Đời gác ray

TTCT - Chúng tôi gọi là những người gác ray cho thân mật và đúng với công việc hằng ngày của họ. Đó là những công nhân ngành đường sắt ngày đêm trên những cung đường gác chắn, gác hầm, tuần đường… để đảm bảo an toàn những chuyến tàu.

Trên các cung đường sắt nặng nhọc với sắt, đá, nắng, mưa và tốc độ tưởng chừng chỉ dành cho nam giới lại xuất hiện những “bóng hồng” cũng mạnh mẽ, rắn chắc như nghề của họ.


Dù nắng hay mưa, đêm hay ngày, trên những cung đường lúc nào cũng có tuần đường đi qua. Anh Trần Văn Ý cho biết mỗi ngày anh đi 21km trên đường ray

Mỗi ngày tại một điểm gác có 15-40 chuyến tàu chạy qua. Đã có những sơ suất của người gác ray dẫn đến tai nạn đáng tiếc xảy ra, những tai nạn đường sắt bao giờ cũng thảm khốc. Để mọi việc diễn ra tuyệt đối an toàn, những người gác ray luôn có mặt 24/24 giờ trên các cung đường và đặt mình vào tư thế luôn luôn sẵn sàng.

Chị Nguyễn Thị Hoa ở trạm gác chắn Tam Quan (Hoài Nhơn, Bình Định) đã có 31 năm trong ngành đường sắt tâm sự: “Trước kia tôi làm ở đội cầu, duy tu xây lắp cầu kè đường sắt ở ngoài hiện trường. Công việc khổ nhọc nhưng không căng thẳng. Chắn đường ngang chỉ một chút lơ là có thể đánh đổi bằng tính mạng”. 

Nguy hiểm không chỉ đối với người đi đường bộ mà ngay cả họ tai nạn cũng luôn rình rập. Nhiều ôtô, môtô khi đến chắn muốn tranh thủ vượt tàu đã phóng nhanh, vượt ẩu đâm thẳng vào chắn.

Chị Tâm, thuộc Xí nghiệp đường sắt Nghệ Tĩnh vào nghề đã 20 năm, cho biết tàu chạy vào Nam ra Bắc liên tục cả đêm nhưng vất vả nhất là những ca trực sớm và chiều, bởi chị phải ngăn người cố lách qua đường tàu trước khi đến.

Nhiều cung đường sắt đi vào những vùng núi rừng, hầm hay vùng vắng dân cư thường bị phá hoại hoặc trẻ con nghịch ngợm vặn lấy bulông, ốc vít; những lúc thời tiết mưa bão, lũ lụt tàn phá... bất cứ lúc nào cũng có thể gây nguy hiểm. 

Trong cái nắng nhễ nhại mồ hôi, anh Trần Văn Ý, người có thâm niên 26 năm tuần đường, cho biết mỗi ngày anh đi 21km đường sắt, chia thành ba chuyến, bất kể ngày đêm, mưa gió.

Anh Hồ Ngọc Ba, công nhân gác hầm 15 (đèo Bình Đê), tuần đêm. Đường hầm này đã gắn với anh hơn bảy năm
Ca đêm, trạm hầm 15 có hai công nhân trực. Âm thanh duy nhất khuấy động ca trực của họ chỉ là tiếng tàu thỉnh thoảng chạy qua
Đêm, sự hiện diện của họ là đốm sáng từ chiếc đèn gác hắt ra trong đường hầm
Vặn lại những ốc vít, bulông lỏng ở mọi nơi
Ngoài công việc gác chắn, họ còn làm công tác vệ sinh, duy tu nhỏ
Phút thư giãn của chị Phạm Thị Thanh trong thời gian không có tàu đi qua
Ngoài tuần đường, họ còn phải làm công việc duy tu nhỏ, phát cây, kiểm tra hầm thường xuyên
Mọi khâu chuẩn bị an toàn trước ít nhất 90 giây, khi cờ tín hiệu giơ lên là lúc an toàn để tàu đi qua


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận