TTCT - Không phải là một tổ chức quốc tế hay một hội nghị chính thức, câu hỏi đặt ra cho rất nhiều quốc gia tham dự cuộc “đối thoại” nhưng đôi khi lại trở thành “độc thoại” rồi “đấu khẩu” ở Singapore là: Đến với Diễn đàn Shangri-La để làm gì? Ông Prayut Chan-o-cha phát biểu tại Shangri-La lần thứ 15-straitstimes.com Có nhiều cách đến dự Diễn đàn Shangri-La, tùy theo quan điểm lập trường của mỗi nước, song cũng còn tùy cả tập quán “xuất thế” của mỗi nước. Có nước đến để khẳng định đang đại diện cho lẽ phải chung cùng với đại đa số các nước tham dự. Ngược lại, có nước đến để thể hiện tham vọng của mình cho dù là thiểu số. Cũng có nước chọn thái độ “đứng giữa” bất chấp phong ba bão tố, trong khi có nước tự bày tỏ vị trí “vệ tinh”. Ông Gen Nakatani, bộ trưởng quốc phòng Nhật Bản, người đã dự diễn đàn này từ lần thứ nhất, đã cho thấy cách tham dự của nước ông mà ông là đại diện. Ông giải thích lý do của việc tham dự Shangri-La: “Sứ mệnh của chúng ta, các lãnh đạo quốc phòng, không chỉ giới hạn trong việc đảm bảo an ninh cho đất nước và nhân dân của mình, mà còn là để duy trì hòa bình và ổn định khu vực, ngăn không cho bất kỳ xung đột nào xảy ra, và trong trường hợp diễn ra bất cứ xung đột nào thì phấn đấu giải quyết xung đột một cách nhanh chóng và hòa bình”. Ý kiến của bộ trưởng quốc phòng Nhật Bản thật rõ ràng: (1) không để gây sự hay áp đặt, (2) không để kết bè hiệp đảng, (3) mà là để đánh thức tinh thần thân ái và tính nhân để có thể từ đó hiểu nhau hơn mà ngăn ngừa xung đột. Tinh thần đó cũng thể hiện trong bài diễn văn khai mạc của đương kim thủ tướng Thái Lan, tướng về hưu Prayut Chan-o-cha: “Thúc đẩy sự tin tưởng và niềm tin giữa các nước trong khu vực, điều đòi hỏi thời gian và sự vun đắp thân tình. Do đó, các quốc gia nên tiếp tục làm việc với nhau trong tinh thần của văn hóa “cho đi” của Á Đông, nghĩa là khi ta càng cho đi thì ta càng nhận được trở lại. Nên càng tin tưởng và tin cậy lẫn nhau sẽ càng được an ninh”. Song, tinh thần đối thoại mà các nhân vật nói trên đã nêu bật lại không được đại diện của Trung Quốc là đô đốc Tôn Kiến Quốc đáp ứng. Ông này không đến để đối thoại mà độc thoại, cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen. Bởi thế, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter mới nhận xét là Bắc Kinh đang xây “vạn lý trường thành” trên biển! Giải mã bí ẩn Thái Lan Từ sau cuộc chính biến ở Thái Lan, có vẻ như chính quyền quân nhân ở Bangkok đã giữ một khoảng cách với Washington, đồng thời xích lại gần Bắc Kinh hơn so với trước kia. Nếu không theo dõi kỹ, dễ lầm tưởng rằng Bangkok ngả về phía láng giềng phương Bắc. Đã có những tựa báo chí và bài bình luận hốt hoảng về việc Thái Lan tập trận với Trung Quốc: “Trung Quốc quay ngả sang phía đồng minh lâu năm của Mỹ, diễn tập tấn công đổ bộ lần 3 với Thái Lan khi Washington đang lơ là…”; “Trung Quốc tập trận chung với Thái Lan, lo sợ bị Mỹ và Việt Nam bắt tay đối phó tại Biển Đông”… Quả thật là thủy quân lục chiến Thái Lan đã khởi sự diễn tập chống khủng bố, sơ tán dân chúng với thủy quân lục chiến Trung Quốc hôm 22-5 vừa qua ở một căn cứ quân sự Thái thuộc tỉnh Chon Buri, theo China Daily ngày 22-5. Thế nhưng, ít người để ý đến tin hầu như cùng lúc, hải quân Thái Lan cũng thao diễn chống tàu ngầm với hải quân Mỹ trên biển Andaman từ ngày 23 đến 27-5, theo The Diplomat ngày 24-5. Phải chăng Thái Lan lại đang “đu dây” giữa đồng minh cũ Mỹ và láng giềng lớn Trung Quốc? Câu trả lời được chính Thủ tướng Prayut đưa ra ở Shangri-La, khi ông phát biểu có thể coi là một lời khuyên thẳng thừng cho các nước đang bị “giằng xé nội tâm” trong khu vực: “Tránh rơi vào cái bẫy phải chọn phe hoặc lao vào việc chia phe. Thế giới ngày nay là đa cực. Các nước nhỏ và các cường quốc bậc trung phải tìm cách giao tình với các nước xung quanh mình và cùng nhau kiến tạo một thế cân bằng thích hợp. Nói cho cùng, chẳng nước nào muốn phải chọn phe. Chúng tôi mong các thân hữu của chúng tôi tiếp tục thiện chí và thông hiểu chúng tôi”. Nếu chỉ lọc ra có mỗi một ý kiến trên từ bài diễn văn của thủ tướng Thái Lan, e rằng sẽ dễ hiểu sai ý ông - bởi thế ông mới khẩn khoản kêu gọi “thiện chí và thông hiểu chúng tôi”. Thật ra, ý trên chỉ là điều thứ ba trong “7 điều tâm niệm” của ông Prayut ở diễn văn khai mạc Đối thoại Shangri-La, tựa đề là “Hướng đến một thế quân bình mới ở châu Á - Thái Bình Dương”. Nếu cho rằng chính quyền Thái hiện nay lạnh nhạt với Washington là do đó là một chính quyền quân nhân vi hiến khiến Mỹ phiền lòng thì cũng đúng, nhưng chỉ đúng một phần. Sự khắng khít với đồng minh Mỹ giảm đi so với trước kia còn do việc nay đã nổi lên một siêu cường mới ngay sát bên là Trung Quốc. Muốn hay không muốn, Thái Lan cũng phải “nương theo chiều gió” ngày càng thổi mạnh từ Bắc Kinh, song trong chiều sâu vẫn giữ quan hệ đồng minh với Mỹ vì “cùng một hệ” và tập quán chính trị. Nói cách khác, Thái Lan hay Singapore, Malaysia, Indonesia (hay Đài Loan) đều không thích thú gì với Trung Quốc, vốn khác biệt về thể chế chính trị, và không muốn bị rơi vào vòng ảnh hưởng của Bắc Kinh một phần quan trọng do sự khác biệt đó. Nhưng do siêu cường mới nổi tham vọng quá, thành ra Thủ tướng Prayut mới kêu gọi “thấu hiểu”. Song, cho dù có bị “kẹt” như thế nào, nhận xét của ông về tình hình khu vực rất chính xác, khách quan, không nghiêng ngả: “Cấu trúc của khu vực nay đang thiếu cân bằng... Chiến tranh lạnh kết thúc đã đem đến những thay đổi trong cấu trúc khu vực, tạo nên một tình hình đa cực mà không có luật lệ và quy định rõ ràng. Điều đó đã dẫn đến sự bất định ngày càng lớn, đồng thời là một thách đố ngày càng tăng cho mọi nước trong khu vực, đặc biệt là các nước nhỏ và đang phát triển”. Không nhất thiết phải nêu tên gọi của nguồn gốc “thách đố... đặc biệt cho các nước nhỏ” đó, song ông cũng coi như đã nói thẳng rắc rối xuất phát từ đâu. Lời kêu gọi ASEAN của ông sau đó cho thấy rõ hơn quan điểm của chính quyền quân nhân Thái Lan có lẽ là không “nghiêng ngả” như nhiều người vẫn tưởng: “Về các căng thẳng trên Biển Đông và biển Hoa Đông, Thái Lan tin rằng ASEAN phải đoàn kết về vấn đề này, do lẽ hòa bình và ổn định trong các vùng biển của khu vực là có lợi cho tất cả… Tự do hàng không và hàng hải cũng như sự hậu thuẫn cho các giải pháp tranh chấp một cách hòa bình là phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS. Thái Lan cho rằng việc thực thi đầy đủ và hiệu quả DOC sẽ tạo nên một bầu không khí thuận lợi cho các cuộc đàm phán nhằm giải quyết vấn đề một cách hòa bình giữa tất cả các bên liên quan. Chúng tôi ủng hộ việc hoàn tất sớm COC… Các vấn đề trên các vùng biển của khu vực không nên trở thành một cuộc tỉ thí một mất một còn… Các nước nên tiếp cận vấn đề theo cách “hai bên cùng được”. Thái Lan đề nghị tất cả các nước trong khu vực, dù có tranh chấp hay không, hãy tham gia các hoạt động chung vì lợi ích hỗ tương, tập trung vào các kết quả cụ thể và tiến hành đúng với luật pháp quốc tế”. Quá rõ ràng thông điệp chung thủy của Thái Lan! Ấn Độ và Indonesia Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Shri Manohar Parrikar nhắc lại cho những ai “thắc mắc” tại sao Ấn Độ lại can dự vào Biển Đông: “Chúng tôi có những liên kết truyền thống với các nước trong Biển Đông. Hơn một nửa kim ngạch thương mại của chúng tôi đi qua vùng biển này. Trong khi chúng tôi không nghiêng về bên nào trong các tranh chấp lãnh thổ, mà lẽ ra phải được giải quyết một cách hòa bình chứ không phải với sự đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, chúng tôi mạnh mẽ khẳng định quyền tự do hàng hải và hàng không, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển… Tất cả các nước trong khu vực cần phải nhìn nhận rằng sự thịnh vượng chung của chúng ta, cũng như tỉ lệ tăng trưởng đáng ghen tị mà chúng ta đã tận hưởng trong những thập kỷ trước sẽ lâm nguy vì hành vi hay những hành động gây hấn của bất kỳ ai trong chúng ta”. Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Hishammuddin Tun Hussein thì nêu đích danh “nghi can”: “Những diễn biến trong thập kỷ qua càng chứng tỏ các dự báo cho rằng châu Á - Thái Bình Dương là một khu vực “chín muồi cho sự kình địch”. Sự nổi lên của Trung Quốc, cũng như việc hiện đại hóa quân sự và nâng cao các năng lực (quân sự)… dường như đã tạo ra một bầu không khí dễ bùng nổ hơn… Tính bất định (chẳng biết đâu mà lường) của quỹ đạo tương lai của Trung Quốc là mối quan tâm đáng tranh cãi, thúc đẩy sự cạnh tranh quân sự có thể xảy ra, ngay bây giờ hoặc trong tương lai… Mọi quốc gia trên thế giới ngày nay, kể cả các nước lớn, đều phải giải thích cho hành vi của mình đúng theo quy định của pháp luật và các chuẩn mực đã được chấp nhận. Điều này xem ra có vẻ rất cơ bản, song có một thực tế đáng buồn là luật pháp quốc tế trong thời gian gần đây thường bị vi phạm hơn là tôn trọng”. Giống như các quốc gia trên, hầu hết các nước khác cũng đã chia sẻ ở diễn đàn về những thách thức, lo lắng hay quan ngại bất an trước nguy cơ xung đột đang là cận kề. Thế nhưng, đô đốc Tôn Kiến Quốc lại vẫn cứ một mình ăn nói kiểu “nước lớn”. ■ Không chỉ thủ tướng Thái Lan mới yêu cầu ASEAN đoàn kết về vấn đề Biển Đông và biển Hoa Đông, Bộ trưởng quốc phòng Nhật Bản cũng thế: “Do điều này có ý nghĩa rất quan trọng trên góc độ an ninh, tôi thành thật hoan nghênh việc tăng cường đoàn kết giữa các nước thành viên ASEAN…”. Bộ trưởng quốc phòng Nhật Bản cũng đã gián tiếp hóa giải những dấu hỏi về phát biểu của Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith mà tờ Nikkei đăng trước đó (rằng Lào - đang là chủ tịch ASEAN - kêu gọi các nước đối thoại nhằm tiến đến giải pháp hòa bình cho các tranh chấp lãnh thổ) bằng một chia sẻ kín đáo: “Tôi cũng muốn bày tỏ lòng ngưỡng mộ của tôi đối với các nỗ lực của CHDCND Lào, chủ tịch ASEAN năm nay. Nhật Bản quyết tâm tiếp tục sánh bước trên con đường phát triển, tay trong tay với ASEAN, tuyệt đối tôn trọng tính trung tâm của ASEAN”. Nếu nhớ rằng hạ tuần tháng trước, Nhật Bản đã mời Lào tham dự hội nghị G7 mở rộng thì sẽ hiểu tại sao Bộ trưởng Nakatani “ngưỡng mộ” Lào trong vai trò chủ tịch ASEAN, đồng thời hứa “sánh bước tay trong tay trên con đường phát triển”. Thật ra, nếu các bên tranh chấp đối thoại được với nhau, thay vì o ép bằng vũ lực, thì cũng đã là “may mắn” rồi! Tags: Quốc phòngTrung QuốcĐối thoạiDiễn đàn ShangrilaTranh chấpCăng thẳng trên Biển Đông
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Tin tức thế giới 22-11: Nga sẽ bắn thêm tên lửa Oreshnik; Triều Tiên cảnh báo chiến tranh hạt nhân BÌNH AN 22/11/2024 Nga đã dùng tên lửa đạn đạo siêu vượt âm tầm trung để đánh Ukraine; Ông Matt Gaetz rút khỏi đề cử bộ trưởng tư pháp Mỹ;
Lập lờ sữa và nước uống từ sữa DƯƠNG LIỄU 22/11/2024 Sữa tươi, sữa hạt, sữa trái cây... với hàng trăm thương hiệu, chủng loại trên thị trường khiến người tiêu dùng hoa mắt. Loại nào mới đáp ứng nhu cầu khuyến nghị về dinh dưỡng?
Yoga vì sức khỏe, nào phải 'phông bạt' với đời THU HƯƠNG 22/11/2024 Dư luận lại một lần nữa dậy sóng khi mạng xã hội lan truyền những hình ảnh về một nữ du khách 37 tuổi, người Hà Nội, đã có động tác yoga phản cảm tại Cung điện Gyeongbokgung - Hàn Quốc.
Tin tức sáng 22-11: Vợ và con gái sếp ngân hàng VIB bỏ hàng trăm tỉ mua cổ phiếu TUỔI TRẺ ONLINE 22/11/2024 Tin tức đáng chú ý: Vợ và con gái sếp ngân hàng VIB bỏ hàng trăm tỉ mua cổ phiếu; Quốc hội thảo luận 2 dự luật thuế quan trọng; Năm 2025, ngành y tế TP.HCM ưu tiên nâng cấp và xây mới ba bệnh viện xuống cấp...