TTCT - * Ba tôi chỉ mới ngoài 50 tuổi, rất khỏe nhưng thỉnh thoảng bị hồi hộp, đánh trống ngực và khó thở... Đi khám bệnh có bác sĩ bảo tình trạng đó bình thường, nhưng cũng có bác sĩ bảo bị rung nhĩ. Xin cho biết bệnh này có nghiêm trọng và điều trị ra sao?

Bảo Ngọc (Thủ Đức)

Đường đi của xung điện ở tim bình thường

Đường đi của xung điện ở tim rung nhĩ

Rung nhĩ là tình trạng rối loạn nhịp tim thường gặp nhất, chiếm tỉ lệ 0,4-2% dân số, khoảng 5% bệnh nhân trên 69 tuổi. Rung nhĩ là tình trạng buồng nhĩ đập không đều và hỗn loạn, không đồng bộ với nhịp đập của hai buồng thất, có thể tạm thời, thoáng qua rồi hết, có thể là mãn tính.

Nguyên nhân gây rung nhĩ có thể do lớn tuổi (là nguyên nhân phổ biến nhất), mắc bệnh tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, bệnh van tim (thường nhất là do bệnh hẹp van hai lá), sau phẫu thuật tim… Để xác định rung nhĩ, bác sĩ đo điện tim và đôi khi sử dụng điện tâm đồ nhật ký nếu cần thiết.

Rung nhĩ thường làm cho nhịp tim không đều và nhanh khiến tim bơm máu không hiệu quả ở mỗi nhịp đập.

Cục máu đông chết người

Trên thực tế, một số người có các triệu chứng như hồi hộp, đánh trống ngực, mệt, yếu, nhức đầu, huyết áp thấp, khó thở..., trong khi một số người khác lại không cảm nhận triệu chứng gì, chỉ tình cờ phát hiện. Rung nhĩ có thể đưa đến một số biến chứng nguy hiểm, nhất là tai biến mạch máu não và suy tim.

Trạng thái tâm nhĩ rung lên từng đợt mà không co bóp để tống máu vào tâm thất ở cuối thì tâm trương làm cho máu ứ lại và tạo nên dòng máu xoáy trong tâm nhĩ, đưa đến việc dễ hình thành nhiều cục máu đông trong tâm nhĩ. Cục máu đông khi vào dòng máu có nguy cơ gây tắc mạch máu ở nhiều nơi, nếu tắc mạch máu ở não sẽ gây nhồi máu não. Ngoài ra, tình trạng rung nhĩ mãn tính khiến tim co bóp thiếu hiệu quả, lâu ngày đưa đến suy tim.

Mục tiêu điều trị rung nhĩ bao gồm hai điểm chính: 1/ ngăn ngừa hình thành huyết khối; 2/ đưa nhịp tim trở về nhịp xoang (nhịp tim bình thường) hoặc kiểm soát tần số tim. Với mục tiêu đầu, bác sĩ sẽ sử dụng thuốc kháng đông (thường là sintrom) để phòng ngừa biến chứng do huyết khối.

Với mục tiêu thứ hai, chọn lựa phương thức điều trị dựa vào thời gian mắc bệnh, biểu hiện triệu chứng và nguyên nhân gây bệnh, thường là dùng thuốc hoặc các phương pháp can thiệp (đốt rung nhĩ qua ống thông, phẫu thuật maze...).

Phẫu thuật Maze

Phẫu thuật thực hiện trên nguyên tắc tạo những đường rạch xung quanh các tĩnh mạch phổi của tim và rạch nhiều đường ở tâm nhĩ trái và tâm nhĩ phải nhằm làm gián đoạn các xung điện gây ra rung nhĩ. Trước đây người ta sử dụng phương pháp “cắt và khâu” khiến thời gian phẫu thuật kéo dài, nguy cơ chảy máu nhiều.

Hiện nay, việc áp dụng các nguồn năng lượng (sóng siêu âm, laser, nhiệt lạnh, phổ biến nhất là sóng cao tần...) có tính an toàn và hiệu quả cao thay thế cho việc “cắt - khâu” đã giúp phẫu thuật maze trở nên thuận lợi, hiệu quả hơn. Tại Việt Nam chỉ một vài trung tâm tim mạch triển khai phương pháp phẫu thuật tương đối phức tạp này.

Nhiều nghiên cứu cho thấy phẫu thuật maze có hiệu quả cao trong việc biến rung nhĩ trở về nhịp tim bình thường là nhịp xoang. Tỉ lệ thành công thay đổi tùy theo trung tâm, nhưng nhìn chung có thể đạt 90-95%. Thực hiện phẫu thuật maze cũng có những nguy cơ, nhưng tỉ lệ xảy ra biến chứng không cao (tỉ lệ tử vong ít hơn 1% cho phẫu thuật maze đơn thuần và cao hơn nếu có kết hợp với các phẫu thuật khác), lợi ích của việc đưa nhịp tim trở về nhịp xoang quan trọng hơn nguy cơ có thể có của phẫu thuật.

Phẫu thuật maze thường được chỉ định khi người bệnh được thực hiện kèm theo một phẫu thuật tim hở khác (chẳng hạn sửa hoặc thay van tim) và đặc biệt có ý nghĩa nếu chỉ cần sửa van tim. Bởi vì ở những bệnh nhân này, nếu có thể sửa van mà không cần thay van tim cơ học, kết hợp với việc phẫu thuật maze giúp đưa nhịp tim trở về nhịp xoang, bệnh nhân chỉ cần sử dụng thuốc kháng đông ba tháng sau phẫu thuật.

Việc không phải sử dụng thuốc kháng đông giúp tránh được các tai biến có thể có khi dùng thuốc và giúp phụ nữ trong tuổi sinh đẻ có thể mang thai mà không sợ tác dụng gây hại của thuốc kháng đông với thai nhi và thai kỳ.

Đối với người lớn tuổi, nếu phải thay van tim sinh học và nhịp tim đã trở về nhịp xoang nhờ phẫu thuật maze thì cũng không phải sử dụng thuốc kháng đông suốt đời, giúp hạn chế các tai biến như xuất huyết não, xuất huyết tiêu hóa…

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận