Dọn dẹp...

HÀ HUY KHOÁI 07/01/2013 21:01 GMT+7

TTCT - Ngày xửa ngày xưa, có một ông lão và một bà lão. Hai ông bà tích cóp cả đời nên nhà họ chứa trăm thứ bà rằn. Đặc biệt, có không biết cơ man nào là sách.

Chúng nằm khắp nơi, chất chồng trong chục cái giá, lại còn ngổn ngang trong mấy cái tủ vốn trước đây đựng quần áo. Bà lão người dân tộc “Chăm”, ông lão lại là người “Lãn”.

Phóng to
Tranh: Lê Thiết Cương

Bởi thế nên có mỗi việc dọn sách mà cả năm không làm được. Hễ bà lão đòi dọn thì ông lão thế nào cũng tìm được lý do để bàn lùi. Cho đến một ngày ông lão cũng đã hết lý do lý trấu nên hai ông bà quyết định bắt tay vào dọn, trước tiên là cái tủ.

Mới được chừng 20 phút, bỗng bà lão reo lên. Ông lão được phen mừng hụt vì tưởng bà lão bắt được cục vàng, hóa ra chỉ là mấy cái cuống phiếu thực phẩm thuở nào! Không phải nhà ông bà lão hết thức ăn và hết tem phiếu để đi mua thịt. Cái thời tem phiếu bao cấp đó đã qua lâu rồi, có dùng phiếu làm gì nữa đâu. Nhưng chính vì nó đã trở thành chuyện ngày xửa ngày xưa nên bà lão lâu nay vẫn tiếc, không giữ lại được cái gì để làm kỷ niệm của một thời để nhớ.

Nay tìm lại được cái cuống phiếu thực phẩm hạng E (dành cho “cán bộ hạng bét”, mỗi tháng mua được 350gam thịt), hạng N (“nhân dân”, của cậu con trai cả, 100 gam/tháng), hạng TE (“trẻ em”, của cậu con út, 250 gam/tháng), đúng là như bắt được vàng.

Ông lão bảo:

- Bà thấy không, nhờ cái lãn của tôi nên mới còn mấy cái cuống phiếu thực phẩm đấy. Nếu cứ như bà, dọn dẹp thường xuyên thì bà đã vứt mấy cái phiếu đó ngay khi chế độ tem phiếu vừa mới bỏ, còn giữ đâu được đến hôm nay. Ta dừng cái việc dọn dẹp này đi nhé!

Bà lão đồng ý ngay, còn ông lão thì mừng vì đã chấm dứt hẳn được cuộc đấu tranh “dọn hay không dọn”!

Ông bà lão hiểu ra rằng: thật khó biết ta cần giữ lại cái gì cho ta ngày mai, càng khó biết nên giữ lại cái gì của ngày hôm nay cho con cháu mai sau. Cái hôm nay ta tưởng vô ích thì lại là của quý ngày mai và ngược lại. Có những quý giá sót lại là do sự ngẫu nhiên may mắn nào đó. Ước gì các nhà làm sử cứ ghi lại nguyên vẹn những gì xảy ra.

Đến như các cuốn “Biên niên sử”, mà bà lão nhiều lần tham gia biên soạn, gọi là để ghi hết những chuyện hằng ngày theo thời gian, nhưng lại thường là ghi theo tin trên báo chí. Báo chí đã chọn lọc rồi, các nhà làm biên niên lại chọn lọc lần nữa. Không biết còn lại được bao nhiêu cho ngày mai, để con cháu có thể hiểu thật rõ, thật đủ về ngày hôm nay.

Giá mình là nhà viết sử, với cái tính lãn cố hữu, chắc sẽ chẳng suy nghĩ gì, chỉ ghi lại thôi:

- Ngày 9-7, nghe nói con ngán (cũng giống con ngao thôi) ở Quảng Ninh bây giờ đắt lắm, những 40.000 đồng một con, mà chỉ vừa đủ ăn một miếng. Vậy nhưng có đám nhậu, chẳng biết dân hay quan, mà gọi bữa tiệc ngán ăn cho đến ngán vẫn còn thừa.

- Ngày 10-7: mấy ông giáo sư đến NXB Giáo Dục nhận nhuận bút viết sách giáo khoa cho chuyên toán, mỗi trang là 45.000 đồng, trừ thuế thu nhập, vị chi người viết còn bỏ túi được 40.500 đồng/trang.

- Ngày: ...

- Ngày: ...

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận