Đề xuất cơ cấu ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng

VÕ VĂN TẠO 12/08/2007 16:08 GMT+7

TTCT - Diễn biến phiên họp bế mạc sáng 4-8 vừa qua của Quốc hội cho thấy sau nhiều ý kiến phản biện khá thuyết phục của các đại biểu, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng chống tham nhũng vẫn được thông qua, nhưng với tỉ lệ 68,36%! 100 đại biểu không tán thành, 33 đại biểu không biểu quyết. Các vấn đề khác đều được Quốc hội thông qua với tỉ lệ trên 90%.

Hầu hết ý kiến phản biện đối với dự luật sửa đổi, bổ sung và phương án của Chính phủ về thành phần trưởng ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng (BCĐ PCTN) ở cấp tỉnh, TP trực thuộc T.Ư đều băn khoăn với đề xuất chủ tịch UBND tỉnh, TP trực thuộc T.Ư giữ cương vị trưởng ban. Một số đại biểu cho rằng như vậy là “vừa đá bóng, vừa thổi còi” hay “vừa là thủ kho, thủ quĩ, vừa là thanh tra tài chính”(!).

Bởi trên thực tế UBND tỉnh, TP trực thuộc T.Ư là cơ quan tập trung quyền lực trong mọi hoạt động kinh tế - xã hội thường nhật. Hiện tượng tham nhũng luôn gắn liền với quyền lực. Hơn nữa, trên danh nghĩa thiết chế bộ máy quyền lực nhà nước, trong BCĐPCTN, người đứng đầu cơ quan hành pháp lại là “thủ trưởng” luôn của cả những người đứng đầu các cơ quan tư pháp (tòa án, viện kiểm sát) thì “khập khiễng”.

Khá nhiều ý kiến đề xuất trưởng BCĐPCTN cấp tỉnh, TP trực thuộc T.Ư nên phải là chủ tịch HĐND. Vì trên danh nghĩa, HĐND là cơ quan bầu chọn, bãi miễn các lãnh đạo UBND và những người đứng đầu các cơ quan tư pháp địa phương. Hơn nữa, HĐND không trực tiếp điều hành các hoạt động kinh tế - xã hội, ký tá các quyết định liên quan (không tập trung quyền lực thường ngày). Vì vậy, nếu chủ tịch HĐND nắm cương vị trưởng BCĐPCTN sẽ không rơi vào tình huống “vừa đá bóng, vừa thổi còi” trong PCTN.

Mặt khác, đây cũng là cách tránh “tăng tải” cho chính quyền vốn đã “trăm công nghìn việc” thường nhật. Trên thực tế ở hầu hết các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư, chủ tịch HĐND thường giữ cương vị phó bí thư thường trực. Như vậy, dưới góc độ Đảng lãnh đạo, người giữ cương vị trưởng BCĐPCTN (nếu là chủ tịch HĐND) đã sẵn có vị thế cao hơn chủ tịch UBND. Đồng thời, đó cũng là cách thể hiện quyền lực cao nhất thuộc về người đứng đầu cơ quan dân cử, ngay trong mặt trận quan trọng và nóng bỏng: PCTN. Phương án này được nhiều đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm, tâm đắc.

Mặc dù không ít ý kiến của đại biểu Quốc hội, lãnh đạo cao cấp của Đảng, Chính phủ, Quốc hội, MTTQ... nhấn mạnh yêu cầu phải huy động cả hệ thống chính trị vào công cuộc PCTN, thế nhưng chưa thấy ai bàn đến vai trò của hội cựu chiến binh, của các vị lão thành cách mạng, của MTTQ, hội luật gia, đoàn luật sư... trong BCĐPCTN.

Để đảm bảo tính độc lập tương đối của BCĐPCTN cũng như để ban này có thực quyền, hoạt động hiệu quả, ngoài việc qui định cụ thể trong luật pháp về chức năng, quyền hạn, phương thức hoạt động của BCĐPCTN, về mặt cơ cấu nhân sự, nên để chủ tịch HĐND giữ cương vị trưởng ban, một thành viên hội cựu chiến binh (qua bầu chọn) làm phó ban thường trực, các ủy viên còn lại nên chú trọng cơ cấu nhân sự từ các vị lão thành cách mạng, các cá nhân (qua bầu chọn) thuộc tổ chức quần chúng, được nhân dân lâu nay tín nhiệm về độ trong sáng, liêm khiết, thẳng thắn, cương trực, dũng cảm trong chống tiêu cực.

Đó là cách tốt nhất để tăng cường sự giám sát có hiệu quả của nhân dân, huy động sức mạnh toàn dân trong công cuộc PCTN, để công tác này không rơi vào tình trạng hình thức, kém hiệu quả hay thậm chí phản tác dụng.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận