Đua nhau trải thảm mời sao: 'Đừng trách Singapore'*

PHAN BẢO 14/03/2024 07:41 GMT+7

TTCT - Bài hit Bad blood của Taylor Swift có nghĩa đen là "máu xấu", còn nghĩa bóng là cơm không lành canh không ngọt. Nó cũng có thể mô tả quan hệ giữa các nước khu vực khi Swift mang The Eras Tour đến Đông Nam Á.

Taylor Swift trong đêm diễn đầu tiên ở Singapore. Ảnh: TAS

Taylor Swift trong đêm diễn đầu tiên ở Singapore. Ảnh: TAS

Việc Singapore "xí riêng" Taylor Swift, không cho nữ siêu sao mang chuyến lưu diễn vòng quanh thế giới The Eras Tour tới đâu khác ở Đông Nam Á khiến nhiều nước vừa tức nước láng giềng vừa giận bản thân, khi một lần nữa thất bại trong chuyện trải thảm mời sao.

Chỉ trong ba tháng đầu năm 2024, Singapore đã liên tục đón các siêu sao quốc tế: đầu tiên là "sáu đêm diễn chưa từng có" của ban nhạc người Anh Coldplay tại sân vận động quốc gia Singapore sức chứa 55.000 chỗ hồi tháng 1, rồi ngay tháng sau là hai concert của Ed Sheeran.

Dư âm về chuyến thăm của nam ca sĩ - nhạc sĩ người Anh còn chưa dứt thì đảo quốc này lại tất bật đón siêu sao nhạc pop nước Mỹ Taylor Swift với sáu đêm The Eras Tour trong tháng 3, một trong những sự kiện biểu diễn quốc tế lớn nhất từng diễn ra trên lãnh thổ Singapore.

Singapore thật sự là "thỏi nam châm" hút các ngôi sao hàng đầu đến biểu diễn, nhờ nhiều lợi thế mà các nước muốn cạnh tranh cũng khó lòng "sao chép" được.

Châu Á 'sục sôi' vì Singapore 'chơi không đẹp'

Bài hit Bad blood của Taylor Swift có nghĩa đen là "máu xấu", còn nghĩa bóng là cơm không lành canh không ngọt. Nó cũng có thể mô tả quan hệ giữa các nước khu vực khi Swift mang The Eras Tour đến Đông Nam Á.

Theo Reuters, Thủ tướng Thái Srettha Thavisin cho biết công ty chuyên tổ chức hòa nhạc hàng đầu thế giới AEG tiết lộ với ông rằng Chính phủ Singapore đã ký hợp đồng độc quyền tài trợ từ 2 - 3 triệu USD cho mỗi buổi diễn của Swift. Đổi lại, phía danh ca người Mỹ không được tổ chức thêm bất kỳ buổi biểu diễn nào tại một lãnh thổ khác ở Đông Nam Á.

Ngày 20-2, Tổng cục Du lịch Singapore và Bộ Văn hóa, Cộng đồng và Thanh niên nước này xác nhận quả thật có một khoản tài trợ như vậy nhưng không đề cập số tiền cụ thể cũng như các điều khoản đi kèm với lý do bảo mật kinh doanh, theo báo The Straits Times.

Tiết lộ trên đã dấy lên làn sóng ghen tị từ các nước trong khu vực. "Đó không phải là điều mà một nước láng giềng tốt làm" - ông Joey Salceda, nghị sĩ tỉnh Albay (Philippines) nói trong tuyên bố với truyền thông ngày

28-2, đồng thời cho biết động thái "chơi không đẹp" của Singapore gây bất lợi cho quan hệ ngoại giao với Manila. Theo The Straits Times, ông Salceda còn đòi Bộ Ngoại giao Philippines phản đối thương vụ độc quyền này.

Nữ sinh Singapore Giselle Heng, 11 tuổi, được Taylor Swift bắt tay và tặng mũ trong đêm diễn mở màn ngày 2-3. Ảnh: Vicky Chang

Nữ sinh Singapore Giselle Heng, 11 tuổi, được Taylor Swift bắt tay và tặng mũ trong đêm diễn mở màn ngày 2-3. Ảnh: Vicky Chang

Đặc khu trưởng Hong Kong Lý Gia Siêu cũng tiếc hùi hụi sau khi bỏ lỡ cú hích Swiftonomics - những lợi ích kinh tế nhờ cơn sốt Taylor Swift. Trước đó, hai nhóm nhạc Anh Coldplay và The 1975 đều "bỏ qua" Hong Kong khi đến châu Á, chỉ mở show ở Singapore, Nhật, Đài Loan, Indonesia, Malaysia, Philippines và Thái Lan.

Ông Lý cho biết chính quyền nhận thức được sự cạnh tranh khốc liệt từ các nền kinh tế đang lên và lợi ích kinh tế đi kèm các buổi hòa nhạc, cho rằng Hong Kong cần "không ngừng nỗ lực để thu hút sao quốc tế đến tổ chức concert bên cạnh các sự kiện thể thao và văn hóa lớn khác", theo South China Morning Post.

Cũng tiếc nuối như Hong Kong, Bộ trưởng Du lịch Indonesia Sandiaga Uno cho biết chính phủ khao khát những gì Singapore đã làm được, đó là mang Taylor Swift về. "Chúng tôi cần Swiftonomics cho nền du lịch Indonesia" - ông nói với Bloomberg.

Ông cho biết Bộ Du lịch Indonesia đã thành lập Quỹ du lịch Indonesia với 1.000 tỉ rupiah (64 triệu USD) để hỗ trợ các sự kiện tầm cỡ như hòa nhạc của Taylor.

Nhất cự ly

Vậy làm cách nào mà Singapore, với chưa đầy 6 triệu dân, lại trở thành địa điểm ưa thích của các nghệ sĩ hàng đầu thế giới? Kevin Wee, giảng viên cao cấp tại Trường quản lý kinh doanh của Đại học Bách khoa Nanyang (Singapore), cho rằng lợi thế đầu tiên là Singapore có vị trí thuận lợi và kết nối hàng không với nhiều nước trong khu vực.

"Vị trí đắc địa này thu hút các nghệ sĩ và biến những người yêu âm nhạc thành khách du lịch, cho phép họ hòa mình vào những thú vui khác của thành phố ngoài thời gian xem biểu diễn" - ông nói với Channel News Asia. Theo Wee, người hâm mộ có thể dễ dàng di chuyển đến Singapore để xem concert và trở về với "nhiều thứ hơn là những kỷ niệm về đêm diễn".

Coldplay tại Singapore

Coldplay tại Singapore

Christopher Khoo, giám đốc điều hành công ty tư vấn du lịch MasterConsult Services, cho biết các nghệ sĩ khi nhắm đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương thường cân nhắc những nơi như Nhật hoặc Úc, còn muốn khai thác thị trường Đông Nam Á sẽ chọn Singapore.

Khoo đánh giá Singapore đã nỗ lực quảng bá mình là "trung tâm của giải trí và cuộc sống về đêm", thu hút du khách từ các nước láng giềng như Malaysia, Indonesia và Philippines.

"Khả năng kết nối với Kuala Lumpur, Malacca, Bangkok, Jakarta khiến du khách có thể coi Singapore gần giống như một điểm đến nghỉ ngơi cuối tuần, nếu có một buổi biểu diễn hoặc concert đặc biệt mà họ muốn tham dự", Khoo lý giải.

Theo tiến sĩ Michael Chiam - giảng viên cao cấp về du lịch tại Trường Ngee Ann Polytechnic, những người xem ca nhạc sau đó sẽ mua sắm, dùng bữa, tham quan một số điểm du lịch - toàn là những thế mạnh của Singapore.

Nhì tốc độ (+ hạ tầng, an ninh)

Theo phân tích của The Straits Times, yếu tố không kém phần quan trọng giúp Singapore chiến thắng trong cuộc đua thu hút các siêu sao ca nhạc chính là nhanh chân.

Kallang Alive Sport Management - đơn vị điều hành sân vận động quốc gia Singapore - đã mời chào ê kíp của Taylor từ đầu năm 2023, trước khi phía ca sĩ này xác nhận bất kỳ địa điểm lưu diễn quốc tế nào. Sau đó, họ thành công đạt được thỏa thuận để Taylor chỉ biểu diễn ở Singapore trong toàn bộ khu vực Đông Nam Á.

Các chuyên gia cho biết điều khoản thỏa thuận độc quyền kiểu này không hề hiếm trong ngành giải trí, cũng như các lĩnh vực kinh doanh khác. Nhưng để có thể đưa ra lời mời chào đi kèm những điều khoản như vậy, Singapore chắc chắn còn có những ưu điểm vượt trội khác ngoài yếu tố chịu chi.

Những lợi thế đó bao gồm cơ sở hạ tầng đẳng cấp thế giới và các địa điểm hiện đại được trang bị đầy đủ để tổ chức những concert quy mô lớn, tiến sĩ Barkathunnisha Abu Bakar - đồng sáng lập Tổ chức World Women Tourism, chỉ ra.

Ông Khoo nói rằng những nơi như Victoria Memorial Hall hay Esplanade đủ khả năng "phục vụ nhiều kiểu sự kiện hoặc buổi hòa nhạc". "Bản thân các địa điểm cũng đang cạnh tranh để được tổ chức những sự kiện này… Đó là điều tốt khi chúng tôi cố gắng thu hút các nghệ sĩ Kpop, Nhật Bản, châu Âu hoặc Mỹ đến Singapore" - ông nói với Channel News Asia.

Bên cạnh đó, nền chính trị ổn định và các biện pháp an ninh mạnh mẽ càng củng cố vị thế của Singapore trên bản đồ lưu diễn âm nhạc thế giới.

Một sự kiện chào mừng The Eras Tour ở sân bay Changi (Singapore). Ảnh: Reuters

Một sự kiện chào mừng The Eras Tour ở sân bay Changi (Singapore). Ảnh: Reuters

Liệu các nước có thể 'copy'?

Việc các quốc gia khác khó có thể sánh ngang Singapore ở những tiêu chí kể trên có lẽ đã quá rõ ràng, chưa kể những khía cạnh khác. Chẳng hạn, đối với Malaysia và Indonesia, chỉ mỗi chuyện trang phục biểu diễn cũng phải chịu nhiều quy định khắt khe và có phần bảo thủ, theo Channel News Asia. "Nếu [Swift] tới Malaysia, những người theo trào lưu tôn giáo cực đoan sẽ gào lên vì trang phục cũng như thái độ ủng hộ LGBT của cô ta" - một người dùng viết trên Twitter.

Tuy nhiên, gian nan mấy các nước cũng không nản. Trong khi Thủ tướng Thái Srettha Thavisin phát biểu rằng "chiêu bài" tài trợ như Singapore cũng đáng để nước này học theo, thì Bộ trưởng Du lịch và Thể thao Sudawan Wangsuphakijkosol lại muốn chú trọng hơn đến cơ sở hạ tầng và giao thông, theo Bangkok Post. 

Sudawan cũng tiết lộ rằng chính phủ có kế hoạch gặp gỡ các đơn vị tổ chức hòa nhạc chuyên nghiệp, nhưng không phải để đề xuất tài trợ mà là "tìm hiểu toàn bộ cấu trúc của thị trường hiện tại và giải quyết những trở ngại hiện hữu để khiến khoản đầu tư của đất nước trở nên đáng giá".

Hong Kong cũng có ý định tương tự sau khi thẳng thắn nhìn nhận vấn đề của họ nằm ở chỗ chậm mở cửa hậu Covid và thiếu địa điểm có sức chứa lớn, theo South China Morning Post. Hy vọng lớn nhất là sân vân động 50.000 chỗ, xây trên nền sân bay Kai Tak cũ, hiện chưa biết khi nào hoàn thành.

* Phỏng theo tựa bài hát Don't Blame Me (2017) của Taylor Swift

Theo The Straits Times, Taylor Swift là một trong số ít trường hợp khiến các chuyên gia bận rộn tính toán tác động kinh tế mà cô mang đến cho các thành phố từ những buổi hòa nhạc của mình.

Chua Hak Bin, chuyên gia kinh tế từ Ngân hàng Maybank của Malaysia, ước tính cứ mỗi 10 trong số 300.000 khán giả đến xem Taylor diễn sẽ có 7 người đến từ nước ngoài, Reuters cho biết hôm 3-3. Họ chi tổng cộng từ 260 - 370 triệu USD cho khách sạn, đồ ăn và giải trí. Đem lên bàn cân so sánh, kể từ khi ra mắt vào năm 2008, giải đua F1 Singapore Grand Prix tạo ra doanh thu du lịch khoảng 1,5 tỉ USD, theo Bộ Thương mại nước này.

Trong khi đó, các nhà phân tích tại Ngân hàng HSBC cho biết giá phòng khách sạn ở Singapore hiện cao hơn 30% so với thời điểm trước dịch 2019. Edmund Ong, tổng giám đốc trang du lịch Trip.com Singapore, cho biết từ ngày 1 đến 9-3, giá vé máy bay đến Singapore tăng gần gấp ba trong khi số lượng đặt phòng gần như tăng gấp 5 lần. Số lượt đặt chỗ cho các điểm tham quan và tour du lịch cũng tăng hơn 2.300%.

Người hâm mộ, cả trong lẫn ngoài Singapore, đều không vui. Dân Singapore than phiền vì bị fan nước ngoài cạnh tranh, chiếm hết vé, còn người hâm mộ các nước khác thì trách đủ thứ: nhà nước không mời được sao, khiến tôi phải tốn bộn tiền xuất ngoại (hoặc ngậm ngùi ở nhà vì không có tiền) "đu idol".

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận