TTCT - Tăng cường hoạt động ngoài trời là biện pháp an toàn và tiết kiệm chi phí để ngăn ngừa và kiểm soát cận thị. Minh họa: Celia Storey/Democrat-GazetteQuan điểm coi trọng kết quả học tập cùng với sự thay đổi trong thói quen sinh hoạt, vui chơi đã tạo ra một thế hệ học sinh với đặc điểm nhận biết dễ dàng: cặp kính to dày cộp trên khuôn mặt non nớt. Biết thế nhưng không dễ bảo vệ đôi mắt trẻ thơ.Cận thị xảy ra do sự kéo dài của trục nhãn cầu, khiến hình ảnh của một vật ở xa không thể hội tụ vào võng mạc và gây ra nhìn mờ. Cận thị phát triển mạnh trong độ tuổi từ 6-14 tuổi, thời điểm mà mắt của trẻ liên tục điều chỉnh hình dạng để đáp ứng nhu cầu quan sát. Trên thế giới, ước tính tới năm 2050 hơn 50% thanh thiếu niên sẽ mắc cận thị.Từ một "thí nghiệm tự nhiên"Không một ủy ban đạo đức nào có thể cho phép các nhà nghiên cứu giữ hàng triệu trẻ em trong nhà suốt nhiều tháng chỉ để thử nghiệm ảnh hưởng của việc đó lên thị lực của chúng. Tuy nhiên, lệnh phong tỏa toàn quốc vì COVID-19 của Trung Quốc, bao gồm việc đóng cửa nhiều trường học từ tháng 1 đến tháng 5-2020, đã tạo ra một thí nghiệm tự nhiên với "nhóm can thiệp" là trẻ em phải học trực tuyến và ít có cơ hội ra ngoàiKết quả thu được là rất "ấn tượng," theo Lan Weizhong - bác sĩ nhãn khoa tại Đại học Trung Nam. Sau khi lệnh phong tỏa kết thúc, các cuộc kiểm tra mắt hàng loạt tại nhiều thành phố Trung Quốc cho thấy tỉ lệ cận thị ở trẻ em gia tăng đột biến. Điều này củng cố niềm tin khoa học phổ biến rằng nhìn gần quá nhiều - đọc sách hoặc xem màn hình và thiếu thời gian ở ngoài trời - sẽ khiến mắt trẻ em không khỏe mạnh, theo ông Lan.Không chỉ ở Trung Quốc, ở các quốc gia châu Á coi trọng thành tích học tập - được xem là con đường công bằng nhất để đạt được thành công về mặt xã hội và kinh tế cho một cá nhân - ngày càng nhiều trẻ mắc cận thị không liên quan đến tiền sử của cha mẹ, mà liên quan đến thời gian tiếp xúc màn hình (screen time) máy tính, tivi, trò chơi điện tử và thiết bị di động tăng trong khi thời gian ở ngoài trời giảm.Khoa học cho rằng hoạt động ngoài trời là yếu tố giúp ngăn ngừa cận thị, dựa trên giả thuyết rằng ánh sáng mặt trời giúp giải phóng nhiều dopamin, chất tham gia vào điều chỉnh chức năng võng mạc, co đồng tử, phối hợp chuyển động mắt và đặc biệt ức chế sự kéo dài của trục nhãn cầu. Giả thuyết này đã được nhiều nghiên cứu trên mô hình động vật như gà con, chuột, khỉ ghi nhận. Ngoài ra, trẻ dành ít thời gian hoạt động ngoài trời có lượng vitamin D thấp hơn, có liên quan đến sự gia tăng cận thị. Tuy nhiên, giả thuyết này cần được phân tích sâu hơn. Trong khi đó, các nghiên cứu mới tiếp tục chứng minh tác hại của screen time. Một phân tích tổng hợp công bố hồi tháng 6-2024 trên BMC Public Health cho thấy màn hình máy tính và tivi có khả năng tạo ra tín hiệu cận thị ở trẻ em và thanh thiếu niên đáng kể nhất so với các thiết bị khác.Tác động của điện thoại thông minh và máy tính bảng chưa được khám phá đầy đủ và cần được đánh giá trong các nghiên cứu độc lập khác. Tuy nhiên, khi xem liên tục trong thời gian dài, trẻ có xu hướng thực hiện các tư thế thư giãn ưa thích như cúi đầu, nghiêng đầu hoặc nằm xem, đều có liên quan đến sự xuất hiện của cận thị. Tỉ lệ trẻ mắc cận thị mức độ cao đang gia tăng liên quan đến biến thể di truyền. Tại hội nghị thường niên ARVO vừa qua, một nhóm nhà nghiên cứu tại Hong Kong công bố tìm thấy hai biến thể trong CD55 và RDH5 có liên quan đến những thay đổi về độ cong giác mạc và chiều dài nhãn cầu. "Nghiên cứu này có tiềm năng mở đường cho việc hiểu biết tốt hơn, phát hiện sớm và can thiệp mới cho tật khúc xạ ở trẻ em, đặc biệt là cận thị, giảm thiểu nguy cơ biến chứng mắt liên quan đến cận thị và khả năng mù lòa sau này trong cuộc sống" - Ebenezer Zaabaar, tác giả chính nghiên cứu, cho biết. Vui chơi để ngừa cận thịCận thị vẫn bị coi là một sự bất tiện hay bệnh đơn giản bởi không gây đau đớn, tiến triển từ từ, có gì chỉ đeo kính là xong. Tuy nhiên, ngày càng nhiều nghiên cứu chỉ ra hậu quả của bệnh. Trước mắt là khó khăn trong việc quan sát, học tập và tham gia các hoạt động thể thao, ảnh hưởng sức khỏe tinh thần. Sau đó là các biến chứng nặng, nguy cơ bong võng mạc, tăng nhãn áp, đục thủy tinh thể…Có bốn nhóm giải pháp kiểm soát cận thị: tăng cường các hoạt động ngoài trời, tiếp xúc với ánh sáng mặt trời, điều chỉnh làm việc gần; dùng dược phẩm; can thiệp quang học (kính áp tròng, kính chỉnh giác mạc…); và phương pháp mới như sử dụng ánh sáng đỏ cường độ thấp và ánh sáng tím.Trong số này, tăng cường hoạt động ngoài trời là biện pháp an toàn và tiết kiệm chi phí để ngăn ngừa và kiểm soát cận thị. Với trẻ đã bị cận thị, vai trò của hoạt động ngoài trời trong việc làm chậm tiến triển của cận thị vẫn đang được đánh giá. Tuy nhiên, lợi ích về mặt thể chất của hoạt động ngoài trời là điều hiển nhiên và thị lực cũng sẽ được hưởng lợi.Ảnh: ReutersTổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến nghị hạn chế thời gian sử dụng màn hình không quá hai giờ mỗi ngày và ngược lại, nên cho trẻ chơi ngoài trời ít nhất hai giờ mỗi ngày. Để đạt được điều này, cần có sự phối hợp của nhà trường (mở rộng số lượng các khóa học thể chất ngoài trời, tăng thời gian chơi ngoài trời trong giờ ra chơi buổi sáng và giờ nghỉ trưa) và cha mẹ.Tuy nhiên, rất khó để thuyết phục các bậc cha mẹ bận rộn, ám ảnh bởi các kỳ thi để con em họ chơi ngoài trời. Kết quả là nhiều nơi đã phải sử dụng công nghệ. Ở Trung Quốc, thành phố Ôn Châu cho lắp đèn mô phỏng ánh sáng tự nhiên trong gần 28.000 lớp học; một chương trình thử nghiệm ở Thành Đô dùng giấy dán tường mô phỏng cảnh quan tự nhiên trong các trường học.Trong một nghiên cứu đánh giá, hơn 900 học sinh ở Vân Nam được chia thành hai nhóm lớp: một nhóm học tại lớp truyền thống có tường và trần màu trắng; một nhóm học tại lớp mô phỏng trên. Sau một năm theo dõi, kết quả cho thấy việc thay đổi không gian của lớp học có thể giúp ngăn ngừa cận thị khởi phát.Kết quả được báo cáo tại hội nghị thường niên của Hiệp hội Nghiên cứu về thị giác và nhãn khoa (ARVO) hồi tháng 5 vừa qua. Khi không thể cải thiện được thời gian hoạt động ngoài trời thì thay đổi không gian lớp học cũng là một cách tiếp cận mới, có thể cân nhắc nhân rộng. Cuộc chiến chống cận thị của Trung QuốcSau ba thập niên đô thị hóa và áp lực học tập đối với học sinh, Trung Quốc có tới 800 triệu người bị cận thị và 1/10 trong số đó có thể mắc cận thị nặng. Những người này có thể tạm thời đeo kính cận dày hoặc phẫu thuật laser nhưng khi già đi, một số ít sẽ bị mù do biến chứng từ cận thị. "Điều này đòi hỏi một cuộc ứng phó y tế cộng đồng quy mô lớn" - bác sĩ nhãn khoa Wong Tien Yin, giám đốc sáng lập Trường y Đại học Thanh Hoa, nói với The Economist.Từ năm 2018, Trung Quốc đã xem cận thị là một "vấn đề lớn", đe dọa không chỉ sức khỏe trẻ em và sức mạnh của quốc gia. Giáo viên được yêu cầu giảm tải, hủy bỏ bài tập về nhà cho học sinh tiểu học; dạy thêm, từng là một ngành công nghiệp khổng lồ, bị cấm vào năm 2021. Giới lãnh đạo Trung Quốc kêu gọi trẻ em dành nhiều thời gian ngoài trời hơn và chơi game ít hơn.The Economist cũng kể "điển hình tiên tiến" chống cận thị trẻ em của Phì Thành, một thành phố cấp huyện ở tỉnh Sơn Đông. Các cuộc kiểm tra mắt trên hàng chục ngàn học sinh trước và sau đại dịch cho thấy tỉ lệ cận thị ở trẻ 6 tuổi đã tăng gấp ba lần trong thời gian phong tỏa, mặc dù thị lực của một số trẻ sau đó đã hồi phục. Trẻ 7 và 8 tuổi có mức tăng nhỏ hơn nhưng vẫn đáng kể. Trước tình hình này, các trường tiểu học ở Phì Thành đặt niềm tin vào giáo dục thể chất theo lối cũ: Trẻ em được đưa ra ngoài chơi hai giờ mỗi ngày để tập thể dục dụng cụ, nhảy dây, bóng chuyền, thái cực quyền và nhiều hoạt động khác.Wang An, lãnh đạo cơ quan giáo dục và thể thao Phì Thành, còn tổ chức một cuộc thi thường niên để các trường tiểu học tranh giải "Giờ ra chơi ấm nắng" tốt nhất. Tất nhiên không phải phụ huynh nào cũng thích con mình ra ngoài nắng nôi. Wang gọi đó là "vấn đề rất nghiêm trọng" và giải pháp của ông là kể cho phụ huynh về những vận động viên học sinh tài năng có điểm cao, đồng thời mời phụ huynh trong ngành y tế về trường để thuyết trình về sức khỏe cho các phụ huynh khác.Người giữ mục tin tức Trung Quốc của The Economist đã được mời tới Trường tiểu học thực nghiệm Phì Thành để tận mục sở thị hiệu quả của những biện pháp trên. Đó là một ngôi trường có 2.800 học sinh với khuôn viên rộng lớn, khu khoa học được trang bị tốt. Tác giả được tham quan lớp nghệ thuật và âm nhạc, chơi bóng bàn với học sinh. Không em nào đeo kính.Hiệu trưởng Lei Peng quả quyết với vị khách nước ngoài rằng mắt của học sinh ngày càng cải thiện tốt hơn, một phần nhờ yêu cầu thay đổi của Chủ tịch Tập Cận Bình, phần khác là nhờ chính quyền địa phương thực sự thay đổi cách đánh giá các trường học, giáo viên và các quan chức giáo dục. Sơn Đông là tỉnh tiên phong đưa sức khỏe học sinh, bao gồm cả sức khỏe mắt, vào các tiêu chí đánh giá hiệu quả trường học. Hiện tại, sức khỏe mắt đã là một chỉ số được áp dụng trên toàn quốc.Vị hiệu trưởng với 38 năm trong nghề cho rằng chỉ khi nào các kỳ thi không còn là căn cứ duy nhất để đánh giá thành công, giáo viên, học sinh và phụ huynh mới "dám nới lỏng" và khi đó các biện pháp nhằm bảo vệ đôi mắt trẻ em mới có thể phát huy hết tác dụng.YÊN LAM Tags: Đôi mắt trẻ thơCận thịTrẻ emHọc sinhSức khỏe
Huỳnh Như ghi cú đúp ở giải AFC Champions League nữ QUANG THỊNH 06/10/2024 Tiền đạo Huỳnh Như tỏa sáng trong chiến thắng 3-1 của CLB nữ TP.HCM trước TXG Blue Whale (Đài Loan) ở lượt trận đầu tiên của bảng C AFC Champions League nữ 2024-2025.
'Ngắm' dự án Saigon Sports City vừa được Keppel bán 70% vốn, dự kiến gần 7.500 tỉ đồng NGỌC HIỂN 06/10/2024 Dự án Saigon Sports City (SSC) của Tập đoàn Keppel sau 4 năm khởi công đến nay vẫn là bãi đất trống. Keppel sẽ thoái 70% vốn và dự kiến thu về tới 7.500 tỉ đồng.
Năm 2025, Đại học Quốc gia TP.HCM chỉ tuyển sinh theo 3 phương thức TRẦN HUỲNH 06/10/2024 Đại học Quốc gia TP.HCM sẽ giảm bớt các phương thức tuyển sinh đại học năm 2025 xuống còn 3. Đồng thời khuyến khích các trường xây dựng phương thức xét tuyển kết hợp.
Cầu phao Phong Châu thông xe trở lại phục vụ người dân NAM TRẦN 06/10/2024 Chiều 6-10, Binh chủng Công binh đã tiến hành khớp nối, lắp ghép lại cầu phao tạm Phong Châu (Phú Thọ), thông xe để người dân đi lại.