bào và sau đó được bài tiết ra khỏi cơ thể.

Với AstraZeneca, trong quá trình thử nghiệm lâm sàng từng xảy ra sự cố: một trong những người tham gia bị viêm tủy sống sau khi được tiêm vaccine. 

Nghiên cứu bị gián đoạn cho đến khi một nhóm chuyên gia độc lập xác định rằng tình trạng viêm không liên quan đến vaccine. Sau đó, việc tiêm phòng bằng vaccine AstraZeneca gây ra các phản ứng điển hình ở bệnh nhân: đau tại chỗ tiêm, nhức đầu và đau cơ. 

Đến ngày 12-3, trên 10 quốc gia đã từ chối tiêm chủng hoặc hoãn tiêm vaccine AstraZeneca bị nghi ngờ gây phản ứng nặng cho bệnh nhân. Nước đình chỉ đầu tiên là Áo, nơi sau khi tiêm vaccine, một phụ nữ đã chết và một người khác bị thuyên tắc phổi - tắc mạch do máu đông. 

Sau đó đến lượt Đan Mạch, Na Uy, Iceland, Estonia, Lithuania, Luxembourg, Cyprus, Latvia, Ý. Ở châu Á, mới nhất có Thái Lan cũng tạm đình chỉ tiêm một lô hàng vaccine AstraZeneca sau khi nghe những thông tin lo ngại từ châu Âu.

Ảnh: Chemistry World

 

Vaccine Sputnik V được đăng ký tại Nga vào tháng 8-2020, trước giai đoạn thứ ba của thử nghiệm lâm sàng với hàng chục nghìn người. 

Sputnik V sử dụng hai adenovirus đã được sửa đổi, rAd26-S và rAd5-S. Ngày 2-1 vừa rồi, Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko thông báo: Với hơn 800.000 người đã được tiêm, chỉ ghi nhận những phản ứng thông thường sau tiêm chủng như đau đầu và sốt. 

Tại Argentina, theo các cơ quan y tế, các phản ứng tương tự với vaccine đã được phát hiện ở 317 trong số 32.000 người được tiêm.

Đến nay, theo DW, không có báo cáo nào về tác dụng phụ nghiêm trọng của vaccine Sputnik V. Tuy nhiên ở Nga, một số lượng đáng kể người dân vẫn nghi ngờ. 

Theo Reuters, một cuộc khảo sát với 3.040 bác sĩ và những người làm việc trong hệ thống chăm sóc sức khỏe cho thấy 52% “không muốn tiêm chủng do thiếu thông tin”. 

Tác giả Anna Remish thừa nhận trên RIA Novosti: “Ít nhất 20% dân Nga và 1/5 nhân viên y tế tin rằng “tiêm chủng là không an toàn”. 

Do đó, không có gì ngạc nhiên khi những tuần gần đây, một làn sóng lo sợ lớn đã dấy lên trên mạng xã hội và các phương tiện truyền thông Nga liên quan đến các vaccine đang được phát triển: chúng được gọi là “quả bom hẹn giờ”. 

Trên thực tế, nhân loại đang ở trong một tình huống mà hiệu quả của các loại thuốc khác nhau được thử nghiệm “tại chỗ” (nghĩa là trực tiếp trên bệnh nhân) - bởi không có cách nào khác. Đúng ra là vẫn chưa có cách nào khác!”, tác giả bài báo kết luận.

Phải quyết định ra sao?

Đến giờ, mỗi người phải tự cân nhắc tất cả rủi ro và lợi ích để quyết định cho mình: liệu khả năng bảo vệ bản thân và những người khác, trở lại cuộc sống bình thường có quan trọng hơn những rủi ro liên quan đến các loại vaccine mới và chưa được nghiên cứu đầy đủ?

Tất cả các tác dụng phụ được xác định cho đến nay chỉ là kết quả của những kiến thức thu thập được trong vài tháng. 

Tác dụng phụ lâu dài chỉ có thể hiểu được sau các nghiên cứu dài hạn đi kèm chiến dịch tiêm chủng ở nhiều quốc gia.

Giáo sư Christian Bogdan, giám đốc Viện vi sinh lâm sàng, miễn dịch và vệ sinh tại Bệnh viện Đại học Erlangen (Đức), trong khi thừa nhận vẫn còn rủi ro, cũng nói với DW: “Nếu khả năng tử vong do nhiễm virus corona ở một người cao tuổi là 20% và nguy cơ mắc các tác dụng phụ nghiêm trọng do tiêm chủng là 1:50.000 hoặc ít hơn thì tôi sẽ chấp nhận rủi ro đó”. 

Tuy nhiên, giáo sư Bogdan không khuyên trẻ em tiêm phòng vì nguy cơ tử vong do COVID-19 đối với chúng gần như bằng 0. Chuyên gia cũng khuyên không nên tiêm vaccine cho phụ nữ có thai và cho con bú. ■

Được biết, đến 5-3, vaccine AstraZeneca đang dẫn đầu thế giới về số nước đồng ý sử dụng (49, hiệu quả còn tranh cãi), tiếp đó là Sputnik V (45 nước ủng hộ, hiệu quả 92%), Pfizer (43 nước, 95%) và Moderna (19 nước, 94,5%). Ba loại vaccine của Trung Quốc là Sinopharm (18), Sinovac (16), CanSino (4). Cuối cùng là Johnson & Johnson được 4 nước chấp thuận. (Nguồn: TVC.ru và RBK.ru)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận