Hoàng Anh Gia Lai: Thành quả của cuộc đại cải tổ

NGUYỄN NGUYÊN 27/05/2021 17:00 GMT+7

TTCT - Hoàng Anh Gia Lai đã thay da đổi thịt với ông thầy “tuy cũ mà mới” Kiatisak như thế nào?

Từ khi đưa lứa Học viện JMG khóa 1 “xuống núi” cho tới V-League 2020, gần như mùa nào HAGL cũng chỉ lo trụ hạng, thường vẫn bị xem là đội lót đường trong cuộc đua vô địch. 

Nhưng sang mùa năm 2021 này, đội bóng của ông bầu Đoàn Nguyên Đức bỗng lột xác và trở thành hiện tượng cả giải với chuỗi 11 trận bất bại và ngôi đầu thật thuyết phục.

Điều gì đã làm thay đổi cả lứa trẻ của bầu Đức từ khi ông mời người quen cũ Kiatisak Senamuang về lại phố núi?

Các cầu thủ trẻ HAGL đã vượt qua được vấn đề trọng tài ở mùa này. Ảnh: Hoàng Tùng

 

Cho cầu thủ chọn HLV

Trước khi Kiatisak nhận lời bầu Đức, trong cuộc gặp những cầu thủ con cưng của mình, ông Đức có một câu hỏi thân tình: “Theo các cháu thì HLV nào phù hợp mà các cháu muốn về gắn bó với HAGL?”. 

Câu trả lời chung là HLV Phan Thanh Hùng (khi ấy đang còn hợp đồng với đội Than Quảng Ninh). Tất nhiên, bên cạnh mong muốn, còn có những lý do chuyên môn. 

Quả thật, HLV Phan Thanh Hùng từng tạo nên một lối chơi kỹ thuật giàu cá tính, mang tính đồng đội mà vẫn phát huy được những tố chất cá nhân của từng cầu thủ khi ông làm ở Hà Nội T&T.

Nhưng nỗ lực liên lạc để mời người tài theo ý các cầu thủ bất thành, bởi HLV Phan Thanh Hùng khi ấy còn lấn cấn với Than Quảng Ninh. 

Sau đó, bầu Đức nghĩ đến Kiatisak và Dusit Chalemsan, hai người Thái vốn rất thân thiết với HAGL từ những ngày thành lập đến hai chức vô địch quốc gia năm 2003, 2004 và sau đó nữa. 

Trong hai cựu cầu thủ đó, bấy giờ chỉ mình Kiatisak không vướng bận, Dusit đang dẫn dắt CLB Thái League BG Pathum. Thế là, như bầu Đức nói, chỉ cần một cú điện thoại là xong: Kiatisak đã về lại mái nhà xưa.

Đến với HAGL, cựu ngôi sao Thái Lan đã làm những gì để tạo ra cuộc lột xác phải nói là ngoạn mục vừa qua?

Bắt đầu có lẽ là từ việc Kiatisak tìm đúng và hiểu đúng về những trì trệ của đội bóng. Nghiền ngẫm hết băng hình, ghi lại từng điểm yếu và thiếu cần khắc phục. Tất nhiên không khó để một HLV từng trải và am tường bóng đá Việt cũng như bóng đá Đông Nam Á như Kiatisak nhận ra những gì cần điều chỉnh.

Bầu Đức mùa này đã chọn được tướng tài như ý. Ảnh: Hoàng Tùng

 

Vấn đề đầu tiên với HAGL là “công làm, thủ phá”. Đó tất nhiên chỉ là cách nói quen miệng của truyền thông Việt Nam. Với Kiatisak, trách nhiệm với vấn đề này còn liên đới cả đến hàng công do khả năng phòng ngự từ tuyến đầu ngay sau khi mất bóng. 

Kế đến là việc triển khai từ tuyến hai, nơi được xem là hàng rào phòng ngự lớp một trước khi dồn phần việc chính lên hàng phòng thủ.

Thứ hai là câu chuyện “thể lực chỉ 70 phút”, cũng là căn bệnh chung của bóng đá Việt Nam. Chính Kiatisak nói anh từng lên phương án cho đội tuyển Thái Lan thắng đội tuyển Việt Nam 3-0 tại Mỹ Đình bằng cách duy trì được thể lực cho cầu thủ Thái suốt 90 phút và hơn nữa, để dễ dàng áp đặt đối thủ - đặc biệt trong 20 phút cuối.

Thứ ba là chất lượng và cách sử dụng ngoại binh. Kiatisak không khó nhận ra từ khi anh rời HAGL, chất lượng và cả cách sử dụng ngoại binh của đội bóng này mất bản sắc hẳn. 

Kiatisak cũng thừa biết việc tuyển chọn ngoại binh không chỉ ở bóng đá Việt Nam mà cả ở bóng đá Thái Lan thường xuyên gặp vấn đề “hàng không như quảng cáo”, trót mua giá cao nay ép HLV phải dùng. Điều này thì liên quan đến vấn đề tổ chức đội bóng và cả sắp xếp lại ở đội ngũ kỹ thuật cho đúng người, đúng việc.

Cuối cùng là “vấn đề trọng tài”, điều mà Kiatisak chỉ xem băng hình cũng khẳng định được, rằng không ít trận cầu thủ trẻ HAGL bị ức chế bởi trọng tài. 

Việc làm thế nào để cầu thủ trẻ bớt bực dọc với trọng tài, ngoài vấn đề tâm lý và những nhắc nhở từ khu vực HLV, còn phải là sự hướng dẫn để cầu thủ “ngửi” được cách cầm còi trên sân.

Kiatisak đã giải các vấn đề then chốt đấy như thế nào, trong thời gian rất ngắn?

 
 Những ngoại binh chất lượng như Brandao đã làm nên sự khác biệt cho HAGL mùa này. Ảnh: Hoàng Tùng

Cải tổ từng phần

Kiatisak tất nhiên không đến HAGL một mình. Anh đề nghị bầu Đức cho cả êkip của mình cùng sang để chạy việc. Trong đó, nhân vật đáng kể nhất là trợ lý thể lực Bundit Thiabthong (biệt danh Achan Boy). 

Bundit là cái tên rất hot ở Thái Lan - không chỉ ở vai trò HLV thể lực trong giai đoạn thành công nhất của đội tuyển Thái Lan lọt vào đến vòng loại cuối World Cup 2018, mà còn cả bởi việc anh từng vượt qua căn bệnh ung thư ruột hiểm nghèo.

Ngay trong thời gian cách ly khi HAGL còn tham dự Cúp Bình Dương trước mùa bóng năm 2021, Bandit đã lên giáo án cải tổ thể lực cho các cầu thủ. 

Chính các cầu thủ nói họ cảm thấy sự khác biệt rõ ràng và hưng phấn hẳn với những bài thể lực của Bundit, đặc biệt là nhờ cách ông thầy người Thái chọn điểm rơi, đảm bảo sự sung mãn trong mật độ thi đấu dày qua những phương pháp hồi phục tích cực. Ngay cả cách Achan Boy cùng ra sân tập thể lực với các học trò cũng tạo ra sự khác biệt.

Có Bandit, Kiatisak không còn lo các cầu thủ HAGL hụt hơi từ phút 70 như trước đây. Trong chuỗi 11 trận bất bại vừa qua, chưa trận nào họ bị xem là thua đối thủ về thể lực, mà ngược lại, thường là đội mạnh mẽ hơn cho tới phút cuối, rõ nhất là trận thắng đương kim vô địch Viettel 3-0 ngay trên sân Hàng Đẫy. 

Trận thua duy nhất ở đầu mùa giải, 0-1 trước Sài Gòn FC, khi Kiatisak mới nắm đội được một tuần, cũng không phải là một thất bại do thể lực.

Kiatisuk đã -một tay vực dậy HAGL. Ảnh: Hoàng Tùng

 

Việc ổn định lại khu vực kỹ thuật cũng cho thấy sự tươi mới, với cách giao việc cụ thể và trách nhiệm rõ ràng. Nó khác hẳn kiểu cả làng cùng phản ứng và lao ra sân để phân trần với trọng tài như trước đây. 

Lại nói về trọng tài, phải thừa nhận mùa bóng này HAGL ít bị trọng tài làm khó, nếu không muốn nói là có những trận trọng tài “dễ dãi” hơn. 

Họ là đội được hưởng 11 mét nhiều nhất (thổi đúng) và cũng là đội ít phải tranh cãi với trọng tài về việc thua banh việt vị hay đáng hưởng 11 mét mà bị trọng tài nhận định sai cho qua. Mà trong bóng đá, nhất là với các cầu thủ trẻ, tâm lý không bị ức chế vì trọng tài là hết sức quan trọng.

Chất lượng ngoại binh và sử dụng ngoại binh là yếu tố quan trọng tiếp theo trong việc xây dựng HAGL thành một đội bóng khó bị bắt nạt. 

Thực tế qua nhiều mùa giải, một số ngoại binh rời HAGL đến các đội khác mới thành công, trong khi ngược lại, có những ngoại binh đến HAGL là thất bại cả về chuyên môn lẫn tài chính. 

Đó là khi về cơ bản, các HLV trưởng của đội chủ sân Pleiku ít có quyền can thiệp việc mua sắm ngoại binh. 

Năm 2021 thì khác, ngoại binh HAGL rất chất lượng, từ hàng thủ đến hàng công, mà nổi bật nhất là Brandao - một ngoại binh giúp tôn thêm vai trò của những nội binh chất lượng như Công Phượng, Văn Toàn, Xuân Trường, Minh Vương, Văn Thanh, Hồng Duy...

Kiatisuk mang theo anh cả một ê-kíp huấn luyện từ Thái Lan. Ảnh: Hoàng Tùng

 

Tiếp đó, lứa cầu thủ được đào tạo chỉ biết tấn công và tổ chức tấn công nay có những bổ sung cần thiết cả ngoại lẫn nội binh, đủ để điều hành hàng thủ và chấm dứt tình trạng “công làm, thủ phá”. 

Có thể nói, Kiatisak đã chữa được “căn bệnh mãn tính” của HAGL bằng cách buộc hàng công cũng phải biết phòng thủ và ngược lại, các cầu thủ phòng ngự phải biết ghi bàn. 

Đó không phải là lối chơi tổng lực tuy nghe hấp dẫn nhưng tốn rất nhiều sức lực, mà là sự hỗ trợ cần thiết và trách nhiệm của từng cá nhân với lối chơi chung.

Nói ví dụ, Kiatisak không cho phép Công Phượng lững thững một cách vô trách nhiệm khi mất bóng, một nguyên nhân quan trọng khiến hàng thủ HAGL những mùa trước thường xuyên phải đối mặt các tình huống phản công nguy hiểm. 

Ngay cả Xuân Trường, cầu thủ rất điềm đạm và lành tính, giờ cũng “học” phạm lỗi nhiều hơn. Diễn biến đó tất nhiên phải đặt trong bối cảnh sự thay đổi chung của HAGL chứ không phải cá nhân Xuân Trường.

Có một điều mà nhiều chuyên gia không nhìn ra là chỉ Kiatisak khi nhận HAGL là dám chê hàng công, thay vì “trăm dâu đổ đầu tằm” với các cầu thủ phòng ngự như từ trước tới giờ. 

“Hàng công có nhiều cơ hội nhưng bỏ qua quá nhiều là điều khó có thể chấp nhận. Điều đầu tiên của tôi là làm sao để các chân sút HAGL tận dụng tốt cơ hội, và làm được điều đó thì họ sẽ giải tỏa được rất nhiều vấn đề”, Kiatisak nói. Và anh đã làm được.

Không chỉ hỗ trợ phòng ngự, trong tấn công, các tiền đạo HAGL cũng đã thay đổi. Công Phượng hay bị xem là chỉ có “que” phải thì giờ là cầu thủ có những bàn thắng rất độc từ “que” trái - cái que mà trước giờ nhiều hậu vệ bỏ qua hoặc xem thường do đã quen với việc chờ Phượng “sang số” chuyển qua chân phải mới kết thúc. 

Lối chơi của Công Phượng đã thay đổi nhiều trong mùa giải 2021. -Ảnh: Hoàng Tùng

 

Xem cách Công Phượng ra sân và ghi bàn, còn thấy mừng cho cả đội tuyển quốc gia và HLV Park Hang Seo, khi anh đã hoàn thiện mình hơn.

Câu hỏi đặt ra là Kiatisak đến HAGL chỉ trong một thời gian ngắn nhưng đã thay đổi được rất nhiều và vì sao chỉ có anh mới làm được? 

Ở đây ngoài tài năng và kinh nghiệm trận mạc, còn phải kể đến niềm tin đặt trọn nơi danh thủ Thái Lan từ bầu Đức. Kiatisak cũng có thể nêu mọi vấn đề liên quan tới đội bóng trực tiếp với ông chủ, chứ không cần qua những “trạm trung chuyển” như các HLV trước.

Có thể nói không ngoa rằng HAGL thay đổi không phải từ những đôi chân mà ở nơi những cái đầu. Kiểu gì thì họ cũng là nhà vô địch giai đoạn 1 V-League và có nhiều ưu thế ở giai đoạn 2 khi Kiatisak vẫn ngồi ở đấy và vẫn là người đủ cơ để nói bầu Đức nghe, để được đồng thuận những thay đổi đưa tới một đội bóng “đá để thắng” chứ không chỉ là “đá cho vui” như bấy lâu nay.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận