Đời luôn sẵn kẻ mộng mơ

CANDID 06/03/2018 00:03 GMT+7

Những kẻ mơ mộng ấy muốn rằng ngày sẽ có thêm nhiều người mơ mộng, để trồng thêm dù chỉ một cái cây, và nhiều cây sẽ thành một khu rừng.

 Ba Lan đang ở giữa mùa đông, khắp nơi cây cối đều trụi lá, trơ cành đen đúa, khẳng khiu, tưởng như đã chết khô héo, kể cả những cây thông vốn giỏi chịu lạnh cũng đổi sang màu xanh pha vàng úa hoặc xanh xám ghi. 

Để có chút màu xanh của cây cối, nhân dịp cuối tuần đi chợ nông dân, tôi mua ít củ hoa hyancyth (ở Việt Nam gọi là hoa tiên ông), hoa tulip và ít củ thủy tiên về trồng. Thoạt đầu, trông chúng chả khác gì mấy củ hành tây mua ngoài chợ, thế mà chỉ mấy ngày trong căn bếp ấm, được tưới nước đầy đủ, các loại hoa đã thi nhau bật tung nụ, làm rạng rỡ cả ngày đông tuyết trắng đơn sắc ngoài cửa sổ.

Tôi những tưởng cũng như ở Việt Nam, mỗi năm dân gọt thủy tiên bọn tôi vẫn bảo nhau, chán nhất là sau khi hoa tàn phải đem đi vứt những gì mình từng chăm chút nâng niu. May sao, bạn tôi bảo cứ đem hoa ra ngoài khu rừng bên cạnh trồng, nó sẽ sống và để cho người khác có cơ hội ngắm. 

Ngay sau cửa nhà tôi, bên cạnh đường cao tốc, là một vạt rừng. Gọi thế nhưng thực ra đó là vành đai xanh đệm giữa đường và khu dân cư, cây cối tự do mọc thành rừng. Nghĩ đến việc những cây hoa tôi trồng sẽ sống như hoa dại, để rồi lúc nào đó, người đi đường sẽ thấy những bông hoa nở, tôi nghĩ có khi sẽ đem thử ít hạt giống hoa mới mua, học theo cụ Masanobu Fukuoka - người khai sinh trường phái nông nghiệp tự nhiên - làm ít viên đất sét vãi ra rừng cho tự nhiên mọc xem sao.

Như đọc được ý nghĩ của tôi, bạn tôi nói tiếp, ở Warszawa, người ta có chương trình phát miễn phí hạt giống hoa cho những ai muốn trồng. Nếu ai đó đăng ký trồng 500m2 hoa vườn nhà hay kể cả đất hoang sẽ được phát nhiều loại hạt giống hoa đẹp, để giúp có nhiều hoa cho các loài ong, loài côn trùng phát triển. “Cậu tìm hiểu thử xem sao” - bạn tôi khuyên. 

Tôi không ngờ mới chỉ từ ý định trồng mấy củ hoa mà trong chốc lát lại thành chuyện trồng cả cánh đồng hoa thế. Liệu có phải là quá mộng mơ đối với một kẻ cả đời chưa từng làm nông như tôi không?

Những kẻ mộng mơ từ Đông sang Tây

Hẳn ban đầu, chàng thanh niên Jadav “Molai” Payeng cũng là một con người mơ mộng. Jadav sống trên hòn đảo Majuli trên bờ con sông Brahmaputra, Ấn Độ. Hòn đảo đầu thế kỷ 20 đủ lớn để 150.000 dân sinh sống nhưng sau đó bị hoang hóa và xói mòn, bao quanh hòn đảo là những dải cát khô cằn không sự sống. Năm 1979, Jadav chứng kiến cảnh hàng đàn rắn bị tấp vào bờ cát sau trận lụt lớn, chết khô vì không một bóng mát. Ông đã khóc cho những sinh vật vô tội này và quyết định phải trồng rừng để làm nơi trú ẩn cho các sinh vật trên hòn đảo.

Mọi người xung quanh hẳn đã coi Jadav như một kẻ mộng mơ không thực tế nên đã cười nhạo ông. Cơ quan kiểm lâm cũng khuyên Jadav rằng không có cây gì có thể sống trên những bờ cát nóng bỏng đó. Tuy vậy, con người mộng mơ đó không lấy làm phiền. Ông kiên nhẫn một mình trồng từng cái cây bằng những dụng cụ thô sơ dưới cái nóng thiêu đốt của mặt trời Ấn Độ.

Kiên nhẫn trồng từng cây dưới cái nắng thiêu đốt. (Ảnh: India TV)
Kiên nhẫn trồng từng cây dưới cái nắng thiêu đốt. (Ảnh: India TV)

Để trồng những cái cây đầu tiên rất vất vả, Jadav trồng tre để giữ cát khỏi lở, trồng bông và trồng các cây khác tiếp theo. Jadav nói rằng khi trồng được vài cây thì những cái cây sẽ tiếp sức ông, hoa sẽ nở, quả sẽ đậu và cây con sẽ mọc. Không chỉ cây cối giúp ông mà những thứ khác cũng sẽ giúp. Gió sẽ biết phải mang hạt đi đâu, lũ chim, lũ bò cũng sẽ biết cách phát tán cây và kể cả dòng sông Brahmaputra cũng biết để bồi thêm phù sa và mang thêm hạt giống tới.

Cặm cụi một mình, vô danh, hằng ngày đi thuyền vượt sông, trồng cây một mình từ sáng sớm, sau 40 năm, Jadav “Molai” Payeng đã trồng được một khu rừng có diện tích 550ha và là nơi cư trú của hàng trăm loài động vật. Từ đàn voi 113 con đến hổ, tê giác, hươu hay những côn trùng nhỏ bé, tất cả đã tìm thấy một con thuyền Noah trong khu rừng của Jadav, giờ được gọi theo tên ông: rừng Molai.

Khu rừng của Jadav “Molai”. Ảnh: npr.org
Khu rừng của Jadav “Molai”. (Ảnh: npr.org)

 Có thể có người nói Jadav “Molai” là người cá biệt, có lẽ ông có sức mạnh kỳ lạ nào đó khiến ông có thể làm một công việc không tưởng, như dã tràng xe cát. Nhưng ông không phải là người duy nhất.

Hai ông già Jia Wenqi và Jia Haixia cũng là những người đặc biệt. Jia Haixia là một người khiếm thị, còn bạn ông Jia Wenqi không có tay, hai người sống ở một ngôi làng nhỏ tên là Yeli, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc. Ngôi làng hai ông ở cũng giống nhiều ngôi làng khác tại Trung Quốc, bị ảnh hưởng nặng nề bởi ô nhiễm công nghiệp. Chim chóc biến mất, cá tôm dưới sông không còn, núi trọc bóng cây cỏ, khói bụi mù mịt.

Khi Wenqi và Haixia quyết định trồng cây vào năm 2002, ban đầu họ chỉ định kiếm kế sinh nhai, bởi Wenqi bị mất tay do tai nạn từ khi 3 tuổi và Haixia thì bị mù năm 2000, họ chỉ trông chờ vào tiền trợ cấp tàn tật ít ỏi. Nhưng Wenqi nói: “Tôi sẽ là cặp mắt của anh, còn anh sẽ là đôi tay của tôi”. Hằng ngày, kẻ mù, người cụt tay, họ dắt díu cõng nhau lội qua con sông để đến hòn đảo rộng 3 mẫu, nơi họ trồng cây.

Sau năm đầu tiên họ đã trồng được 800 cây, một công việc mà người khác sẽ mất rất nhiều mồ hôi và công sức, còn hai người tàn tật bọn họ phải trả bằng máu và nước mắt. Thế nhưng đến mùa xuân chỉ có 2 cây trong số 800 cây còn sống sót, bởi vì đất đai đã bị hoang hóa, bạc màu quá lâu, không đủ nước cho cây phát triển.

Wenqi và Haixia không bỏ cuộc. Công việc từ kế sinh nhai đã trở thành lẽ sống của họ. Họ muốn trồng khu rừng để góp phần làm sạch không khí cho ngôi làng họ sinh sống. Không còn tiền để mua cây giống, người cụt đẩy người mù trèo lên cây để chiết cành về trồng. Họ mò mẫm xoay xở làm mọi việc, từ đào hố, trồng từng cành cây, múc nước để tưới bằng đôi tay của người này và đôi mắt của người kia. Chứng kiến những cành cây nảy mầm là động lực cho họ. 

Sau 10 năm, họ đã làm được một việc không ai có thể tin được: trồng được 10.000 cây trên hòn đảo nhỏ. Hòn đảo giờ đây đã được trồng kín cây nhưng hai ông già không ngừng lại. Họ xin thêm 100ha đất trên núi để tiếp tục trồng cây.

*** Error ***
Đào hố, trồng cây, tưới nước bằng đôi mắt của người này và đôi chân của người kia. (Ảnh: China Daily)

“Điên rồ” cũng là từ mọi người gọi Antonio Vicente, một người Brazil muốn trồng lại rừng ở xứ rừng. Brazil nổi tiếng có đến 60% diện tích rừng Amazon, rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới. Từ những năm 60 của thế kỷ trước, rừng Amazon bắt đầu bị thu hẹp bởi chính sách phát triển nông nghiệp của Brazil. Chính phủ khuyến khích đẩy mạnh chăn nuôi bò nên những chủ đồn điền tới chặt hạ rừng để trồng cỏ. 

Khi còn là đứa trẻ, Vicente đã chứng kiến cha ông chặt thuê cây rừng cho những chủ trang trại. Ông cũng chứng kiến cùng với việc cây rừng bị đốn là những dòng suối biến mất, đất đai dần khô hạn. Không còn nước thì sẽ không còn sự sống, ông đã đi trước thời đại để nhận ra tầm quan trọng của rừng với nguồn nước, nhưng lúc đó nhận thức này đi ngược chính sách của chính phủ, không ai muốn nghe lời ông nói.

Vicente đi đến thành phố để kiếm tiền mua mảnh đất rộng 30ha của riêng ông, nơi ông có thể tự do làm điều điên rồ ông muốn: trồng lại rừng. Tất cả bạn bè, hàng xóm đều cười nhạo ông, họ nói rừng có hàng đống, sao phải trồng lại, rằng ông sẽ không có tiền nếu không đốn cây để có diện tích trồng cỏ nuôi bò. Nhưng Vicente vẫn lẳng lặng làm điều mình tin: ông bắt đầu công việc trồng rừng 40 năm trước với vài con lừa, đôi tay cùng những công cụ thô sơ. 

Công việc trồng rừng lúc đầu đơn giản như sở thích lúc thời gian rảnh, dần dần trở thành lẽ sống của Vicente. Ông làm ngày đêm ở trong rừng, làm bạn với thú hoang, bẻ chuối để ăn. Khu rừng lớn dần, nguồn nước và sự sống quay trở lại. Sau 40 năm, trong khu rừng 30ha của ông có tới 8 ngọn thác và là khu rừng nhiệt đới nơi sinh sống của các động vật hoang dã. Chính phủ Brazil giờ đây đã nhìn nhận ra hiệu quả công việc điên rồ của Vicente và lấy đó làm hình mẫu để phát động phong trào trồng lại rừng.

 

Antonio Vincent đã tạo nên cả một khu rừng nhiệt đới từ đám đất sỏi mà ông mua năm 1973. (Ảnh: www.birgun.net)

Từ Đông sang Tây, còn nhiều con người điên rồ, mơ mộng như vậy nữa. Tôi có thể kể đến cặp vợ chồng già Tubbat và Tosontsagaan đã mất 15 năm để biến sa mạc thành ốc đảo. Công việc của họ là bản trường ca chiến đấu với sa mạc, họ dùng xe máy chở nước để trồng loài cây saxual trên sa mạc, sa mạc biến công sức họ thành cát bụi bởi gió, cát và nắng nóng. Cây chết, họ lại tiếp tục trồng cây mới, làm hàng rào ngăn cát, xe máy hỏng thì đổi xe mới, không lùi bước. Sau 15 năm, hỏng 7 chiếc xe máy, họ đã trồng được 50.000 cây. Cây saxual chính là những cái bơm nước sinh học, có cây saxual, cỏ mọc lại, sự sống hồi sinh trên sa mạc.

Tôi cũng có thể kể đến ông già 78 tuổi Wang Tianchang cùng người con trai Wang Yinji đã trồng cây trong suốt 30 năm để tạo nên một ốc đảo rộng 500ha ở sa mạc Tenger, đông bắc Trung Quốc. Ốc đảo cây ấy đã góp phần bảo vệ làng của họ khỏi sự tấn công của sa mạc. Tôi có thể kể đến kẻ điên rồ Yacouba Sawadogo, người đã bị cười nhạo khi muốn trồng rừng ở nơi tất cả các tổ chức, nhà khoa học đã phải bó tay: vùng sa mạc Sahara ở Burkina Farso. 

Yacouba đã làm được một việc thần kỳ, học hỏi từ công nghệ trồng cây cổ truyền Zai, ông dùng xẻng đào hố bẫy nước trong mùa khô, phủ phân vi sinh và trồng cây vào hố. Hố bẫy nước đã làm cây phát triển và sinh trưởng. Sau 20 năm, Yacouba Sawadogo trồng được 20ha rừng và được mệnh danh “Người chặn đứng sa mạc”. 

Và tôi còn có thể kể đến nhiều cái tên khác...

Yacouba Sawadogo, người đã bị cười nhạo khi muốn trồng rừng ở nơi mà tất cả các tổ chức, nhà khoa học đã phải bó tay: vùng sa mạc Sahara ở Burkina Farso. Ảnh: upgraders.org
Yacouba Sawadogo, người đã bị cười nhạo khi muốn trồng rừng ở nơi mà tất cả các tổ chức, nhà khoa học đã phải bó tay: vùng sa mạc Sahara ở Burkina Farso. (Ảnh: upgraders.org)

Khu rừng bắt đầu từ một cái cây

Những kẻ mơ mộng đó họ đã làm nên những kỳ tích mà hầu hết chúng ta không thể làm nổi. Nhưng ngay cả những chiến công của họ cũng là rất nhỏ bé nếu đem so với những gì con người đã gây ra cho thiên nhiên. Chính vì thế, Jadav “Molai” cũng như những người khác đều nói rằng họ muốn việc làm của họ sẽ thay đổi nhận thức của mọi người xung quanh về môi trường. Những kẻ mơ mộng ấy muốn rằng ngày sẽ có thêm nhiều người mơ mộng, để trồng thêm dù chỉ một cái cây, và nhiều cây sẽ thành một khu rừng.

Hôm trước tôi chạy bộ quanh hồ bỗng thấy trên một thân cây có gắn một khúc gỗ nho nhỏ, thoạt nhìn như chỗ đựng thức ăn cho lũ chim vào mùa đông. Nhìn kỹ thì là một khúc gỗ có khoan nhiều lỗ nhỏ. Hóa ra đấy là chiến dịch của thành phố Warszawa kêu gọi mọi người làm nhà cho bọ rùa vào mùa đông. Bọ rùa vốn là loài thiên địch có lợi nên người ta muốn phát triển bọ rùa bằng cách gắn những khúc gỗ lên cây và khoan lỗ, theo bản năng bọ rùa sẽ tới làm tổ và đẻ trứng.

Con đường vạn dặm nào cũng bắt đầu từ những bước đi đầu tiên. Trồng một cái cây, làm tổ cho bọ rùa, hay trồng hoa cho lũ ong... biết đâu một ngày nào đó sẽ có một khu rừng mọc lên?■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận