TTCT - Sarajevo chuẩn bị “giải cứu” Công Phượng từ Sint-Truiden, nhiều CĐV VN bắt đầu đặt hi vọng vào thông tin này, sau buổi ký kết hợp tác giữa CLB của Bosnia và Học viện bóng đá PVF. Văn Hậu và một "fan" nhí của Heerenveen. Ảnh: FPHNếu điều đó thành hiện thực (hoặc Sarajevo mua bất kỳ cầu thủ VN nào khác), đó sẽ là chuyến viễn du thứ ba của các cầu thủ Việt ở châu Âu chỉ trong nửa năm qua, và cứ lần sau thì kỳ vọng lại lớn hơn lần trước.Kỳ vọng nhiều, ảo ảnh cũng lắmKhi Công Phượng đến Sint-Truiden cách đây 4 tháng, người hâm mộ hào hứng vì truyền thống sử dụng các cầu thủ châu Á của CLB Bỉ này. Rồi khi Văn Hậu nối gót đến Heerenveen ở Hà Lan, CĐV Việt còn tin chắc anh sẽ là ngôi sao bởi mức lương “được đồn đãi là cao thứ tư trong đội”.Còn giờ đây, Sarajevo - CLB số một của Bosnia thậm chí thuộc quyền sở hữu của người Việt (do doanh nhân Nguyễn Hoài Nam làm chủ tịch), nên chuyện các cầu thủ Việt đến đây là hoàn toàn khả thi.Khốn nỗi, tất cả cho tới giờ chỉ là ảo tưởng không có nhiều cơ sở chuyên môn. Sint-Truiden quả có thói quen sử dụng các cầu thủ châu Á nhưng đó là những ngôi sao Nhật Bản hay Hàn Quốc. Heerenveen trả lương cho Văn Hậu cao thứ tư trong đội? Những gì diễn ra hơn một tháng qua đã chứng thực cho độ tin cậy của tin đồn “lấy mỡ nó rán nó”!Văn Hậu vẫn chưa được cho ra sân một phút nào ở Giải vô địch Hà Lan. Thậm chí cả khi Lucas Woudenberg - hậu vệ cánh trái đá chính của đội - chấn thương, ban huấn luyện Heerenveen thà sử dụng một hậu vệ phải để trám vào, hơn là tin tưởng vào cầu thủ chạy cánh người Việt.Nếu Công Phượng hay Văn Hậu - những ngôi sao hàng đầu của bóng đá Việt - vẫn chưa thể chiếm được lòng tin của những CLB Bỉ và Hà Lan, liệu các cầu thủ VN khác có thể có vị trí chính thức khi đến Sarajevo hay không? Về tầm cỡ, Sarajevo không quá thua kém so với Heerenveen và Sint-Truiden.Theo định giá của Transfermarkt, đội hình của Sint-Truiden có tổng giá trị vào khoảng 26,1 triệu euro (673 tỉ đồng), còn Heerenveen là 21 triệu euro (541 tỉ đồng), trong khi con số tương ứng của Sarajevo cũng là 10,4 triệu euro (268 tỉ đồng).Bosnia cũng là một nền bóng đá khá có vị thế ở châu Âu. Trên bảng xếp hạng FIFA, họ giữ vị trí thứ 48 (và 27 ở châu Âu), còn theo bảng xếp hạng giải đấu của UEFA, Giải vô địch Bosnia còn có điểm số cao hơn CH Ireland, Iceland, Xứ Wales…Sau những ngộ nhận về cơ hội của Công Phượng ở Bỉ và Văn Hậu ở Hà Lan, người hâm mộ Việt cần bình tâm lại và hiểu rằng các cầu thủ Việt vẫn còn phải cố gắng rất nhiều mới đạt đến đẳng cấp thi đấu cho những đội bóng châu Âu, dù đó chỉ là tầm cỡ Sarajevo.Không có chỗ cho “gửi gắm”Trên các diễn đàn, fanpage, nhiều CĐV tin rằng Công Phượng hay bất kỳ cầu thủ Việt nào khác sẽ dễ có được cơ hội thi đấu tại Sarajevo hơn nhờ việc đội bóng thuộc quyền sở hữu của một ông chủ người Việt. Đó là quan niệm hoàn toàn sai lầm.Như nhiều chuyện khác ở châu Âu, bóng đá là một môi trường trước hết dựa vào năng lực cá nhân chứ không phải quan hệ, thế lực, hay tiền bạc. Một câu chuyện cũ đáng nhắc ở đây là về HLV lừng danh Jose Mourinho, thời ông còn là cầu thủ CLB Rio Ave, một đội ít tên tuổi ở Bồ Đào Nha do chính cha ông Felix dẫn dắt.Mùa giải 1981-1982, Jose tưởng chừng thoát kiếp dự bị mòn mỏi khi Rio Ave bước vào trận gặp Sporting Lisbon với một hậu vệ quan trọng bị chấn thương trong lúc khởi động.Felix đã triệu tập Jose đến phòng thay đồ và chuẩn bị cho con trai mình ra sân đá chính. Nhưng rồi ông nhận được một cuộc điện thoại từ ban lãnh đạo đội bóng với nội dung: hoặc Jose ngồi dự bị, hoặc cả hai cha con rời đội. Kết quả, Jose Mourinho không được ra sân trận đó.Cuối mùa, Jose phải khăn gói rời Rio Ave để tìm kiếm chân trời riêng, nơi không bị cái bóng của cha ông cản đường.Ở tầm cỡ cao hơn, các ông chủ người Ả Rập đã mua đứt và đổ tiền tấn vào những đội như Manchester City hay PSG, nhưng có thấy cầu thủ Ả Rập nào được ưu ái ở các CLB này không? Hay gần gũi hơn là nhà cựu vô địch Premier League Leicester City của tập đoàn Thái Lan King Power, nơi cũng chẳng có một cầu thủ Thái Lan nào.Không như ở VN, việc ông chủ tìm cách can thiệp vào công việc chuyên môn của ban huấn luyện ở các đội bóng châu Âu có thể để lại những hệ lụy nghiêm trọng: phản ứng từ CĐV bản địa, từ những người rành chuyên môn là các HLV, thậm chí sẽ hủy hoại sự nghiệp của chính các cầu thủ chưa đủ đẳng cấp bị ép phải xuất hiện ở một sân chơi quá tầm, trong một môi trường cạnh tranh khốc liệt.Về cơ bản, môi trường bóng đá chuyên nghiệp ở châu Âu không có chỗ cho chuyện “gửi gắm”. Các cầu thủ chỉ có thể có được vị trí mà mình mong muốn trong đội bóng bằng thực lực.Tấm gương Qatar - BarcaThay vì trông mong vào một con đường tắt, bóng đá Việt có thể chờ đợi một sự hợp tác, phát triển bền vững hơn thông qua Sarajevo, như những gì nền bóng đá Qatar đã gặt hái được từ mối quan hệ thân thiết nhiều năm qua với CLB Barca.Cuối năm 2010, Qatar giành được quyền đăng cai World Cup 2022, và một dự án khổng lồ được mở ra để chuẩn bị về mặt chuyên môn cho nền bóng đá non trẻ vùng Trung Đông này.Tập đoàn Qatar Foundation đã ký hợp đồng để trở thành nhà tài trợ lớn nhất của CLB Barca. Năm 2013, Barca ký tiếp hợp đồng với Qatar Airways (thời hạn đến năm 2017), trở thành CLB có ảnh hưởng cực lớn đến nền bóng đá Qatar.Học viện Aspire là nơi được Qatar và Barca cụ thể hóa sự hợp tác về chuyên môn. Với lò đào tạo La Masia trứ danh, Barca quá thừa kinh nghiệm trong phát triển cầu thủ trẻ. Qatar thì không có gì ngoài… tiền.Nhiều năm trời, Aspire được bơm tiền mạnh mẽ để mang về hệ thống đào tạo cầu thủ khoa học của Barca. Nhiều HLV của La Masia được gửi đến Aspire, và ông Felix Sanchez Bas - HLV trưởng tuyển Qatar lúc này - chính là một người trong số đó.Tám năm sau khi bắt đầu quan hệ hợp tác với Barca, Qatar gặt hái những trái ngọt đầu tiên ở Asian Cup 2019. Hàng loạt trụ cột trong đội tuyển Qatar vô địch châu Á hồi đầu năm trưởng thành từ lò đào tạo Aspire, như Almoez Ali, Akram Afif, Tarek Salman… Nhưng ngay cả những nhà vô địch đó cũng đều đang chơi bóng trong nước.Để đến được với thế giới bóng đá đỉnh cao của châu Âu, đi đường tắt là không thể!■Quá khó cho Văn HậuSau liên tiếp những phản ứng từ cộng đồng hâm mộ bóng đá VN về việc “giam” Văn Hậu trên ghế dự bị, HLV Johnny Jansen mới đây nói ông sẽ không sử dụng cầu thủ người Việt cho đến hết năm 2019, và sẽ chỉ xem xét việc cho anh ra sân trong năm 2020.Ngoài Văn Hậu, Heerenveen lúc này đang có 3 hậu vệ cánh, gồm hậu vệ cánh trái Woudenberg và 2 hậu vệ phải Ricardo Van Rhijn và Sherel Floranus. Cả ba đều được Transfermarkt định giá vào khoảng 600.000-800.000 euro, cao gấp 4-5 lần Văn Hậu.Khi Woudenberg chấn thương, Floranus là người được kéo sang chơi cánh trái, và hậu vệ người Hà Lan này mới 21 tuổi. Những điểm mạnh của Văn Hậu như thể hình (Floranus cao 1,85m), tốc độ, sức trẻ... không hề giúp anh nổi trội hơn các đồng đội và cũng là đối thủ cạnh tranh ở Heerenveen. Tags: Châu ÂuBóng đáBosniaCông PhượngVăn HậuCLB Sarajevo
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Thiếu phôi bằng lái, xe 'trùm mền' HÀ MI 22/11/2024 Tình trạng thiếu phôi bằng lái đang lan ra nhiều tỉnh thành cả nước. Hệ lụy của thực trạng này là hàng chục ngàn người dân bị "treo bằng" dù thi đậu, có địa phương phải loay hoay đi mượn phôi hoặc bất đắc dĩ tạm dừng kỳ sát hạch.
Đề xuất vàng mã, túi nilông, thuốc diệt cỏ vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt THÀNH CHUNG 22/11/2024 Bên cạnh đề xuất bổ sung một số mặt hàng vào diện chịu thuế thì một số đại biểu Quốc hội cũng đề nghị giãn áp tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia.
Ronaldo tạo cơn sốt hơn 13 triệu view cùng YouTuber số 1 thế giới Mr Beast THANH ĐỊNH 22/11/2024 Tiền đạo Cristiano Ronaldo tiếp tục chứng tỏ sức hút vượt trội của mình ngoài sân cỏ khi vừa công bố video cùng khách mời là YouTuber số 1 thế giới Mr Beast.
Ban Hiệu suất chính phủ Mỹ yêu cầu nhân viên liên bang quay lại làm việc toàn thời gian KHÁNH QUỲNH 22/11/2024 Ban Hiệu suất chính phủ do hai tỉ phú Elon Musk và Vivek Ramaswamy lãnh đạo tuyên bố sẽ yêu cầu viên chức quay lại làm việc tại văn phòng 5 ngày/tuần như thời điểm trước đại dịch COVID-19.