TTCT - Cách đây một năm, không mấy nhà kinh tế học hình dung được chuyện nhiều cộng đồng trên thế giới ở thế kỷ 21 quay trở về phương thức hàng đổi hàng (barter) như trước khi tiền tệ xuất hiện. Thành viên một nhóm hàng đổi hàng ở Philippines trong thời COVID-19. Ảnh: AFPTrong thời buổi ngăn sông cấm chợ gần như trên toàn cầu do Covid-19, việc đi lại mua sắm nhu yếu phẩm hay sử dụng các dịch vụ thiết yếu là một vấn đề đau đầu. Vì thế, không gì dễ dàng hơn là trực tiếp tìm kiếm và đổi lấy thứ mình cần với hàng xóm hay những người ở xung quanh khu vực sinh sống của gia đình.Người ta có thể xem việc trao đổi những thứ đôi bên cùng cần như một cách sống vì cộng đồng, tiết kiệm tiền hay chỉ đơn giản là để có được những nguyên liệu nấu nướng hiếm có khó tìm trong thời dịch giã.Một y tá ở London đã tham gia hội barter Anh quốc (Barter United Kingdom) sau khi phải làm việc nhiều ngày liên tiếp ở bệnh viện trong suốt tháng 4 vừa qua. Marjorie Dunne chia sẻ với chuyên mục BBC Worklife hồi tháng 8: “Việc đổi chác này thực sự tiện lợi cho việc nấu nướng của tôi. Tôi không còn đủ năng lượng để nấu ăn cho gia đình mình sau giờ làm nữa, mà việc mua hàng trực tuyến đã ngốn quá nhiều tiền của tôi trong thời gian này rồi. Có đồ ăn sẵn để mang về nhà quả là nhẹ gánh cho tôi”.Barter United Kingdom được khởi xướng vào tháng 4-2020, mục tiêu ban đầu chỉ là nơi để các thành viên bỏ bớt những đồ không còn dùng đến khi dọn dẹp nhà cửa. Tính đến tháng 8, đã có 1.300 người tham gia trao đổi đủ thứ từ cà ri, bánh roti, bánh ngọt cho đến váy xống, đĩa nhạc, phim ảnh các thể loại.Cảm hứng từ một đảo quốcKhởi nguồn cho ý tưởng lập hội “cho đi và nhận lại” này thực ra được truyền cảm hứng từ những cư dân Fiji. Đảo quốc này có một truyền thống trao đổi hàng hóa ngang giá trị từ rất lâu đời gọi là “veisa”. Đại dịch Covid-19 là dịp các cư dân bản địa tận dụng Internet để “truyền bá” phương thức giao dịch thuận mua vừa bán mà không cần tiền mặt hay thẻ tín dụng, như họ đã và đang làm xưa nay. “Tôi biết mọi người sẽ phải thắt lưng buộc bụng khi tiền khó kiếm hơn. Tôi tự hỏi điều gì sẽ xảy ra khi không còn tiền? Trao đổi hàng hóa là một giải pháp tự nhiên cho vấn đề này” - Marlene Dutta nói với The Guardian.Dutta là người lập ra trang Facebook “Trao đổi hàng hóa vì một Fiji tốt đẹp hơn” (Barter for a Better Fiji) vào tháng 4 vừa qua. Dù chỉ có xấp xỉ 190.000 người tham gia, nhưng thành viên của nhóm này tính ra chiếm hơn 20% dân số của quốc gia nhỏ bé này.Các mặt hàng được sang tay đổi chủ đa chủng loại đến bất ngờ. Người ta đổi lợn lấy thuyền kayak (nhân tiện, “tỉ giá” là 2 heo sữa đổi 1 thuyền), đổi đàn vĩ cầm lấy túi da, bánh rán đổi gạch xây nhà, vé taxi đổi sản phẩm tươi sống, bánh mì nóng hổi đổi lấy lớp dạy kèm trực tuyến, một tấm thảm cũ đổi buổi chụp ảnh chuyên nghiệp, cây giống rau đổi bánh nướng nhà làm. Phổ biến nhất là đổi hàng tạp hóa và thực phẩm.“Lý do chính để thành lập nhóm Facebook này là giúp đưa ra giải pháp cho tình hình kinh tế hiện tại của chúng tôi. Nền kinh tế phụ thuộc vào du lịch của Fiji đã bị ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng trong thời kỳ đại dịch, ước tính khoảng 100.000 người mất việc làm trong ngành du lịch, lĩnh vực đóng góp khoảng 30% GDP và sử dụng khoảng 1/3 tổng lực lượng lao động của Fiji” - Dutta cho biết.Theo The Guardian, phương thức giao dịch hàng đổi hàng cũng đang hồi sinh trên khắp quần đảo Thái Bình Dương - từ Tonga, Samoa đến Vanuatu, khi các đảo quốc bắt đầu gặp khó khăn về kinh tế do Covid-19. Mặc dù chỉ có 260 trường hợp nhiễm và 7 ca tử vong được ghi nhận ở quần đảo Thái Bình Dương (Bắc Marianas, Papua New Guinea, Fiji, Polynesia, Guam và New Caledonia), nhưng hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc khu vực này đã đóng cửa biên giới do lo ngại virus corona, và vì thế đang gánh chịu hệ quả của việc tạm ngừng du lịch quốc tế.“Những khó khăn kinh tế mà mọi người đang phải đương đầu thúc đẩy việc khám phá lại hoạt động trao đổi hàng hóa. Điều tương tự đã xảy ra trong cuộc Đại suy thoái. Khi thời buổi khó khăn hơn, người ta quay sang đổi chác” - Shera Dalin, đồng tác giả quyển sách The Art of Barter (tạm dịch: Nghệ thuật trao đổi hàng), nói với BBC. Hơn 300 tổ chức hàng đổi hàng đã mọc lên trong những năm đầu của cuộc Đại suy thoái ở Mỹ.Hạn chế của việc trao đổi hàngTrong bối cảnh nền kinh tế bất ổn, đời sống sinh hoạt bị đảo lộn do dịch bệnh, khao khát được kết nối với cộng đồng càng dâng cao, việc trao đổi hàng hóa nghiễm nhiên trở thành một lý do hợp lý để các cá thể trong cộng đồng duy trì sợi dây liên lạc và kết nối với nhau.Nhưng liệu “hàng đổi hàng” có trở lại mạnh mẽ đủ để thành một hình thức “mua sắm trong thời đại mới”? BBC đặt vấn đề và đưa ra câu trả lời rằng mặc dù sự tăng trưởng trở lại của hàng đổi hàng đã tạo ra mối liên kết cộng đồng mạnh mẽ hơn cho nhiều người, nhưng không hẳn tất cả sẽ bỏ thói quen chi tiêu bằng tiền tệ nói chung để có một cuộc sống hoàn toàn mới.“Đổi hàng là một cách hay để thể hiện một chút tinh thần cộng đồng và tình đoàn kết mà không cần dùng đến tiền. Hành động này có giá trị về mặt ý nghĩ tinh thần hơn là giao dịch kinh tế” - BBC dẫn lời David Miles, giáo sư kinh tế tài chính tại Trường Kinh doanh Imperial College ở London.Ông nói thêm rằng việc trao đổi hàng với người khác mà không dùng tiền còn hấp dẫn chúng ta trên khía cạnh tâm lý vì nó “có vẻ mang tính cộng đồng, dịu dàng, tử tế và phi thương mại hơn nhiều (so với mua bán thông thường)”. Tuy vậy việc đổi chác giới hạn thị trường trong phạm vi loại hình hàng hóa hoặc khoảng cách địa lý. “Bạn không thể đề nghị cung cấp một dịch vụ gì đó để đổi lấy điện để sử dụng” - ông giải thích.■Ngoài hàng hóa thì nhiều người còn trao đổi một mặt hàng quý giá khác mà gần đây họ có nhiều hơn là… thời gian.“Ngân hàng thời gian” lần đầu xuất hiện ở Nhật Bản vào những năm 1970 và ở Mỹ vào năm 1992. Các thành viên của ngân hàng thời gian dành một giờ để giúp đỡ một thành viên bất kỳ và nhận lại một giờ giúp đỡ từ người khác. Mọi người cho và nhận những thứ như lớp học piano, dịch vụ vẽ tranh hoặc dạy ngôn ngữ.Trong đợt dịch này, một ngân hàng thời gian tại Gloucester, Vương quốc Anh đã và đang giúp đỡ cộng đồng địa phương bằng cách mua thuốc men, mua sắm và mua thực phẩm cho những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi cuộc khủng hoảng kinh tế. Một ngân hàng thời gian khác tại Merseyside hỗ trợ về sức khỏe tâm thần cho những người cảm thấy bị cô lập xã hội, kết nối những người bị cô lập bằng cách gọi điện video và gửi câu đố vui cũng như thường xuyên kiểm tra sức khỏe của các thành viên dễ bị tổn thương nhất.Trên thực tế việc trao đổi hàng hóa không hẳn là không mang đến lợi nhuận kinh tế. Các tổ chức trao đổi hàng hóa cố gắng tăng hoạt động kinh doanh hằng năm của họ từ 10% đến 15% thông qua việc hoán đổi dịch vụ của mình lấy dịch vụ của các doanh nghiệp khác.Ron Whitney, chủ tịch Hiệp hội Thương mại đối ứng quốc tế (IRTA), một tổ chức phi lợi nhuận được thành lập vào năm 1979, cho biết ngày càng có nhiều đối tượng quan tâm đến hình thức thương mại hàng đổi hàng này, từ bác sĩ, luật sư, công ty dịch vụ đến các nhà bán lẻ. Các thành viên có thể trao đổi dịch vụ chuyên môn của họ để lấy tín dụng đổi hàng, sau đó họ có thể sử dụng để “mua” các dịch vụ của một thành viên khác.Ví dụ, một người làm cảnh quan sẽ làm công việc trị giá 5.000 đôla cho văn phòng nha sĩ địa phương. Điều đó không có nghĩa là anh ta phải đánh đổi sức lao động của mình để lấy 5.000 đôla làm răng, đúng hơn là anh ta có một tài khoản tại một sàn giao dịch hàng đổi hàng được ghi có 5.000 đôla giao dịch và anh ta có thể chi tiêu số tín dụng đó cho bất kỳ người cung cấp dịch vụ nào trong số hàng trăm hoặc hàng nghìn thành viên trong hội.Whitney ước tính số thành viên đăng ký hàng đổi hàng trong đại dịch tăng 20%. Ông nói: “Trao đổi hàng ngang giá đang phát triển thành nhiều hoạt động đa dạng hơn và nhận nhiều sự quan tâm hơn bao giờ hết vì tiền mặt eo hẹp, tín dụng thắt chặt”. Bạn đang đọc trong chuyên đề "Xin-cho-tặng giữa thời dịch giã Tiếp theo Tags: COVID-19Trao đổi hàng
Khai mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII TTXVN 25/11/2024 Sáng nay 25-11, tại trụ sở Trung ương Đảng đã khai mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.
Mưa lớn, tháng 11 mà Huế ngập nặng, sập một căn nhà NHẬT LINH 25/11/2024 Mưa lớn ở Thừa Thiên Huế đã khiến một nhà dân bị sập làm 2 người bị thương, nhiều đường ở TP Huế bị ngập sâu, không thể đi lại.
Đang giao lưu trực tuyến: Những điểm mới về chuyển tuyến, chi trả bảo hiểm y tế TUỔI TRẺ ONLINE 25/11/2024 Dự kiến đầu tuần tới Quốc hội sẽ xem xét dự luật Bảo hiểm y tế sửa đổi với nhiều điểm mới như khám, chữa bệnh tại nhà được bảo hiểm chi trả...
Nhà Trắng im ắng cả tháng sau bầu cử, ông Biden và bà Harris đang ở đâu? THANH HIỀN 25/11/2024 Ông Biden dường như đang giữ khoảng cách với truyền thông, bà Harris nghỉ phép để dành thời gian bên gia đình.