Giai cấp đã chích ngừa và giai cấp chưa chích ngừa

LÊ QUANG 13/01/2021 02:01 GMT+7

TTCT - Trong tâm trạng náo nức đón mừng một loạt thuốc tiêm ngừa COVID-19 như khởi đầu của kết thúc đại dịch, dường như nhiều người quên rằng lúc này thế giới mới chính thức bước vào một cuộc hỗn loạn có thể sẽ tàn bạo không kém chính dịch bệnh.

Những câu hỏi khó trả lời đang hiện về dồn dập: Nhà nước có đủ tiền mua thuốc cho toàn dân? Nếu có, và nếu quả thực vaccine hữu hiệu như quảng cáo, Nhà nước có được ép người dân phải tiêm chủng không? Ai được ưu tiên tiêm chủng khi cái chết cận kề và người nào cũng sở hữu bản năng sinh tồn? Có được phép kỳ thị những ai không chịu tiêm chủng?

Đạo lý trên tàu Titanic

Nghe đồn dàn nhạc trên tàu Titanic còn réo rắt chơi khi nước biển lạnh giá đã ngập đến đầu gối, song có lẽ hình ảnh lãng mạn đó chỉ là sản phẩm tưởng tượng trong văn chương và phim ảnh của hậu thế. Thực tế là sau khi những thuyền cấp cứu đầu tiên được hạ thủy đúng quy trình với phụ nữ trước hết, người ta đã giẫm đạp lên nhau để chiếm lấy một trong 800 chỗ của 14 chiếc thuyền cứu nạn, trong khi trên tàu có đến 2.300 hành khách. Bản năng sinh tồn nằm trong gene của mọi sinh vật, khó mà dùng đạo lý hay thậm chí pháp luật để ra lệnh cho nó.

Ảnh: wusf.org

Hôm nay còn quá sớm để biết các liều “thuốc tiên” của BioNTech/Pfizer, Moderna, Sinovac… công hiệu đến đâu, do đó cũng dễ hiểu là một số người ngần ngại không muốn giơ tay xin làm chuột thí nghiệm cho mấy loại dược phẩm được cấp phép kiểu đi tắt đón đầu. Song hãy hình dung ra tình cảnh u tối như trong phim kinh dị, khi 1/3 nhân loại đã thành nạn nhân của virus và thuốc thang chỉ đủ cho một nửa số người còn sống!?

Hãy lấy một quốc gia có hệ thống truyền thông tương đối khả tín là Tây Ban Nha làm ví dụ. Theo thước đo của EU thì đây là nơi virus corona hoành hành dữ dội nhất: ngót 50.000 người đã tử vong vì COVID-19, hơn 1,8 triệu người nhiễm bệnh - tính đến ngày toàn châu Âu bắt đầu chích ngừa. Trước đó, Trung tâm Nghiên cứu xã hội học của nhà nước tổ chức thăm dò dư luận và cho biết 47% số người được phỏng vấn trong tháng 12 từ chối tiêm chủng. Trước thềm năm mới, con số này chỉ còn 28%, trong khi số người sẵn sàng tiêm chủng tăng từ 37% lên hơn 40%.

Chính phủ Tây Ban Nha dự tính đến cuối tháng 2 sẽ chích ngừa cho 2,5 triệu dân, chiếc phao cứu nạn duy nhất cho đến nay, vì chưa có thuốc đặc trị. Song theo hiến pháp Tây Ban Nha, hành vi tiêm chủng là một dạng can thiệp vào cơ thể, do đó người dân có quyền từ chối chích ngừa trên cơ sở quyền cơ bản hiến định thiêng liêng là toàn vẹn thân thể. 

Quyền này chỉ có thể bị hạn chế trong những điều kiện rất hãn hữu. Đó cũng là lý do người dân biểu tình chống dự định của nhà chức trách muốn lập danh sách những ai không chịu tiêm chủng, thậm chí cung cấp danh sách đó cho các nước châu Âu khác, theo lời Bộ trưởng Y tế trên kênh truyền hình La Sexta. Chính phủ Tây Ban Nha bèn vội vã tuyên bố là không buộc tiêm chủng và cam kết bảo mật dữ liệu!

Chầu chực đón cứu tinh

Từ đầu đại dịch, Đức được coi là có chính sách chống dịch khá bình tĩnh và hữu hiệu, thậm chí nước này tuyên bố là không bao giờ dùng hết số giường cấp cứu. Nhà nước cũng tài trợ khá hậu hĩnh cho Công ty BioNTech để sau này cùng Pfizer (Mỹ) chế ra thuốc tiêm phòng COVID-19 đầu tiên được cấp phép ở EU - dĩ nhiên với điều kiện được chen hàng mua thuốc trước.

Ảnh: calmatters.org

Lệnh tiêm chủng toàn quốc chưa ban ra, Chính phủ Đức đã đối mặt hàng loạt chỉ trích gay gắt. Khác với Anh, Israel, Hoa Kỳ - những nước bị Đức chê bai vì chính sách y tế non kém, song chính là các quốc gia sẽ tiêm chủng đại đa số dân trong nước vào mùa xuân. 

Đến cuối tháng 1 này, Đức chỉ có đủ thuốc cho 2 triệu trong số dân 83 triệu người. Đơn giản vì Bộ Y tế quá lề mề, và ở vị trí chủ tịch luân phiên của EU, họ muốn ghi điểm chính trị “vì EU quên mình”, “thế giới đại đồng”, “bất phân nó - ta”. Động cơ ấy có thể cao cả song không được hưởng ứng bởi những hành khách Titanic trong nước đang sốt ruột lắm rồi. 

Ngay cả thứ tự ưu tiên tiêm chủng mà chính quyền đưa ra theo quan điểm y học và nhân đạo - đầu tiên là người trên 80 tuổi, người bị bệnh nền, rồi đến nhân viên y tế… - cũng gây tranh cãi: Khi sự sống bị đe dọa, có thể kêu gọi tình đoàn kết và vị tha, song không đem luật ra dọa nhau được!

Thủ hiến bang Bayern, Markus Söder, liên hệ trực tiếp giữa việc Chính phủ Đức đặt mua thuốc quá chậm và quá ít với khả năng nhãn tiền là kéo dài “lockdown” đợt 2 đến hết tháng 1: thêm một ngày phong tỏa là một ngày làm kinh tế Đức mất bớt khả năng cạnh tranh. Nên biết Söder cũng là chủ tịch Đảng CSU (Liên minh Xã hội Kitô giáo Bayern), đảng chị em với CDU (Liên minh Dân chủ Kitô giáo Đức) của bà Thủ tướng Angela Merkel, và nay hai đảng này lại hục hặc nhau trong khi đang ráo riết cùng vận động tranh cử Quốc hội vào tháng 9 tới.

Từ nãy ta toàn nói đến mấy nước giàu có thể bỏ tiền ra mua thuốc cho cả nước và còn quan trọng hơn, dùng trọng lượng chính trị của mình để vét thuốc của cả thị trường. Trong hoạn nạn mới dễ nhận diện bạn bè và suy tư về sự công bằng: Đã có ai quan tâm đến châu Phi, Đông Nam Á hay là Nam Mỹ? 

Mới đây, mạng lưới Liên minh Vaccine nhân dân (PVA) với những thành viên khả kính như Amnesty International, Global Justice Now và Oxfam đưa ra tính toán rằng 90% dân chúng các nước nghèo sẽ không được chích ngừa COVID-19 trong năm 2021 vì các nước giàu giành quyền mua trước.

Vấn đề không phải là không đủ thuốc. Các nhà cung cấp lớn nhất như AstraZeneca, BioNTech/Pfizer và Moderna dự đoán sẽ tung ra 5,3 tỉ liều trong năm 2021, đủ cho 2/3 cư dân trái đất. Ở đây chỉ bàn đến điều xưa nay luôn gây cãi cọ: công bằng. 

Cuộc chạy đua tìm mua vaccine bắt đầu từ khi chưa xong giai đoạn thử lâm sàng, tức là đơn đặt hàng chỉ có ý nghĩa lý thuyết, song những con số sau đây nói lên rất nhiều: Theo Đài Deutsche Welle ngày 13-12-2020, các nước giàu chiếm 14% dân số địa cầu đã đặt mua 53% số thuốc từ các nhà cung cấp nhiều hứa hẹn. 

Con tính thuần túy cho thấy họ có khả năng tiêm chủng gấp ba lần cần thiết, vậy không có gì lạ khi người nghèo còn phải xếp hàng dài đợi thuốc - nếu còn sống khi đến lượt. Cũng theo PVA, Canada “xí chỗ” mua 414 triệu liều thuốc của 7 nhà cung cấp tiềm năng cho 37,6 triệu dân!

Hội đồng đạo lý

Ở một số quốc gia như Pháp, Thụy Sĩ, Áo, Anh… có Hội đồng Đạo lý, hay một cơ quan tương tự với chức năng kép: tư vấn cho chính phủ trong các vấn đề về khoa học và đạo đức; và tạo diễn đàn công khai về các chủ đề trên. Để bảo đảm tính độc lập và khách quan, các nhà khoa học là thành viên cơ quan này không được có chức vụ trong bộ máy nhà nước hay nghị viện, cũng không theo đảng phái nào. Họ ăn lương từ tiền thuế của dân để tổ chức thảo luận chuyên môn về các lĩnh vực gai góc như liên giới tính, nhân bản vô tính, trợ tử nhân đạo…

Trong một chủ đề quan trọng như COVID-19, khi giới khoa học còn ngơ ngác ở chặng đầu của một hiện tượng mới lạ và truyền thông thiếu tính định hướng, các Hội đồng Đạo lý được người dân tín nhiệm như tấm biển chỉ đường trong rừng rậm tù mù. 

Chính vì vậy, phát biểu của một thành viên Hội đồng Đạo lý Đức ngày 19-12-2020 trên tờ Bild, nhật báo tiếng Đức có số phát hành lớn nhất, nổ như bom trước khi nước Đức tiến hành tiêm chủng. Ông Wolfram Henn, giáo sư di truyền học, khuyên những người không chịu tiêm chủng - mà theo thăm dò cũng phải non nửa nước Đức - nên mang trong người một mảnh giấy: “Tôi không muốn được chích ngừa COVID-19 (...); nếu bị bệnh, tôi sẽ nhường giường cấp cứu và máy thở cho người khác”. Nói một cách lạnh lùng hơn: ai cự tuyệt tiêm chủng sẽ không được điều trị khi nhiễm bệnh. Phe bên kia, qua lời Phó chủ tịch Đảng Dân chủ tự do Đức Wolfang Kubicki chẳng hạn, gọi đề nghị của ông Henn là “cực kỳ vô nhân đạo”.

Cuộc tranh luận cho thấy xã hội đang phân cực cỡ nào trong tình trạng hỗn loạn hiện nay. Phải chăng giống như lịch sử hiện đại sẽ mang cột mốc “trước corona” và “sau corona”, loài người giờ cũng sẽ chia thành hai giai cấp “đã chích ngừa” và “không/chưa chích ngừa”?

Chưa đầy 24 giờ từ khi toàn châu Âu bắt đầu chiến dịch tiêm chủng lịch sử, một cuộc cãi vã vô tiền khoáng hậu về hậu quả đạo đức và xã hội nổ ra trong giới y khoa và chính trị, và không chỉ ở châu lục này. Frank Montgomery, chủ tịch Hiệp hội Y khoa thế giới (WMA), khuyến cáo phát cho những ai đã tiêm phòng COVID-19 giấy chứng nhận để được vào sân bay, nhà hàng, rạp hát…, vốn là một thực tế ở nhiều nước rồi, dưới dạng “giấy chứng nhận âm tính”. 

Nhiều nước cũng đã hoặc đang lưu hành sổ tiêm chủng, và ngay ở Đức, nơi trên lý thuyết tiêm chủng là không bắt buộc, trẻ con vẫn phải tiêm phòng sởi mới được đến trường. Hầu như đã có sự đồng thuận cao giữa các chính trị gia rằng tiêm chủng COVID-19 là không bắt buộc, song các doanh nghiệp có quyền chỉ phục vụ khách hàng xuất trình chứng chỉ âm tính hoặc đã chích ngừa.

Dù muốn hay không, một xã hội nhiều giai tầng sẽ xuất hiện, nhưng không phải tùy thuộc vào chính kiến hay kinh tế, mà sự ngăn cách sẽ là một mũi tiêm.■

Gọn ghẽ như Trung Quốc?

Chuyện làm châu Âu và Bắc Mỹ nóng đầu thảo luận thì ở Trung Quốc chỉ là “chuyện nhỏ”. Hơn 200 đô thị lớn đã triển khai hệ thống giám sát sức khỏe tích hợp vào nền tảng WeChat và phần mềm thanh toán AliPay với nửa tỉ người dùng. 

Sau khi điền bảng câu hỏi về thân nhiệt và tiền sử sức khỏe, ứng dụng sẽ tính ra xác suất lan truyền virus của người dùng và ấn định bằng màu sắc những nơi được phép đến. Đỏ và vàng là từng tiếp xúc với virus corona và không được du lịch. Ở Hội nghị thượng đỉnh G20 tháng 11-2020, ông Tập Cận Bình còn đề nghị phát triển ứng dụng này ra toàn thế giới!

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận