Gặp lại “La Sơn phu tử”

LAM ĐIỀN 29/06/2016 21:06 GMT+7

TTCT - Một quyển sách quan trọng của giáo sư Hoàng Xuân Hãn vừa ra mắt bạn đọc Việt Nam sau 64 năm kể từ lần in đầu tiên tại Paris năm 1952: La Sơn phu tử.

Lam Điền
Lam Điền


Đây là công trình khảo cứu cẩn thận, kỹ lưỡng về nhân vật lịch sử La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp. Nhân vật lịch sử thật đặc biệt, người khảo cứu cũng thật kỳ công. Giáo sư Hoàng Xuân Hãn vì tấm lòng quý trọng sử liệu nước nhà, nhân lợi thế đồng hương với La Sơn phu tử nên đã sớm bắt tay tìm kiếm tư liệu về nhân vật lịch sử này từ trước Cách mạng Tháng Tám.

Từ năm 1939, bước chân điền dã đã đưa ông đi khắp vùng Nghệ Tĩnh tìm kiếm tư liệu về La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp. May mắn là lúc bấy giờ hậu duệ họ hàng của Nguyễn Thiếp còn giữ được sắc phong, các tờ thư, chiếu, truyền liên quan đến nhân vật lịch sử này.

Trong lời tựa thứ nhất lần xuất bản năm xưa ở Pháp, giáo sư Hoàng Xuân Hãn kể lại cảm xúc lúc bắt gặp tờ thư thủ bút của vua Quang Trung gửi La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp mà con cháu còn giữ được:

“Chợt thấy một bức chữ son, nét son tàu đỏ thẫm. Nét bút vụng về nhưng vạm vỡ. Mắt tôi không chớp, lòng tôi băn khoăn. Hẳn đây là thủ bút của một vua nào! Niên hiệu đề Thái Đức, nhưng lời thư bằng Nôm là của vua Quang Trung! Mà di bút ấy lại là bức thư mà Quang Trung tự viết mời phu tử xem đất đóng đô... Đó là một sử liệu quý giá vô ngần...”.

Cuốn sách ra đời tại Pháp, do biến loạn lịch sử, người trong nước tiếp cận được không nhiều. Lần mới nhất có lẽ là bản in của NXB Giáo Dục gộp trong bộ La Sơn Yên Hồ đồ sộ (1998). Cách đây 5 năm, bản gốc La Sơn phu tử của giáo sư Hoàng Xuân Hãn do nhà Minh Tân in tại Paris năm 1952 lưu truyền trong giới chơi sách ở Sài Gòn với giá khoảng 1,1 triệu đồng/quyển. Lần xuất bản này (Công ty sách Dân Trí) in lại nguyên bản lần in năm 1952.

Từ đó, công trình khảo cứu về La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp hình thành. Giáo sư Hoàng Xuân Hãn bỏ nhiều công phu tái hiện câu chuyện cuộc đời của Nguyễn Thiếp dựa vào hệ thống tư liệu có độ tin cậy cao:

Tuổi nhỏ của Nguyễn Thiếp với gia thế ở quê, lớn lên đi học chữ Nho, làm cao đồ của quan Xuân Lĩnh hầu Nguyễn Nhiễm, đọc sách rất nhiều nhưng không có chí đi thi làm quan. Giáo sư Hoàng Xuân Hãn làm việc cẩn trọng, khảo cứu chi li từng chuyến ngao du sơn thủy của Nguyễn Thiếp như trèo núi Liệt Sơn năm 22 tuổi, viếng núi Gia Hanh năm 23 tuổi; chuyến ra Bắc đi thi, về làm quan huyện, lại từ quan về ở ẩn...

Nhưng quan trọng nhất là vai trò của La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp trong giai đoạn lịch sử Lê mạt và Tây Sơn khởi nghiệp. Ở tập sách này, người đọc sẽ tường tận chứng kiến câu chuyện Nguyễn Huệ lưu tâm đến nhà trí thức lừng danh Nguyễn Thiếp từ rất sớm.

Các thư từ qua lại cho thấy cái nhìn trọng thị của Nguyễn Huệ đối với La Sơn phu tử và mong muốn có được một quân sư tài giỏi như vậy để “giúp cho sinh dân thiên hạ”. Trong lần ra Bắc đánh quân Thanh, trước khi vào Thăng Long, Nguyễn Huệ may mắn được gặp La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp, nhận được lời góp ý về phương lược “Người Thanh xa tới, vào sâu trong đất lạ. Không biết tình hình chủ khách. Chỉ trong mười ngày là bị phá tan”.

Từ việc xem xét lại kỹ những lần hội kiến và góp ý với Quang Trung của La Sơn phu tử, giáo sư Hoàng Xuân Hãn nhận định: “Ta có thể tin rằng cụ (Nguyễn Thiếp) đã có công trong việc chiến thắng quân Thanh”.

Tập sách này còn làm rõ nhiều khía cạnh trong cuộc đời đa dạng và còn nhiều uẩn khúc của La Sơn phu tử, như sở đắc về lý số, phong thủy, những chuyện liên quan đến việc tu tiên và sấm ký... Quan trọng nhất vẫn là mối ưu tư về vận nước luôn thao thức trong con người ông.

Lời biểu do Phu tử dâng lên Quang Trung nêu những nguyên tắc trị nước cơ bản, đến nay vẫn còn thời sự: “Dân là gốc nước, gốc vững nước mới yên... Quan càng nhiều thì dân càng bị nhiễu... Tuy có người trung ái, nhưng khó lòng mà làm lọn chí mình”.

Giáo sư Hoàng Xuân Hãn kỳ công làm rõ các mối quan hệ của Nguyễn Thiếp với vua Cảnh Thịnh sau đời Quang Trung, khảo cả mối giao thiệp giữa Nguyễn Thiếp với Nguyễn Ánh (yết kiến chúa Nguyễn Ánh năm 1801, lúc này Nguyễn Thiếp đã 79 tuổi).

Và đến khi triều Tây Sơn mạt, Cảnh Thịnh chạy ra Bắc có liên lạc với Nguyễn Thiếp cũng được Hoàng Xuân Hãn ghi nhận. Với một nhân vật quan trọng như La Sơn phu tử, thiên khảo cứu của giáo sư Hoàng Xuân Hãn có giá trị của một bộ chuyên sử về nhân vật (bên cạnh bộ chuyên sử về Lý Thường Kiệt), góp vào kho sử liệu nước nhà vốn còn ít công trình chuyên sử như vậy.

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận