TTCT - Biến chủng mới Delta của virus corona là một bài thử giấy quỳ với các loại vaccine sản xuất ở Trung Quốc, và tuy đã có những dấu hiệu không được khả quan cho lắm, trong tình cảnh hiện tại đó vẫn là một lựa chọn mà nhiều nước phải tiếp tục. Đại dịch COVID-19 đang khiến lịch sử sang trang với một tốc độ chóng mặt. Còn nhớ mới nửa năm trước, đầu năm 2021, trong khi Mỹ và châu Âu đang chật vật thu vén đủ vaccine cho chính người dân của mình, bên kia địa cầu, Trung Quốc có vẻ đã kiểm soát được đại dịch. Còn hơn thế nữa, họ nổi lên trở thành nguồn cung cấp vaccine gần như duy nhất cho các nước đang phát triển, nhất là ở Đông Nam Á. Quyết định khó khănTính tới nay, hàng chục triệu liều vaccine sản xuất tại Trung Quốc đã được chuyển cho các nước Đông Nam Á. Philippines, Indonesia và Campuchia là những nước nhận vaccine Trung Quốc nhiều nhất khu vực, cả dưới dạng mua và viện trợ. Ngày 13-1, đích thân Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã chích liều vaccine Sinovac đầu tiên, hình ảnh được truyền trực tiếp trên tivi, để khởi động cho chiến dịch tiêm chủng hàng loạt ở nước này.Nhưng giờ đây, nửa năm sau sự kiện đó, Indonesia đang chìm trong hỗn loạn. Số lượng ca mắc COVID và ca tử vong tăng liên tục. Hệ thống y tế sụp đổ. Nhiều y bác sĩ ở tuyến đầu từng chích vaccine Trung Quốc nhiễm bệnh, một số người đã không qua khỏi. Các chuyên gia hiện cảnh báo ông Widodo rằng tình hình đất nước ông có thể sẽ còn tồi tệ hơn Ấn Độ.Những nước Đông Nam Á khác đã sử dụng vaccine Trung Quốc ở quy mô lớn như Thái Lan, Campuchia, và Malaysia cũng rơi vào hoàn cảnh khó khăn dù chưa đến mức tồi tệ như Indonesia. Số ca nhiễm mới ở các nước đó đều cao hơn mỗi ngày. Theo Reuters, giờ nhiều nước Đông Nam Á từng lựa chọn vaccine Trung Quốc đang đứng trước một quyết định khó khăn: có tiếp tục hay không.Một số nước đã bắt đầu bày tỏ thái độ. Reuters 7-7 cho biết Singapore sẽ không còn tính những người chích Sinovac thuộc diện đã tiêm chủng nữa. Thái Lan khuyến cáo những ai từng chích Sinovac cần chích liều thứ hai là AstraZeneca. Trong khi đó, Malaysia tuyên bố sẽ ngừng sử dụng Sinovac khi nguồn dự trữ hiện tại của họ hết.Có miễn dịch vẫn tốt hơnVào giữa tháng 7, Bộ trưởng Y tế Malaysia Adham Baba nói trong một cuộc họp báo rằng chính phủ nước này đã đảm bảo được nguồn cung 45 triệu liều vaccine Pfizer-BioNTech, đủ cho 70% dân số, so với 16 triệu liều Sinovac. “Khoảng một nửa trong 16 triệu liều đó đã được triển khai, phần còn lại sẽ được dùng để tiêm mũi thứ hai - ông Adham nói với Reuters - Những ai chưa chích ngừa thì giờ sẽ chích vaccine Pfizer”.Tuyên bố đó của ông Adham được đưa ra trong ngày thứ ba liên tiếp số ca nhiễm mới đạt mức kỷ lục ở Malaysia, và con số đó đã tăng đều cho tới cuối tháng 7, vượt mốc hơn 17.000 ca nhiễm mới vào ngày 25-7 và tổng số ca nhiễm là hơn 1 triệu, theo Wikipedia (trong đại dịch, trang từ điển mở này, với năng lực tổng hợp nhiều nguồn chính thống và cập nhật nhanh, đã trở thành một nguồn khả tín, được sử dụng, nói ví dụ, chính thức cho trang chủ của Google). Chiến lược “củng cố sau Sinovac” này cũng đang được triển khai ở Indonesia và một số nước dùng nhiều vaccine Trung Quốc khác như Thổ Nhĩ Kỳ và UAE.Việc triển khai vaccine còn rất mới và sẽ cần thêm thời gian để xác định rõ ràng. Một nghiên cứu xuất bản hồi giữa tháng 7 của Đại học Hong Kong trên tạp chí chuyên ngành uy tín The Lancet được báo Bưu Điện Hoa Nam dẫn lại nói những người chích vaccine Pfizer-BioNTech có mức kháng thể cao gấp 10 lần so với những người chích Sinovac.Tuy nhiên, các tác giả nghiên cứu cũng khuyến cáo bất kỳ mức kháng thể nào cũng là tốt hơn so với không có kháng thể, và đề xuất các chính quyền theo đuổi một chính sách “pha trộn vaccine” để nâng cao miễn dịch cho những người đã chích Sinovac. Theo họ, dù có thể còn vấn đề, Sinovac, với ưu điểm dễ bảo quản và chi phí thấp, vẫn có thể đóng một vai trò quan trọng trong hỗ trợ các nước đang phát triển đạt được mức triển khai vaccine như yêu cầu. Thực ra, với trường hợp Indonesia, tình hình có thể còn tồi tệ hơn nhiều nếu không ai được chích vaccine.Ngay từ đầu, việc thông qua vaccine Sinovac ở Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã khá chậm trễ. Theo trang chủ của WHO, hiệu quả của Sinovac chỉ là 51%, vừa đạt qua mức yêu cầu 50% của WHO với vaccine COVID-19. Việc thiếu các dữ liệu lâm sàng được công khai minh bạch cũng khiến vaccine Sinovac bị nghi ngờ. Ví dụ, Bloomberg tháng 1-2021 từng dẫn các thông tin tổng hợp cho thấy vaccine này được công bố với 4 mức hiệu quả khác nhau.Hồi tháng 4, trong một cuộc họp báo, chính ông George Gao (Cao Phúc), người đứng đầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Trung Quốc (CCDC), có vẻ đã lỡ lời thừa nhận vaccine Trung Quốc còn chưa hiệu quả. Ông Gao nói CCDC đang tìm hiểu các cách thức “nhằm giải quyết vấn đề hiệu quả của vaccine hiện chưa cao”. Trung Quốc sau đó nhanh chóng bác bỏ bình luận của ông Gao, còn ông này thì nói đó chỉ là chuyện “hiểu lầm”.Ở Indonesia, “đa số vaccine được sử dụng cho tới giờ - gần 90% - là do Sinovac sản xuất”, theo truyền thông trong nước. Hiện giờ, với mức hơn 40.000 ca nhiễm mới mỗi ngày và tỉ lệ 163 ca trên 1 triệu dân, Indonesia thực ra đã vượt qua Ấn Độ về tỉ lệ người nhiễm (27 ca trên 1 triệu dân) từ cuối tháng 7. Tỉ lệ tử vong ở đây cũng cao hơn, trung bình là 3 ca trên 1 triệu người, so với không tới 1 ca ở Nam Á, theo Nikkei Asia. Đông Nam Á là mục tiêu then chốt cho chính sách ngoại giao vaccine của Trung Quốc, chiếm 29% tổng lượng viện trợ và 25,6% lượng bán ra của vaccine Trung Quốc trên toàn thế giới, theo một nghiên cứu của Viện ISEAS-Yusof Ishak, Singapore. Tuy nhiên, cũng trong nghiên cứu này, các tác giả nói chính sách ngoại giao vaccine đấy “chưa thực sự tạo ra được sự tin cậy ở Đông Nam Á, chủ yếu vì việc Bắc Kinh vẫn thể hiện quan điểm cứng rắn trong các lĩnh vực khác, nhất là ở Biển Đông”.Trong một động thái khác, chương trình tiêm chủng “Mầm xuân” ngay từ đầu tháng 6 đã đảm bảo cho 1,18 triệu người Trung Quốc đang sinh sống, làm việc ở hơn 150 nước được sử dụng vaccine Trung Quốc hoặc nước ngoài. Ví dụ, Global Times ngày 19-7 cho biết vaccine thuộc chương trình này đã có mặt ở nhiều nước Đông Nam Á, bao gồm Việt Nam, Myanmar và Thái Lan. Bài báo trên Global Times nói 2.600 người Trung Quốc đã được tiêm vaccine Sinopharm ở Hà Nội và Bắc Giang. Ở Myanmar, gần 7.000 công dân Trung Quốc đã chích đủ hai liều trong chương trình này tính tới ngày 11-7, theo thông tin từ Đại sứ quán Trung Quốc tại Myanmar.Tính tới ngày 9-7, Trung Quốc đã cung ứng cho hơn 100 quốc gia và tổ chức quốc tế 500 triệu liều vaccine COVID-19, chiếm khoảng 1/6 tổng sản lượng vaccine toàn cầu, theo Tân Hoa xã. Trước đó vào tháng 5, cũng hãng tin nhà nước này cho biết Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tuyên bố Trung Quốc sẽ cung cấp “thêm 3 tỉ đôla viện trợ quốc tế trong ba năm tới để hỗ trợ phản ứng COVID-19 và phục hồi kinh tế - xã hội ở các nước đang phát triển”. Khoản viện trợ này không kèm ràng buộc sử dụng vaccine Trung Quốc.Trung Quốc cũng đã chủ động ký kết các thỏa thuận sản xuất vaccine với một số nước, như UAE và Morocco và giúp Nga sản xuất vaccine của Nga. Theo China Daily, xuất khẩu các sản phẩm y tế của Trung Quốc, bao gồm vaccine COVID-19, đã tăng tới 129,5% lên mức gần 14 tỉ đôla Mỹ trong 4 tháng đầu năm 2021, so với cùng kỳ năm ngoái.“Mối quan ngại về Sinovac là các bằng chứng được công bố - với Sinovac điều này rất thưa thớt so với các loại vaccine khác”, bác sĩ Pawin Numthavaj, chuyên gia dịch tễ lâm sàng ở Bệnh viện Ramathibodi, Thái Lan, nói với CNN sau khi nước này nhận 2 triệu liều Sinovac hồi tháng 6. “Vaccine này có thể hiệu quả, nhưng không phải cho tất cả mọi người... Việc của chúng ta là xác định nó hiệu quả cho ai”. Tags: Đông Nam ÁCOVID-19Vắc xinVaccineVắc xin Trung QuốcSinovacMiễn dịch
Trực tiếp từ Seoul, Hàn Quốc: Hương phở Việt chính thức lan tỏa NHƯ BÌNH 05/10/2024 Ngày 5-10, giữa tiết trời thu Seoul Hàn Quốc, phở Việt đã chính thức gặp gỡ những thực khách Hàn Quốc để cùng trải trải nghiệm và khám phá thú vị về văn hóa, ẩm thực Việt Nam.
Hàng loạt vụ nổ ở thủ đô Lebanon, nhóm Hezbollah đang đụng độ với Israel THANH BÌNH 05/10/2024 Một loạt vụ nổ được ghi nhận ở vùng ngoại ô phía nam thủ đô Beirut của Lebanon vào sáng sớm nay 5-10, sau khi quân đội Israel phát lệnh sơ tán đối với một số nơi trong khu vực.
Cao tốc Vĩnh Hảo đến Dầu Giây khi nào hết bất ổn? ĐỨC TRONG 05/10/2024 Cao tốc từ Vĩnh Hảo đến Dầu Giây nối hai tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai đưa vào khai thác hơn một năm qua đến nay vẫn còn nhiều "bất ổn", nguy cơ tai nạn giao thông chực chờ.
Cha mẹ bạo bệnh, nữ sinh Hà Tĩnh vẫn là HS giỏi tỉnh, tiến vào ĐH Y Hà Nội LÊ MINH 05/10/2024 Căn phòng trọ chừng 10m2, nơi Nguyễn Thị Thùy cùng chị gái đang ở nằm sâu trong ngõ thuộc phố Kim Giang (quận Hoàng Mai, Hà Nội).