TTCT - Từ Borat, Bruno và giờ là The dictator (Gã độc tài), danh hài Anh Sacha Baron Cohen chứng minh rằng ở Hollywood không ai biết cách chọc cười giống như anh.

Phóng to
Sacha Baron Cohen (giữa) trên thảm đỏ LHP Cannes để quảng bá tác phẩm The dictator - Ảnh: Reuters

Ngày 16-5, các ngôi sao điện ảnh và khán giả dự lễ khai mạc Liên hoan phim Cannes 2012 đã há hốc miệng khi chứng kiến Baron Cohen đeo bộ râu giả rậm rạp, cưỡi lạc đà tung tăng trên thảm đỏ. Đi đằng sau anh là hai "nữ vệ sĩ" chân dài quyến rũ, tay lăm lăm khẩu AK-47 đồ chơi. "Xin đừng bắn" - một phóng viên ảnh đùa. "Đừng lo - Baron Cohen nói - Tôi là nhà độc tài mà. Tôi đâu muốn làm tổn thương ai".

Đó là cách Baron Cohen quảng bá tác phẩm hài mới nhất của anh The dictator, lấy "cảm hứng" từ nhà cựu lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi đã qua đời. Trên thực tế, xét về độ "khiêu khích" thì màn quảng bá kỳ cục và hài hước này thua xa những nhân vật mà anh từng nhập vai, từ anh chàng nhà báo người Kazakhstan Borat, phóng viên thời trang đồng tính Bruno cho đến tướng Aladeen, nhà độc tài cai trị quốc gia Trung Đông tưởng tượng CH Wadiya ở Bắc Phi.

Baron Cohen, 40 tuổi, người gốc Do Thái, từng làm nghề người mẫu thời trang, người dẫn chương trình truyền hình trước khi bước chân vào điện ảnh và trở nên nổi tiếng ở nước Anh với khả năng khiến khán giả cười ngặt nghẽo. Ở ngoài đời, ông bố của hai cô con gái rất giản dị, nhưng trên màn ảnh lớn anh là những gì điên rồ nhất, kỳ quặc nhất mà nước Anh đem đến Hollywood.

Những nhân vật kỳ dị

“Cậu ấy luôn biết cách chọc cười người khác… Cậu ấy làm được điều như các danh hài vĩ đại khác là đi vững trên lằn ranh mỏng manh giữa việc khiến khán giả khó chịu và làm họ cười ngặt nghẽo”.

Baron Cohen bắt đầu làm nên tên tuổi ở Hollywood năm 2002 với vai gã gangster mê hip hop Ali G trong tác phẩm Ali G Indahouse (Ali G xuất hiện), nhân vật anh xây dựng cho loạt phim truyền hình ở Anh đã giúp anh trở nên nổi tiếng. Sau đó, Baron Cohen tham gia các phim nổi bật khác ở Hollywood như Madagascar, Talladega nights: The ballad of Ricky Bobby (Đêm Talladega: Bài ca Ricky Bobby).

Nhưng phải đến Borat: Cultural learnings of America for make benefit glorious nation of Kazakhstan (Borat: Học tập văn hóa Mỹ vì lợi ích của đất nước Kazakhstan vẻ vang), Baron Cohen mới thật sự khiến cả Hollywood ngả mũ thán phục. Bộ phim về chuyến đi của chàng phóng viên Borat người Kazakhstan đến học tập văn hóa ở Mỹ, "quốc gia vĩ đại nhất thế giới", là câu chuyện trào phúng chế giễu nền văn hóa Mỹ.

Bộ phim châm chọc nạn phân biệt giới tính, phân biệt chủng tộc, sự căm ghét người đồng tính, chủ nghĩa bài Do Thái, chủ nghĩa sôvanh… ở Mỹ. Không ít người Mỹ bị sốc khi xem phim, nhưng Borat được giới phê bình đánh giá rất cao. Vai Borat đem lại cho Baron Cohen một giải Quả cầu vàng và một đề cử Oscar năm 2007.

Với vai anh chàng phóng viên thời trang đồng tính Brunotrong tác phẩm cùng tên (2009), Baron Cohen "cà khịa" ngành thời trang thế giới và chế nhạo sự phù phiếm và trống rỗng của nó. Và giờ đến The dictator, anh cười giễu các nhà độc tài Trung Đông. Trong phim Baron Cohen vào vai tướng Aladeen, một nhà lãnh đạo háo sắc, chống phương Tây, bài Do Thái, đi đâu cũng có các nữ vệ sĩ xinh đẹp vây quanh và có tham vọng sản xuất vũ khí nguyên tử.

Sẽ không dừng lại

"Cậu ấy luôn biết cách chọc cười người khác - báo USA Today dẫn lời đạo diễn Talladega nights Adam McKay mô tả về Baron Cohen - Cậu ấy làm được điều như các danh hài vĩ đại khác là đi vững trên lằn ranh mỏng manh giữa việc khiến khán giả khó chịu và làm họ cười ngặt nghẽo". Ví dụ, trong Talladega nights, Baron Cohen đã thuyết phục đạo diễn McKay để nhân vật tay đua người Pháp đồng tính hôn anh chàng Mỹ đặc do Ricky Bobby đóng.

"Khi dựng phim, tôi thấy nó mang tính chất lật đổ rất rõ rệt - đạo diễn McKay khẳng định - Sacha hiểu rõ việc công chúng Mỹ (một quốc gia Thiên Chúa giáo bảo thủ) nghĩ gì khi để một tay đua NASCAR có tiếng là mạnh mẽ, nam tính lại đi hôn một gã đồng tính người Pháp. Đó là điều cấm kỵ lớn đối với người Mỹ nhưng Sacha quyết phá vỡ nó".

Tuy nhiên, cũng có đôi lúc Baron Cohen quá đà. Nhiều nhà phê bình và khán giả Mỹ chỉ trích phim của anh quá dung tục, những màn chọc cười quá khiêu khích hay đậm chất tình dục, khiến nhiều người Mỹ khó chịu, thậm chí chán ghét. Nhưng nhìn chung các bộ phim của anh luôn được giới phê bình đánh giá cao và đạt thành công thương mại lớn. Ví dụ như Borat có kinh phí chỉ 18 triệu USD nhưng đạt doanh thu tới 261 triệu USD (theo trang Boxofficemojo.com).

Rất nhiều đồng nghiệp tỏ ra ngưỡng mộ Baron Cohen. "Anh ấy làm đảo lộn mọi quy luật và có lòng dũng cảm hơn tất cả chúng ta - USA Today dẫn lời đạo diễn, nhà sản xuất phim hài nổi tiếng Judd Apatow - Sáu khoảnh khắc hài hước nhất trong phim của anh ấy có lẽ là sáu khoảnh khắc hài hước nhất trong phim hài nói chung". Đạo diễn Larry Charles, người hợp tác với Baron Cohen trong các phim Borat, BrunoThe dictator, nói ẩn sâu trong những màn chọc cười dù là tục nhất của Baron Cohen luôn là những thông điệp xã hội có ý nghĩa.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận