Đánh giá thầy

LÊ MINH TIẾN 22/09/2007 15:09 GMT+7

TTCT - Một trong những nét mới của giáo dục đại học ở nước ta trong thời gian sắp tới sẽ là việc sinh viên đánh giá thầy dạy của mình. Mới là vì lâu nay chỉ có sự đánh giá một chiều là thầy đánh giá trò. Chắc chắc cả nhà trường, thầy và trò sẽ có nhiều bỡ ngỡ. Do đó có lẽ cần phải có một số chuẩn bị.

- Cần làm cho thầy, trò và nhà trường hiểu rõ mục đích, cách thức đánh giá;

- Xác định nội dung đánh giá là những yếu tố thuộc khả năng sư phạm chứ không phải những yếu tố thuộc đời sống cá nhân của người thầy. Do đó những câu đánh giá như thầy/cô ấy khó tính, quê mùa... phải được xem là không phù hợp;

- Đánh giá là nhằm để hoàn thiện việc dạy và học nên phải hết sức công tâm và khách quan;

- Chuẩn bị thật kỹ lưỡng những nội dung cần đánh giá và cách lập các câu hỏi để đo lường các nội dung ấy. Không nên thiết kế những câu hỏi theo dạng “có - không” mà theo thang đo (từ 1-5 chẳng hạn) hoặc theo loại A, B, C, D để có thể đo lường ý kiến của người đánh giá chính xác hơn;

- Tôn trọng nguyên tắc nặc danh nhưng nên phân loại sức học của người học. Có thể những sinh viên học tốt sẽ có cách đánh giá hoàn toàn khác những sinh viên học kém hoặc lười học.

Dưới đây là một số nội dung đánh giá: (kém, khá, tốt, rất tốt)

1. Khả năng phương pháp luận

- Các phương pháp phù hợp với nội dung, truyền thông đa chiều trong lớp học

- Sử dụng nhiều hình thức khen thưởng (điểm hoặc phần thưởng khác) để kích thích người học

2. Khả năng quan hệ

- Tạo được bầu không khí vừa sôi động vừa qui củ trong lớp học

- Áp dụng nhiều phương pháp tạo quan hệ tùy theo từng người học

- Hỗ trợ mang tính cá nhân cho người học

- Kiểm soát được cảm xúc của bản thân

3. Khả năng sư phạm

- Thực hiện theo đề cương, nội dung đã đề ra

- Trình bày những mục tiêu cần đạt trong môn học

- Phương pháp truyền đạt nội dung môn học

- Cách đặt vấn đề thảo luận

- Khả năng khích lệ sự tham gia của người học

- Ngôn ngữ sử dụng khi giảng dạy

- Tạo sự tập trung thường xuyên nơi người học

- Tổng hợp các nội dung sau mỗi bài học

- Các tiêu chuẩn/cách thức đánh giá kết quả học tập

4. Khả năng tổ chức

- Quản lý thời gian và chương trình học

- Sửa bài tập đúng hẹn

- Tạo và duy trì kỷ luật trong lớp học

Những nội dung trên đây chỉ là tham khảo.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận