Hàng tỉ tờ tiền giấy biến đi đâu?

D.KIM THOA 17/11/2021 22:00 GMT+7

TTCT - Bất chấp sự gia tăng của các loại hình thanh toán không tiền mặt và đại dịch, tiền giấy vẫn được các ngân hàng trung ương nhiều nước in ra đều đều. Tuy nhiên, lượng tiền lưu thông ước tính chỉ bằng khoảng 1/3 số đã in. Số còn lại biến đi đâu?

Một tối thứ bảy tháng 10-2020, cô gái trẻ Tara Hanlon tới sân bay Heathrow (Anh) với 5 chiếc vali. Không tin lời giải thích của cô nói trong đó chỉ toàn quần áo, nhân viên hải quan quyết định kiểm tra. 

Họ phát hiện những chồng giấy bạc xếp chật kín cả 5 vali, giá trị tổng cộng 1.940.120 bảng Anh (2,7 triệu USD). Đây là vụ thu giữ tiền mặt có giá trị lớn nhất trong năm ngoái ở Anh.

 
 Ảnh: The Economist

 Nén bạc...

Tin tức về vụ việc khiến nhiều người rất ngạc nhiên. Kể từ khi nước Anh phong tỏa vì COVID-19, nhiều cửa hàng chuyển sang chỉ chấp nhận thanh toán điện tử. 

Số giao dịch rút tiền mặt qua ATM ở nước này giảm chỉ còn một nửa so với năm 2019. Xu hướng này thật ra đã bắt đầu từ lâu trước đại dịch: từ năm 2017, việc dùng tiền giấy ở Anh đã giảm đều.

Tuy nhiên, theo Văn phòng Kiểm toán quốc gia Anh (National Audit Office), giá trị tiền giấy lưu thông đã tăng gấp ba lần trong 20 năm qua, hiện vào khoảng 75 tỉ bảng. 

Chỉ khoảng 1/3 số đó đang lưu hành trong các giao dịch hằng ngày. Khoảng 50 tỉ bảng còn lại ở đâu và được sử dụng làm gì thì không ai dám chắc.

Chuyện đó gặp không chỉ ở Ngân hàng Anh. Nhiều ngân hàng trung ương khác cũng in tiền rồi không biết chúng biến đi đâu! 

Năm 2020, tổng giá trị tiền USD đang lưu thông tăng lên 16%, lần đầu tiên vượt mốc 2.000 tỉ USD, gấp 4 lần 20 năm trước. Với mức đó, tính trung bình mỗi người Mỹ, dù già trẻ lớn bé, đang “thủ” hơn 7.000 USD tiền mặt. Con số tương đương ở khối đồng euro là hơn 4.000 euro. 

Thế nhưng ai cũng biết ở Mỹ và châu Âu, hiếm ai ra ngoài đường mà có tới vài trăm đô trong người. Tiền mặt chủ yếu chỉ để mua những thứ lặt vặt hay cà phê cà pháo thôi.

Theo The Economist, người đầu tiên nhận ra “có gì đó sai sai” trong chuyện này là ông Andrew Bailey, vào năm 2009 còn là giám đốc phụ trách tiền giấy của Ngân hàng Anh. 

Ông Bailey đã theo đuổi câu hỏi đó tới tận ngày nay, khi đã lên chức thống đốc ngân hàng này hồi tháng 3-2020. Ông gọi đó là: “Nghịch lý tiền giấy”.

Hồi 2009, ông lập luận rằng vì khủng hoảng tài chính, niềm tin của công chúng với các ngân hàng suy giảm, nên nhiều người thấy giữ tiền mặt ở nhà an toàn hơn mang gửi. Ngoài ra, do số máy ATM tăng mạnh nên tiền mặt phải in nhiều hơn để đủ cung cấp. 

Song chính ông cũng thấy những giải thích đó không hoàn toàn thỏa đáng, vì hiện số máy ATM tại Anh đang giảm và khủng hoảng kinh tế đã qua lâu rồi, nhưng lượng tiền giấy lưu thông vẫn tiếp tục tăng.

Tháng 2-2021, Ngân hàng Trung ương châu Âu cũng công bố một báo cáo dài về nghịch lý tiền giấy và kết luận chỉ 1/5 số giấy bạc đang lưu thông được dùng trong các giao dịch mua bán trực tiếp, vốn đã giảm mạnh từ khi bùng dịch COVID-19. 

Nhưng năm đỉnh dịch ở châu Âu 2020, nhu cầu tiền mặt lại cao tới mức các ngân hàng trung ương đã in khoảng 140 tỉ euro tiền mới (160 tỉ USD), nâng tổng giá trị tiền giấy đang lưu thông lên gần 1.500 tỉ euro.

... Đâm toạc tờ giấy

Hàng tỉ tờ bạc giấy đã đi đâu? Một phần câu trả lời có thể thấy qua câu chuyện của Kenneth Rijock, người từng giúp rửa tiền cho những trùm ma túy ở Miami, bang Florida vào thập niên 1980. 

Ông Rijock bị bắt và vào tù năm 1990, nhưng với kinh nghiệm hiển hách của mình, hiện là cố vấn cho các cơ quan thực thi pháp luật Mỹ.

Ông cho biết hồi những năm 1980, việc chính của ông là xách những chiếc vali sờn cũ bên trong nhét chặt tiền mặt bay tới một nước Caribê. Tại đó luôn có những ngân hàng sẵn sàng chuyển tiền của ông vào tài khoản một công ty bình phong mà không thắc mắc gì về nguồn gốc. 

Rồi Rijock sẽ chuyển tiền tiếp tới các ngân hàng ở nhiều nước khác để xóa dấu vết, xong mới chuyển trở lại Florida cho khách hàng của ông, biến một lượng tiền giấy “bẩn” khổng lồ thành tiền sạch.

Hoạt động rửa tiền kiểu đó tất nhiên không bền. Cuối những năm 1980, nhà chức trách buộc các ngân hàng phải kiểm tra việc chuyển tiền chặt chẽ hơn. Việc chuyển tiền kiểu chợ búa cũng bị siết chặt hơn từ sau vụ khủng bố 11-9.

Hiện giờ, dù đã xuất hiện tiền ảo, đó vẫn là một thế giới không ổn định, thanh khoản thấp và khó chi tiêu hợp pháp. Vì vậy, giới tội phạm đang “hồi cố” tiền giấy, vốn vẫn là thứ phương tiện thanh toán không cần danh tính, chắc chắn và được chấp nhận mọi nơi. 

The Economist ước tính tới một nửa số tiền mặt đang lưu thông hiện là các giao dịch kiểu này. Ai dám nói tiền giấy hết thời! ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận