"Giấc mơ Hàn" không như phim

LÊ HUY KHOA 01/12/2012 22:12 GMT+7

TTCT - Đã có nhiều bài báo viết về nguyên nhân của những thảm kịch “cô dâu Việt ở Hàn Quốc”. Nhưng quy tụ lại đó là những cuộc hôn nhân chắp vá, gượng ép hơn là một cuộc hôn nhân có chuẩn bị.

Phóng to
Các cô dâu Việt trong gia đình của mình tại Hàn Quốc - Ảnh: Thế Anh

Dị biệt văn hóa

Báo Seoul Newspaper cho rằng nguyên nhân chính là thủ tục và phương thức kết hôn của những “gia đình đa văn hóa”, họ không được tìm hiểu nhau, không biết rõ về nhau, chẳng khác gì bị bán sang Hàn Quốc. Hơn nữa, đàn ông Hàn Quốc lấy vợ nước ngoài đa số khá nghèo, 53,7% tổng số gia đình đa văn hóa thuộc đối tượng có thu nhập thấp và nghèo nhất Hàn Quốc. Trong khi các cô dâu không hiểu về văn hóa Hàn Quốc, không chuẩn bị đầy đủ tinh thần và tri thức để làm vợ, làm mẹ ở xứ người, không hiểu về ứng xử tại Hàn Quốc… Họ bị sự hào nhoáng của phim ảnh mê hoặc, bị môi giới dụ dỗ nên mạo hiểm với chính bản thân mình.

Độ tuổi chênh lệch bình quân của các cặp vợ chồng là rất lớn: cô dâu Việt Nam 23-39 tuổi, chú rể Hàn Quốc 40-49 tuổi. Thậm chí có tới 11% đàn ông Hàn Quốc trên 50 tuổi, 35% đàn ông Hàn Quốc là tái hôn. Chỉ cần 10-20 năm nữa, khi người chồng già đi, không còn khả năng nuôi sống gia đình thì những gia đình đa văn hóa này sẽ tồn tại thế nào?

Một nguyên nhân rất cơ bản nữa mà xưa nay người ta không nói tới, đó chính là những điểm bất cập trong chính sách từ phía Hàn Quốc. Trung tâm hỗ trợ gia đình đa văn hóa được thành lập đã có rất nhiều đóng góp nhưng chủ yếu để đào tạo cho cô dâu “thích ứng” với nền văn hóa Hàn Quốc hơn là tạo một bầu không khí gia đình đa văn hóa. Ai đã tham gia khóa học của những cô dâu trước khi sang Hàn Quốc đều thấy họ được dạy theo kiểu tiếp nhận đồng hóa văn hóa Hàn, luôn miệng vâng dạ, phục tùng nhiều hơn là thể hiện những ý tưởng cá nhân.

Có thể nói, Chính phủ Hàn Quốc đang nỗ lực rất lớn để giải quyết những vấn đề xuất phát từ các gia đình đa văn hóa, nhưng để giải quyết cho được gần 300.000 gia đình đa văn hóa không phải là câu chuyện dễ cho một quốc gia vốn dĩ có một nền văn hóa đặc thù.

Và hệ lụy

Một số tổ chức người Việt tiến hành kết hôn giả để nhập cảnh đang trở thành một tệ nạn mới cho phía Hàn Quốc. Vai trò của những công ty môi giới chỉ vì lợi nhuận đang khiến cho những quan hệ hôn nhân ngày càng đậm tính thương mại. Người Hàn Quốc vốn trọng ấn tượng đầu tiên, trong khi ấn tượng đầu tiên của những cô dâu đó lại được tìm kiếm bằng những đồng tiền của họ bỏ ra? Tình trạng môi giới lấy chồng Hàn Quốc ăn sâu vào một số gia đình, sự quản lý hời hợt trên giấy tờ của cơ quan nhà nước, tiêu cực ngay trong việc làm hồ sơ kết hôn đang trở thành một vấn nạn xã hội.

Hàn Quốc cũng đang phải đối mặt với những vấn đề phát sinh. Số vụ kết hôn là gia đình đa văn hóa hiện đã lên đến 10% ở Hàn Quốc, nguy cơ phá vỡ văn hóa truyền thống gia đình của người Hàn Quốc. Khác với thời kỳ đầu, khi đã quen dần với cuộc sống, đã thông thạo ngôn ngữ, con cái cũng đã lớn thì các cô dâu Việt muốn đi làm, muốn giao lưu, muốn học hỏi, muốn thoát khỏi cảnh nghèo nàn, thoát khỏi vỏ bọc tù túng và muốn khẳng định mình. Và rất nhiều ông chồng già bắt đầu lo lắng khi thấy những cô dâu ngoại ngày càng chủ động hơn trong công việc và cuộc sống.

Mâu thuẫn sẽ bắt đầu khi các cô dâu ngoại vốn dĩ rất mạnh mẽ muốn dần khẳng định vai trò của mình chứ không hoàn toàn phụ thuộc vào chồng. Trong mắt nhà chồng, sự vươn lên của họ không chừng lại bị coi là một sự đảo chính, rất nhiều vấn đề xuất phát từ đây.

Hàn Quốc và Việt Nam sẽ gặp một vấn đề nữa với các gia đình đa văn hóa đó chính là giáo dục cho thế hệ thứ 2. Chẳng phải đơn giản mà nhiều cô dâu đều phải gửi con về cho cha mẹ ruột trong nước nuôi dưỡng. Lý do là đứa bé không được dạy dỗ, không được đảm bảo một môi trường giáo dục và sinh hoạt bình đẳng như những đứa trẻ bản xứ. Người Hàn Quốc không dễ dàng chấp nhận những đứa trẻ có yếu tố nước ngoài. Vấn đề dạy dỗ cho thế hệ thứ 2 của những gia đình đa văn hóa giúp cho họ hòa nhập với xã hội Hàn Quốc là điều khó khăn.

Người Hàn Quốc lúc nào cũng tuyên truyền “giấc mơ Hàn Quốc”. Sự xâm nhập quá mức về văn hóa của họ qua phim ảnh, âm nhạc... cũng đang khiến rất nhiều người nước ngoài tìm đến họ một cách ảo tưởng. Cần phải tạo một hệ thống pháp luật bình đẳng bảo vệ những gia đình đa văn hóa.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận