Đồng tiền đi trước thiên tai

LÊ MY 07/12/2023 03:00 GMT+7

TTCT - Thử nhìn nhận một giải pháp "cứu trợ" mới nổi: trao tiền cho người dân ngay trước khi thảm họa xảy ra.

Một vùng ngập lụt ở Malawi vào tháng 3-2023 sau khi bão Freddy tấn công. Ảnh: Esa Alexander/Reuters

Một vùng ngập lụt ở Malawi vào tháng 3-2023 sau khi bão Freddy tấn công. Ảnh: Esa Alexander/Reuters

Bước sang tháng cuối cùng của năm, tin tức về mưa lũ vẫn tràn ngập - Việt Nam hay Philippines và Malaysia, xa hơn nữa là khu vực Đông Phi. Trong bối cảnh đó, thử nhìn nhận một giải pháp "cứu trợ" mới nổi: trao tiền cho người dân ngay trước khi thảm họa xảy ra.

Tháng 7-2020, Chương trình Lương thực thế giới (WFP) gửi 23.000 gia đình sống dọc sông Jamuna ở Bangladesh mỗi nhà khoảng 53 USD, chỉ vài ngày trước khi khu vực này hứng chịu lũ lụt cực đoan đúng như cảnh báo trước đó.

Suốt thời gian lũ lụt, với nhóm người nhận tiền, "khả năng buộc phải nhịn đói qua ngày" là thấp hơn so với những người không nhận được tiền, theo một đánh giá độc lập của Đại học Oxford và Trung tâm Bảo vệ thiên tai ở Anh Quốc. 

Thậm chí ba tháng sau đó, nhóm nghiên cứu phát hiện rằng: những người nhận tiền đã ăn uống tốt hơn và việc bán tháo vật nuôi trong nhà hay vay tiền lãi suất cao cũng ít xảy ra hơn.

Các thử nghiệm tương tự, mặc dù vẫn đang ở giai đoạn đầu, đang cho thấy sức mạnh của cách tiếp cận "đồng tiền đi trước" này, hứa hẹn sẽ đóng vai trò lớn hơn trong các chính sách thích ứng với biến đổi khí hậu sắp tới.

"Tiền cứu trợ sớm" là gì?

Tất cả đều là nghĩa đen - đó là tiền tươi, không phải thóc thật, càng không phải mì gói. "Tiền cứu trợ sớm" chỉ đơn giản là một khoản tiền không ràng buộc, được trao cho người dân trước khi thời tiết khắc nghiệt ập đến, kỳ vọng giúp họ phục hồi nhanh hơn và hạn chế thiệt hại về người và của sau thiên tai.

"Sớm" thế nào là câu hỏi triệu đô. Nó đòi hỏi năng lực xác định chính xác thời điểm và địa điểm thiên tai sẽ tấn công, tức là nguồn dữ liệu dồi dào và công nghệ phân tích, dự báo.

Gần đây, khi ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đang ngày một rõ nét và những người nghèo nhất trên thế giới thường là bộ phận bị tổn thương nhiều nhất, cách tiếp cận này đang nhận được nhiều quan tâm. Khi mùa màng, vật nuôi hoặc tài sản không được bảo hiểm, những thảm họa bất ngờ như lũ lụt hoặc những thảm họa "âm ỉ" hơn như hạn hán, có thể đẩy người nghèo vào cảnh nghèo hơn.

Tất nhiên ý tưởng "cứu trợ trước cả thiên tai" sẽ gây tranh cãi. Phe ủng hộ tin rằng tiền viện trợ sẽ được sử dụng hiệu quả hơn bằng cách này. Theo các nghiên cứu về xóa đói giảm nghèo, người ta thích nhận tiền hơn hiện vật, vì họ sẽ có cơ hội mua những món đồ mà họ thực sự cần - những thứ mà người ngoài cuộc thường khó lòng hiểu thấu. Ngoài ra, tiền được phân phát nhanh chóng hơn hàng hóa nhờ có dịch vụ ngân hàng trên điện thoại di động.

"Các khoản tiền được chuyển đi sẽ giúp các gia đình sống sót sau thảm họa khí hậu. Tiền mở ra các lựa chọn và tiếp cận nhanh chóng" - Miriam Laker-Oketta, giám đốc nghiên cứu của tổ chức phi lợi nhuận GiveDirectly, một "fan" lớn của ý tưởng gửi tiền trực tiếp cho nạn nhân thiên tai - nói với The New York Times.

Ảnh: World Food Programme

Ảnh: World Food Programme

"Tiền cứu trợ sớm" ngày càng được thử nghiệm ở nhiều nơi khác nhau. Năm 2021, Chính phủ Niger ở Tây Phi đã khởi động chương trình chuyển tiền sớm để ứng phó với tình trạng khan hiếm nước. 

Họ sử dụng các chỉ số kỹ thuật từ vệ tinh để phát hiện hạn hán sớm. Khi chỉ số cho thấy lượng nước đã giảm 10% so với mức trung bình của cuối mùa vụ, nó sẽ tự động kích hoạt việc chuyển tiền cứu trợ vô điều kiện. Nếu chỉ dựa vào cứu trợ nhân đạo truyền thống, nông dân phải chờ 3 - 5 tháng mới nhận được hỗ trợ.

Một nghiên cứu gần gũi hơn ở nước ta cũng mang lại kết quả khả quan. Tháng 9-2022, các hành động sớm được triển khai tại miền Trung ba ngày trước khi cơn bão Noru đổ bộ, bao gồm cung cấp thùng phuy nhựa và tiền mặt cho các hộ nghèo và cận nghèo. 

Theo báo cáo "Việt Nam: Tác động của hành động phòng ngừa - Chạy đua chống bão Noru" hồi tháng 11-2023 của Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO), an ninh lương thực đã được cải thiện, các cơ chế đối phó tiêu cực đã giảm bớt và cảm giác an toàn trong người dân được tăng cường.

Song phe hoài nghi thì cho rằng "tiền cứu trợ sớm" không thể chống lại hàng loạt mối nguy hiểm mà người nghèo phải đối mặt: nắng nóng chết người, mực nước biển dâng cao, mưa bão thất thường và không phải ai cần tiền cũng sẽ nhận được tiền. "Nó không bền vững. Nguồn tiền sẽ luôn có giới hạn" - Wanjira Mathai của tổ chức vận động World Resources Institute, lập luận.

Ưu và nhược điểm của cách làm này đều có thể thấy ở Chipyali, một ngôi làng phía nam Malawi. Năm ngoái, GiveDirectly đã gửi 400 USD/hộ cho một số gia đình để họ mua hạt giống lai và phân bón hóa học đắt tiền. Nhưng họ đã mất trắng vì mưa lớn đã cuốn trôi tất cả những gì được gieo trồng. T

uy nhiên cũng có những hộ sống tốt, chẳng hạn như trưởng làng Adidja William đã mua một tấm pin mặt trời nhỏ để bà có thể thắp đèn và quạt ở nhà. Maggie Dyton đã xây một ngôi nhà bằng gạch và thiếc để thay thế ngôi nhà cũ từ bùn và rơm, theo The New York Times.

Vậy "xài thế nào" cũng là phần quan trọng của vấn đề.

Đồng tiền đi trước thiên tai- Ảnh 3.

Giữa thích ứng và giảm nhẹ

"Đồng tiền đi trước thiên tai" còn xen vào các tranh luận về lựa chọn giữa hành động giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu hay tìm cách thích ứng với nó.

"Hãy nhìn một vài con sông hiện đã bắt đầu ngập lụt, bất kể chúng ta làm gì trong 100 năm tới, những con sông này sẽ tiếp tục ngập lụt" - Laker-Oketta nói với tác giả Sigal Samuel của trang Vox. 

Ngân sách cho hành động giảm nhẹ sẽ mang lại hiệu quả về lâu dài nhưng vốn không thể bảo vệ một quốc gia, cụ thể là những người chịu ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề nhất, trước biến đổi khí hậu ngay bây giờ. "Chúng ta cần tăng số tiền dành ra để giúp mọi người thích ứng" - cô nói.

Một cách tiếp cận trong lĩnh vực thích ứng là cấp vốn trực tiếp cho các chính phủ để họ có thể xây dựng cơ sở hạ tầng như đê biển, hệ thống tưới tiêu... nhằm giảm tác động của các thảm họa thiên nhiên. Những dự án công cộng lớn như thế rất quan trọng nhưng mất nhiều thời gian. Một người nông dân, với mảnh đất bị nhiễm mặn và cỏ cây èo uột, sẽ không thể chờ.

Vì vậy, "đồng tiền đi trước thiên tai" là một cách tiếp cận mới trong câu chuyện thích ứng với biến đổi khí hậu. Theo Laker-Oketta, "số tiền chúng tôi đưa ra không đủ để xây tường chắn sóng - đó là việc mà các chính phủ phải làm". 

Giải pháp dễ dàng hơn là trao cho người dân quyền đưa ra các quyết định cấp bách vào lúc này. Câu hỏi không còn là "Cứu trợ bằng tiền có hiệu quả không?" mà là "Số tiền, tần suất và thời điểm nào mới phù hợp?".

Hướng tới COP28

Giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu, cùng với việc xóa đói giảm nghèo, đều vô cùng quan trọng để có một thế giới an toàn và công bằng hơn. Vì vậy, Liên Hiệp Quốc đã kêu gọi thế giới chia 50/50 tài chính dùng cho hành động giảm nhẹ và thích ứng.

Tuy nhiên, trong số tất cả nguồn tài trợ hướng tới việc chống biến đổi khí hậu trên toàn cầu, hơn 90% đang dành cho mục đích giảm nhẹ, theo báo cáo "Cảnh quan Tài chính khí hậu toàn cầu 2023" của Climate Policy Initiative hồi tháng 11 vừa qua. Và thay vì cung cấp thêm tiền giúp các quốc gia nghèo hơn thích ứng, một số cường quốc đã chuyển hướng "viện trợ phát triển" cho nhiều dự án giảm nhẹ.

Charles Kenny, nhà kinh tế học và thành viên cấp cao tại Center for Global Development, cho rằng đó là một ý tưởng tồi tệ. Theo bài luận năm 2021 của ông, tiền viện trợ nước ngoài sẽ chỉ là một giọt nước tí hon nếu nó được chuyển sang các dự án giảm nhẹ. 

Nhưng nó lại có thể tạo tác động lớn ở các nền kinh tế nhỏ, bằng cách giảm nghèo và thúc đẩy phát triển (bao gồm cơ sở hạ tầng, y tế và giáo dục). "Phát triển" chính là cách thích ứng hiệu quả nhất của các quốc gia này.

Sau cuộc vận động kéo dài ba thập niên của các nước đang phát triển, tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu năm ngoái - COP27 ở Ai Cập, các nước giàu đã đồng ý việc thành lập một "quỹ tổn thất và thiệt hại". 

Nó liên quan đến những tổn hại về thể chất và tinh thần do tác động của biến đổi khí hậu mà hai con đường truyền thống là giảm thiểu lượng khí thải carbon và thích ứng với một thế giới ấm hơn không thể giải quyết được. Người ta đang kỳ vọng những thảo luận chi tiết hơn về quỹ này tại COP28 ở Dubai, bắt đầu vào ngày 30-11.

Tiền từ nguồn quỹ này có thể sẽ phải đợi ít nhất một năm nữa để bắt đầu chảy về các quốc gia dễ bị tổn thương, theo Ritu Bharadwaj - nhà nghiên cứu Environment and Development của Anh. 

Cô nói với trang Context rằng một cơ chế tài trợ hiệu quả phải phân biệt giữa những tổn thất không thể tránh khỏi và những tổn thất có thể ngăn chặn được. Điều đó sẽ mở đường cho việc kích hoạt các khoản "tiền cứu trợ sớm" trước khi thảm họa xảy ra.

Theo báo cáo của Anticipation Hub, cách tiếp cận "sớm" dựa trên việc dự báo thiên tai đang nhanh chóng trở nên phổ biến trên toàn thế giới. Có tới 35 quốc gia đã thực hiện các cơ chế hành động sớm vào năm 2022, với 138 triệu USD được cam kết cho mục đích này, giúp 7,6 triệu người có sự chuẩn bị tốt hơn trước thềm thảm họa.

Theo "Báo cáo rà soát đầu tư và chi tiêu công cho biến đổi khí hậu" do Chương trình Phát triển của Liên Hiệp Quốc (UNDP) xuất bản năm 2022, tại Việt Nam chi tiêu cho việc thích ứng với biến đổi khí hậu chiếm trên 90% ngân sách chống biến đổi khí hậu trong giai đoạn 2016-2020. Như vậy, thích ứng là ưu tiên chính của Việt Nam. Trong khi đó, lĩnh vực giảm nhẹ, ví dụ như đầu tư cho năng lượng tái tạo, lại chủ yếu đến từ khu vực tư nhân.
Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận