TTCT - Nông dân loay hoay trồng rất nhiều giống lúa nhưng lại không kiếm được giống nào có tính ổn định trong vấn đề giá cả. Cơ quan quản lý thì lơ mơ về tín hiệu thị trường, nên “trồng cây gì?” đến nay vẫn cứ là câu hỏi lớn. Ông Nguyễn Văn Hải (xã Vĩnh Gia, huyện Tri Tôn, An Giang) sản xuất lúa IR 50404 bán cho thương lái đầu vụ với giá chỉ 4.300 đồng/kg. Ảnh: BỬU ĐẤU Có trường hợp nông dân đang trồng một giống lúa, thấy giống khác “ngon” hơn nên chuyển sang trồng. Rồi vỡ mộng. Rồi lại quay về trồng giống lúa cũ. Gian nan... giống lúa Ông Lưu Văn Hải canh tác hơn 3ha lúa IR 50404 (tại xã Lạc Quới, H.Tri Tôn, An Giang), giải thích ông trồng giống lúa này vì dễ làm, năng suất cao và chi phí thấp hơn nhiều giống khác. Nhưng trồng giống này giá cả mỗi năm mỗi khác làm ông nản chí. “Vùng này ai cũng trồng loại này hết. Tôi trồng loại khác sợ không bán được. Ở đây đâu có doanh nghiệp nào liên kết đâu. Bà con tự trồng rồi đến khi lúa chín thì kiếm thương lái bán chứ chưa có ai bao tiêu. Vì vậy, năm nào thu hoạch lúa này cũng lo lắm” - ông Hải nói. Ông Nguyễn Văn Hải (P.4, TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng) làm 1ha ruộng, nhưng chỉ trong 8 năm ông đã ba lần đổi giống lúa. Năm 2011, ông làm giống OM C10. Năm 2016, ông đổi sang giống OM 5451, rồi tiếp tục làm giống OM 6976. Theo ông Hải, thu hoạch xong, tổng kết lại thấy nhóm giống lúa nào bán có giá, thương lái khoái, bà con rủ nhau làm vụ sau, không hề biết thị trường đang cần gì mà làm. Gần 20 năm làm lúa, ông Hải nói mình chưa một lần gặp gỡ thương lái từ đầu vụ để thảo luận sẽ làm giống gì cho dễ tiêu thụ, bán được giá. “Thấy bà con làm giống lúa nào tôi cũng làm theo, chứ làm khác sợ khi thu hoạch không ai mua”. Cái cảnh trồng lúa này không “ngon”, chuyển qua trồng lúa khác rồi lại quay về trồng giống cũ rất phổ biến ở ĐBSCL. Ông Ngô Văn Tân (xã Vĩnh Trung, H.Vị Thủy, Hậu Giang) cho biết trước đây ông thường gieo sạ lúa IR 50404 và OM 5451, năng suất khá ổn định nhưng giá bán chỉ 4.000 - 5.500 đồng/kg, tùy theo giống. Năm rồi, ông thấy bà con địa phương làm lúa giống xác nhận ST24 và giống lúa RVT “trúng mùa trúng giá” nên làm theo. Nhưng khi thu hoạch, ông lại buồn: “Năm nay tôi mần lúa thua đứt đường, mua giống mắc, tốn công chăm sóc, năng suất khoảng 900kg/công tầm lớn mà giá chỉ 5.200 đồng/kg. Kiểu này vụ tới tôi dự tính sạ giống OM 5451 cho chắc”. Chọn lúa truyền thống vì năng suất cao Không phải các địa phương không định hướng giống cây trồng cho nông dân, tuy nhiên những giống lúa chất lượng cao lại có những nhược điểm “chết người” nên họ không mặn mà. Ông Nguyễn Thành Phước, chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng, cho biết mặc dù có quy hoạch vùng nào phát triển nhóm giống lúa đặc sản, lúa thơm nhưng thực tế nông dân thích làm theo thói quen. Vụ đông xuân 2018-2019 này có tới 10 giống lúa các loại được nông dân sản xuất trên diện tích 190.000ha, gồm IR 50404, OM 6976, OM 5451, Đài thơm, RVT, ST24... Theo ông Phước, những năm trước nông dân Sóc Trăng phát triển mạnh diện tích sản xuất giống lúa đặc sản, lúa thơm như RVT. Đến năm 2018, diện tích trồng lúa RVT giảm mạnh gần 27.000ha do sợ nhiễm rầy nâu và bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá. Nhiều nông dân chuyển sang trồng các giống lúa khác, phổ biến là IR 50404. Anh Bùi Quang Trân (xã Tân Phú Trung, H.Châu Thành, Đồng Tháp) canh tác hơn 2ha lúa IR 50404 cho biết lý do nông dân vẫn trung thành với các giống lúa truyền thống phẩm cấp thấp và trung bình bởi năng suất cao, ít sâu bệnh và dễ chăm sóc. Ngoài ra, những năm gần đây giá lúa IR 50404 và các giống lúa chất lượng trung bình có giá tương đối ổn định. “Trồng các giống lúa đặc sản, lúa thơm đòi hỏi kỹ thuật chăm sóc cao. Tuy giá thành lúa thơm cao nhưng năng suất không bằng lúa thường nên tính ra lợi nhuận chưa chắc cao bằng” - anh Trân nói. Không chỉ gặp “rào cản” sâu bệnh, việc trồng lúa theo “tiếng gọi” của thị trường cũng là một vấn đề diễn ra phổ biến ở ĐBSCL. Ông Nguyễn Thanh Cường, chủ một doanh nghiệp (DN) chuyên kinh doanh gạo xuất khẩu ở chợ Bà Đắc (H.Cái Bè, Tiền Giang), nói sở dĩ người dân chọn trồng lúa Đài thơm 8 là do loại gạo này có hạt dài, thị trường nhập khẩu các nước rất ưa chuộng, đặc biệt là thị trường Trung Quốc. Một chủ DN khác ở đây nói thêm: Đài thơm 8 hạt dài, gạo nở, ít sâu bệnh, năng suất khá, nhìn bề ngoài khá tương đồng với Jasmine mà giá thường thấp hơn Jasmine từ 300 - 500 đồng/kg. Theo đánh giá của ông, khi thị trường Trung Quốc gom hàng, bao giờ Đài thơm 8 cũng được tìm mua nhiều hơn Jasmine hay các loại gạo khác. Đặt hy vọng vào bao tiêu Ông Nguyễn Sĩ Lâm, giám đốc Sở NN&PTNT An Giang, cho biết tỉnh đang khuyến cáo giống nào có người thu mua hoặc DN bao tiêu mới cho trồng. Giống IR 50404 ở An Giang trồng với số lượng lớn như hiện nay là do tỉnh có một DN bao tiêu và thu mua số lượng lớn để xuất khẩu ra một số thị trường. Số còn lại trồng tự phát vì dễ trồng, vì vậy tỉnh đang bàn kế hoạch vận động bà con từ từ chuyển đổi sang những giống lúa chất lượng cao. Ông Trần Anh Thư, phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cũng nói tỉnh đang đi theo hướng sản xuất loại gạo hạt tròn, gạo thơm. Tỉnh đang cùng nhiều DN thực hiện các cánh đồng lớn sản xuất lúa chất lượng cao phục vụ xuất khẩu. Còn ông Lương Minh Quyết, giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng, cho biết theo quy hoạch, tỉnh sẽ ưu tiên phát triển nhóm giống lúa thơm ST ở các huyện Mỹ Xuyên, Ngã Năm, Thạnh Trị và một phần diện tích của Long Phú. Ông Quyết nói trong lúc các giống lúa khác bấp bênh, lúa thơm ST vẫn bán được giá, có nhiều cơ hội xuất khẩu vào thị trường khó tính. Ông Nguyễn Văn Liêm, phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Vĩnh Long, thì nhấn mạnh chuyện quan trọng nhất là phải có đầu ra tiêu thụ. Điển hình như huyện Tam Bình có hơn 40ha lúa hữu cơ được Saigon Coop kết hợp bao tiêu. Vĩnh Long đang kết hợp với ĐH Cần Thơ xây dựng một đề án trồng lúa để có đầu ra ổn định. “Tỉnh đang định hướng và ưu tiên khuyến cáo hướng đến lúa hữu cơ, kêu gọi DN đến bắt tay, ký hợp đồng bao tiêu rồi mới kêu gọi người dân tập trung sản xuất” - ông Liêm nói.■ Có đơn hàng rồi hãy đặt hàng nông dân Ông Nguyễn Văn Hiền, chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật An Giang, cho biết cơ quan chức năng chỉ khuyến cáo chứ không thể áp đặt. “Vì giá lúa phụ thuộc nhiều vào thị trường. Bản thân mình cũng đâu biết loại nào có giá cao mà kêu nông dân trồng được” - ông Hiền nói. Ông Hiền đề xuất Bộ Công thương nên đàm phán với các nước nhập khẩu gạo VN để xem họ ăn loại nào, tiêu thụ bao nhiêu rồi sau đó bàn bạc với Bộ NN&PTNT chỉ đạo các địa phương nên trồng loại nào, sản lượng bao nhiêu cho từng mùa vụ ở từng địa phương rõ ràng. Tags: Giống lúaLúa chất lượng caoLoay hoay giống lúaNăng suất cao
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm phát triển nông nghiệp cho Malaysia THANH HIỀN 22/11/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm về phát triển nông nghiệp, trong đó có lương thực, cà phê với Malaysia và đề nghị Malaysia hỗ trợ Việt Nam phát triển ngành công nghiệp Halal.
Phim chiếu rạp Kính vạn hoa tung poster và teaser, nhìn vừa lạ vừa quen THƯỢNG KHẢI 22/11/2024 Kính vạn hoa phiên bản điện ảnh đánh dấu sự tái ngộ của bộ ba Quý Ròm, Tiểu Long và nhỏ Hạnh, mang đến một không khí tươi vui nhưng không kém phần kịch tính.
VTV lên tiếng vụ xe biển xanh vượt 2 ô tô làm xe tải đi chiều ngược lại lao xuống cống HỒNG QUANG 22/11/2024 'Đài truyền hình Việt Nam lấy làm tiếc về sự việc nghiêm trọng này và sẽ chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng cùng gia đình tài xế xe tải để giải quyết vụ việc theo đúng tinh thần thượng tôn pháp luật', VTV thông tin.
Giữa lúc xung đột leo thang, Nga - Ukraine đạt thỏa thuận đưa 46 dân thường trở lại Kursk THANH HIỀN 22/11/2024 Hàng chục cư dân từ khu vực biên giới Kursk của Nga đã được đưa trở lại quê hương từ Ukraine sau các cuộc đàm phán 'khó khăn' giữa hai bên.