Cuộc trao đổi tù nhân lịch sử

TƯỜNG ANH 10/08/2024 13:18 GMT+7

TTCT - 24 tù nhân đang thụ án hoặc chờ xét xử ở 7 nước đã được Nga và phương Tây trao đổi tại Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ hôm 1-8, sự kiện trao đổi tù nhân Đông - Tây được coi là quy mô nhất kể từ khi Liên Xô tan rã.

Cuộc trao đổi tù nhân lịch sử- Ảnh 1.

Ông Putin đã ra tận cầu thang máy bay đón những tù nhân Nga được trao trả. Ảnh: BBC

Vụ trao đổi diễn ra sau nhiều năm đàm phán "lặng lẽ và phức tạp" (CNN) là đề tài nóng hàng đầu trên truyền thông Nga và phương Tây tuần qua. 

Theo Văn phòng tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, các tù nhân được chuyển đến Ankara bằng hai máy bay của Mỹ và một máy bay của mỗi nước Đức, Ba Lan, Slovenia, Na Uy, Nga và Belarus. 13 tù nhân phía Nga thả đã được đưa đến Đức và 3 tù nhân khác đến Mỹ. 

Thổ Nhĩ Kỳ, thành viên NATO, là một trong số ít quốc gia vẫn có dịch vụ hàng không thường xuyên đến và đi từ Nga, yếu tố khiến nước này được lựa chọn làm nơi trao đổi (ngoài mối liên hệ chặt chẽ của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan với Matxcơva).

Đổi ai lấy ai?

Trong danh sách tù nhân được trả về Nga có những nhân vật mà hoạt động không khác gì các phim tình báo:

(1) Vadim Krasikov bị kết án chung thân ở Đức vào tháng 12-2021 vì tội sát hại Zelimkhan Khangoshvili (chỉ huy quân sự ly khai người Chechnya) tại công viên Kleiner Tiergarten (Berlin) vào tháng 8-2019.

(2) Vadim Konoshchenko, bị dẫn độ từ Estonia về Hoa Kỳ, bị buộc tội lách lệnh trừng phạt, mua trái phép linh kiện điện tử cho tổ hợp quốc phòng Nga và gian lận tài chính.

(3) Vợ chồng Artyom và Anna Dultsev, bị giam giữ tại Ljubljana (Slovenia) từ tháng 12-2022 với tội danh gián điệp. Hai trẻ vị thành niên trong nhóm người cùng trở về Nga là con của họ.

(5) Roman Seleznev, bị tình báo Mỹ bắt ở Maldives vào năm 2014 và kết án 27 năm vì tội lừa đảo trên mạng gây thiệt hại 170 triệu USD.

(6) Mikhail Mikushin, bị Na Uy buộc tội gián điệp năm 2022.

(7) Nhà báo Nga - Tây Ban Nha Pavel Rubtsov (hay Pablo Gonzalez), bị bắt ở Ba Lan vì nghi hoạt động gián điệp nhưng chưa bị buộc tội chính thức.

(8) Vladislav Klyushin, bị buộc tội giao dịch nội gián chứng khoán và bắt giữ tại một sân bay ở Thụy Sĩ vào năm 2021 rồi dẫn độ về Hoa Kỳ. Chính quyền Mỹ tin rằng Klyushin, đối mặt án tù 50 năm ở Mỹ, có liên quan đến cuộc tấn công mạng vào máy chủ của Đảng Dân chủ.

Bí ẩn lớn nhất được cả truyền thông phương Tây và Nga đặt nhiều câu hỏi là việc Berlin thả sát thủ Krasikov. Tờ Frankfurter Allgemeine viết: "Các công tố viên Đức thất vọng với quyết định trả tự do cho Krasikov". 

The Wall Street Journal cho hay: "Krasikov là trung tâm của cuộc trao đổi, ông ta được yêu cầu trao trả trước nhất và (phương Tây) đòi đổi chỉ một mình ông ta lấy 10 người". 

Tại sao Vadim Krasikov quan trọng đến vậy? Theo Tass: "Krasikov là sĩ quan tình báo Nga, đã thanh toán tay khủng bố Chechnya nhưng là công dân Gruzia". Giám đốc Viện Nghiên cứu chính trị quốc tế Sergey Markov thì gọi Krasikov là "siêu điệp viên".

Trả lời phỏng vấn nhà báo Mỹ Tuckler Carlson gần đây, khi được hỏi về Krasikov, Tổng thống Nga Vladimir Putin từng nói: 

"Anh ấy đang ngồi tù ở một nước đồng minh của Hoa Kỳ, vì tình yêu nước, anh ấy đã tiêu diệt một tay băng đảng ở thủ đô một nước châu Âu. Trong các sự kiện ở Caucasus, các bạn có biết hắn đã làm gì không?" 

"Hắn đặt những người lính bị bắt của chúng tôi nằm xuống đường rồi lái xe cán qua đầu họ. Đây là loại người gì vậy, và có phải là con người không? Người yêu nước ấy đã loại bỏ hắn!".

Cuộc trao đổi tù nhân lịch sử- Ảnh 2.

Vadim Krasikov và ông Putin. Ảnh: AFP

Sau vụ trao trả, thư ký báo chí của ông Putin Dmitry Peskov nói cụ thể hơn hôm 2-8: "Krasikov là nhân viên của Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB), phục vụ ở đội Alpha. Điều thú vị là khi phục vụ ở Alpha, anh có làm việc với một số thành viên của lực lượng bảo vệ tổng thống".

"Đương nhiên hôm qua họ đã chào hỏi nhau khi gặp. Người Mỹ đã cố gắng gây ảnh hưởng đến anh. Họ tìm được cha của anh ở Nga và sắp xếp một cuộc điện thoại. Thế nhưng người cha, trái ngược với những mong đợi, đã nói với con trai rằng mọi việc anh làm là đúng!".

Về Mikhail Mikushin, cổng thông tin mmkolad.ru kể: Mikushin bị bắt khi đang làm việc cho Đại học Bắc Cực Tromso (Na Uy), đóng giả là giáo sư người Brazil José Assis Giammaria. 

Điều tra của The Insider tiết lộ: Mikushin sinh ở Yekaterinburg, tốt nghiệp Học viện Ngoại giao quân sự (VDA) của GRU (cơ quan tình báo nước ngoài của Bộ Quốc phòng Nga). 

VDA chuyên đào tạo sĩ quan GRU đi làm việc ở nước ngoài dưới vỏ bọc ngoại giao, có kiến thức ngoại ngữ (trong trường hợp Mikushin là tiếng Bồ Đào Nha). Mikushin bị lộ khi các nhà điều tra đào bới tài khoản điện tử ông sử dụng tại Đại học Tromso.

Truyền thông Nga lan truyền rộng rãi hình ảnh Tổng thống Putin, người được cho là "không bao giờ ra sân bay đón ai", đã tới tận chân cầu thang máy bay ở sân bay Vnukovo tối 1-8 để đón những người được trao trả. Bắt tay và ôm từng người, ông đặc biệt tặng hoa cho bà Anna Dultsev, người cùng chồng bị bắt giam tại Slovenia.

Về phía phương Tây, có bốn nhân vật được nhắc đến nhiều nhất trong cuộc trao đổi.

(1) Evan Gershkovich, nhà báo người Mỹ của tờ WSJ thường trú tại Nga, bị bắt vào tháng 3-2023 và bị kết án 16 năm tù vì tội gián điệp. Theo báo chí Nga, "Evan bị bắt quả tang với tiền mặt khi đang mua thông tin mật", cáo buộc mà ông và tờ WSJ phủ nhận. Vào thời điểm được thả, ông đã bị giam giữ tại Nga 17 tháng.

(2) Paul Whelan, người Mỹ, từng làm cảnh sát tại Chelsea, Michigan trước khi gia nhập thủy quân lục chiến Hoa Kỳ. Theo USA Today, Whelan bị thủy quân lục chiến sa thải vì định ăn cắp hơn 10.000 USD khi ở Iraq. Whelan bị bắt quả tang khi hoạt động gián điệp năm 2018 (ông nói mình bị gài bẫy) và bị kết án 16 năm tù. Vào thời điểm bị bắt, Whelan là người đứng đầu bộ phận an ninh toàn cầu của BorgWarner, công ty về giải pháp giao nhận có trụ sở ở Michigan.

(3) Alsu Kurmasheva, nhà báo người Mỹ gốc Nga làm việc cho Đài phát thanh châu Âu tự do. Có 2 quốc tịch Nga và Hoa Kỳ, Kurmasheva sống ở Prague và đến Nga vào tháng 5-2023 vì một việc gia đình khẩn cấp, rồi bị bắt trên đường trở về do không đăng ký hộ chiếu Hoa Kỳ với chính quyền Nga. Nếu bị kết tội, Kurmasheva phải đối mặt án tù 5 năm.

(4) Vladimir Kara-Murza, nhà báo sinh ở Nga, có quốc tịch Anh và thẻ xanh Mỹ. Kara-Murza bị giam giữ từ năm 2022 vì tội phát tán thông tin sai lệch về quân đội Nga. Năm 2023, Kara-Murza bị kết án 25 năm tù. Ngoài 4 công dân Hoa Kỳ trên, Nga cũng thả 5 công dân Đức và 7 công dân Nga.

Căn cứ hồ sơ đó, nhà khoa học chính trị Nga Sergey Markov tính toán: thoạt nhìn cuộc trao đổi có vẻ không cân xứng và phương Tây "được nhiều hơn": Nga trao 16 nhưng nhận về chỉ 10 người, trong đó hết hai là trẻ em và hai người bị phương Tây "bắt làm con tin vì những vấn đề khác", nhưng 6 người còn lại là "dân tình báo thực thụ".

Nhà báo Alsu Kurmasheva được các con chào đón ở sân bay. Ảnh: AFP

Nhà báo Alsu Kurmasheva được các con chào đón ở sân bay. Ảnh: AFP

Ông Markov so sánh những người phương Tây nhận về: Whelan là "một điệp viên lớn"; nhà báo của Gershkovich, "một người rất nổi tiếng, nhưng không phải dân tình báo"; công dân Đức Rico Krieger bị Belarus kết án tử hình hồi tháng 6-2024 với tội danh lính đánh thuê phá hoại; Oleg Orlov, người sáng lập tổ chức Tưởng niệm (để tưởng niệm nhà đối lập Alexei Navalny, chết trong trại giam ở Nga vào tháng 2-2024).

"Đây là những nhà hoạt động chính trị nhỏ theo các dự án của phương Tây, những người không là ai cả, mà Nga có thể vui vẻ cho đi, nên cuộc trao đổi này có lợi cho Nga nhiều hơn", ông Markov viết. Theo ông, Tổng thống Mỹ Joe Biden "đã nhượng bộ" vì "lợi ích chiến dịch tranh cử của Đảng Dân chủ".

Tất cả đều thắng?

Việc nguyên thủ ba nước Mỹ, Đức và Nga đều xuất hiện và phát biểu về sự kiện nói lên tầm vóc của cuộc trao đổi. Tại Mỹ, ông Biden đã gặp gỡ các tù nhân được trao trả ở Maryland. 

Ông gọi cuộc trao đổi là "đột phá ngoại giao" và nhấn mạnh trong số 16 người được Nga trao đổi, có "ba công dân Mỹ và một người Mỹ có thẻ xanh"; còn lại là 5 người Đức và 7 công dân Nga đang là tù nhân chính trị ở Nga, "những người bị giam giữ bất công trong nhiều năm, phải chịu đựng những đau khổ và bất an không thể tưởng tượng nổi. Hôm nay sự đau khổ của họ đã kết thúc".

CNN và CBS đồng thanh cho rằng "việc trả tự do [cho Gershkovitch và Whelan] sẽ là một phần di sản của Tổng thống Biden". Di sản này sẽ được chuyển giao cho người thừa kế của ông Biden, bà Kamala Harris.

Đón các tù nhân được trao trả tại sân bay Cologne-Bonn (Đức) tối 1-8, Thủ tướng Olaf Scholz nói đây là thành quả của việc Chính phủ Đức phối hợp chặt chẽ với Hoa Kỳ tìm giải pháp cho vấn đề tù nhân chính trị ở Nga. 

Trả lời dư luận về việc thả "sát thủ Krasikov", ông Scholz giải thích: "Không ai xem nhẹ quyết định này. Một kẻ giết người bị kết án tù chung thân được trục xuất chỉ sau vài năm tù. Lợi ích của nhà nước trong việc thi hành án tù được đong đếm so với tự do và nguy hiểm tính mạng của những người vô tội trong các nhà tù ở Nga, những người bị giam giữ oan uổng vì lý do chính trị".

Về phần mình, Tổng thống Nga Putin chúc mừng những tù nhân trở về quê hương, riêng với những người có liên quan trực tiếp đến việc quân sự, ông cảm ơn họ đã "trung thành với lời thề", cam kết "tổ quốc không một phút nào quên họ", và tuyên bố tất cả sẽ được đề cử giải thưởng nhà nước.

Quan trọng không kém, ông Peskov cho biết đàm phán về cuộc trao đổi phức tạp này đã được tiến hành giữa FSB và CIA. Cuộc trao đổi cho thấy kênh đối thoại của hai bên, dù thực tế đang là nước sôi lửa bỏng, vẫn hiện hữu. Nó cũng thể hiện khả năng đàm phán, giảm căng thẳng giữa phương Tây và Nga.■

Trợ lý An ninh quốc gia Hoa Kỳ Jake Sullivan cũng coi cuộc trao đổi là không cân xứng, nếu tính đến "việc trả tự do cho những người Mỹ vô tội để đổi lấy những tội phạm bị kết án hợp pháp, bao gồm cả tội giết người". Tờ USA Today nhận định: thả sát thủ Krasikov là nhượng bộ của Đức, trong khi tờ Moskovsky Komsomolets nói Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko chấp nhận thả tử tù Đức Krieger vì "hy vọng khôi phục quan hệ với phương Tây".

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận