Để bình tâm trước "cơn lốc làm giàu"…

BẢO LINH THỰC HIỆN 31/03/2016 01:03 GMT+7

TTCT - LTS: Tham gia loạt câu chuyện cuộc sống “Ám ảnh giàu sang” (xem TTCT từ số ra ngày 14-2), TTCT mời bạn nghe ý kiến của một bạn trẻ cho rằng “tiền bạc vô cùng quan trọng” và đang tìm kiếm con đường hài hòa giữa “sở thích kiếm tiền lẫn sở thích xã hội” của mình.

Thân Ngọc Hà Duyên -Ảnh nhân vật cung cấp
Thân Ngọc Hà Duyên -Ảnh nhân vật cung cấp


Thân Ngọc Hà Duyên, sinh năm 1995, hiện là sinh viên chuyên ngành văn học. 18 tuổi, được gia đình sang nhượng một món bất động sản, bạn thực hiện chuyến phiêu lưu đầu tiên trong thế giới kinh doanh nhà đất vốn dành cho người lớn, khi nhận thấy tiềm năng sinh lời qua việc “mua đi bán lại”.

Tự nhận là người “thích làm giàu” và xem việc kiếm tiền như một “đam mê đồng thời là một thách thức” trong cuộc sống, Duyên thẳng thắn chia sẻ: “Với tôi, đồng tiền thật sự rất quan trọng”.

Những nhận thức đầu đời

Duyên bắt đầu được sử dụng tiền từ lúc nào?

- Tôi sinh ra trong gia đình cả bố lẫn mẹ đều kinh doanh. Từ nhỏ, nghe người lớn trò chuyện và thầm quan sát việc làm ăn ở nhà, ý niệm về tiền bạc đến với tôi rất tự nhiên.

4 tuổi, tôi đã được mẹ cho tiền tiêu vặt. Tôi dùng tiền để mua những thứ mình cần và cũng từ đó, tôi bắt đầu nghĩ tới việc tiết kiệm tiền để mua những thứ mình thích.

Có thể thấy bạn bắt đầu dùng tiền từ rất sớm và số tiền bạn được dùng, tuy có giới hạn, vẫn tương đối cao hơn bạn bè đồng trang lứa. Nhiều ý kiến cho rằng điều đó có thể gây nên tâm lý phung phí và ỷ lại? Nói rõ hơn thì người ta có thể bị “làm hư”.

- Ý kiến đó cũng không sai, khi người ta được nhận một nguồn tài trợ mà không hiểu giá trị. Tôi nhận tiền từ mẹ, cũng tự biết số tiền ấy là “quyền lợi”, nhưng bản thân tôi lúc ấy rất thích cảm giác có tiền, đề dành tiền và thấy nguồn tiền ngày càng phát triển - một cảm giác rất bản năng.

Nhưng tôi ngày càng hiểu rõ tầm quan trọng của đồng tiền và tôi muốn tiêu nó, hoặc tiết kiệm nó để tiêu, nhằm thỏa mãn “bản năng” này của mình.

Vậy từ lúc nào bạn hình thành ý thức về sự quan trọng của đồng tiền?

- Có lẽ một phần từ cách cha mẹ trao “quyền” quản lý tiền bạc cho tôi từ rất nhỏ. Tuy nhiên, điều này phần lớn hơn đến từ một câu chuyện gia đình khiến tôi nhớ mãi.

Lúc ông tôi phát bệnh, gia đình còn rất khốn khó. Vì thiếu tiền để bồi dưỡng, bác sĩ nói ông tôi mất do quá đói kém chứ chưa đến mức bệnh nặng. Câu chuyện cha kể khiến tôi ấn tượng đến tận hôm nay, chỉ để nhận ra một điều: tiền bạc tạo ra rất nhiều cơ hội trong thế giới này, kể cả cơ hội được đấu tranh và sống tiếp.

Sau đó, khi gia đình đủ đầy hơn, cha mẹ thường đưa tôi theo trong một số chuyến thiện nguyện tập thể và khuyến khích tôi đóng góp bằng khoản tiền để dành của mình, dù chỉ là những con số rất nhỏ. Cha thường nhấn mạnh: giúp đỡ được chừng nào cũng là đã cứu người ta được chừng ấy.

Dần dà, tôi càng thấy tiền bạc vô cùng quan trọng, không chỉ với mình mà cả với những người xung quanh, với cái cách vận hành của thế giới này.

Và bạn bắt đầu nghĩ đến việc kiếm tiền?

- Ý thức kiếm tiền đến với tôi tự nhiên như vậy. Từ nhỏ tôi đã muốn khoản “vốn” mình có hằng ngày, hằng tháng càng nhân lên. Rất bản năng, tôi nhìn thấy cơ hội kiếm tiền từ những nhu cầu nhỏ lẻ của mọi người.

Năm lớp 3 tôi tự làm vòng tay bán trong lớp, năm lớp 7 tôi in truyện online cung cấp cho bạn bè, năm cấp III tôi đem một vài hàng hóa cha mẹ kinh doanh vào trường tham khảo. Suốt thời gian đó, đến hè tôi còn tham gia vài công việc tay chân như bưng bê, phục vụ, phát tờ rơi... Cứ thế đến khi vào giảng đường, bên cạnh việc học, tôi bắt đầu kinh doanh.

Bạn dùng đồng tiền đó như thế nào?

- Có tiền, tôi lại tiếp tục xoay sang đầu tư chỗ này chỗ nọ một chút, nhỏ lẻ nhưng tăng dần. Ngoài ra, một phần tiền tôi dùng cho việc thiện nguyện. Chuyện tôi tham gia các tổ chức thiện nguyện không nhiều người biết và với tôi nó cũng không phải một hình thức xây dựng hình tượng.

Tôi làm vì tự thân tôi muốn chia sẻ và tôi thấy mình có khả năng tài chính để chia sẻ. Điều này dường như đến từ những chuyến thiện nguyện thời thơ ấu, như một thói quen, nhưng có lẽ trước hết vì tôi cũng đặc biệt thích cảm giác được đóng góp cho sự thay đổi một cách tốt hơn của những người xung quanh.

Tôi tự thấy mình không phải là dạng người cần sự xa xỉ, mà tôi dùng tiền đủ mức để bản thân đầy đủ, tiện nghi. Cái tôi say mê không phải là cảm giác tiêu tiền, mà là việc từ số tiền đó mà cung cấp những thứ người khác cần và nhận thấy dòng tiền ngày càng “sinh sôi”. Tôi dường như sống trong vòng quay đó.

“Khởi nghiệp là mơ ước của tôi”

Bạn nói rằng mình vừa muốn tiền bạc sinh sôi, vừa muốn dùng nó cho những hoạt động cộng đồng. Điều đó có mâu thuẫn không và đâu là mục tiêu quan trọng hơn với bạn?

- Tự thân tôi thấy đó đều là những việc chính đáng và không mâu thuẫn, vì nó lý giải cho cái gọi là đam mê thật sự trong tôi. Giống như từ nhỏ, tôi thấy mình vừa có bản năng kiếm tiền, vừa tự nhiên muốn hỗ trợ, giúp đỡ người khác.

Muốn hỗ trợ người ta, trước tiên mình phải vững về kinh tế cá nhân đã. Rồi trong sự hỗ trợ ấy, sẽ có những đối tượng mình đáp ứng được các nhu cầu của họ và tạo sinh lợi nhuận, cũng có những đối tượng cần đến lợi nhuận ấy để có thêm nhiều cơ hội sống tốt hơn.

Nói chung là khi nào tôi còn thấy việc kiếm tiền của mình chính đáng, khi ấy tôi vẫn thấy nó lẫn hoạt động thiện nguyện đều là sự đóng góp cho cộng đồng. Nhưng nói thế thì to tát quá, tôi đơn giản là vẫn đi tìm kiếm một con đường phù hợp cho sở thích kiếm tiền lẫn sở thích xã hội của mình.

Bạn cho rằng đam mê của bản thân là kiếm tiền? Vậy còn những đam mê khác vốn khó sinh ra tiền thì sao?

- Tôi say mê cảm giác chinh phục một đòi hỏi nào đó, để sinh ra lợi nhuận. Cảm giác kiếm được tiền khiến tôi thấy mình hữu ích và một phần nào đó thỏa mãn các nhu cầu tự nhiên lẫn bản tính của tôi. Tôi thừa nhận mình may mắn được sinh ra trong một điều kiện gia đình phù hợp cho tôi thực hiện đam mê và tự tôi thấy mình cũng tương đối có khả năng để phát triển đam mê.

Tôi tin mỗi người đều có những “sứ mệnh” riêng và những sự tìm kiếm riêng. Có người tìm kiếm tình yêu, có người muốn phát triển năng khiếu nghệ thuật, có người ưa khám phá thế giới, riêng tôi thì đó là sự ổn định về tài chính, trước mắt là vậy.

Quan trọng là phải tự xác định mình thật sự muốn gì, điều gì làm mình sống và sống hạnh phúc. Đam mê nào cũng chính đáng cả, cũng có cái gì đó mơ mộng. Nhưng muốn thực hiện đam mê thì mình phải đủ thực tế để tạo dựng những nguồn tài chính phục vụ cho nó. Đam mê không phải là ảo tưởng.

Vậy thì, tiền có làm bạn hạnh phúc?

- Chuyện kiếm ra tiền khiến tôi thỏa mãn, chứ vấn đề không phải ở đồng tiền. Còn hạnh phúc, tôi nghĩ nó sẽ đến từ cách mà tôi dùng đồng tiền đó vào những mục đích gì.

Tiền là phương tiện để tôi tạo ra những khoảnh khắc hạnh phúc, khi tôi thấy mình tự lập, khi tôi mua sắm được những thứ mình thích, khi tôi giúp đỡ được một người nào đó, khi tôi thấy mình có khả năng và thực hiện được khả năng.

Cho nên, khởi nghiệp là mơ ước và mục tiêu lớn sắp tới của tôi. Khởi nghiệp là tạo sinh những giá trị mới/hiện tượng mới để cải thiện chất lượng sống cộng đồng và từ đó xây dựng sự nghiệp của mình.

Với tôi, khái niệm khởi nghiệp không giới hạn trong khuôn khổ kinh doanh, nó cộng hưởng cả đam mê kinh doanh lẫn khuynh hướng xã hội của tôi. Có lẽ, thực hiện ước mơ cũng là một hành trình của hạnh phúc.

Dấn thân và thức tỉnh

...Vấn đề không phải là ta đổ lỗi cho đam mê kiếm tiền, mà việc ta phân biệt giữa đam mê thật sự với cái gọi là “cơn sốt ảo của các lời kêu gọi kiếm tiền”

 

Bạn có cảm thấy một số quan niệm về tiền bạc của mình sẽ khiến nhiều người nghĩ rằng bạn thực dụng?

- Có nhiều góc nhìn khác nhau về định nghĩa thực dụng và bản thân thực dụng vốn là từ thường mang nét nghĩa tiêu cực.

Tôi được biết cũng có một số người đánh giá tôi “ham tiền, hám lợi”, “đam mê vật chất”, “sống trên mây”, thậm chí “có vẻ là mang tham vọng... đa cấp”, vì từ năm 1 đại học, tôi đã bắt đầu tìm cách kiếm tiền và trải qua đủ loại công việc: từ bưng bê, phục vụ đến hợp tác kinh doanh, mua bán bất động sản nhỏ lẻ...

Hơn nữa, tôi còn đọc những cuốn self-help như bạn thấy đấy, đầy rẫy ngày nay (Cha giàu cha nghèo, Nghĩ giàu làm giàu, Dạy con làm giàu...) và tham gia những CLB ý tưởng kinh doanh, những khóa học “làm giàu”.

Lúc mới nghe đánh giá về mình, tôi hoang mang và buồn. Thời gian đầu dấn thân vào những khóa học, những buổi hội họp, những loại sách “truyền lửa” đó, tôi càng bối rối hơn và bị ám ảnh một thời gian dài. Những năm 18-19 tuổi, thú thực tôi luôn loay hoay trong nỗi băn khoăn về mục đích sống và giá trị của đồng tiền.

Bạn đã vượt qua điều đó như thế nào?

- Tôi thừa nhận khi bắt đầu ý thức về tiền bạc như một người trưởng thành và theo đuổi vô số những lời khuyên, những hô hào và các câu chuyện thành công lộng lẫy, tôi đã từng bị nó ám ảnh.

Cuối cùng, tôi nhận ra hai điều: những cuốn sách, những khóa học chỉ là một phương tiện truyền cảm hứng, nếu ta biết dùng nó đúng mực và gạn lọc. Còn ngoài ra, mọi thứ lạc quan và rực rỡ đều chỉ là ảo tưởng và dễ dàng đưa con người vào những “cái bẫy tư duy”, “cái bẫy tiền bạc”.

Hành trình thực hiện đam mê, kể cả đam mê kiếm tiền, đều đầy gian khổ lẫn cay đắng. Thật sự là vậy.

Mất một thời gian dài để tôi bình tâm trước “cơn lốc làm giàu” và tự vấn mình qua những câu hỏi như: mình là ai, mình muốn trở thành một người như thế nào, mục đích sống và đam mê của mình là gì?

Bạn có nghĩ đam mê kiếm tiền dễ khiến người ta sa vào con đường ảo tưởng, hoặc tôn sùng vật chất?

- Điều này tôi cũng hiểu, nhất là vì bản thân từng đứng trước những “cơn bão” như vậy. Nhưng tôi không hối hận, vì chính “cơn bão” đó cũng giúp tôi thức tỉnh để tìm lại chính mình và có thể nhận rõ con đường mình muốn theo đuổi.

Vì mọi đam mê đều gắn liền với chặng đường thực hiện nó và mục đích của nó. Một khi đã dốc sức và hiểu tận cùng đam mê đó thì sẽ không còn ảo tưởng.

Cho nên, vấn đề không phải là ta đổ lỗi cho đam mê kiếm tiền, mà việc ta phân biệt giữa đam mê thật sự với cái gọi là “cơn sốt ảo của các lời kêu gọi kiếm tiền”. Ai cũng chịu ít nhiều sự định hình của vật chất, nhất là trong thời đại này, tôi cũng vậy thôi. Điều quan trọng là ý thức về mục đích và giá trị thực của vật chất đó. Còn đã bị vật chất điều khiển thì đam mê nào cũng vậy, hoặc thậm chí không có đam mê.

Tôi vẫn tin là mỗi người cần phải trải nghiệm để hiểu và xác định đam mê thật sự của mình. Việc tôi dấn thân vào đủ loại hoạt động như vậy cũng là một hình thức trải nghiệm.■

 

 

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận