“Cương lĩnh Crimea”: Phép thử của Ukraine

TƯỜNG ANH 04/09/2021 17:00 GMT+7

TTCT - Ngày 23-8, một ngày trước kỷ niệm 30 năm độc lập Ukraine, hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của “Cương lĩnh Crimea” đã khai mạc. Các phái đoàn từ 46 quốc gia và tổ chức quốc tế đến Kiev tham dự sự kiện có thể xem như một phép thử với Ukraine.

Phát biểu khai mạc, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố ngày 23-8 sẽ đi vào lịch sử Ukraine như ngày “bắt đầu đếm ngược thời gian cho đến giải phóng bán đảo Crimea”.

“Cương lĩnh Crimea” được ông Zelensky đề xuất thành lập vào tháng 9-2020 trong bài phát biểu tại kỳ họp thứ 75 của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc. 

Quân đội Nga hiện đang kiểm soát Crimea. Ảnh: eutoday

 

Theo Hãng thông tấn Ukraine Unian.net, diễn đàn này sẽ hoạt động ở bốn cấp độ: nguyên thủ quốc gia, bộ trưởng ngoại giao, quốc hội và giới chuyên gia. 

Mục tiêu chính của Kiev là thành lập một liên minh để “giải phóng Crimea, biển Đen và biển Azov khỏi sự chiếm đóng của Nga, cũng như khắc phục hậu quả tiêu cực của việc chiếm đóng”. 

Tuy nhiên, chỉ một nửa các nước hồi tháng 3-2014 từng ủng hộ nghị quyết của Ukraine lên án Nga sáp nhập Crimea tham gia “Cương lĩnh Crimea”. 

Điểm danh đồng minh

Dễ dàng nhận ra “Cương lĩnh Crimea” là một kiểu thuốc thử cho Kiev những ngày này. 

Càng nhiều đại biểu cấp cao tham dự, càng có lý do để nói rằng cộng đồng quốc tế không chỉ ủng hộ Ukraine, mà còn cả sáng kiến cụ thể của ông Zelensky nhằm đưa vấn đề Crimea trở lại chương trình nghị sự quốc tế và buộc Nga ngồi vào bàn thương lượng.

Theo Unian.net, có 9 tổng thống (các nước Latvia, Litva, Estonia, Ba Lan, Slovakia, Hungary, Moldova, Slovenia, Phần Lan), 4 thủ tướng (Gruzia, Romania, Croatia, Thụy Điển), 2 chủ tịch quốc hội (CH Czech và Thụy Sĩ), 13 ngoại trưởng, 2 bộ trưởng quốc phòng (Anh và Bồ Đào Nha) tham gia hội nghị. 

Mỹ cử Bộ trưởng Năng lượng Jennifer Granholm, trong khi đại diện Ủy hội châu Âu là Phó chủ tịch Valdis Dombrovskis, phụ trách các vấn đề thương mại và nền kinh tế của tương lai. 

NATO cử Phó tổng thư ký Mircea Geoana, ít được biết đến ở Ukraine. Các nước lớn ở châu Á, như Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Quốc, đều không tham dự.

Tóm lại, chỉ 13/46 nước cử người đại diện cao nhất. Trong số này, không có nguyên thủ quốc gia then chốt nào ở châu Âu hay châu Mỹ. 

Cũng không có Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, vốn được coi là một khách mời quan trọng. Ankara chỉ gửi ngoại trưởng. Đặc biệt, Thủ tướng Đức Angela Merkel, dù có mặt ở Kiev một ngày trước khai mạc, đã không nán lại dự “Cương lĩnh Crimea”.

Bà giải thích phái đoàn Đức do Bộ trưởng Kinh tế và năng lượng Peter Altmaier làm đại diện thay vì Ngoại trưởng Heiko Maas như dự kiến, vì ông Maas phải “giải quyết nhiều vấn đề Afghanistan phức tạp”. 

Những vấn đề bà Merkel thảo luận khi gặp ông Zelensky ở Kiev ngày 22-8 là hòa bình ở vùng Donbass và hệ thống đường ống dẫn khí “Dòng phương bắc 2” đang hoàn tất, chứ không có vấn đề Crimea. Tất cả là những tín hiệu rõ ràng về việc vấn đề Crimea ở đâu trong dòng quan tâm của Berlin.

Tương tự là tín hiệu từ Washington khi chỉ cử Bộ trưởng Năng lượng Granholm. Cựu cố vấn chính trị của Tổng thống Nga Vladimir Putin, ông Sergei Stankevich, nói sự tham gia của nguyên thủ Đức và Hoa Kỳ sẽ mang lại cho hội nghị thượng đỉnh “tính chất của một cuộc chiến địa chính trị”. 

Còn nếu để mọi việc ở cấp ngoại trưởng, thì “đây chỉ là một sáng kiến ngoại giao, một cuộc thảo luận giữa các nhà ngoại giao, và nói chung, người ta quyết định giải thích nó theo cách này”.

Thống kê thành phần tham dự, Strana.ua phân tích “Cương lĩnh Crimea”, với sự tham dự của các đại diện có chức vụ và vai trò khác nhau, giống một diễn đàn hơn là một hội nghị thượng đỉnh. 

Còn theo nhà khoa học chính trị Nga Natalia Eliseeva, Đức và Hoa Kỳ quyết định rằng từ quan điểm chính trị, việc tham gia hội nghị ở cấp cao nhất là không có lợi. 

“Họ hoàn toàn không quan tâm Crimea sáp nhập vào đâu. Vấn đề với họ là cơ hội để gây áp lực và các biện pháp trừng phạt, và họ đã sử dụng những cơ hội này vào thời của nó rồi. Tiếp theo là gì, họ không quan tâm”, bà Eliseeva nhấn mạnh trên báo Matxcơva Buổi Chiều ngày 23-8.

Không muốn chọc giận “gấu Nga”

Có vẻ nhiều nước lớn không muốn gây căng thẳng với Nga vì Ukraine. Thư ký báo chí tổng thống Nga Dmitry Peskov ngày 23-8 đã gọi “Cương lĩnh Crimea” là một hoạt động chống Nga. 

Trước đó, Ngoại trưởng Sergei Lavrov chỉ trích hội nghị này là nơi phương Tây “tiếp tục nuôi dưỡng tâm lý phát xít mới, phân biệt chủng tộc của Chính phủ Ukraine hiện đại”.

Đại diện Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết Nga sẽ “ghi nhận lập trường” của các nước tham gia diễn đàn và “đưa ra kết luận”. 

Còn Bogdan Bezpalok, chuyên gia hội đồng quan hệ đối ngoại trực thuộc tổng thống Nga, nói thẳng: “Châu Âu không muốn làm trầm trọng thêm quan hệ với Nga nên đã cử các chính khách cấp 2 - 3 tới dự hội nghị”, hạ thấp ý nghĩa của nó xuống thành một “chiến dịch PR”.

Từ phía Ukraine, Đài phát thanh Hoa Kỳ Svoboda.org dẫn lời bà Tamila Tasheva, phó đại diện của tổng thống Ukraine tại “Cộng hòa tự trị Crimea”, trả lời phỏng vấn tuần san Urkraine ZN.UA nói: “Nga đã sử dụng tất cả khả năng để nếu không làm gián đoạn hội nghị thượng đỉnh Kiev thì cũng hạ thấp đáng kể mức độ đại diện của các nước tham gia”. 

Trước đó, các chuyên gia, nhà khoa học chính trị và nghị sĩ Nga đã kêu gọi các đồng nghiệp nước ngoài không tham gia. Họ nhắc lại rằng năm 2014, người dân Crimea đã trưng cầu ý dân và đưa ra lựa chọn: ủng hộ việc thống nhất với Nga.

Vốn từ lâu khẳng định rằng vấn đề Crimea đã kết thúc và không thể là đề tài tranh luận quốc tế, ba ngày trước khi khai mạc hội nghị, Matxcơva công bố bổ sung thêm 30 nhân vật vào danh sách trừng phạt Ukraine, bao gồm các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng nước này.

TASS 23-8 trích đăng trả lời phỏng vấn Đài truyền hình “Ukraine” của Tổng thống Zelensky: “Nhiều lãnh đạo rất sợ, thậm chí tôi không muốn nói là ai. Các bạn đều biết tất cả các lãnh đạo ủng hộ Ukraine... đều đồng cảm. Chúng tôi đã mời tất cả các nguyên thủ đó đến “Cương lĩnh Ukraine”, nhưng họ không đến... Vì họ sợ, sợ nước Nga. Châu Âu sợ Nga, phải thừa nhận điều đó, và đó là chuyện bình thường”.

An ninh ở biển Đen

Nhận thức được bối cảnh không nhiều thuận lợi, ông Zelensky cho rằng thắng lợi của “Cương lĩnh Crimea” chỉ cần là nêu lên được vấn đề. Từ nay, Kiev sẽ liên tục gióng chuông để Crimea trở lại trên bàn nghị sự thế giới.

“Tuyên bố Crimea” được thông qua tại hội nghị chiều 23-8 lên án Nga “vi phạm nhân quyền, quân sự hóa Crimea... làm suy yếu an ninh khu vực biển Đen, cản trở tàu bè qua lại tự do qua eo biển Kerch để đến và đi từ biển Azov..., thay đổi cơ cấu nhân khẩu học ở Crimea”. 

Từ đó, các bên tham gia quyết định thành lập “Cương lĩnh Crimea quốc tế”, một tổ chức có tính cách tham vấn và phối hợp hành động nhằm chấm dứt hòa bình việc Nga chiếm đóng Crimea.

Tuyên bố chung khẳng định “sẵn sàng ủng hộ chính sách không công nhận việc sáp nhập Crimea”, nêu lên nhu cầu bảo đảm an ninh ở khu vực biển Azov - biển Đen, tự do hàng hải, và những biện pháp đặc biệt chống lại Nga. 

Tuyên bố bao gồm yêu cầu Nga “đảm bảo quyền tiếp cận đầy đủ và không bị cản trở đến Crimea” cho các đại diện của Phái bộ giám sát nhân quyền Liên Hiệp Quốc và Phái bộ giám sát đặc biệt OSCE ở Ukraine. 

Nga cũng được yêu cầu “đảm bảo rằng tất cả những người thuộc các cộng đồng dân tộc và tôn giáo trên bán đảo, bao gồm cả người Ukraine và Tatar Crimea, có cơ hội được hưởng đầy đủ các quyền của họ”.

Những hy vọng từ Kiev về việc “Cương lĩnh Crimea” sẽ làm tăng thêm các cấm vận chống Nga đã không thành hiện thực. 

Tuyên bố chung chỉ nói các bên tham gia hội nghị nhất trí cân nhắc đưa ra các biện pháp chính trị, ngoại giao, và hạn chế hơn nữa với Nga, “khi cần thiết và nếu các hành động của Nga yêu cầu”!

Phát biểu tại “Cương lĩnh Crimea” ở Kiev ngày 23-8, ông Zelensky thừa nhận “một mình Ukraine sẽ không thể lấy lại Crimea, do đó cần phải tận dụng tất cả các phương tiện, từ chính trị đến luật pháp, mà trước tiên là ngoại giao”. 

Tuy nhiên, mức độ quan tâm của các nước lớn với vấn đề Crimea cho thấy cuộc chiến của Kiev để giành lại bán đảo Crimea hứa hẹn còn trường kỳ và lắm chông gai. ■

Crimea được sáp nhập trở lại lãnh thổ Nga sau cuộc trưng cầu ý dân do Matxcơva tổ chức tháng 3-2014. Kết quả được Matxcơva công bố: 96,77% cử tri Crimea và 95,6% cử tri Sevastopol đồng ý tách bán đảo này khỏi Ukraine và sáp nhập trở lại Nga. Tuy nhiên, kết quả này không được nhiều nước trên thế giới công nhận. Nga cho rằng cư dân bán đảo đã bỏ phiếu hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế và tuyên bố vấn đề Crimea vĩnh viễn khép lại.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận