Giáo dục không chỉ là dạy nghề

LÊ MINH TIẾN 08/10/2007 12:10 GMT+7

TTCT - Câu hỏi then chốt mà Tổng thống Pháp Sarkozy đặt ra cho giáo viên cũng như cho mọi người là: Chúng ta muốn con em mình trở thành người như thế nào? Và ông cũng tự trả lời rằng giáo dục phải giúp học sinh trở thành một con người tự chủ, vì chỉ khi từng là thành viên của một quốc gia có tự chủ thì quốc gia ấy mới là một quốc gia tự chủ thật sự. Đây là điều mà hình như nền giáo dục của chúng ta đang quên lãng.

Quả vậy, để có được những con người - cá nhân tự chủ, không ai khác hơn chính nền giáo dục phải làm việc này. Mục tiêu của giáo dục không phải đơn giản chỉ là cung cấp nguồn nhân lực cho nền kinh tế của đất nước, bởi nếu chỉ hiểu chức năng của giáo dục như thế thì đã giản lược chức năng của giáo dục vào việc dạy nghề, tức chỉ dạy người ta biết cách làm (savoir-faire) chứ không phải là biết cách sống và tồn tại (savoir-être) như một cá thể tự chủ trong xã hội. Con người tự chủ là con người làm chủ được vận mệnh của mình, dám suy nghĩ và hành động riêng và dám chịu trách nhiệm về những điều mình nghĩ, mình làm, tự chủ còn là phải biết chấp nhận cái khác, cái đa dạng trong khi vẫn giữ được bản sắc riêng của mình. Một nền giáo dục cưỡng ép, đè nén và triệt tiêu mọi sáng tạo, óc phê phán và mọi sự “nghĩ khác”, tức một nền giáo dục từ chương và “đồng nhất hóa”, sẽ không bao giờ tạo ra được những con người tự chủ, những con người biết ta và biết người.

Khi tạo ra được những con người tự chủ, ta phải tạo ra môi trường cho sự tự chủ đó được bộc lộ. Để làm được điều này không gì khác hơn là phải tạo ra một không gian “mở” cho xã hội. Tức là xã hội phải để cho các thành viên của mình dám bộc lộ và dám sống theo những điều mà họ cho là đúng, dám phê phán những bất công, những điều tệ hại trong xã hội và dám tranh luận.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận