Dân chơi ipod “độ”:nhớ hoài những vòng xoay

XUÂN TÙNG 17/04/2022 17:05 GMT+7

TTCT - Trong thời đại của Spotify, vẫn còn có một cộng đồng miệt mài đi tìm những vòng đời mới cho thiết bị cũ - cụ thể là chiếc iPod, sản phẩm một thời đình đám của Apple - hòng làm sống lại một trải nghiệm nghe nhạc dung dị và không phiền hà như hình thức trực tuyến (streaming) thời thượng.

 
 Một chiếc iPod đã được "độ" do chủ nhân đăng trên Reddit.

iPod, sản phẩm máy nghe nhạc MP3 đầu tiên của Apple, được Steve Jobs giới thiệu vào tháng 10-2001 với slogan “1.000 bài hát gọn trong túi quần”. Đó là một thiết bị nhỏ cỡ quân bài với phím xoay cảm ứng (clickwheel), màn hình LCD đơn sắc và ổ cứng 5GB. Từ thế hệ đầu tiên của dòng iPod Classic ấy, trong chiều dài gần 20 năm, Apple lần lượt ra mắt các dòng iPod Mini, Nano, Shuffle và Touch.

Sản phẩm gần nhất (iPod Touch thế hệ 7, 2019) có thiết kế giống hệt một chiếc iPhone với camera, màn hình cảm ứng Retina, dung lượng 256GB, có kết nối WiFi và hỗ trợ cả công nghệ thực tại tăng cường (AR) thời thượng. Những thứ lấp lánh này không có ý nghĩa gì với cộng đồng “độ” iPod - những người săn lùng, sửa chữa và “lên đời” những chiếc máy cũ thuộc dòng Classic, trao cho chúng thêm công năng nhưng vẫn giữ những thứ họ cho là quan trọng nhất: thiết kế nhỏ gọn tinh tế, các thao tác cắm tai nghe có dây vào máy và xoay clickwheel để chọn bài hát, và hơn hết là trải nghiệm nghe nhạc offline, “nói không” với streaming.

Cũ mà hay

Cara Esten, nhạc sĩ người Mỹ, vốn là khách hàng lâu năm của các dịch vụ nghe nhạc streaming, cho đến một ngày tình cờ thấy chiếc iPod Classic thế hệ 5 (2005) với bộ nhớ chỉ 32GB tại quầy thanh lý đồ cũ. Nữ nhạc sĩ mang máy về và sau một thời gian ngắn đã không giấu nổi sự thích thú khi dùng một thiết bị cũ trong bối cảnh mới.

“Có những lúc tôi đang nghe dở một album [qua dịch vụ streaming] thì bị mất sóng khi tàu điện chạy qua hầm xuyên biển ở vịnh San Francisco, dẫn đến không nghe được nhạc nữa. Tôi nghĩ đấy chính là lý do khiến iPod thật hay ho. Dù chuyện gì xảy ra đi nữa, điện thoại có thể hỏng, Spotify có thể lỗi, nhưng nhạc của tôi vẫn sẵn sàng” - Esten giải thích với tạp chí Wired.

Chiếc máy nghe nhạc dù “cổ xưa” nhưng vẫn còn rất tuyệt vời. Esten chỉ “độ” thêm chút ít để việc nghe nhạc offline được tốt hơn: gắn thẻ nhớ, tăng dung lượng pin và thay một chiếc vỏ màu xanh nổi bật.

Mối quan tâm đến các đời iPod cũ dường như tăng mạnh trong thời kỳ dịch COVID-19, khi người ta khao khát đi tìm một giải pháp quen thuộc, bền bỉ và đáng tin cậy làm người bạn đồng hành những ngày chôn chân ở nhà. DankPods, một kênh YouTube chuyên về sửa chữa iPod đời cũ đi kèm những bình luận hài hước bằng chất giọng Úc đặc sệt, hiện có hơn 1,2 triệu người đăng ký theo dõi so với chỉ 1000 - 2000 trước đại dịch.

“Sau khi xem kênh này, tôi nhận ra thị trường [độ iPod] đang cực kỳ rộng mở. Tôi nghĩ thành công hiện tại của mình cũng ít nhiều nhờ vào kênh này” - Austin Lucas, nhà sáng lập cửa hàng sửa chữa iPod Elite Obsolete Electronics, cho biết. Là một trong những người đi đầu làn sóng “phục hưng” của iPod, cửa tiệm của Lucas đang hết sức ăn nên làm ra ở thời điểm hiện tại. 

Trả lời Wired, anh cho biết mình đã quan sát thấy thị trường tân trang iPod còn bỏ ngỏ từ những ngày còn làm sửa chữa điện thoại tại một thị trấn nhỏ ở Mỹ: “Một người mang máy iPod Classic đến sửa, nhưng đồng nghiệp tôi kêu ca rằng anh ta không muốn sờ vào thứ này. Tôi nhận ra rằng hàng trăm, thậm chí hàng nghìn người đang muốn sửa iPod mà không tìm được cách”.

Sau khi bỏ việc sửa điện thoại, Lucas ngay lập tức bắt tay vào việc thu mua iPod cũ và linh kiên rời từ khắp nơi để lắp ráp sản phẩm, trước khi phân phối đến khách hàng online trên toàn cầu. Theo Lucas, nhờ có lượng cầu tăng đột biến mà nguồn cung linh kiện iPod cũng đang dồi dào hơn bao giờ hết: Từ chỗ chỉ có pin và phụ kiện chính hãng Apple, người thợ sống tại Kansas này đã kiếm được vỏ ngoài đủ màu, thậm chí linh kiện để lắp thẻ nhớ SD cũng như ổ cứng thể rắn (SSD) vào iPod, giúp tăng bộ nhớ và loại bỏ chiếc ổ cứng truyền thống (HDD) cồng kềnh có sẵn.

Không ít fan của iPod cho rằng chất lượng âm thanh của iPod vẫn vượt trội, đặc biệt ở dòng iPod Classic 2005 sử dụng chip âm thanh Wolfson như của Esten. Ben Schultz, một “dân độ” tại Úc, thậm chí còn cho rằng chất lượng âm thanh của dòng máy này còn tốt hơn cả đĩa vinyl. “Tôi cá là bạn không thể tìm được một thiết bị chơi nhạc tốt hơn” - anh cả quyết.

 
 Ảnh: Sean Kirvin

“Trải nghiệm” và “sở hữu”

21 năm đã qua từ khi Apple tung ra iPod - thiết bị công nghệ được xem là mang tính cách mạng khi kết hợp sự tiện lợi của Sony Walkman với kho nhạc số khổng lồ của iTunes. iPod trao cho người dùng quyền kiểm soát lên thói quen nghe nhạc của chính mình, đồng thời khiến cho các trang tải lậu nhạc số như Napster dần lùi vào dĩ vãng. Ở thời kỳ hoàng kim từ năm 2007 - 2010, Apple bán “sương sương” trên 50 triệu iPod mỗi năm và sản phẩm của hãng chiếm đến 78% thị trường máy nghe nhạc cầm tay trên toàn thế giới.

Tuy nhiên, sự lên ngôi của iPhone - thiết bị tích hợp cả Internet, máy nghe nhạc và điện thoại trong cùng một thiết bị - vào cuối thập niên 2000 cũng đánh dấu thời kỳ suy tàn của đế chế iPod. Các dịch vụ streaming cũng dần vượt mặt thị trường bán đĩa vật lý và chợ nhạc trực tuyến. 

Các nghiên cứu thị trường cũng chỉ ra rằng thế hệ Gen Z và Millennials đang có xu hướng ngày một ưu tiên “trải nghiệm” thay vì “sở hữu”. Họ không mấy mặn mà đĩa CD hay file nhạc số lưu trong thiết bị; một danh sách các playlist trên Spotify, gọn nhẹ và ít tốn tiền, đã là quá đủ. iPod Touch 7, chiếc iPod duy nhất mà Apple còn bán, được thiết kế nhằm vào trải nghiệm nhạc streaming hơn là file MP3.

Thế nhưng, “trải nghiệm” luôn mang tính thoáng chốc - nhạc bạn yêu thích có thể bị gỡ khỏi Spotify bất cứ lúc nào, hoàn toàn ngoài tầm kiểm soát. Và không phải ai cũng thích điều ấy. Lúc này, những chiếc iPod dung dị lại một lần nữa có đất diễn.

“Tôi nghĩ iPod đã quay trở lại vì chiếc máy trước nay vẫn tốt như vậy. Cộng thêm với đó là sức mạnh của sự hoài niệm” - Wade Nixon, chủ sở hữu kênh DankPods, nói. Theo Nixon, hiện chơi trống chuyên nghiệp tại Úc, các mô hình dịch vụ trả trả phí (subscription service) để xem phim, nghe nhạc, đọc sách, chơi game mọc lên khắp nơi khiến cho việc có một thiết bị chứa đầy nội dung mà bạn thực sự sử hữu trở nên đáng quý. “Không ai có thể can thiệp vào những giai điệu trong chiếc iPod trong túi tôi” - anh quả quyết.

Tháng 3-2021, trong diễn đàn phụ r/LetsTalkMusic trên Reddit, một người mở thảo luận với chủ đề “Tại sao tôi thích sưu tập file nhạc hơn streaming?” và lý giải rằng mình yêu thích việc săn lùng, sắp xếp, phân loại, gắn thẻ (tag), thậm chí viết ghi chú vào từng file nhạc. Bài viết nhận được 196 bình luận, với các ý kiến đồng tình lẫn tranh luận rất rôm rả. Một ý kiến ủng hộ viết: “Tôi cũng thế. Tôi có cảm giác nhạc là “của tôi” và có thể lọc, sắp xếp, sao lưu các file nhạc... Chuyện gì sẽ xảy ra nếu Spotify biến mất hay các album không nghe được nữa? Thay vào đó, bộ sưu tập file MP3 của tôi sẽ theo tôi mấy chục năm”. Nhưng cũng có người tỉnh táo nhắc rằng muốn “sở hữu” nhạc theo lối cũ thì phải có thời gian, tiền bạc và công sức, trong khi với streaming thì chỉ việc trả tiền hằng tháng. 

Bất mãn với streaming

Không chỉ là một bảo vật mang màu hoài niệm, chiếc iPod tưởng chừng hết thời lại đang là tấm toan được nhiều người yêu nhạc dùng để vẽ sự bất mãn của mình với các dịch vụ streaming.

Ellie Huxtable, một người đam mê iPod “độ” ở Anh, cho biết cô bỏ dịch vụ streaming khi nhận ra mình đã lâu không nghe những album mình vốn rất thích. “Không phải vì tôi đã hết thích chúng, mà vì thuật toán [của ứng dụng streaming] đang điều khiển nội dung mà tôi nghe. Sự đa dạng các thể loại nhạc cũng giảm đi và sự thích thú khi nghe cũng giảm theo”.

Dù phải bỏ ra tới 340 USD, Huxtable cũng không nề hà; với chiếc iPod, trải nghiệm của cô dường như “thật” hơn. Cảm giác xoay và bấm trên clickwheel để tìm ra bài nhạc ưa thích “tuyệt vời hơn nhiều so với những cú lướt màn hình cảm ứng” - Huxtable chia sẻ với tạp chí VICE.

Hơn thế nữa, tiêu thụ nhạc không thông qua các dịch vụ streaming còn giúp nghệ sĩ không phải phụ thuộc vào mức trả “chết đói”, như 0,003 USD một lần nghe của Spotify. “Tôi nghĩ điều này cũng tốt cho các nghệ sĩ, vì tiền [mua nhạc] của tôi sẽ đi thẳng vào túi họ” - Huxtable nói.

Trong khi cộng đồng “độ” iPod cũ hoạt động sôi nổi thì lại có người làm cho máy nghe nhạc MP3 có thể... chạy Spotify. Với chiếc iPod đời 2004, YouTuber và lập trình viên Guy Dupont giữ nguyên “ngoại thất”, chỉ thay màn hình (đơn sắc sang màu), pin và toàn bộ phần cứng bên trong. Chiếc máy mới có bề ngoài như iPod cũ, song có thêm kết nối WiFi để nghe nhạc trực tuyến, Bluetooh để kết nối tai nghe không dây, cổng USB để sạc. Phần khó nhất là lập trình phần mềm để giữ tính năng điều khiển bằng clickwheel - điều khiến dân mê iPod nhung nhớ nhất.

 
 Guy Dupont và chiếc iPod 2004 đã được "cải tiến" để nghe nhạc streaming.


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận