Giáo dục và nghiên cứu: tốt không cần phải đắt

LÊ MINH TIẾN 16/10/2007 16:10 GMT+7

TTCT - Vào tháng chín vừa qua, giáo sư Jacques Bichot thuộc Đại học Lyon III (Pháp), thành viên danh dự Hội đồng tư vấn kinh tế và xã hội của Chính phủ Pháp, đã trình bày một chuyên khảo(*) về vấn đề tài chính cho nghiên cứu và giáo dục tại Pháp. Chúng tôi xin trích lược một số nội dung.

Phóng to
TTCT - Vào tháng chín vừa qua, giáo sư Jacques Bichot thuộc Đại học Lyon III (Pháp), thành viên danh dự Hội đồng tư vấn kinh tế và xã hội của Chính phủ Pháp, đã trình bày một chuyên khảo(*) về vấn đề tài chính cho nghiên cứu và giáo dục tại Pháp. Chúng tôi xin trích lược một số nội dung.

...Tổng chi ngân sách quốc gia năm 2007 là 343,3 tỉ euro, trong đó phần dành cho giáo dục và nghiên cứu là 80,3 tỉ, tức chiếm đến 23,4%. So với các quốc gia trong OCDE (Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế quốc tế), tỉ lệ chi cho giáo dục trong GDP của chúng ta đứng hàng thứ ba sau Mỹ, Na Uy và có xu hướng tăng đều đặn. So với năm 1980, mức đầu tư cho mỗi học sinh đã tăng đến 76%.

Tuy nhiên không có một qui luật kinh tế nào khẳng định rằng một sản phẩm tốt thì phải đắt đỏ mà ngược lại, kể từ cuộc cách mạng công nghiệp đến nay, loài người không ngừng cố gắng làm ra các sản phẩm có chất lượng ngày càng cao với chi phí ngày càng giảm. Đó mới là tiến bộ. Nhưng nền giáo dục Pháp hình như đang không theo qui luật tiến bộ đó mà luôn đòi hỏi phải được đầu tư nhiều hơn, trang bị nhiều phương tiện hơn (vì nghĩ rằng phải được như vậy thì chất lượng mới cao). Đòi hỏi nhiều tiền hơn, nhiều phương tiện hơn là một giải pháp lười biếng, mà đã lười biếng thì trong bất cứ lĩnh vực nào cũng hiếm khi đi đến sự tiến bộ.

Nền giáo dục Pháp hiện nay quá cồng kềnh, tiêu tiền nhiều và bộ máy cũng to khi lực lượng công chức trong lĩnh vực giáo dục - nghiên cứu chiếm đến 52,5% tổng số công chức nhà nước (khoảng 1.200.000 người). Nhưng chất lượng giáo dục và nghiên cứu lại không tương xứng mấy. Kết quả điều tra do INSEE và Cơ quan Chống mù chữ quốc gia vừa công bố cho thấy có đến 9% số người trong độ tuổi 18-65 tại Pháp mù chữ, tức khoảng 3.100.000 người. Còn trong xếp hạng của các quốc gia thuộc OCDE về toán, học sinh Pháp chỉ đứng hạng 13. Về khả năng đọc hiểu, có đến 20,4% số thanh niên trong độ tuổi 18 thuộc diện “đọc nhưng không có khả năng hiểu”.

Còn về nghiên cứu, nước Anh có nhiều giải Nobel và các bài báo khoa học hơn nhưng họ chỉ dành 1,9% trong GDP cho nghiên cứu, còn Pháp thì tới 2,2%. Nghiên cứu trong lĩnh vực sư phạm cũng rất kém cả về nghiên cứu cơ bản lẫn nghiên cứu ứng dụng, dù có đến 1.600 nhà nghiên cứu thuộc biên chế của Viện Nghiên cứu sư phạm quốc gia. Điển hình của sự yếu kém là việc chậm ứng dụng các công nghệ thông tin và truyền thông điện tử vào hoạt động giảng dạy, nhất là e-learning, trong nền giáo dục Pháp.

Viện hàn lâm khoa học Luân lý và chính trị vừa cảnh báo rằng “nước Pháp đang chuẩn bị rất không tốt cho tương lai của thế hệ trẻ”.

Có thể nói bộ máy giáo dục - nghiên cứu của Pháp hiện nay như một con voi mamút cồng kềnh và nặng nề (vì có quá nhiều tiền và quá nhiều người) nên không thể chuyển động một cách linh hoạt và do đó hiệu quả hoạt động không thể cao được. Nếu giảm bớt tiền, bớt con người thì ngành giáo dục sẽ phải tìm cách thay đổi phương pháp sao cho có lợi nhất cho người học. Những người trong ngành giáo dục không thiếu hiểu biết, nhưng họ chỉ phát huy được sáng kiến trong một hệ thống mở và buộc họ phải suy nghĩ, cải tiến. Nền giáo dục quốc gia cần một “cú sốc tài chính” để thức tỉnh và thoát khỏi lối mòn để chăm lo cho học sinh và sinh viên được tốt hơn.

Có thể giảm bớt tài chính cho giáo dục bằng cách:

- Giảm số giáo viên để giảm ngân sách vì hai lý do: 1) Trong năm học 2005-2006, tổng số giáo viên là 363.300 người trong khi số học sinh lại giảm 3,5%. Số trường học cũng giảm còn 56.000 vào năm 2005 so với 68.000 trường vào năm 1980; 2) Tỉ lệ học sinh/giáo viên tại Pháp hiện nay quá thấp so với các quốc gia phát triển. Chẳng hạn ở bậc học phổ thông, chỉ có 12,1 học sinh/giáo viên, trong khi ở Anh là 14,4, Đức là 15,1, Mỹ 15,5 và Hà Lan là 15,8. Ở ba nước có học sinh đạt thành tích tốt nhất là Thụy Điển, Phần Lan và Nhật Bản cũng có tỉ lệ lần lượt là 12,9, 13,1 và 14,1. Tăng tỉ lệ học sinh lên sẽ giảm được số giáo viên.

- Phối hợp chặt chẽ với cha mẹ học sinh trong quá trình đào tạo. Tức là nhà trường và gia đình cùng ngồi lại xem phần nào gia đình đảm nhận được thì giao lại gia đình, chẳng hạn như việc hướng dẫn làm bài tập. Khi gia đình cùng tham gia quá trình đào tạo thì cũng sẽ không còn cần nhiều giáo viên nữa.

- Ứng dụng công nghệ thông tin, Internet vào trong quá trình đào tạo (e-learning), tức là có những nội dung mà học sinh không cần đến lớp mà phải tự tìm tòi. Điều này sẽ làm tăng ham muốn học tập cũng như nỗ lực làm việc nơi học sinh.

Hoàn toàn có thể nâng cao chất lượng đào tạo với chi phí ít hơn nếu chịu đoạn tuyệt với những lối mòn.

(*) Jacques Bichot, “Enseignement et recherch: On peut faire mieux pour moins cher”, Monographie, N0 10, septembre 2007.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận