Hạ bệ thần tượng Ronaldo, Messi!

HUY ĐĂNG - TẤN PHÚC 09/02/2019 18:02 GMT+7

TTCT - Kết quả một năm thành công của tuyển Việt Nam là những lò dạy đá bóng cho trẻ em đã mọc lên như nấm sau mưa. Và nếu trước đây, các cậu bé luôn xem Ronaldo, Messi là thần tượng; thì nay giấc mơ là được như anh Quang Hải, Văn Lâm…


Các em nhỏ hăng say tập luyện ở CLB Phú Nhuận. Ảnh: Huy Đăng - Tấn Phúc

 

• Thế Lực (9 tuổi, CLB Phú Nhuận): “Trước đây con thích Eden Hazard. Nhưng bây giờ con thích anh Phan Văn Đức của VN hơn. Con đã xin ba mua cho chiếc áo số 20 của anh Đức. Con mong một ngày nào đó được làm cầu thủ giống anh Đức. Con xem không sót trận nào của tuyển VN. Sau này nếu có thể trở thành cầu thủ, con thích được đá cho CLB Hà Nội T&T ở trong nước, còn nếu đá ở nước ngoài thì con thích CLB Liverpool ở Giải ngoại hạng Anh”.

“Tôi sẵn sàng cho con theo nghiệp cầu thủ nếu cháu thích. Nếu không thành ngôi sao thì vẫn được ăn học đầy đủ mà”. Dù cậu con trai Đức Huy mới 9 tuổi, vừa chân ướt chân ráo học đá banh được vài tháng nhưng anh Nguyễn Thanh Lâm (Q.8, TP.HCM) đã tự tin khẳng định như vậy. Nhiều phụ huynh khác ở TP.HCM cũng có tâm lý như anh Lâm. Theo chân cơn cuồng say trong năm đại thành công của bóng đá VN, cái nhìn của các phụ huynh về nghiệp “quần đùi áo số” cũng thoải mái hơn.

Thế Lực - Ảnh: H.Đ-T.P
Thế Lực - Ảnh: H.Đ-T.P

 Chỉ sợ không đủ sân

Những ngày cận Tết, bầu không khí trên các cụm sân bóng đá mini vô cùng xôm tụ với các lớp học bóng đá phong trào, đặc biệt là sau những trận đấu thuyết phục của thầy trò HLV Park Hang Seo ở Asian Cup.

Thật ra, chuyện các HLV, giáo viên thể dục tự đứng ra thuê sân cỏ nhân tạo, mở lớp dạy bóng đá cho học sinh nhỏ tuổi đã rộ lên từ cách đây 3-4 năm, sau khi lứa Công Phượng ra ràng thuyết phục ở các giải U-19. Nhưng trong năm qua, phong trào càng thêm phát triển và có thể nói là xuất hiện ở mọi nơi. Cứ đến tầm 5h30-7h chiều các ngày trong tuần, những lớp học bóng đá lại đông kín người.

Ông Vũ Trường Chinh, HLV trưởng CLB bóng đá Phú Nhuận, cho biết những năm trước, CLB của ông chỉ có khoảng 300 học viên (chủ yếu là học sinh cấp I-II trên địa bàn TP.HCM) sinh hoạt thường xuyên. Nhưng bây giờ, tất cả sân của CLB đang hoạt động hết công suất, nhất là hai ngày cuối tuần, để phục vụ gần 700 học viên. “Gần Tết rồi mà nhiều phụ huynh còn gọi cho tôi xin cho con vào học. Chúng tôi sắp quá tải và sẽ không nhận học viên nữa vì không đủ sân bãi, HLV để dạy” - ông Chinh vừa cười vừa “than”.

Các phụ huynh ở quận Phú Nhuận hoặc Tân Bình thường đưa con đến tập ở CLB trên đường Hoàng Minh Giám của ông Vũ Trường Chinh, còn ở khu vực quận 5, sân bóng mini trên đường An Dương Vương là địa điểm quen thuộc. Đây là “bản doanh” của Trung tâm bóng đá Thăng Long do thầy giáo thể dục Nguyễn Thành Nam thành lập. Mới cách đây hơn 3 năm, trung tâm này chỉ có đúng một lớp học. Nhưng hiện tại ông Nam đã mở lớp học ở 4 địa điểm khác nhau.

Chỉ dạy ở mức độ phong trào, nhưng học sinh đến với các CLB nơi đây trải nghiệm bầu không khí thi đấu sôi nổi chẳng kém gì những lò đào tạo chuyên nghiệp. Hầu như cứ 1-2 tháng lại diễn ra giải đấu giữa các CLB một lần.

Hằng năm còn có những giải đấu tuyển chọn đi nước ngoài tập huấn do các nhà tài trợ tổ chức. “Từ khi bắt đầu mở lớp dạy, chúng tôi đã xác định sẽ lập nên thật nhiều sân chơi cho các em. Dù là ở mức độ phong trào hay chuyên nghiệp thì việc có nhiều giải đấu luôn kích thích các cầu thủ nhí. Phần đông HLV chúng tôi cũng quen biết nhau, người thì từng ăn tập một thời ở các lò đào tạo TP.HCM, người học chung đại học...

Không cần đến các giải đấu, bình thường bọn tôi vẫn dắt đội sang CLB khác đá, rồi sau đó mời họ về lại sân mình. Cứ đá sân nhà sân khách như vậy các em rất thích, em nào cũng mong trong tuần tập tốt để được thầy dẫn đi đá” - ông Nam kể.

Giấc mơ con trẻ

Thiện Nhân - Ảnh: H.Đ-T.P
Thiện Nhân - Ảnh: H.Đ-T.P

 Mùa hè được xem là mùa tuyển sinh chính của các lớp thể thao, nhưng những ngày cận Tết, nhiều phụ huynh vẫn ùn ùn đăng ký cho con em đi học bóng đá. Nguyên nhân chính không gì khác ngoài cơn sốt tuyển VN. Việc các trận bóng diễn ra quá khuya lại càng kích thích thêm tinh thần ra sân của các cậu nhóc.

Nguyễn Thiện Nhân (11 tuổi) cho biết ba mẹ em ra giờ “giới nghiêm” là 12h khuya nên không thể xem hết trận VN thắng Yemen. Vì vậy, chiều nào Nhân cũng xin ra sân sớm để bàn luận chuyện bóng đá với bạn bè.

Ông Vũ Trường Chinh nói: “Hiệu ứng thành công của các đội tuyển bóng đá VN trên đấu trường quốc tế trong năm qua đã làm bóng đá phong trào phát triển mạnh mẽ. Với kinh nghiệm hơn 20 năm đi dạy bóng đá trẻ, đây là lần đầu tiên tôi thấy người VN sốt bóng đá đến như thế.

Sự phát triển sâu rộng của phong trào sẽ giúp nhiều cho bóng đá chuyên nghiệp. Trước mắt ở là tuyến VĐV năng khiếu, nhờ lượng học viên phong trào đông nên chúng tôi đã tuyển được gấp đôi so với trước kia, với hơn 100 em lứa từ U-8 đến U-14. Ngoài ra, các em đến với bóng đá ngày càng sớm (thường là 7-8 tuổi) nên càng dễ đào tạo”.

Hình ảnh những Quang Hải, Công Phượng phổ biến đến mức giờ đây đi vào giáo án của các HLV. “Mình huấn luyện lúc nào cũng phải đưa những tên tuổi thực tế vào để tăng phần trực quan sinh động, cũng là một cách kích thích các em nhỏ.

Chẳng hạn như trước đây thường dạy các em “sút phạt kiểu Messi”, hay đi bóng như Hazard. Giờ đây chúng tôi thay đổi một chút, chuyển thành “sút phạt kiểu Quang Hải” làm các em rất thích thú. Cầu thủ VN tất nhiên sẽ gần gũi hơn là những ngôi sao quốc tế. Chẳng hạn tôi thường khuyên các em khoảng 11-12 tuổi rằng tụi con thấy anh Đoàn Văn Hậu không, chỉ lớn hơn con có vài tuổi mà người ta đã đá giải châu Á rồi kìa, thì em nào cũng quyết chí hơn” - ông Nam kể.

Không chỉ có sự thành công, hình ảnh một thế hệ cầu thủ VN tươi mới, đá đẹp và có học thức đặc biệt khiến các phụ huynh hào hứng. Nhiều phụ huynh đã bắt đầu dẹp bỏ định kiến “mê đá banh ắt học dở”. Như anh Thanh Lâm - một gia đình trung lưu khá điển hình ở TP.HCM.

“Con tôi ngoài đi học thêm Anh văn thì không học thêm gì khác nữa. Tôi lên mạng in các bài tập ra rồi cho cháu làm, có gì không hiểu thì tôi chỉ vẽ thêm. Tương lai rồi chắc cũng cần đi học thêm vài môn nhưng lúc này cháu còn nhỏ quá, tôi thích cho con đi học thể thao này nọ vừa vui, vừa khỏe. Cháu nó thích đá banh lắm, nếu sau này có muốn theo nghiệp thì tôi cũng không cấm cản.

Thời giờ khác ngày xưa nhiều rồi, vừa đá banh vẫn có thể vừa học hành đàng hoàng mà. Các thầy ở đây cũng đa phần là giảng viên trong trường nên chúng tôi rất yên tâm khi gửi con theo tập” - anh Lâm nói.

Trời đã nhá nhem tối nhưng những “Công Phượng”, “Quang Hải” nhí vẫn nài nỉ cha mẹ xin cho ở lại sân thêm vài phút. Bên ngoài sân cỏ, các phụ huynh cũng rôm rả bàn luận cùng nhau về tương lai nghề cầu thủ bóng đá. ■

Vĩnh Khang - Ảnh: H.Đ-T.P
Vĩnh Khang - Ảnh: H.Đ-T.P

 • Vĩnh Khang (9 tuổi, CLB Thăng Long): “Trước giờ con hay coi đá banh cùng ba nhưng không thích cầu thủ nào. Đến giờ thì con thích anh Quang Hải, lớp con hầu như bạn nào cũng vậy. Mấy bữa nay con đang ráng tập cú sút sao cho giống anh Quang Hải khi ghi bàn vào lưới Yemen. Nhưng mọi người bảo con còn phải giảm cân nhiều thì mới sút giống vậy được (cười)”.

• Thiện Nhân (11 tuổi, CLB Thăng Long): “Con mê nhất anh Công Phượng, mê từ mấy năm trước rồi. Trước đây thì con mê Messi. Con thích đi bóng và sút xa như mấy ảnh. Con tập ở đây đã được 2 năm và rất muốn trở thành cầu thủ chuyên nghiệp”.

Lê Minh Khoa - Ảnh: H.Đ-T.P
Lê Minh Khoa - Ảnh: H.Đ-T.P

Lê Minh Khoa (8 tuổi, CLB Phú Nhuận): “Con học đá bóng gần 1 năm nay. Ban đầu con đá tiền đạo nhưng sau thấy chú Bùi Tiến Dũng chụp gôn hay quá ở giải U-23 châu Á nên thích. Vì thế, con đã xin HLV không đá tiền đạo nữa để xuống làm thủ môn. Nhiều khi bị bóng trúng người đau nhưng con thấy thích. Giờ có bắt lên làm tiền đạo nữa con cũng không chịu”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận