TTCT - Xã hội Việt Nam như một cơ thể trong giai đoạn tăng trưởng nhanh, mỗi gia đình như một tế bào, thảy đều ít nhiều bị cuốn vào guồng quay áp lực và chia sẻ những hệ quả từ sự phát triển và đổi thay hối hả đó. Như bao thế hệ 7X-8X khác, anh em chúng tôi được sinh trưởng trong mô hình gia đình truyền thống thời bấy giờ: đông con, nếp tẻ đầy đủ, cha mẹ vất vả mưu sinh, anh em trứng gà trứng vịt cãi cọ và dắt díu nhau qua năm tháng tuổi thơ. Nhà nào cũng có đứa này đứa nọ, đứa xấu đứa đẹp, đứa khôn đứa dại, đứa hiền đứa dữ, đứa chăm đứa lười..., những con người cụ thể ấy định hình nên những gia đình hạt nhân sau này. Những đổi thay Trải nghiệm gia đình ấy khiến nhóm 7X-8X lớn lên, bị “kinh nghiệm xương máu” ăn sâu, hầu như không có ai muốn sinh đàn đẻ đống để cha mẹ quanh năm quần quật mà con cái vẫn thiếu trước hụt sau, hầu như ai cũng muốn phát triển sự nghiệp và tận hưởng cuộc sống ngay bây giờ chứ không phải gom góp đợi đến ngày “an hưởng tuổi già”. Vì vậy, hầu như ai khi lập gia đình cũng chỉ sinh số con tối thiểu. Cộng thêm việc nghe và thấy khẩu hiệu “Mỗi gia đình chỉ sinh từ 1-2 con” ra rả, nhan nhản khắp nơi, rốt cuộc hai anh lớn của tôi khi kết hôn liền hoạch định luôn là sẽ chỉ sinh một đứa con duy nhất. Dĩ nhiên, hội chứng con một là không thể tránh khỏi trong gia đình hai anh. Khi các con còn nhỏ, gia đình các anh thường xuyên đi ăn tiệm, như một cách để các anh chị bù đắp những thèm thuồng thuở ấu thơ. Ai đói cứ mua ăn món ưa thích ăn một mình nên bữa ăn gia đình ấm cúng thành điều xa lạ. Con trai nhỏ ấy giờ gần 30 tuổi nhưng vẫn ăn bám bố mẹ, tuy đã đi làm nhưng bố mẹ vẫn phải cho thêm tiền tiêu và vẫn tiếp tục cơm hàng cháo chợ. Hai vợ chồng anh tôi tuy về hưu ở nhà cũng vẫn “ăn rông cho tiện” vì “nấu nướng chị cực”. Con anh ba lông bông cặp bồ các hạng dù bố mẹ nó treo đủ thứ giải thưởng nhằm khuyến khích cưới vợ. Con anh hai đã cưới vợ thì “khuyến mãi” cho bố mẹ trọng trách nuôi dâu chăm cháu. Con trai thoải mái rong chơi, con dâu tiếp tục se sua y hệt thời bồ bịch vui đâu chầu đó, cháu nội lớn lên dặt dẹo khiến anh chị hai tôi chưa già mà đã sọm người vì khổ tâm. Gia đình đó dẫu đủ “tam đại đồng đường” gồm năm nhân khẩu nhưng thực chất rời rạc mỗi người một bát, sống mòn vô vị. Bọn trẻ thản nhiên hành xử theo phương châm bố mẹ sinh ra thì phải có trách nhiệm với nó và tất cả những gì liên quan đến nó đến hết cuộc đời. Cả hai nhà anh chị lớn đều thương con đến mức sợ con, bởi của nả dù muốn hay không cũng sẽ dành trọn cho đứa duy nhất này, bởi sợ mai sau nó ngược đãi thân già. Anh út thấy hai “tấm gương dị dạng” trên thì sợ quá, sinh một lèo ba đứa cho có cạnh tranh và khỏi ỷ lại. Anh không hề chiều con nhưng ngày nào cũng phải chạy xe khách từ sáng sớm đến tối mịt mới mong đắp đổi đủ nuôi vợ và ba con gái. Bé út mới vào lớp 1, còn nhỏ xíu chưa đoán trước điều gì, nhưng đã rất thích vọc điện thoại. Hai bé chị đứa học cấp III, đứa cấp II đều đeo kính dày cộp vì chăm chăm dùng smartphone cả ngày. Ngoài giờ đến lớp, chẳng bao giờ chúng chịu ôn bài. Bố có thời gian để tâm nhắc nhở thì đứa giữa vâng dạ rồi làm lơ, đứa lớn gầm gừ chống đối, nhắc mẹ chúng thì chị dâu lấp liếm bênh con cho yên thân. Ông bà không dám nhắc bố chúng vì sợ anh nóng nảy đánh cháu. Chị dâu tôi thuộc tuýp “người đàn bà yếu đuối” xác định nghề nghiệp chính là nội trợ và sinh con, cũng không đủ chăm chỉ siêng năng để bảo ban con. Chưa kể chị cũng theo trào lưu mê làm đẹp và nghiện sống ảo trên mạng dù mỗi mình anh vất vả mưu sinh, gia đình chẳng dư dả gì. Cuối cùng, lại vẫn bố mẹ tôi nén lòng bảo bọc thêm, nhắm mắt bịt tai mà sống, lấy sức khỏe và sự tự tại của mình mà cố vui, không buồn quan tâm con cháu nhiều cho khỏi đau lòng. Cùng sống chung nhà, cùng ăn chung mâm nhưng “tam đại đồng đường” này ngấm ngầm rã rời. Đứa em út tôi gần bốn mươi tuổi lại kiên quyết không cưới xin gì cả. Được bố mẹ cho căn nhà ra riêng vừa ở vừa cho thuê, nó rủ người về sống chung như vợ chồng, nuôi con chó cưng làm niềm vui. Có thu nhập trang trải đủ sống, chẳng chịu áp lực hay động cơ kiếm sống nào, nó tà tà “mỗi ngày tôi chọn một niềm vui” la cà quán xá và tỏ bày tư lự trên Facebook, thể hiện trách nhiệm với tha nhân bằng đủ thứ status và bình luận sắc bén chuyện thế sự. Bố mẹ tôi dẫu có thở dài trước dạng gia đình lắp ghép này, coi chuyện ấy “chẳng ra làm sao” nhưng em tôi cười toe, nói đó là xu hướng. Chuyện của chúng tôi Tới lượt gia đình của chính tôi. Bố mẹ chồng mất từ lâu, chúng tôi là gia đình hạt nhân đúng mẫu “một vợ - hai con - nhà ba tầng - xe bốn bánh”. Sinh con toàn là gái, dù nắm vai trò trưởng họ và là độc đinh ở quê, ông xã tôi không hề thấy “thiếu hụt” vì ông đã thấy và ám ảnh với bao hình ảnh gia đình xấu xí theo đuổi chuyện nối dõi tông đường. Chồng tôi giữ quan điểm nuôi dạy hai con gái nên người là quá đủ, không cần cố nặn thêm “thằng chống gậy” nào để tránh phát sinh hệ lụy. Chính vì chỉ có hai con gái nên chúng tôi thong thả, không cần lao lực cày cuốc, chắt chiu sắm nhà để của cho mỗi mình cậu ấm sau này cưới vợ như những nhà sinh con trai duy nhất để nối dõi. Chúng tôi sống thoải mái và có dự phòng cho tương lai. Tất nhiên, khi ngày càng lớn tuổi, chồng tôi bắt đầu có chút băn khoăn chuyện thờ tự về sau, ông dự kiến xây nhà thờ họ cho riêng gia tộc mình để ông bà và vợ chồng tôi được ngồi chính điện sau khi khuất núi, và cũng để các con gái có chỗ chính thức đi về hương khói cho bố mẹ, ông bà sau này. Chúng tôi cũng từng suy tư chuyện định hướng du học trong tương lai cho hai đứa nhỏ, không khỏi tránh việc nghĩ đến các con gái đi xa, định cư luôn ở nước ngoài. Nhưng tôi thì bắt đầu nghĩ khác. Chuyện đi xa, tìm đất khác học hành lập nghiệp của lớp trẻ ngày nay đã thành phổ biến. Con cái cần được sống cuộc đời của riêng mình, cứ nghĩ trói buộc nẻo về dễ làm ảnh hưởng, thậm chí đánh mất cơ hội phát triển và hạnh phúc của con. Vậy nên dù đã, đang là một gia đình hạt nhân hạnh phúc, chúng tôi chuẩn bị tâm thế sắp thành gia đình đơn lẻ khi chỉ còn hai vợ chồng già bên nhau, có thể phải khăn gói theo con cái xa quê lạc lõng, hoặc cứ nhất quyết ở lại thân thiết quê nhà sẽ luôn canh cánh mong ngóng nhớ cháu, thương con. Mô hình gia đình ngỡ rằng ổn thỏa này cũng đang loay hoay lựa chọn giải pháp gần - xa, cơ hội phát triển của mỗi cá nhân hay quần tụ gia đình kiên cố. Đó là lúc chúng tôi nhìn ra xung quanh và thấy không ít gia đình công nhân chen chúc trong căn phòng trọ chật hẹp, vật lộn xoay xở với bao chi phí đắt đỏ nơi phố thị, đành gửi con về quê ở cùng ông bà, gia đình thành ra khúc sông khúc núi. Hay những cảnh gia đình khác không hề hiếm hoi: vợ/chồng chia phôi để đi xuất khẩu lao động, có khi người đi người ở, có khi cả hai cùng đi hòng kiếm nguồn thu nhập khá hơn. Họ đối diện cảnh xa mặt cách lòng, những hệ quả đau buồn như tan vỡ một mái nhà không ít. Những gia đình ấy, có khi vẫn còn ràng buộc trong hôn nhân mà đời thực như ly thân, có con cái mà lại như không có, chông chênh buồn bã... Xã hội Việt Nam như một cơ thể trong giai đoạn tăng trưởng nhanh, mỗi gia đình như một tế bào, thảy đều ít nhiều bị cuốn vào guồng quay áp lực và chia sẻ những hệ quả từ sự phát triển và đổi thay hối hả đó. Chẳng có cách nào khác ngoài chấp nhận những đổi thay từ hoàn cảnh, thời cuộc và cố giữ cho được cái cảm giác gia đình thật sự là mái ấm, là chốn đi về yêu thương trong mỗi thành viên gia đình, để từng người trong gia đình biết làm tốt nhất chức phận của mình, và người trụ cột vững tay chèo lái. ■ Theo số liệu do Vụ Gia đình (Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch) cung cấp, hiện nay Việt Nam có khoảng 27 triệu hộ gia đình. Trong 10 năm, từ 2008-2018, tòa án nhân dân các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 1.422.067 vụ án ly hôn, giải quyết 1.384.660 vụ (97,4%). Trong hơn 1,38 triệu vụ án ly hôn đã giải quyết có 1.060.767 vụ (76,6%) xuất phát từ nguyên nhân bạo lực gia đình như bị đánh đập, ngược đãi; vợ hoặc chồng nghiện ma túy, rượu chè, cờ bạc; ngoại tình. Từ năm 2009-2017 có khoảng 292.268 vụ bạo lực gia đình, trung bình mỗi năm có khoảng 36.534 vụ. Còn theo kết quả điều tra do Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam thực hiện năm 2017 (với 900 mẫu khảo sát, trong đó có 438 người đã ly hôn tại Hà Nội, Khánh Hòa và Tiền Giang) cho thấy trình độ học vấn, việc cha mẹ quyết định chính hôn nhân của con, nơi ở, tình trạng ngoại tình, tình dục, khả năng đóng góp kinh tế của gia đình... có tác động nhất định đến ly hôn. Nếu trước khi lấy nhau, người chồng ở đô thị và vợ ở nông thôn thì tỉ lệ ly hôn là cao nhất (15,7%). Nếu trước khi lấy nhau, vợ ở đô thị - chồng ở nông thôn thì tỉ lệ ly hôn là 2,8%... Những người có học vấn càng cao càng có khả năng ly hôn cao hơn: trong 438 người ly hôn, có 185 nữ và 80 nam có trình độ từ cao đẳng đến đại học, trên đại học. Tỉ lệ này ở người có trình độ tiểu học với nữ là 78 người (17,8%) và nam là 24 người (5,4%). Những đối tượng là công nhân, người lao động giản đơn, phi nông nghiệp có xu hướng ly hôn nhiều hơn so với nông dân. Có 4,1% số người ly hôn được khảo sát cho rằng lý do ly hôn là do vợ có đóng góp chính về kinh tế, 8% ly hôn là do vợ chồng sống phụ thuộc về kinh tế vào người khác... Còn theo công trình nghiên cứu xã hội học của TS Nguyễn Minh Hòa (Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM), tỉ lệ ly hôn ở Việt Nam là 31,4%, tức là cứ 3 cặp kết hôn lại có 1 cặp ly hôn. 60% số vụ ly hôn này thuộc về các gia đình trẻ, tuổi vợ chồng chỉ từ 21-30, trong đó 70% số vụ ly hôn khi kết hôn 1-7 năm và hầu hết đã có con. Tags: Ly hônGia đìnhBạo lực gia đình
Nguy cơ lãng phí vì sân bay Long Thành phải chờ... đường A LỘC 24/11/2024 Trong khi sân bay Long Thành và các đơn vị cung cấp hậu cần đang tăng tốc về đích, các tuyến cao tốc kết nối với sân bay lại ì ạch.
Lãi suất huy động bắt đầu 'nóng' ÁNH HỒNG 24/11/2024 Tính từ đầu tháng 11 tới nay có hơn 10 ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi, trong đó có cả những ngân hàng trong nhóm Big4.
Tin tức thế giới 24-11: Lính Nga đánh ở Ukraine được xóa nợ; Châu Âu sắp cạn dự trữ khí đốt TRẦN PHƯƠNG 24/11/2024 Đạt thỏa thuận các nước giàu trả 300 tỉ USD cho các nước nghèo tại COP29; Ông Trump chọn cựu cố vấn làm bộ trưởng Nông nghiệp.
Tin tức sáng 24-11: Sóng tăng giá chung cư lan đến Quảng Bình, Huế, Đà Nẵng, Bình Định TUỔI TRẺ ONLINE 24/11/2024 Một số tin tức đáng chú ý: PGBank chuyển trụ sở chính sang Thành Công Tower, tiết lộ số tiền thuê; Một sếp của Dược phẩm Cửu Long xin nghỉ vì 'không thể bố trí thời gian'; Những ngành nào dễ tìm việc ở Hà Nội cuối năm?