Giải mã sự lăng nhục trên Internet

TTCT - Tại sao chúng ta lại nổi nóng về những thứ và những người xa xôi không liên quan nhiều tới chúng ta?

Giận dữ
Giận dữ

Một trong những hành vi phổ biến nhất của con người cũng là một trong những điều khiến chúng ta rối trí nhất: Khuynh hướng chúng ta nổi giận khi nói chuyện của... người khác. Bất cứ ai có tài khoản Facebook, Twitter hay chơi diễn đàn đều biết chuyện người ta có thể đỏ mặt tía tai khi lên án sự sai trái của những người khác ra sao.

Một ví dụ là trường hợp của Justine Sacco, cựu giám đốc truyền thông của Công ty IAC, viết trên Twitter: “Chuẩn bị đi châu Phi. Hi vọng sẽ không bị AIDS. Đùa thôi. Tôi là người da trắng mà!”.

Nói như thế quả là ngu xuẩn. Sacco xứng đáng bị phê phán nghiêm khắc vì điều đó. Nhưng hàng nghìn, hàng nghìn người đã phản ứng lại tin nhắn Twitter đó, cực đoan tới mức, như nhà báo Jon Ronson đã giải thích, không chỉ sự nghiệp mà cả cuộc đời của Sacco lao dốc. Nên nhớ trước đó cô là một người hầu như vô danh, với chỉ 170 người theo dõi trên Twitter.

Nếu mục đích tối thượng của sự trừng phạt là sửa chữa hành vi sai lầm tồi tệ của Sacco, thì cô hẳn đã hiểu được sau vài trăm tin nhắn trả lời trên Twitter. Nhưng tại sao đám đông lại trở nên đông đúc và dữ tợn như thế?

Loài người là loài duy nhất thích trừng phạt đồng loại

“Có vẻ như não bộ của chúng ta được thiết kế thích thú với việc trừng phạt người khác” - Nichola Raihani, một nhà tâm lý học nghiên cứu về sự hợp tác của con người ở Trường University College London, nói với vox.com.

Với những nhà nghiên cứu như Raihani, đây là một bí ẩn của tạo hóa. Trừng phạt những người lạ là một hành vi nguy hiểm. Họ có thể đáp trả và làm hại chúng ta, do đó đe dọa tới sự sinh tồn của chúng ta trong dài hạn. Trong khi đó, Darwin đã khẳng định rằng sự tiến hóa là để giúp ích cho sự sinh tồn trong dài hạn.

Trừng phạt một bên thứ ba không hoặc rất ít liên quan tới mình, giống như “nhảy khỏi vách đá”, Raihani so sánh. Nhưng đây lại là một đặc điểm mang tính bản chất của loài người. Hệ thống công lý của chúng ta được xây dựng trên những thẩm phán và bồi thẩm đoàn, tức không gì khác là một tập hợp những kẻ thuộc một bên thứ ba đóng vai trò người trừng phạt. Không loài vật có trí khôn nào trên Trái đất thích thú với việc trừng phạt đồng loại như con người, ngay cả loài tinh tinh, loài có vú gần gũi nhất với chúng ta.

Chúng ta “máu lửa” hơn khi nhân danh người khác

Các nhà tâm lý học từng thực hiện các nghiên cứu cho phép những người tham gia xử lý những người làm sai trong môi trường phòng thí nghiệm, và lựa chọn áp đảo là sự trừng phạt. Các nghiên cứu chụp ảnh hệ thần kinh cho thấy trừng phạt người khác kích hoạt các vùng phần thưởng trong não bộ, có nghĩa là nó mang lại cảm giác thích thú cho chúng ta.

Một thí nghiệm năm 2014 của Đại học New York đã tìm hiểu xem trong những cảnh huống nào con người có thể lựa chọn các giải pháp khác thay vì sự trừng phạt sau khi chứng kiến một hành vi sai trái.

Theo đó, trong một trò chơi chia một gói 10 USD cho vài người, những người tham gia nghiên cứu được lựa chọn hoặc trừng phạt kẻ ích kỷ (những người lấy nhiều hơn phần chia công bằng) hay đền bù cho các nạn nhân (những người lấy đúng hoặc ít hơn).

Kết quả thật đáng tò mò. Khi chính những người tham gia là nạn nhân của sự bất công, họ thường ít khi lựa chọn sự trừng phạt, mà muốn được bồi thường (chỉ có hai bên). Nhưng khi họ ra quyết định đại diện cho những người khác (như một bồi thẩm đoàn, một bên thứ ba), họ liên tục ra phán quyết trừng phạt.

“Điều đó thật trái với trực giác của chúng ta - Oriel Feldman Hall, người đứng đầu nghiên cứu, nói - Tại sao chúng ta lại có thể khoan dung khi là nạn nhân, nhưng không chấp nhận điều đó khi là một bên thứ ba?”.

Một lời giải thích khả dĩ là khi tội ác hay điều sai trái xảy ra với người khác, nó trở nên mơ hồ hơn với chúng ta. Khi đối mặt với sự mơ hồ, não bộ của chúng ta sẽ lựa chọn những con đường tắt (trong trường hợp này, con đường tắt rất đơn giản: “tội ác phải bị trừng phạt”). Nhưng khi chính chúng ta là nạn nhân, tư duy của chúng ta phức tạp hơn.

Giận dữ

 Trừng phạt người khác là quảng cáo cho những tiêu chuẩn đạo đức của mình

Các nghiên cứu mới tìm thấy bằng chứng cho một giả thuyết khác: “Ý tưởng cơ bản là mọi người trừng phạt sự ích kỷ để quảng bá với mọi người rằng họ là đáng tin cậy” - Jillian Jordan, một nhà nghiên cứu tâm lý ở Đại học Yale, nói.

Giả thuyết này giúp làm sáng tỏ câu hỏi tại sao chúng ta lại tiến hóa theo hướng thích thú với sự trừng phạt. Khi chúng ta trừng phạt một sự sai trái về đạo đức, chúng ta thật ra đang quảng cáo rằng mình là tiêu chuẩn đạo đức. Đó là một cách để thu hút sự tin cậy của người khác, là điều sẽ có ích cho chúng ta trong dài hạn.

Jordan và các đồng nghiệp cũng đã thử nghiệm giả thuyết này bằng một thí nghiệm. Giống như thí nghiệm của Feldman Hall, đó là một trò chơi chia tiền cho một số người. Ở giai đoạn thứ nhất, một người tham gia được cho tiền để chia cho người thứ hai. Người thứ nhất có thể công bằng và chia đều số tiền hoặc có thể ích kỷ. Một người thứ ba quan sát toàn bộ quá trình và có thể lựa chọn trừng phạt người thứ nhất vì hành động ích kỷ.

Jordan thấy rằng khi thí nghiệm đó diễn ra nhiều lần, người chơi đóng vai trò kẻ trừng phạt sẽ dần nhận được nhiều sự tin tưởng hơn và các người chơi khác sẵn lòng chia tiền cho người đó hơn mỗi khi họ có cơ hội. Điều này cho thấy trừng phạt người khác có thể mang tới những phần thưởng hữu hình thật sự, một kỹ năng sinh tồn mang tính tiến hóa.

(Nhưng cũng phải nói rằng bày tỏ sự giận dữ không phải là cách duy nhất để tỏ ra mình có đạo đức. Jordan và các đồng nghiệp của cô thấy rằng những người tham gia nghiên cứu có các cách khác để bộc lộ bản thân họ - như cho thấy sự rộng rãi và vị tha, và giảm bớt nhu cầu trừng phạt).

Tốc độ thời gian thực của mạng xã hội cũng góp phần vào việc mọi người hăng hái hơn trong việc tham gia cuộc trừng phạt. Những thí nghiệm khi các nhà nghiên cứu đưa vào một khoảng thời gian “tạm nghỉ” giữa việc chứng kiến hành động sai trái và việc kết án, “đã giảm đáng kể khát khao trừng phạt”, theo lời Feldman Hall. Tức là nếu chúng ta lùi lại một chút và dành chút thời gian để ngấm vấn đề, chúng ta có thể sẽ độ lượng hơn (gợi ý quan trọng: Luôn đợi một phút trước khi nhấn nút “đăng” hay “gửi” bất cứ thứ gì trên mạng). 

Còn ở trên mạng thì sao? Mạng Internet và mạng xã hội là những điều vẫn còn quá mới mẻ với giới tâm lý và thần kinh học. Hiện vẫn chưa có lời giải thích rõ ràng và đầy đủ về việc những cơn giận nhân danh đạo đức, để “thế thiên hành đạo” lại dữ dội và tập trung đông người như thế trên Internet.

Mong muốn trừng phạt của chúng ta không phải lúc nào cũng logic (như trường hợp Sacco, người đã bị trừng phạt quá mức so với sai lầm của mình). “Nếu một nguồn cho sự giận dữ mang tính đạo đức của chúng ta là khát khao quảng cáo sự tốt đẹp của chúng ta, thì điều đó giúp chúng ta hiểu tại sao đôi khi những cơn giận dữ nhân danh đạo đức lại đi chệch đường ray” - David Rand, nghiên cứu viên cao cấp trong thí nghiệm của Jordan, nói.

Internet là một cách hoàn toàn mới để kích hoạt bản năng thích trừng phạt của chúng ta và khiến chúng trở thành làn sóng cuồng nộ. Twitter hay Facebook cũng giống như một chiếc hộp thí nghiệm cho loài chuột với người dùng mà những con chuột sau khi gạt cần sẽ nhận được một phô mai. Trên mạng, sau mỗi bình luận, mỗi lần like, mỗi đánh giá... chúng ta lại được tận hưởng sự thích thú của việc trừng phạt người khác công khai.

Chúng ta cứ gạt mãi cái cần đó mà không hề thấy sợ bị đáp trả, một phần vì chúng ta chỉ đối mặt với bàn phím và màn hình máy tính, chứ không phải những người mà chúng ta đang trừng phạt tập thể. Mạng xã hội đã tạo ra không biết bao nhiêu là Justine Sacco ở quy mô thế giới, và mỗi trường hợp như thế là một cơ hội không thể bỏ qua để hàng nghìn người có thể ghi điểm đạo đức.

Các nhà nghiên cứu tất nhiên hiểu rằng những thí nghiệm đơn giản hóa cao độ của họ không thể phản ánh trực tiếp thế giới thật. Những người tham gia không biết nhau, giá trị của phần thưởng rất nhỏ nhoi. Nhưng không thể chối cãi là những gì diễn ra trên mạng không khác nhiều trong phòng thí nghiệm (“Twitter phải nói là giống với phòng thí nghiệm của tôi hơn là thế giới thật” - Raihani nói).

Những mặt tích cực của hành động đạo đức trừng phạt mang tính bản năng là không thể phủ nhận. Nó cho phép chúng ta lên tiếng bảo vệ những người yếu ớt hay bị đối xử bất công. Nó giúp chúng ta sửa chữa những sai trái trong thế giới này và Internet thậm chí có thể tạo ra những phong trào với hàng trăm nghìn người tham gia chỉ trong vài tiếng đồng hồ. Nhưng giữa một trận đồ bát quái của thông tin như ngày nay, bản năng đạo đức của chúng ta hoàn toàn có thể sai lầm.

Internet và mạng xã hội nói chung là “một diễn đàn thúc đẩy động cơ trừng phạt của chúng ta, khuếch đại nó và dẫn tới những phản ứng tập thể thái quá trong một số trường hợp, vì mỗi cá nhân đều muốn bày tỏ góc nhìn của mình - Jordan bình luận - Kết hợp tất cả những điều đó lại, chúng ta có một đám đông cuồng nộ”.■

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận