Đế chế máy tính cá nhân sắp lụi tàn?

VIỆT PHƯƠNG 20/08/2012 20:08 GMT+7

TTCT - Máy tính cá nhân - ông vua một thời - đang đối diện nguy cơ bị truất phế. Câu hỏi ở đây là: khi nào?

Những vòng đời của công nghệ, những năm gần đây ngắn ngủi tới mức ta chưa kịp tận dụng hết khả năng của một thiết bị thì đã có cái khác mới hơn, hiện đại hơn ra đời.

Microsoft giới thiệu bản demo của Surface - Ảnh: pcgameshardware.com

Không đâu xa, lấy ví dụ là Apple. Mỗi năm hãng này đều cho ra một thiết bị mới nâng cấp từ các phiên bản trước đó, khiến bao phen người hâm mộ Apple phải “cắn lưỡi” vì chưa dùng máy được bao lâu đã phải chứng kiến người khác ngất ngây với những tính năng vượt trội của máy mới.

Trên thị trường công nghệ nói chung, các mẫu máy mới được cải tiến xuất hiện với tốc độ còn nhanh hơn thế. Trong đó, máy tính bảng được coi là một trong những thiết bị nở rộ khủng khiếp nhất trong năm ngoái và vẫn tiếp tục trong năm nay. 

Người ta bắt đầu nghĩ đến chuyện triều đại máy tính cá nhân sắp đến hồi sụp đổ. Sự ra đời của iPad qua ba thế hệ đang làm rõ hơn những lo lắng đó.

Sự đào thải tất yếu

Sự nở rộ của máy tính bảng cho thấy công nghệ phát triển quá nhanh, đặc biệt là Internet và mạng không dây. Công nghệ điện toán đám mây đã giúp ích rất nhiều cho các thiết bị máy tính bảng vốn không cần dây nhợ lằng nhằng hay các cổng kết nối, khe cắm thẻ nhớ, những thứ sẽ làm tăng chi phí khi sản xuất thiết bị.

Giờ đây đi đâu cũng bắt gặp máy tính bảng. Riêng ở VN, người ta có thể thấy từ những loại máy tính bảng đắt tiền như iPad, Galaxy cho đến những loại rẻ tiền với giá chỉ 2-3 triệu đồng chạy Android.

Khi máy tính xách tay ra đời, người ta chưa nghĩ đến chuyện máy tính để bàn sẽ bị lấn át hay hạ bệ bởi giá thành của những chiếc laptop còn quá đắt đỏ. Đế chế máy tính để bàn cứ tồn tại như vậy qua nhiều năm, những mẫu mã sau ung dung sống với ưu điểm nhỏ gọn hơn, cấu hình cao hơn. 

Máy tính xách tay cũng ồ ạt ra những mẫu mới nhưng chưa thật sự đánh bật được máy tính để bàn bởi ít ra khi ấy, người ta quan niệm máy tính để bàn bao giờ cũng có cấu hình mạnh hơn máy tính xách tay.

Đến khi máy tính siêu di động và các dòng netbook giá rẻ, cấu hình thấp ra đời, người ta bắt đầu suy nghĩ. Đối với những người không có nhu cầu gì nhiều thì một chiếc netbook giá ngang ngửa máy tính để bàn có thể giúp ích rất nhiều đối với những công việc đơn giản như soạn văn bản, lướt web, kiểm tra thư điện tử. 

Vào thời điểm netbook ra đời và bắt đầu nở rộ cách đây bốn năm, người ta lo ngại netbook sẽ đánh bật máy tính xách tay hay khả quan hơn là hai thiết bị này sẽ mất dần ranh giới và hòa làm một.

Hiện tại không còn quan niệm về một chiếc netbook nữa. Thay vào đó là những chiếc máy tính xách tay giá rẻ hơn, cấu hình tốt hơn. Thời của máy tính xách tay đã đến thật sự. Với giá thành tương đương, không mấy ai màng đến máy tính để bàn nữa.

Nhưng công nghệ phát triển quá nhanh. Hai năm sau khi netbook xuất hiện, Apple tung ra iPad trong những hoài nghi về khả năng của chiếc máy tính bảng này. 

Người ta từng cười nhạo một chiếc máy tính bảng không có bàn phím và người dùng cảm thấy khó khăn trong việc gõ văn bản bằng bàn phím ảo. iPad và kể cả Macbook Air siêu mỏng của Apple bị chỉ trích khi thiếu rất nhiều các cổng kết nối cơ bản. 

iPad thì không có cổng USB hay khe cắm thẻ nhớ. Nào là ứng dụng cho iPad quá ít. Nào là Macbook Air không có ổ đĩa DVD…

Nhưng Apple đã liên tục cải tiến iPad, cho cấu hình mạnh hơn, kho ứng dụng cho thiết bị này cũng nhiều lên đến nỗi họ tự hào quảng cáo rằng bất cứ công việc gì cũng có một ứng dụng dành cho nó (câu quảng cáo tiếng Anh: “There’s an app for that”). 

Khả năng về một chiếc iPad có thể thay thế hoàn toàn máy tính xách tay được đặt ra. Google không thua kém, lập tức tạo ra hệ điều hành Android, vốn thoáng hơn và không độc quyền như Apple. Đây là ngòi nổ làm mở ra một thời kỳ mới cho máy tính bảng.

Năm 2011, giới công nghệ chứng kiến sự ra đời ồ ạt của các mẫu máy tính bảng chạy hệ điều hành Android đến từ các công ty điện tử - công nghệ trên thế giới. Số lượng các ứng dụng dành cho Android cũng nhiều lên. Các thiết bị chạy Android được đánh giá là thân thiện với người sử dụng hơn iPad vì có cổng kết nối USB và chạy được các nội dung flash.

Đến lúc này thì máy tính xách tay còn cảm thấy bị đe dọa chứ chưa nói gì đến các cỗ máy tính để bàn cồng kềnh và kém thú vị (ít ra là khả năng thao tác trên màn hình chạm quá thuận tiện và trực quan).

Máy tính bảng trở nên phổ biến

Đầu năm nay, dự án “Mỗi trẻ một máy tính” hay OLPC đã giới thiệu mẫu máy tính bảng XO 3.0 dành cho việc giáo dục ở các nước đang phát triển được công bố. 

Theo PC Mag, thế hệ máy tính xách tay mới nhất phục vụ dự án OLPC có giá 185 USD/chiếc. Còn chiếc máy tính bảng thế hệ mới của dự án này, có tấm pin năng lượng mặt trời, được dự đoán sẽ chỉ hơn 75 USD. Rõ ràng máy tính bảng có giá rẻ hơn.

Mặt khác, theo IT Pro Portal, những chiếc laptop của OLPC tuy rẻ nhưng chỉ giải quyết được một nửa vấn đề. Những đứa trẻ vẫn cần phải có ai dạy chúng cách sử dụng chiếc máy bởi nếu không biết dùng sẽ không tận dụng hết được những gì mà thiết bị đem lại cho chúng. 

Còn với máy tính bảng, người ta đã thử nghiệm bằng cách đưa cho những đứa trẻ dùng thử. Chúng đã được kích thích sự tò mò và dễ dàng thực hiện các thao tác cơ bản nhất trên màn hình chạm mà không cần ai chỉ. Rõ ràng máy tính bảng dễ sử dụng hơn.

Mới đây, một công ty của Trung Quốc đã thắng thầu cung cấp 900.000 máy tính bảng cho học sinh lớp 1 ở Thái Lan theo chương trình “Mỗi trẻ một máy tính bảng” của nước này. 

Theo Bangkok Post, mỗi chiếc máy tính bảng trị giá khoảng 81 USD. Học sinh có thể đem máy về nhà và sở hữu trong ba năm. Hiện Bộ Giáo dục Thái Lan đang đệ trình kế hoạch mua thêm 700.000 máy nữa cho học sinh lớp 7. Có thể thấy trong thời gian tới máy tính bảng sẽ trở nên phổ cập hơn đối với học sinh Thái Lan.

Máy tính bảng giờ đây có mặt khắp mọi nơi - Ảnh: samsung.com

PC ơi, đã xa rồi còn đâu!

Có nhiều suy đoán về tương lai của công nghệ. Khả năng thứ nhất cho rằng máy tính bảng sẽ soán ngôi máy tính cá nhân, kể cả máy tính xách tay. Khả năng này có thể thấy rõ ở chỗ những chiếc máy tính bảng giờ đây có cấu hình ngày càng cao và làm được nhiều việc hơn. 

Đơn cử là iPad. Thế hệ iPad thứ ba có khả năng quay phim HD, màn hình võng mạc (retina display) cho hình ảnh sắc nét và độ phân giải cao hơn cả tivi HD.

Đã có hàng trăm ngàn ứng dụng trên kho hàng trực tuyến dành cho iOS. Ngành kinh doanh ứng dụng di động đang làm ăn phát đạt, chứng tỏ người dùng ngày càng tin tưởng và phụ thuộc vào máy tính bảng hơn. 

Cấu hình của máy tính bảng sẽ không dừng lại ở những gì đang có hiện tại. Có lẽ cũng cần nhắc lại rằng iPad thế hệ mới có thể biên tập ảnh, thậm chí là nhạc và video.

Khả năng thứ hai là máy tính bảng và máy tính xách tay sẽ hòa làm một và không còn ranh giới. Điều này có thể thấy qua việc iPad và Macbook ngày càng có những điểm giống nhau trong hệ điều hành và các ứng dụng. 

Có thể kể ra như cách sắp xếp ứng dụng dàn trải trên màn hình, hệ thống thông báo (notification), ứng dụng tin nhắn tức thời iMessage... 

Đến lúc nào đó sẽ chỉ còn một thiết bị hợp nhất, không phải là máy tính bảng cũng chẳng phải là máy tính xách tay. Có thể sẽ có một tên gọi khác cho thiết bị mới này chăng?

Khả năng thứ ba là máy tính xách tay và máy tính bảng sẽ tồn tại song song hoặc sẽ có các thiết bị lai, vừa là máy tính bảng vừa có bàn phím rời đi kèm, như trường hợp của Surface (Microsoft) sắp ra mắt.

Dù khả năng nào xảy ra đi nữa thì sẽ chẳng mấy ai nhắc đến một chiếc máy tính để bàn to kềnh càng và tính di động kém trong thời buổi mà người ta ưa sự tiện dụng. Không chỉ máy tính bảng mà ngay những chiếc máy tính bảng giá rẻ cũng sẽ góp phần vào sự chết dần chết mòn của những chiếc máy tính để bàn.

Cũng như cách mà máy ảnh số đã loại máy ảnh dùng phim, hay những chiếc điện thoại, máy nghe nhạc đã loại bỏ máy chạy băng cassette và đĩa CD. 

Công nghệ phát triển quá nhanh, đến cả một thứ ảo như điện toán đám mây còn đánh bật được ổ đĩa CD, đĩa mềm và sắp tới có thể là ổ USB thì một thứ giờ đây được coi là cổ lỗ sĩ như máy tính để bàn sẽ ít có đất sống. Sự đào thải là điều tất yếu.

__________

Trong nhiều thập kỷ trước, nói đến máy tính là nói đến một liên minh không chính thức giữa Microsoft và Intel. Hầu hết máy tính (đặc biệt là tại VN) đều được thiết kế và lắp ráp dựa trên nền tảng phần cứng của Intel và hệ điều hành Windows của Microsoft. 

Giới chuyên môn vẫn gọi tắt thiết kế máy tính này bằng thuật ngữ “Wintel”. Với người dùng VN, máy tính đồng nghĩa với Wintel: bộ vi xử lý trung tâm của Intel và hệ điều hành của Microsoft!

Không hề thấy bóng dáng một máy tính thương hiệu Việt nào trong nhiều siêu thị hàng điện tử - Ảnh: T.T.D.

Công nghệ 13 con ốc của Việt Nam

Thực tế chiến lược phát triển của Intel theo hướng cung cấp giải pháp mở, cho phép doanh nghiệp khác tham gia quá trình chế tạo phần cứng máy tính.

Intel chỉ nắm chặt trong tay trái tim máy tính - bộ vi xử lý trung tâm, còn thiết bị ngoại vi không cần công nghệ cao (và tất nhiên khó có lợi nhuận cao) như bàn phím, con chuột, ổ đĩa cứng, bo mạch, màn hình... họ đều hỗ trợ công ty khác tham gia để giảm chi phí sản phẩm. 

Chiến lược này đã góp phần tạo ra ngành công nghiệp máy tính hết sức hoành tráng ở Đài Loan và sau này là Trung Quốc. Hàng ngàn doanh nghiệp tại hai nơi này đã đi từ con số 0 lên đến tầm cỡ quốc tế, có giá trị hàng tỉ USD trên thị trường chứng khoán.

Intel hỗ trợ mạnh mẽ các nhà sản xuất máy tính địa phương, tất nhiên với điều kiện phải sử dụng bộ vi xử lý của họ. Một thời gian dài tại VN, Intel đã chiếm giữ thị phần tuyệt đối, không nhà sản xuất nào dám mon men sử dụng bộ vi xử lý từ AMD (đối thủ lớn nhất của Intel). 

Những trợ giúp tài chính khổng lồ liên quan đến chi phí marketing, quảng cáo… cho các công ty lắp ráp máy tính địa phương đã đẩy lùi mọi cố gắng từ đối thủ của Intel. 

Đó là một chiến lược kinh doanh hết sức khôn ngoan, vì thực tế trong một thời gian dài, VN đã bảo hộ thị trường máy tính địa phương bằng các rào cản thương mại (đánh thuế máy tính nguyên chiếc cao hơn nhiều so với linh kiện) và phi thương mại (khuyến khích dùng ngân sách nhà nước cho máy tính nội địa). 

Thông qua các công ty lắp ráp máy tính VN, Intel đã đưa sản phẩm của mình chiếm nốt phân khúc thị trường cuối cùng.

Dự định tung máy tính bảng Surface ra thị trường vào tháng 10-2012 của Microsoft dù chưa biết có thể cạnh tranh nổi với iPad của Apple hay không nhưng cũng được dự đoán là cú hích mạnh mở rộng cánh cửa vào kỷ nguyên vẫn được gọi là hậu PC (máy tính để bàn). Apple và Samsung đã rất thành công trong thị trường máy tính bảng, nhưng sự tham gia của Microsoft có một ý nghĩa quyết định. Ông trùm phần mềm cho PC đã chuyển hướng cỗ máy khổng lồ của mình qua phục vụ những sản phẩm vẫn được coi là sẽ thay thế hoàn toàn máy tính để bàn trong một tương lai rất gần.

Như đã nói, Wintel là một nền tảng cơ bản cho máy tính để bàn, vậy lý do gì để các máy tính sản xuất tại VN vẫn có khả năng giành được đôi chút thị phần nội địa? 

Làm sao nhà sản xuất nhỏ lẻ, với đơn hàng vài ba trăm đơn vị sản phẩm, có thể cạnh tranh với những con khủng long như Dell, HP, Lenovo có số lượng máy bán ra lên đến hàng chục triệu sản phẩm hằng năm? 

Tất nhiên đơn hàng số lượng vài trăm chiếc sẽ đắt hơn hàng chục phần trăm so với đơn hàng số lượng hàng trăm ngàn, thậm chí hàng triệu chiếc. Và chắc chắn không thể nói gì đến thiết kế độc quyền, mẫu mã riêng... khi đơn hàng quá ít.

Một chuyên gia có kinh nghiệm trong ngành còn nói nửa đùa nửa thật rằng công nghệ lắp ráp máy tính tại VN là công nghệ 13 con ốc. 

Một cái tuôcnơvit siết bốn con ốc cho bo mạch chủ, ba con cho đĩa cứng, hai con cho ổ DVD, bốn con cho thùng máy, vậy là xong. Thậm chí có những cấu hình đơn giản đến mức chẳng cần siết nhiều ốc đến như vậy.

Nhiều nhà sản xuất máy tính VN vẫn sống được, vì hai nguyên nhân chính: một là tỉ lệ vi phạm bản quyền phần mềm rất cao tại VN, hầu hết máy tính chính hãng đều cài phần mềm có bản quyền nên chi phí này đội giá máy của họ lên; hai là những rào cản khác về chính sách làm máy tính chính hãng mất sức cạnh tranh ở một số phân khúc thị trường. 

Tuy nhiên, trong nhiều năm gần đây, các hãng máy tính nước ngoài bắt đầu đưa ra thị trường những sản phẩm không có phần mềm kèm theo, hoặc cài tạm phần mềm mã nguồn mở nào đó (ngầm hiểu rằng khách hàng sẽ chịu trách nhiệm về phần mềm cài lên máy sau khi mua). 

Điều này đã giúp các hãng máy tính nước ngoài giảm mạnh giá sản phẩm, đẩy lùi thị trường máy tính nội địa.

Chính sách thuế sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới cũng dỡ bỏ phần nào những rào cản khác, làm máy tính VN đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. 

Hậu quả đến khá nhanh: trong năm tài chính 2011, CMS - nhà sản xuất máy tính vẫn được coi là hàng đầu VN - đã thua lỗ nghiêm trọng. 

Trong con số thua lỗ lên đến 104 tỉ đồng vào năm tài chính 2011 của CMC (công ty mẹ của CMS) thì nguyên nhân chính là do phải bù lỗ vào lĩnh vực sản xuất máy tính của CMS (theo giải trình của CMC gửi Ủy ban Chứng khoán nhà nước ngày 25-6-2012).

Con số lỗ khổng lồ này đã đẩy thị giá cổ phiếu CMC (mã chứng khoán CMG) xuống hơn 4.000 đồng, ngang hai ly trà đá! Sau nhiều năm tự hào với vị trí số 2 trong các doanh nghiệp công nghệ thông tin VN, sự sa sút có thể nói là kinh hoàng này của CMC không chỉ gây thiệt hại lớn cho cổ đông, mà còn đặt ra những câu hỏi cho tương lai doanh nghiệp này và nhiều doanh nghiệp khác cùng ngành với họ.

Giấc mơ Thánh gióng

Ngành công nghệ thông tin VN nhiều lần nổi sóng vì những tuyên bố đầy tham vọng, nào là sẽ đánh bại Google, nào là xuất khẩu máy tính giá rẻ đi khắp năm châu, chương trình máy tính giá rẻ cho toàn dân… 

Chẳng ai đánh thuế giấc mơ, nhưng điều đáng nói là đằng sau những mơ ước ấy không hiếm những doanh nhân bổ sung một nguyện vọng nho nhỏ, kiểu “xin Nhà nước hãy hết lòng hỗ trợ chúng tôi”, “hãy đánh thuế cái này cao cao và lâu lâu”, “hãy cấm cái kia thêm tí nữa, để chúng tôi còn kịp phát triển”.

Nói cho cùng thì cái gì cũng có một cái giá phải trả, những bảo hộ dù về danh nghĩa là của Nhà nước thì cuối cùng cũng có ai đó phải chi trả.

Trong thị trường máy tính VN thì đối tượng phải gánh chịu điều này chủ yếu là các doanh nghiệp có dự án dùng máy tính VN, còn đằng sau các dự án là ai khác ngoài người đóng thuế?

Bảo hộ của Nhà nước đã là bình oxy nuôi sống nhiều ngành công nghiệp nội địa, trong đó có máy tính VN. Nhưng rất ít, nếu không muốn nói là hầu hết doanh nghiệp đều chẳng tận dụng được cơ hội ấy để tự đưa mình lên “tầm cao mới”. 

Bao nhiêu năm bảo hộ mà ngành công nghiệp ôtô vẫn leo lắt như ngọn đèn trước gió, ngành lắp ráp máy tính và thiết bị điện tử hấp hối dưới cái chăn bán thuê hàng OEM (nguồn gốc nước ngoài, dán nhãn VN). 

Và chỉ cần một bước ngoặt trong công nghệ, như iPad ra đời, cũng đẩy bao nhiêu doanh nghiệp máy tính vào thế cùng quẫn. iPad chẳng có con ốc nào cả, và mọi thứ chạy trên nó có thể lấy từ những “đám mây”.

Thị trường máy tính để bàn (PC) đang ngày càng thu hẹp, hiện PC chỉ còn được mua sắm khi doanh nghiệp không muốn nhân viên cầm tài sản cố định của mình đi lung tung, chứ về giá mua, tính theo cấu hình tương đương, thì máy tính để bàn chẳng mấy khác biệt so với máy tính xách tay. 

Có thể hình dung một ngày không xa, máy tính hoặc thiết bị tương tự sẽ được bày bán như một món hàng gia dụng bình thường ở mọi siêu thị, cửa hàng tạp hóa, hoặc cái sạp nào đó ngay trên vỉa hè của mấy em sinh viên làm thêm! 

Các nhà “sản xuất” máy tính VN sẽ đứng ở đâu trong viễn cảnh ấy? Họ sẽ làm gì để tự cứu mình hay vẫn xin hỗ trợ từ chính sách nhà nước và thua lỗ cho đến đồng vốn cuối cùng của cổ đông?

Làm gì?

Các doanh nghiệp lắp ráp máy tính VN đã nhận được không ít hỗ trợ từ Nhà nước, và nhiều dự án (nhất là dự án dùng tiền ngân sách) rất ưu ái cho các dòng máy tính nội địa, một phần do sự tù mù và không chuẩn mực về cấu hình. Lạ một điều là chính điều này đã mang lại cho chúng một ưu thế cạnh tranh khá đặc biệt là sự không minh bạch về giá. 

Nếu như các máy tính ngoại nhập có mức giá công khai, có thể kiểm tra trên mạng, thì máy tính VN có thể được lắp với bất kỳ cấu hình nào nên giá cả hết sức lung tung.

Trong nhiều trường hợp, sự thiếu minh bạch này chính là kẽ hở làm đội giá dự án, hé cửa cho tiêu cực, cài thầu, gửi giá, nâng giá, quân xanh quân đỏ. 

Nếu các dự án chào thầu mua máy tính theo cấu hình chuẩn từ những dòng máy nhất định nào đó của các nhà sản xuất nước ngoài có uy tín (họ hay có các cấu hình máy tương đương nhau), thì máy tính VN rất khó có cơ hội để thắng thầu, nếu chủ đầu tư thật sự đặt quyền lợi doanh nghiệp/tổ chức mình lên trên hết.

Kiểu làm ăn manh mún này về lâu dài chẳng giúp các doanh nghiệp nội địa phát triển tốt lên được, và nếu doanh nghiệp không có thực lực, không tạo được sự khác biệt nào cho sản phẩm thì thậm chí chỉ sau một hay hai năm thua lỗ, những công ty hàng đầu trong ngành này, như CMS, cũng có thể quay về vạch xuất phát cách đây hàng chục năm.

__________

Tham khảo:

Doanh thu PC (bao gồm cả máy tính xách tay) giảm: http://www.techradar.com/news/computing/pc-shipments-fall-flat-in-second-half-of-2012-1088849

__________

Một dây chuyền lắp ráp máy tính thương hiệu Việt tại TP.HCM - Ảnh: T.T.D.

Khởi động cuộc đua mới

Rất nhanh, các loại máy tính bảng “thương hiệu Việt” như lời tự quảng cáo của các công ty VN xuất hiện trên thị trường. Hàng loạt mẫu máy tính bảng giá rẻ được mời chào bên cạnh những mẫu cao cấp của các thương hiệu lớn như iPad của Apple hay Galaxy Tab của Samsung, khiến bất cứ người tiêu dùng nào cũng có thể dễ dàng sở hữu một chiếc máy tính bảng phù hợp với nhu cầu và điều kiện kinh tế của mình.

Theo quan sát của TTCT, đa số các mẫu máy tính bảng giá rẻ hiện nay trên thị trường đều có xuất xứ từ Trung Quốc (như trong phần thông tin về sản phẩm đăng tải trên các trang web). Các mẫu này có giá dao động từ 1,8-5 triệu đồng và sử dụng hệ điều hành Android.

Công ty Pi Vietnam hiện có ba mẫu máy tính bảng với giá từ 2 triệu đến trên 3 triệu đồng. Thương hiệu máy tính bảng VietPad cũng có nhiều mẫu với khung giá tương tự. 

Thương hiệu Yan Tablet (mà nhà sản xuất gọi là máy tính bảng thương hiệu Việt!?) cũng có ba mẫu với giá cao nhất là gần 5,5 triệu đồng, thấp nhất chưa đầy 1 triệu đồng.

Vài tháng trước, Tập đoàn Viettel hé lộ việc họ sẽ bắt tay vào sản xuất thử nghiệm những dòng máy tính bảng của riêng mình từ quý 2 năm nay, dù “chưa sản xuất đại trà trong thời gian trước mắt” và “trước mắt 80% phục vụ nội bộ, cung cấp thiết bị cho các chiến lược kinh doanh của Viettel, sau năm năm sẽ chuyển đổi sang 20% phục vụ cho Viettel, 80% cung cấp cho thị trường ngoài”.

Lãnh đạo tập đoàn này không giấu giếm quan điểm chú mục vào “quy mô nhỏ, thị trường ngách” bởi nhìn nhận không có đủ nguồn lực về con người, tài chính và trình độ công nghệ để có thể sản xuất đại trà, gia công như Trung Quốc; vừa nghiên cứu, chế tạo các sản phẩm đại trà như Nokia; các sản phẩm công nghệ cao như Apple nên “cần nghiên cứu sản xuất các sản phẩm cá thể hóa với lô nhỏ cung cấp cho các thị trường ngách”(*).

Nhìn lại quá khứ

“Chúng ta đã sai từ 20 năm trước - TS Trần Quang Hùng, phó tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam (VEIA), nói với TTCT - Khi mới mở cửa, Nhà nước và doanh nghiệp nghĩ rằng sự có mặt của doanh nghiệp nước ngoài sẽ giúp ta xây dựng ngành phần cứng. 

Sau khi vào Tổ chức Thương mại thế giới chúng ta mới vỡ mộng bởi ngộ nhận này vì các nhà tư bản chỉ đến đây vì lợi nhuận. Trước đây chúng ta bảo vệ hàng nội địa bằng chính sách nhập khẩu với thuế nhập khẩu linh kiện, doanh nghiệp nước ngoài lập tức xé lẻ linh kiện hoặc liên doanh VN để lách thuế.

Các doanh nghiệp nước ngoài ở ta hiện nay dù mang tiếng là nhà máy sản xuất nhưng kỳ thực chỉ làm một việc là lắp ráp, điều mà doanh nghiệp trong nước cũng có thể tự làm được.

 Tương lai, VN sẽ là một công xưởng với số lượng doanh nghiệp nước ngoài tăng, xuất khẩu tăng nhưng doanh nghiệp Việt thì hoặc mòn mỏi hoặc chết sạch và giá trị gia tăng của ngành vẫn ở mức rất thấp, chỉ 5-10%. 

Chúng ta tự hào VN có nhiều nhân công giỏi, trẻ, nhưng để làm gì khi nhân công ấy chỉ làm một việc là lắp ráp khâu cuối, một khâu có giá trị gia tăng thấp nhất trong chuỗi sản xuất công nghệ cao?”.

Say sưa với một ngành công nghiệp lắp ráp, các doanh nghiệp VN đã nhận lãnh những bài học cay đắng với việc bị các nhà cung cấp linh kiện lèo lái. 

Mô tả sau của giám đốc một doanh nghiệp sản xuất máy tính trong nước cho thấy một phần bức tranh chua xót: “Trong cuộc chơi của ngành máy tính VN, người hưởng lợi là các công ty phân phối linh kiện và hãng sản xuất linh kiện. Nếu các nhà phân phối đạt doanh số với hãng thì sẽ được thưởng rất cao nên họ ra sức xúi doanh nghiệp sản xuất làm thương hiệu để bán được nhiều. Doanh nghiệp ra sức làm, thất bại và hoàn toàn tự chịu lỗ, còn phía nhà phân phối thì vẫn được lời”.

Chẳng hạn trong những năm 2000, Intel đưa ra chương trình IIP track 2 giảm giá 4% cho doanh nghiệp, nhưng thực tế doanh nghiệp vẫn phải mua đúng 100% giá bán. 

Đến cuối quý, Intel mới xem xét doanh số để tính ra 4% này nhưng không trả bằng tiền mặt mà buộc doanh nghiệp phải làm quảng cáo và trên mỗi quảng cáo phải có logo Intel, doanh nghiệp phải nộp chứng từ quảng cáo cho Intel xét duyệt và thanh toán lại chi phí. 

Với chính sách giảm giá này, doanh nghiệp chỉ còn một cách là đăng quảng cáo khắp các báo cho hết 4% chiết khấu của Intel và như vậy, giở tờ báo nào ra cũng thấy logo Intel.

Câu chuyện sản xuất máy tính bảng của VN liệu có tránh được những vết xe đổ này?

__________

(*): http://www.pcworld.com.vn/articles/san-pham/may-tinh-bang/2012/03/1230807/may-tinh-bang-viettel-80-phuc-vu-noi-bo-trong-thoi-gian-dau/

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận