TTCT - Sài Gòn, một ngày đầu tháng 11, ở một trung tâm hội nghị khu Tân Bình, tôi bước chân vào Saigon Tattoo Expo 2018, dạo quanh 80 gian hàng chuyên dành cho dân xăm mình, lẫn giữa những hình họa di động đa dạng đủ mọi quốc tịch, nguồn gốc. Lướt qua những gian hàng nho nhỏ với cơ man phụ kiện từ kim xăm, mực xăm, giấy dán bảo quản hình mới xăm tới những áo thun mang đặc trưng của mỗi studio xăm nghệ thuật, trong tiếng xè xè của máy xăm đang chạy trên cơ thể những khách hàng háo hức, tôi thoáng nghĩ về cái nghề vẫn còn đứng giữa lằn ranh mỏng manh của các định kiến xã hội này.Giao thoa mới và cũNhững người của vài thập niên trước đã luôn hình dung về xăm mình rất khác, là một cái gì đó mang tính cấm kỵ theo quan niệm chung của xã hội, một ký ức chẳng lành lặn của người mang trên mình hình xăm. Thậm chí ngay cả sự hình dung về nỗi đau khi thực hiện xăm mình cũng hoàn toàn khác. Ngày xưa, có thể là mực Tàu, nguy hiểm hơn, có những người còn đốt cả lốp (vỏ) xe để lấy muội than trộn với kem đánh răng làm mực. Việc "chạm khắc" lên thân thể khi ấy dùng kim quấn chỉ để chấm mực, nguy hiểm hơn, có người còn dùng cả dao lam. Còn hôm nay, những chiếc máy xăm dùng điện một chiều đã khiến việc xăm mình trở nên dễ dàng, nhẹ nhàng, đơn giản hơn tới mức nhiều người nói "chẳng đau đớn gì, không khác gì kiến cắn cả".Nhưng giữa sự biến chuyển nhờ kỹ nghệ ấy, trong xăm nghệ thuật đương đại vẫn còn dấu vết của những phương thức xăm cổ truyền. Không còn nhiều người sử dụng cách xăm cổ truyền, nhưng những người còn gìn giữ đã nâng tầm nó đến một mức độ nghiêm cẩn như một nghi thức. Trong Saigon Tattoo Expo 2018 này, ở một hạng mục thi, một thí sinh đã tham dự bằng một hình xăm được làm bằng tay (hand taping) hoàn toàn. Nó sắc nét không kém gì những nét xăm được phụ trợ bằng máy móc nhưng đáng nói hơn, nó hút hồn người xem kinh khủng. Ở mỗi nét xăm dường như có cả một phần tinh thần, trí lực của người nghệ sĩ đã tạo ra nó.Nhắc đến thứ xăm cổ truyền còn rất ít người bảo tồn kia có câu chuyện khá lạ kỳ: một nghệ nhân bậc thầy xăm bằng kỹ thuật sử dụng mũi tre (sakyak, tebori) của Nhật tiết lộ rằng thực ra chân truyền của xăm tre ban đầu đến từ Đông Nam Á, cụ thể là Việt Nam và Thái Lan. Nghe đồn phát xuất từ khoảng thời Trần. Và những người cố gắng bảo tồn kỹ nghệ xăm cổ điển này khiến tôi nghĩ về những nghệ sĩ các bộ môn nghệ thuật cổ truyền trước khả năng thất truyền rất lớn. Điển hình như Apo Whang-Od, nữ nghệ nhân gần trăm tuổi ở vùng núi Kalinga, Phillipinnes, người duy nhất còn giữ bí truyền nghề xăm của vùng này (gọi là Mambabatok). Bà ngự trên núi với kỹ thuật xăm tuyệt đỉnh dùng gai bưởi. Ai muốn được bà xăm sẽ phải tự đi bộ lên đỉnh núi cầu cạnh bà. Không biết có ai học được từ bà hay không. Hay Ajan (sư phụ) Noo Kanpai với lối xăm tre độc đáo mà không phải ai cũng có thể là khách hàng.Và trong cái biến chuyển từ thế giới xăm thủ công sang thế giới xăm với sự hỗ trợ của máy móc, nhìn nhận về xăm mình cũng đã khác. Câu chuyện ấy không chỉ ở riêng Việt Nam, mà đã lan ra toàn cầu. Cộng đồng xăm mình đã lớn hơn nhiều. Tôi nhìn thấy sự hồ hởi của họ khi tham dự Saigon Tattoo Expo 2018. Alexander Garcia, nghệ sĩ xăm người Tây Ban Nha, là một ví dụ. Ngay tại Expo này, anh đã xăm lên bắp tay mình dòng chữ: Sai Gon 2018 - Danis Nguyen. Danis Nguyễn là trưởng ban tổ chức Saigon Tattoo Expo 2018, sự kiện mà cộng đồng xăm đã ấp ủ từ rất lâu rồi.Xăm mình: cái tôi chung và cái tôi tập thểCác Tattoo Expo được tổ chức ở TP.HCM đã ba lần nhưng đều là không chính thức, mang tính tự phát hoàn toàn. Còn lần này là lần đầu tiên một Tattoo Expo diễn ra công khai và hợp pháp ở TP.HCM. Danis Nguyễn đã dồn tâm huyết mấy năm trời, với mọi quan hệ và kinh nghiệm sau bao lần làm giám khảo các Tattoo Expo quốc tế. Điều đáng mừng là cơ quan quản lý nhà nước đã cởi mở chấp nhận và cấp phép dễ dàng. Tất nhiên, vẫn có những quy định cụ thể mà Saigon Tattoo Expo 2018 phải tuân thủ nghiêm ngặt về an toàn, thuần phong mỹ tục... Song chính vì có quy định ấy mà ban tổ chức có định hướng để thực hiện cho đàng hoàng, cũng như có chỉ dẫn để họ biến Expo thành một hoạt động văn hóa thường niên.Trên thế giới, các Tattoo Expo cũng bắt đầu được tổ chức thường xuyên hơn. Cộng đồng xăm mình coi đó là thắng lợi của họ, một thắng lợi mang tính ghi nhận những gì họ để lại trên thịt da mình chính là một tác phẩm nghệ thuật, chứ không phải chỉ là những trưng trổ đơn thuần. Hình xăm, với người xăm, là một thứ mỹ thuật vĩnh viễn (enduring art form). Nó nằm lại trên thịt da của chủ nhân tới tận khi thịt da ấy thành hư không.Nhưng điều mà cộng đồng xăm mình mong mỏi hơn là sự thừa nhận của cộng đồng, của những con người ở ngoài xã hội, những người bình thường mà họ lướt qua cũng như lướt qua họ. Chúng ta tưởng chuyện đó giản đơn lắm, nhưng thực tế cái nhìn của một bộ phận xã hội về xăm mình vẫn rất khác. Mỗi hình xăm thực chất đều là một kỷ niệm của người mang nó trên mình, thậm chí có thể còn vượt qua cả kỷ niệm. Tất nhiên có những người xăm để giải trí mang tính thẩm mỹ đơn thuần vì họ thấy đẹp. Song đa số chọn lựa hình xăm để đánh dấu mốc lịch sử cá nhân. Thời của hình xăm để phân định một nhóm, hội kín riêng biệt gần như đã không còn. Xăm mình đã thành một thứ nghệ thuật thân thể.Nhiều người từng nói những người xăm mình là những người muốn chứng tỏ cái tôi. Điều đó không sai, nhưng không hẳn đúng. Hình xăm là nhu cầu phát xuất từ vô thức của mỗi người, nhu cầu muốn mình trở thành "unique" (độc nhất) giữa một cộng đồng người với người. Ngay cả khi bạn chọn một hình họa, một hoa văn khá chung đi nữa, việc hình họa, hoa văn ấy ở đâu trên cơ thể bạn với kích cỡ ra sao, màu sắc thế nào, nó già đi theo năm tháng cùng bạn theo định dạng gì chính là thứ định hình tính duy nhất của nó. Tính duy nhất ấy còn mạnh mẽ hơn nữa nếu hình xăm được mô phỏng lại từ một hoa văn, họa tiết do chính chủ nhân hình xăm lên ý niệm và cùng thợ xăm thiết kế. Thứ duy nhất này có thể còn là một định danh bằng dấu vết mạnh mẽ hơn tất thảy khi đằng sau nó còn có cả câu chuyện làm nền (background story), một thứ đánh dấu mốc lịch sử cuộc đời của người mang hình xăm.Trong câu chuyện tranh luận lâu nay giữa những bạn bè tôi về nguồn gốc của dân tộc Việt, tôi mới nhận thấy rằng nhu cầu truy tìm nguồn gốc là một nhu cầu vĩ đại của loài người. Chúng ta luôn muốn biết THẬT SỰ trong lịch sử những gì đã xảy ra, nhưng mỗi ngày chúng ta lại thấy mình mỗi mơ hồ hơn. Nhưng viết lại lịch sử của chính đời mình thì chúng ta hoàn toàn có thể và hình xăm là một trong vô vàn thứ có thể góp phần để viết sử của mỗi cá nhân. Chỉ có điều là hình ảnh nên sự nổi trội của hình xăm có vẻ lấn lướt hơn, tuy nhiên thực tế nó kể một câu chuyện mơ hồ không kém bởi chỉ có người chủ của hình xăm mới hiểu thấu cái "background story" (câu chuyện về xuất thân) là gì.Để xăm mình không còn là cấm kỵHỏi chuyện một cậu trai xăm kín mặt ở Saigon Tattoo Expo 2018, chúng tôi mới thấy ngạc nhiên hơn. Cậu cho biết bạn bè, người xung quanh đều cho rằng cậu bình thường, thậm chí hình xăm con cáo ấy rất đẹp. Nhưng cha cậu lại cho rằng cậu bị điên, bị thần kinh. Rõ ràng đó không chỉ là vấn đề khoảng cách thế hệ - giữa một thế hệ cho rằng hình xăm là thứ của "xã hội đen" với một thế hệ coi đó là nghệ thuật thân thể. Nó còn là vấn đề về tâm lý chung của mọi gia đình. Gần như mọi ông bố đều không thể nào an tâm về con mình, đặc biệt là con trai. Mọi ông bố đều nghĩ con mình còn non nớt, còn dại dột và tưởng tượng ra mọi thứ tồi tệ sẽ đến với con mình. Người cha của cậu trai xăm hình con cáo trên mặt cho rằng con mình điên, vì ông sợ cái "kỳ dị" (mà ông định kiến) ấy sẽ khiến con ông bị xa lánh. Ngược lại, chính con ông thấy ông kỳ lạ khi nó được cộng đồng chấp nhận, coi như bình thường thì ông lại xem nó là kẻ bất thường. Cái mà người con cho rằng nó là một tác phẩm độc bản (unique), nguyên bản (original) và vĩnh viễn (enduring) thì người cha lại coi là một dấu vết nhơ nhuốc vĩnh viễn của một thời khắc bồng bột trong tuổi trẻ điên rồ. Ngọn nguồn ấy tổng hợp lại không khác gì mặc cảm Oedipus mà cậu con trai đeo mang."Những người dám xăm lên mặt là những chiến binh thực sự" - Danis Nguyễn cho biết. Trong các hạng mục thi của Saigon Tattoo Expo 2018 cũng có cả hạng mục "Maori", tức là cho những tác phẩm xăm mặt. Và rất nhiều giám khảo uy tín từ nước ngoài về cũng xăm mặt. Với chúng ta, đại đa số, có thể họ là bất thường, nhưng với họ đó là bình thường. Và họ cho chúng ta hiểu rằng: tập sống chung với khác biệt thực ra không quá khó khăn.Tôi tham gia Saigon Tattoo Expo với tư cách một trong những giám khảo chấm điểm cho hạng mục đầu tiên: hình xăm mang phong cách Việt Nam. Đoạt giải là tấm lưng của một bạn trẻ với phong cảnh đồng quê Việt Nam, một ông lão quắc thước, rắn rỏi đang nơm cá và một mục đồng ngồi trên lưng trâu. "Với tôi, đó là Việt Nam nhất" - chủ nhân hình xăm nói. Tags: Xăm nghệ thuậtĐịnh kiến xã hộiNghệ thuật đương đạiThuần phong mỹ tụcTác phẩm nghệ thuậtXăm mìnhHình xămNghệ thuật xăm
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ THEO WEBSITE ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 21/11/2024 Ngày 20-11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.
Quy định 'gỡ vướng' đất công xen kẹt sẽ cứu được hàng trăm dự án ÁI NHÂN 21/11/2024 Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM được phân công chủ trì xây dựng quy định giao, cho thuê đất công xen kẹt sẽ gỡ cho hàng trăm dự án vướng đất này.
Metro số 1 chạy chính thức ngày 22-12 CHÂU TUẤN 21/11/2024 Những công việc còn lại của dự án đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên (metro số 1) đang được các bên liên quan tập trung hoàn thiện. Dự kiến ngày 22-12, tuyến tàu điện này sẽ 'lăn bánh' chạy thương mại.
Phát hiện gần 150 bộ hài cốt giữa trung tâm Hà Nội khi cải tạo hệ thống thoát nước PHẠM TUẤN 21/11/2024 Trong quá trình cải tạo hệ thống thoát nước trên phố Tây Sơn (Đống Đa, Hà Nội), các công nhân đã phát hiện gần 150 bộ hài cốt có độ sâu gần 1 mét so với mặt đường.