Hãy nghe nhà văn nói về công việc của họ... 

MARTIN GOODMAN (*) 02/11/2018 16:11 GMT+7

TTCT - Đó là một nghi thức quen thuộc của giải Man Booker danh giá: các tác giả vào chung khảo sẽ đọc tác phẩm của họ cho một đám đông độc giả (mua vé mới được vào).

Bìa sách
Bìa sách

 Cuộc "trình diễn trước công chúng" đấy đi ngược lại bản chất cô độc của nhà văn, nhưng đồng thời vẫn là cần thiết để văn chương đến với đại chúng. Người dẫn của cuộc trình diễn Man Booker 2018, Martin Goodman, chia sẻ những trải nghiệm của ông.

Các tiểu thuyết gia vốn quen với việc nhìn chằm chằm ra ngoài cửa sổ, chứ không quen nhìn cử tọa. Chúng tôi viết trong đơn độc, và mong đợi người đọc của mình cũng đọc trong đơn độc. Và rồi, điện thoại reo gọi một vài người. Một nhà quảng bá sách đã gặp may với cuốn sách của bạn. Nó đã lọt vào vòng chung khảo của một giải thưởng văn chương. Bạn không còn có thể được riêng tư thêm nữa. Bạn phải biểu diễn trực tiếp.

Năm nay một nhà xuất bản độc lập hàng đầu bảo tôi vì sao anh chỉ nhận tối đa hai nhà văn hư cấu mới một năm. Anh biết rằng các lễ hội văn chương và các trang điểm sách mỏng tang sẽ không muốn nghe về họ. Niềm hi vọng duy nhất của anh cho những cuốn sách này là chúng sẽ đoạt một giải thưởng văn chương. Giải lớn, tất nhiên, là giải Man Booker.

Chỉ có một nhà xuất bản độc lập lọt vào vòng chung khảo giải này năm nay: Faber & Faber với cuốn Milkman của Anna Burns. Faber có một quỹ để trả được khoản phí quảng cáo 5.000 bảng Anh (cho ban tổ chức giải) áp lên các nhà xuất bản có tác phẩm lọt vào vòng chung khảo. Và đã có rất nhiều hoạt động quảng cáo. Như Burns thừa nhận gần đây: “Tôi không nói thêm được gì về cuốn sách cả... Tôi đã nói hết rồi. Não tôi buông rèm rồi”.

Nói một cách nào đó, giải Man Booker là một cuộc thi “được ăn cả”. Xem danh sách top 20 cuốn tiểu thuyết xuất bản lần đầu bán chạy nhất hiện nay thì không một đầu sách chung khảo nào có mặt. Nhưng cuốn đoạt giải thì gần như luôn luôn vọt lên đầu. Vậy thì các nhà văn chung khảo hiện nay đối mặt với ánh hào quang ngắn ngủi này như thế nào?

Những ấn tượng đầu

Hai ngày trước khi thông báo người đoạt giải, các nhà văn gặp nhau lần đầu trong một buổi giao lưu ở Royal Festival Hall, London. Khán giả phải mua một tấm vé lên đến 35 bảng Anh để nghe các nhà văn này đọc và trò chuyện. Hãy coi buổi đọc Man Booker này riêng nó cũng là một cuộc thi biểu diễn, nhà văn nào sẽ thắng?

Tôi ngồi xuống ghế với những mong đợi lẫn lộn. Ở Anh, bạn có thể dụ dỗ một sinh viên hiếm hoi học sáng tác văn chương đến một buổi đọc êm ái, nhưng hầu hết đều ghét viễn cảnh này. Trong khi đó, các lớp viết văn ở Mỹ vốn quen với cách đọc và phản hồi bằng lời.

Năm 2014, giải Man Booker mở ra cho các nhà văn Mỹ, nên tôi mong đợi hai nhà văn Mỹ lọt vào vòng chung khảo, Rachel Kushner và Richard Powers, sẽ vượt lên dẫn đầu.

Kushner mở màn. “Tôi mới đeo cặp kính này gần đây thôi - cô nói - bởi vì họ bắt đầu thu nhỏ toàn bộ cỡ chữ trong mọi cuốn sách”. Với trích đoạn từ cuốn The Mars Room, cô nhập vai vào một cuộc hội thoại về chuyện đánh lừa chôm một chiếc xe trộn bêtông, và tiếng cười dội khắp khán phòng. Phải, cô tự làm cuốn sách nói cho mình, cô bảo người dẫn chương trình. “Tôi đọc thành tiếng trong lúc viết nên có cảm giác như tôi đã tập luyện trước”.

Mối quan tâm lớn của cô là ở các giọng nói, “sự đảo phách về mặt hình thức của nó - ngôi thứ nhất theo truyền thống là một tông tự bạch, một giọng thách thức”.

Giọng của Robin Robertson thì hơn cả thách thức. The Long Take là một cuốn tiểu thuyết đen (noir novel/noir fiction(**)) bằng thơ, trong đó một cựu chiến binh Thế chiến II thấy mình ở giữa các cư dân trong khu Skid Row ở Los Angeles những năm 1940. Robertson nắm chặt cái bục trong suốt và đọc với một cảm giác hăm dọa có tiết độ trong mỗi dòng.

Trong cuộc trò chuyện, ông nói với cử tọa ở London rằng cuốn sách phản ánh “cái cảm giác hoang tưởng và hoảng sợ ở đô thị” đã trùm lên ông khi lần đầu đến London, và “nỗi sợ hiện sinh sâu sắc” của các nhà làm phim người Đức trong cuộc lưu vong đến Hollywood thời hậu chiến của họ.

Với Burns, các nhân vật của cô đều vô danh và xuất hiện như những giọng nói trong đầu. Cô đọc trong cái choáng váng của những câu ngắn của một nhân vật. Chúng tôi thấy choáng váng. Chúng tôi bật cười. Anne tiếp tục đọc.

Esi Edugyan mỉm cười, cảm ơn chúng tôi, bảo chúng tôi rằng cô rất vui khi được có mặt ở đây cùng chúng tôi. Chúng tôi mến cô và nhận ra sự táo bạo của cô - nhưng có gì đó mắc lại. Giọng của nhân vật chính trong Washington Black là của một cậu bé thế kỷ 19, một nô lệ - và câu chuyện được kể bằng ngôi thứ nhất trong thì quá khứ của cậu là chuyện văn chương. Nó thuộc về trang giấy chứ không hẳn thuộc về giọng nói của tác giả.

Richard Powers đọc tiểu thuyết của anh, như thể sững sờ trước nó, giọng gần như vỡ ra. Với 502 trang, The Overstory là cuốn dài nhất trong danh sách chung khảo, và năm phút đọc phần nào truyền tải được cảm giác về độ dài của nó. Như Daisy Johnson, một nhà văn chung khảo khác, nhận xét: “Cách viết của nó có gì đó giống như một cái cây” - và quả thật là thế: màn đọc của anh tích tụ chi tiết như những vòng sinh trưởng trên thân gỗ.

Nghệ thuật trình diễn

Và bởi vậy tôi tự nhận trách nhiệm trao hai giải “Nhà văn biểu diễn” trong buổi tối đó. Mỗi nhà văn đều được nhận một giải đặc biệt vì bước lên sân khấu mà vẫn là chính mình - nhưng, bởi tiếng cười liên tục và tràng pháo tay tự phát, giải thưởng của Khán giả được trao cho Rachel Kushner.

Tôi cũng có những hạng mục giải thưởng khác mà Daisy Johnson giành được cho phần đọc trích đoạn tiểu thuyết của cô - Everything Under - bao gồm việc giao tiếp qua ánh mắt với cử tọa và sự trong trẻo khẩn khoản trong cách đọc. Nhưng trớ trêu là cái mang lại giải Giám khảo cho Daisy Johnson là cách viết. Cô nói như một “tôi” nói chuyện với một “bạn”. Cô tước bỏ cái nét văn chương và mang đến sự trực tiếp của lời nói mộc mạc.

Tất cả vỗ tay, các nhà văn bước xuống để ký tặng sách. Chẳng mấy chốc, người đoạt giải Man Booker sẽ bị ném vào những ngày tháng của danh vọng. Những người khác, chắc chắn, sẽ bước khỏi ánh mắt của công chúng và trở lại với hành trình mà Kushner đã nói, đi “sâu hơn vào chính tôi và nỗ lực tạo nên một cuộc đối thoại phong phú với ý thức của riêng tôi”.■

(*) Martin Goodman là giáo sư môn sáng tác văn chương và giám đốc Trung tâm Philip Larkin về thơ và sáng tác văn chương tại Đại học Hull, Vương quốc Anh.

(**) Noir fiction - thuật ngữ xuất phát từ “Roman noir” mà người Pháp dùng để nói về những cuốn tiểu thuyết Gothic (một thể loại văn học kết hợp hư cấu, kinh dị, chết chóc và lãng mạn) của Anh hồi thế kỷ thứ 18. Trong thế kỷ 20, nó được người Mỹ dùng để nói về thể loại văn học trinh thám, trong đó nhân vật chính của truyện chính là nạn nhân, kẻ tình nghi hoặc thủ phạm...

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận