TTCT - Hình ảnh chiếc module cháy nám đen cùng ba phi hành gia trở về Trái đất sau sứ mạng không gian Thần Châu 9 vào hạ tuần tháng 6-2012 đã được báo đài Trung Quốc ca tụng như một bước ngoặt nữa với tư cách cường quốc không gian thứ ba thế giới. Thế nhưng có mấy ai biết được phía sau những “thành tựu” không gian này là gì. Phóng to Một vệ tinh thời tiết lắp trong bệ phóng Trường Chinh tại bãi Tây Xương vào tháng 1-2012 - Ảnh: China-Defense-Mashup.com Một bài viết trên Foreign Policy (tháng 7 và 8-2012) cho biết năm 2011, Trung Quốc đã phóng 19 tên lửa lên quỹ đạo, đánh dấu lần đầu tiên họ nhỉnh hơn Mỹ (18 tên lửa). Đầu tư vào không gian đang là một trong những trọng tâm của Bắc Kinh. Ngoài ba trung tâm không gian Thái Nguyên ở phía bắc, Tây Xương phía tây nam và Tửu Tuyền ở tây bắc, Trung Quốc còn xây trung tâm không gian hiện đại bậc nhất Văn Xương ở Hải Nam (dự kiến khánh thành năm 2013 hoặc 2014), cùng thời điểm dự kiến ra đời hệ thống tên lửa đẩy thế hệ mới Trường Chinh 5. Một vài “gạch đầu hàng” Tân Hoa xã (11-3-2012) cho biết Trung Quốc đã đặt mục tiêu hoàn thành “100 tên lửa và 100 vệ tinh” trong năm năm từ 2011 đến 2015. Phải lên Mặt trăng bằng mọi giá cũng như thiết lập hệ thống vệ tinh quân sự dày đặc để tạo ra cái được gọi là “đội quân trên trời” (Thiên Quân), như viễn kiến của giới quân sự Bắc Kinh. Và để đạt được điều đó, ngoài việc phát huy nội lực, Trung Quốc tiếp tục mở rộng chiến dịch đánh cắp thông tin kỹ thuật không gian - ít nhất đó cũng là những gì được ghi trong báo cáo “Đánh giá các mối đe dọa” mà trung tướng Ronald L. Burgess Jr., giám đốc Cơ quan Tình báo quốc phòng Mỹ, tường trình trước Ủy ban quân vụ thượng viện ngày 16-2-2012. Thừa hưởng kinh nghiệm từ các hợp tác nghiên cứu không gian với Liên Xô trước đây, Trung Quốc đã có những tiến bộ nhất định. Do hạn chế trình độ nên để tiến xa và nhanh hơn, họ chẳng còn cách nào khác là đánh cắp! Cần biết là cho đến nay, dù đã có thể tự hào sở hữu Trường Chinh lẫn Thần Châu, nhưng Trung Quốc vẫn thất thủ trong việc sản xuất động cơ phản lực. Năm 2005, Mỹ từng phá một đường dây liên quan doanh nhân Hàn Quốc Ko Suen Moo, người được tình báo quân sự Trung Quốc móc nối để đánh cắp nguyên một động cơ F110-GE-129 dùng cho chiến đấu cơ F-16 với giá “hợp đồng” lên đến 4 triệu USD. Phải nói là Trung Quốc đã xây dựng và thiết kế hệ thống đường dây tình báo dày đặc cho các vụ trộm kỹ thuật không gian, trong đó phổ biến nhất là sử dụng lực lượng nội gián người Mỹ gốc Hoa hay gốc Á. Ngoài vụ kỹ sư Mỹ gốc Hoa Chung Đông Phiên bị bắt năm 2008 với tội danh làm điệp viên cho Trung Quốc trong hơn 30 năm (đánh cắp hàng trăm ngàn trang tài liệu), gần đây tiếp tục xảy ra nhiều vụ. Một trong những trường hợp điển hình là Hà Triều Huy, người Mỹ gốc Hoa sống ở Oakland (California). Tháng 5-2011, Hà mua hơn 300 bo mạch dùng cho công nghệ không gian tại Công ty Aeroflex (Colorado), một đơn hàng lớn đến mức không thể không bị nghi ngờ, nhất là với loại hàng đặc biệt vừa nói. Trước đó, đích thân đương sự cùng một đồng phạm Mexico đã đánh lô chip PROM đầu tiên về Trung Quốc bằng cách chuyển từ Mỹ qua Mexico City rồi sang Thượng Hải. Tháng 12-2011, Hà chuẩn bị xuất lô thứ hai gồm 200 chip SRAM (loại chuyên biệt cho công nghiệp hàng không, được thiết kế để “kháng” phóng xạ không gian, một kỹ thuật mà Trung Quốc vẫn còn chịu thua). Ngày 11-12, Hà lái xe đến cảng Long Beach, bên trong cốp xe là năm thùng giấy niêm phong kỹ, đề “sữa bột trẻ em” bằng tiếng Hoa. Tại cảng, Hà gặp hai người, trong đó có một nhân vật mang thông hành Trung Quốc, đang đứng trước một con tàu treo cờ Trung Quốc thuộc Công ty “Chấn Hoa cảng khẩu cơ giới”, chi nhánh của Tập đoàn Viễn thông nhà nước Trung Quốc, dự kiến nhổ neo ngày 15-12. Mọi việc có vẻ trót lọt thì xuất hiện những nhân viên FBI! Trước đó, một người Mỹ gốc Hoa tên Dương Liêm bị bắt về tội mua bán 300 chip PROM chuyên dụng cho vệ tinh (Dương lập một công ty “ma” tại Mỹ để mua hàng rồi bí mật tuồn qua Trung Quốc). Liên quan chip PROM còn có hai người Trung Quốc tên Hiến Hoành Vĩ và Lý Lễ. Hiến là chủ tịch Công ty kỹ thuật không gian Beijing Starcreates. Từ tháng 4-2009 đến ngày 1-9-2010, Hiến và Lý đã móc nối với một công ty tại Virginia với kế hoạch tuồn hàng ngàn chip PROM qua Trung Quốc. Còn nữa, đó là vụ Lưu Tư Tinh, người Mỹ gốc Hoa sống ở Deerfield (Illinois). Có bằng tiến sĩ cơ điện và làm việc cho Space & Navigation (chi nhánh của Tập đoàn viễn thông quân sự L-3 Communications), Lưu từng có chân trong nhóm kỹ sư chuyên nghiên cứu - chế tạo thiết bị định vị - dò đường chính xác cao. Tháng 11-2010, Lưu “du lịch” đến Trung Quốc. Khi đương sự trở về, FBI phát hiện trong máy tính Lưu có hàng trăm tài liệu liên quan các dự án quan trọng của Space & Navigation, và cả những hình ảnh cho thấy ông ta đang sôi nổi thuyết trình trước một “hội thảo khoa học” tại Thượng Hải do Bắc Kinh tổ chức. Chưa hết, cũng vào thời điểm đầu năm 2011 lại xảy ra vụ Ngụy Ngọc Phân, cư dân Belmont (Massachusetts) và ông chồng cũ Ngô Chấn Châu. Cáo trạng cho biết đôi Ngụy - Ngô đã lập công ty “ma” Chitron-US để làm bình phong cho Công ty Chitron Electronics có trụ sở tại Thâm Quyến, nhờ đó dễ dàng qua mặt hải quan Mỹ xuất hàng sang Trung Quốc. Các loại “hàng độc” mà Ngụy - Ngô đưa ra khỏi biên giới Mỹ trong khoảng 10 năm gồm linh kiện - thiết bị cho rađa quân sự, tên lửa và vệ tinh… Ngoài ra, còn vụ Quách Chí Đông (dân Macau) bị xử tháng 9-2010 tội bán kỹ thuật mã hóa dùng trong các lực lượng NATO, hoặc vụ cặp vợ chồng người Hoa sống ở Thành Đô tên Lý Tường và Lý Xuân Yến bị quy kết lập nhiều website, như Crack99.com, để bán phần mềm bẻ khóa, trong đó có cả phần mềm quân sự và kỹ thuật không gian. “Oan” này biết tỏ cùng ai! Không như nhiều năm trước, Trung Quốc thường chọn thái độ im lặng trước các vụ gián điệp lộ tẩy. Lối hành xử như vậy đã bắt đầu thay đổi. Có khi là sự phản bác thẳng thừng với giọng điệu “cả vú lấp miệng em” quen thuộc và có khi được thể hiện khéo léo gián tiếp bằng ngôn ngữ của trạng sư. Trong số báo 11-6-2010, tờ Global Times đã sắm vai luật sư biện hộ cho “vụ án oan” Ngô Chấn Châu. Bài báo viết rằng một người từng tốt nghiệp Harvard như Ngô, một nhân vật đáng kính như Ngô… bây giờ lại ngồi trong xà lim 6m2 của Mỹ và đối mặt bản án 20 năm với tội danh mà “ông ấy không thể tin lại xảy ra với mình”. Để tăng cường độ thảm thiết của sự việc, Global Times đã ghi lại một “lược sử” về cuộc đời nạn nhân. Theo đó, Ngô Chấn Châu sinh tại Giang Tây, có quá khứ tuổi thơ nhọc nhằn. Bố mẹ ly dị thời Cách mạng văn hóa rồi Ngô buộc phải rời cha, người bị đóng dấu là “thành phần trí thức”, và bị đưa đến các nông trại để được giáo dục, nơi “anh ấy buộc phải đội mũ giấy làm trò cười cho người khác”. Sau năm 1977, Ngô học xong trung học rồi vào đại học… Năm 1991, Ngô sang Mỹ học lịch sử Trung Hoa tại Harvard (thật ra thì bỏ ngang). Năm 1995, Ngô về nước lập Công ty Chitron Electronics. Sau một thập niên, Chitron trở thành một trong mười nhà phân phối điện tử hàng đầu, với doanh thu hằng năm khoảng 25 triệu USD... Qua cách thể hiện của Global Times, có thể thấy họ như muốn nói rằng một nhân vật như Ngô Chấn Châu lẽ nào lại đi làm cái chuyện ăn cắp và buôn lậu hàng cấm quân sự của Mỹ! Trong vài trường hợp khác, Trung Quốc thể hiện bằng giọng điệu phản kích trực tiếp và gay gắt hơn. Trong bài báo ngày 21-4-2012, Tân Hoa xã phản bác việc Mỹ buộc tội Trung Quốc tổ chức gián điệp để đánh cắp công nghệ không gian của Mỹ là “hoàn toàn vô căn cứ, vô trách nhiệm và chỉ gây bất lợi cho quan hệ song phương”. Quy kết như vậy có khác nào “trước hết là đánh giá thấp khả năng nghiên cứu thám hiểm không gian một cách độc lập của Trung Quốc”, có khác nào “Mỹ tự đánh giá thấp khả năng giữ bí mật của họ”, và Mỹ phải nhớ “một sự thật đơn giản rằng chỉ bằng vào việc nới lỏng xuất khẩu đối với Trung Quốc, đặc biệt các sản phẩm kỹ thuật cao, thì Mỹ mới có thể kiếm được một đống đôla cũng như giúp giảm thâm hụt mậu dịch (với Trung Quốc)”. Phóng to Sự ra đời của hệ thống tên lửa Đông Phong là một phần kết quả của sự chuyển giao công nghệ từ Mỹ thời chiến tranh lạnh - Ảnh: sinodefence.com Kỹ thuật không gian Trung Quốc không chỉ nhờ đóng góp của Liên Xô mà còn từ chính nước Mỹ. Trong giai đoạn cuối chiến tranh lạnh, khi Mỹ sử dụng Trung Quốc như đối trọng với Liên Xô, Washington đã hỗ trợ đáng kể cho Bắc Kinh nhiều kỹ thuật không gian. Richard Fisher, chuyên gia quân sự Trung Quốc thuộc Trung tâm Chiến lược và đánh giá quốc tế (IASC, Washington DC), từng thuật rằng (dẫn lại từ Asia Times 31-7-2009): “Ảnh hưởng của sự chuyển giao công nghệ (từ Mỹ cho Trung Quốc) là rất lớn. Năm 1999, một nhà khoa học Trung Quốc đã nói với nhà báo Ken Timmerman và tôi rằng dữ liệu (từ Mỹ) đã giúp họ hoàn thiện một motor kích hoạt vệ tinh mà sau này nó được ứng dụng cho tên lửa đạn đạo tầm trung Đông Phong 21 (DF-21). Trước khi có sự giúp đỡ này, dự án DF-21 chỉ toàn thất bại và sắp bị hủy”. Tags: Trung QuốcPhi hành giaThành tựu không gian
Để việc 'giải quyết thủ tục hành chính phi địa giới' đi vào thực chất Nguyễn Đức Lam (Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông IPS) 11/10/2024 1863 từ
Trung tâm phục vụ hành chính công: Vượt qua các thách thức của mô hình TS NGUYỄN SĨ DŨNG 10/10/2024 2062 từ
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Tự chủ đại học, Nhà nước đầu tư theo kết quả đầu ra NGUYÊN BẢO 12/10/2024 Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh, tự chủ đại học không có nghĩa là Nhà nước không đầu tư, mà là đầu tư theo các 'kết quả đầu ra'.
Trưởng Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM: Metro 1 chạy trong năm 2024 là mục tiêu phải làm được CHÂU TUẤN 12/10/2024 Tân Trưởng Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM khẳng định mục tiêu không thể thay đổi này trong cuộc trao đổi với Tuổi Trẻ Online.
Cao tốc TP.HCM - Mộc Bài: Đề xuất ngân sách trung ương bố trí 1.368 tỉ để giải phóng mặt bằng ĐỨC PHÚ 12/10/2024 Dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài có chiều dài khoảng 51km, đoạn qua TP.HCM gần 24,7km, đoạn qua tỉnh Tây Ninh hơn 26,3km.
Từ 3,5 điểm đến 9,5, nam sinh Sơn La chiến thắng bản thân khi bố mắc u não VŨ TUẤN 12/10/2024 Việt đi làm thuê, góp từng đồng chạy chữa cho bố và dành dụm để học cao đẳng. Một ngày nào đó Việt sẽ thực hiện ước mơ làm luật sư.