TTCT - Hỏi phạt sao cho học sinh nên người thì trước tiên cần tạo bối cảnh giáo dục thông thoáng từ tư duy đến thủ tục hành chính, từ thu nhập cao và sĩ số thấp thì vấn đề sẽ được giải quyết ổn thỏa, bởi thầy cô thoát khỏi sự bức bối hiện nay và sẽ nỗ lực “vì học sinh thân yêu”. Minh họa: Sà Và Ná Bản thân vợ chồng tôi đều là giảng viên, gia đình hai bên cũng nhiều người hoạt động trong ngành giáo dục, lên lớp thao giảng toàn ngôn từ đổi mới giáo dục, giáo dục bằng “kỷ cương - tình thương - trách nhiệm”, so sánh tư tưởng giáo dục Nho giáo với tư duy giáo dục hiện đại..., lồng ghép trong các bài giảng về vấn đề xã hội. Chúng tôi không nói dối, chỉ là nói lên ước mơ - một mơ ước chính đáng và đầy áp lực! Không giận, cũng không phục Nhớ hồi nhỏ, anh em chúng tôi đi học hay ở nhà đều ít nhiều được “thương cho roi cho vọt” từ “mấy tầng áp bức”: ông bà, cha mẹ, thầy cô. Sau này ngẫm lại thấy có lần mình sai đáng bị phạt, nhưng có lần do sơ suất (vỡ bát, rơi mất sổ gạo, quên đưa bố mẹ ký tên sổ liên lạc...) hoặc lý do mơ hồ nào đó từ nội tại của người lớn mà hành vi chướng mắt của trẻ con chỉ là giọt nước tràn ly... Bây giờ hỏi lại còn giận người lớn không? Thật sự không còn giận hờn chi nữa, phần quên lãng theo thời gian, phần thông cảm với áp lực của người lớn ngày ấy. Hỏi có phục cách cư xử của người lớn hồi xưa không? Xin thưa là không. Đến bây giờ, tôi vẫn thấy đòn roi chẳng mấy tác dụng điều chỉnh hành vi sai trái tận nguồn gốc, chỉ là ngăn chặn tức thời và giải quyết trút giận, làm tổn thương nhau. Đứa trẻ nếu vì lo lắng bị đòn mà trở nên cun cút dễ bảo thì về sau sẽ đớn hèn. Đứa trẻ qua đòn roi mà chẳng sợ sệt chi thì về sau mạnh mẽ, nhưng chưa rõ trở thành anh hùng hay tướng cướp. Dẫu biết nhiếc mắng hay đánh đập chẳng hay ho gì, song rất khó kiềm chế. Cậu tôi là nhà giáo ưu tú, rất điềm đạm trước học sinh vẫn đánh đòn con. Anh họ là trưởng phòng giáo dục quận và chị dâu là hiệu trưởng trường cấp II cũng đánh đòn con khi con sai, chỉ là không đụng đến con người ta, chứ con mình thì... dùng roi hết. Hỏi đồng nghiệp, dĩ nhiên là giảng viên, chúng tôi không thể “manh động” với sinh viên, nhưng ở nhà hầu hết đều thẳng tay với con mình. Tất cả đều thừa nhận lúc do con sai, khi do lỗi của con thì ít, mà cha mẹ quẳng áp lực bực bội bên ngoài vào con thì nhiều. Hay người lớn chúng ta quen bị đòn roi thời thơ ấu, quen với suy nghĩ rằng “có đau thì chừa” nên ra tay với trẻ con ít băn khoăn? Hỏi thăm con mình, con bạn, chúng đều mách rằng ở trường hôm thì có bạn A bị khẻ tay, hôm lại có bạn B bị véo tai, mấy bạn nọ bị quỳ gối... vì lỗi gì đấy. Tôi đều hỏi cặn kẽ với thái độ thật điềm tĩnh và vờ như bâng quơ, để con không hoảng hốt mà kể tăng tình tiết hoặc giảm nhẹ vấn đề. Lạ là chúng cũng tỏ ra thật điềm tĩnh như sợ cha mẹ lo lắng thái quá, hoặc như thể chúng đã quá quen với việc bị trừng phạt kiểu đó. Phân tích cho con thấy cái sai của trò, của thầy để con hiểu mà như thể cha mẹ tự trấn an mình, bởi dù sao trừng phạt trẻ em bằng đòn roi, la mắng chẳng thể đúng đắn bao giờ. Góp ý với thầy cô và cũng là tự nhủ rằng hãy đặt mình vào vị trí của trẻ thơ, hãy cố yêu thương mà khen thưởng nhiều nhiều, “bươi móc” mà khen, chỉ cần không sai là được khen, còn nếu làm sai thì chỉ nhắc nhở riêng và không khen nữa cũng đủ trừng phạt rồi. Từ đó trẻ luôn được động viên, thay vì hay phải sợ hãi. Bị trừng phạt hoài, trẻ đâm ra nhút nhát hoặc hung bạo, hay đơn giản trẻ xem việc trừng phạt như là hành vi bình thường nên sẽ tiếp tục áp dụng cho thế hệ sau, tạo ra thế hệ áp đặt, độc đoán hoặc hèn hạ nhún nhường. Việc làm này rất cần thời gian và tĩnh tâm - điều hiếm hoi trong guồng quay hối hả hôm nay và gần như bất lực với sĩ số lớp trên dưới 50 học sinh... Đa số thầy cô được ý nhị góp lời luôn tỏ ra đồng tình, song việc áp dụng còn xa xôi lắm. Tôi thông cảm vì chính mình còn khó tránh “động thủ” với hai bé con ở nhà khi chúng ngang ngược, gặp lúc công việc gấp gút. Mà thật sự chúng tôi cũng hoang mang khi thấy nhiều cha mẹ chẳng bao giờ lớn tiếng với con, những thầy cô chưa một lần nặng lời với trò thì chúng cũng chẳng ngoan ngoãn đâu. Nhiều bạn bè tôi cho con học trường quốc tế, thuê gia sư kèm cặp tại gia, uốn nắn từng kỹ năng mềm mà vẫn trơ tráo đấy thôi. Cha mẹ, thầy cô kề cận bên con theo phương pháp mới đã tạo ra đứa trẻ quá xa lạ với văn hóa Việt và cũng chẳng rõ thuộc văn hóa nào. Họ rất trăn trở. Thầy, cô đâu phải ông bụt, bà tiên Phạt sao cho học sinh nên người, nói rộng ra giáo dục sao cho học sinh thành người cần đặt trong bối cảnh cụ thể. Lớp đông chẳng thể đủ thời gian chăm chút mỗi phương pháp riêng cho từng em. Điểm đầu vào thấp thì sao có tầng lớp giáo viên đủ tâm đủ tầm! Thu nhập thấp chẳng đủ tâm sức uốn nắn cho mỗi học sinh được. Nền tảng gia đình xem con cái là cái rốn của vũ trụ thì trẻ dễ thành ương ngạnh và ích kỷ, thầy cô rất nhọc công và khó kiềm chế. So sánh với phương Tây phải trong không gian của họ. Trẻ con nơi đó được trui rèn độc lập từ nhỏ, ý thức vì cộng đồng rất lớn, lớp ít học sinh và thu nhập giáo viên cao, người thầy không bị săm soi thành tích và quay cuồng trong mớ thủ tục hành chính... nên họ chậm mà chắc từng bước trong giáo dục. Cả xã hội chấp nhận mỗi đứa trẻ có khả năng và hoài bão khác nhau, tính cách không giống nhau, không nhất thiết tất cả đều giỏi ngang và dàn hàng vào đại học... Vì thế họ đâu nóng vội nên không áp lực, càng đâu lý do gì trút bực dọc lên học sinh. Tóm lại, hỏi phạt sao cho học sinh nên người thì trước tiên cần tạo bối cảnh giáo dục thông thoáng từ tư duy đến thủ tục hành chính, từ thu nhập cao và sĩ số thấp thì vấn đề sẽ được giải quyết ổn thỏa, bởi thầy cô thoát khỏi sự bức bối hiện nay và sẽ nỗ lực “vì học sinh thân yêu”. Khi chưa thực hiện được ước mơ vĩ mô đó, giáo viên cần điều chỉnh tình thương và cách thương. Dường như bất mãn, song có lẽ thầy cô nên thương trò chừng mực, cứ tử tế nhưng đừng quá kỳ vọng mà trách phạt chi phiền. Cứ vui tươi và tận tâm, giải thích và chia sẻ chân thành, còn hư hay nên thì bản thân mỗi trò và gia đình cùng gánh đỡ. Thầy cô không phải là ông bụt, bà tiên với thước kẻ là cây đũa thần được. Nếu nhà trường không đồng tình vì giáo viên chưa đạt thành tích nào đó thì ta thà “mất dạy” chuyển qua nghề khác, hơi đâu ôm lấy nhọc nhằn đầy rủi ro mà thù lao không tương xứng ẩn trong danh từ “cao quý”.■ Tags: Phạt hay không phạtKỷ cương trường họcGiáo dục bằng đòn roi
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Đại biểu Quốc hội: Điều hòa dân nghèo cũng sử dụng, sao xem là xa xỉ để áp thuế tiêu thụ đặc biệt TIẾN LONG 22/11/2024 Người lao động nghèo ở nhà trọ cũng lắp máy điều hòa, không hiểu sao lại đưa mặt hàng này vào hàng hóa xa xỉ để đánh thuế tiêu thụ đặc biệt.
Độc lạ Đồng Nai: Treo ô tô cũ trước cổng nhà làm kỷ niệm A LỘC 22/11/2024 Một gia đình ở Đồng Nai treo ô tô cũ trước cổng nhà làm kỷ niệm khiến cộng đồng mạng xôn xao.
Thiếu phôi bằng lái, xe 'trùm mền' HÀ MI 22/11/2024 Tình trạng thiếu phôi bằng lái đang lan ra nhiều tỉnh thành cả nước. Hệ lụy của thực trạng này là hàng chục ngàn người dân bị "treo bằng" dù thi đậu, có địa phương phải loay hoay đi mượn phôi hoặc bất đắc dĩ tạm dừng kỳ sát hạch.
Chợ Bến Thành là di tích cấp thành phố, ban quản lý cam kết bảo tồn hiệu quả HOÀI PHƯƠNG 22/11/2024 Năm di tích được công bố xếp hạng di tích cấp thành phố gồm trụ sở Cục Hải quan TP.HCM, trụ sở UBND quận 1, chợ Bến Thành, đền thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo và mộ ông Binh Bộ Kiểm duyệt Ty - Thừa vụ lang họ Trần.