Học trò tôi...

N.T.K.Q. 08/01/2011 11:01 GMT+7

TTCT - Trong loạt bài “Sống chung với những điều khác biệt” lần này, TTCT đã nhận được thư của một cô giáo cấp II về hai trường hợp ở khối lớp cô đang giảng dạy. TTCT trích đăng thư của cô và bài tham vấn của tư vấn viên học đường.

Là một giáo viên THCS, tôi và các đồng nghiệp đang gặp một số em, chủ yếu là nam sinh, qua cách đi đứng và ăn nói lộ rõ khác biệt với các bạn đồng giới. Ở đây tôi có hai câu chuyện muốn chia sẻ với mọi người (tên các nhân vật đã được thay đổi).

* Câu chuyện thứ nhất về một nam sinh lớp 8 tôi phụ trách giảng dạy. Điều đáng nói ở đây, trong khi phần lớn các em gay (đồng tính nam) khác đều phản ứng mạnh khi bị bạn bè chọc ghẹo là “pê đê” thì M. lại thừa nhận chuyện đó như một điều bình thường. Có lần vô tình tôi nghe em than thở với một bạn gái: “Riết rồi tôi không biết quen ai bây giờ, chẳng lẽ đi quen con gái, kỳ cục thấy mồ”.

Nhỏ bạn, vì cũng là trẻ con, nên vô tư buông một câu: “Ai biểu cậu là pê đê!”. Tôi nghe mà thương cho học trò mình. Có thể M. còn nhỏ tuổi nên những nỗi buồn như thế sẽ không tồn tại lâu trong em, nhưng khi lớn lên chẳng biết M. sẽ như thế nào nếu bị mọi người xung quanh nói những câu ác ý.

Một lần khác, em nhắn cho tôi bảo là đang rất vui vì đã tìm được tình yêu của đời mình. Tôi rất muốn biết “tình yêu” của em là bạn nam hay nữ nhưng không tiện hỏi. Rồi một lần tan học, M. xin tôi cho chụp một tấm hình làm kỷ niệm. Chuyện này rất bình thường vì sau giờ học các em hay nán lại trò chuyện với thầy cô mình.

Tối đó M. nhắn tin thú thật với tôi là “muốn xin hình cô để làm avatar, vì người yêu em đòi coi hình của em, nếu coi hình em bạn ấy sẽ biết em là gay, làm sao giải thích”. Tôi nghiêm khắc bảo M. không được làm vậy và giải thích cặn kẽ cho em hiểu những lý do. M. xin lỗi và hứa sẽ không tái diễn.

* Câu chuyện thứ hai về một nữ sinh tên H. cũng trong khối lớp 8 tôi đang phụ trách giảng dạy. Em rất xinh xắn, học khá giỏi. H. rất hay điện thoại hoặc nhắn tin cho tôi hỏi bài vở. Nghĩ rằng em yêu thích môn tiếng Anh tôi đang giảng dạy nên tôi chỉ bảo khá tận tình.

Giờ học, em hay ngồi nhìn tôi chăm chú, điều tôi nghĩ không có gì lạ vì em tập trung nghe giảng, vì thế tôi càng ra sức giảng giải. Cho đến một ngày gần đây, tôi nhận được tin nhắn của em. Tin nhắn của học trò dùng ngôn ngữ teen phức tạp. Nhưng thuộc thế hệ 8X, tôi không mấy khó khăn để hiểu được nội dung. Trong tin nhắn em nhận mình là lesbian (đồng tính nữ) và em nói yêu tôi, ngày nào không gặp tôi là em rất buồn. Tôi cảm thấy choáng.

Lát sau lại thêm một tin nhắn của em, tha thiết xin tôi một câu trả lời và mong tôi sẽ trả lời khi em thi học kỳ 1 xong.

Tôi ngồi viết những dòng này khi ngày thi đầu tiên của khối 8 vừa qua (27-12) và vẫn còn hai ngày thi nữa. Có lẽ bạn và tôi đều biết câu trả lời mà em sẽ nhận được từ tôi. Vấn đề là tôi sẽ phải tìm ra cách nào nhẹ nhàng nhất, ít ảnh hưởng đến tâm lý và việc học hành của em nhất. Và quan trọng là em phải đón nhận nó một cách “tâm phục khẩu phục”.

Mặc dù đã chọn được biện pháp mà tôi nghĩ là phù hợp, nhưng tôi vẫn mong muốn nhận được lời khuyên từ mọi người. Nếu bạn là tôi, bạn sẽ làm gì?

Bạn N.T.K.Q. mến,

Tôi đọc thư bạn và hiểu rằng bạn có tấm lòng và muốn nâng đỡ tinh thần cho những em học sinh (thuộc giới tính thứ ba) của mình, cụ thể là tránh cho các em tổn thương trước những trêu chọc hoặc những câu nói vô tình của bạn bè.

Tôi thật sự cảm kích trước những tình cảm của bạn. Là một tư vấn viên học đường, tôi xin chia sẻ với bạn những suy nghĩ của mình, những kiến thức và cả trải nghiệm qua công việc tư vấn.

Phóng to
Ảnh: water boy

Hãy để các em bộc lộ. Được bộc lộ, được sống thật với bản chất mình, được ai đó đồng cảm là mấu chốt của hạnh phúc đối với những ai thuộc giới tính thứ ba. Với trường hợp của học sinh M. và những em khác có hoàn cảnh tương tự, bạn nên dành nhiều thời gian cho em ấy, quan tâm nhiều hơn đến tâm tư, tình cảm, suy nghĩ của em. Bạn hãy lắng nghe em ấy bằng trái tim thấu hiểu và sẻ chia.

Là giáo viên nhưng nếu có thể được thì bạn hãy là người bạn lớn của em ấy, có như thế thì M. mới có thể cởi mở và bộc lộ chính mình một cách thoải mái, tự nhiên. Điều quan trọng nhất là bạn tránh có những tình cảm thương hại hay thương xót. Sự thương hại hay thương xót sẽ làm M. cảm thấy bị tổn thương nhiều hơn mà thôi.

Hãy giúp em khẳng định

M. cần có những người bạn thật và tránh bớt việc kết bạn ảo. Không hiếm trường hợp một ngày nào đó, bạn ảo bỗng dưng “mất tích”, để lại cho M. những hụt hẫng, những khoảng trống, những chới với thật sự “chết người”. Trong cuộc sống thường nhật, bạn bè đôi lúc cũng có những giận hờn, xích mích hay hiểu lầm nho nhỏ nhưng đó là những tương tác thật và M. cần có những trải nghiệm đó như bất cứ ai. Có tương tác M. mới có thể chín chắn hơn, giao tiếp tốt hơn, trưởng thành hơn.

Bạn cần giúp M. trở nên tự tin và tự tin một cách mạnh mẽ. Có tự tin thì mới mong vượt qua những trêu chọc, những kỳ thị, những trò đùa ác ý của người đời ngày hôm nay và cả sau này. Bạn tìm hiểu xem M. có năng khiếu về lĩnh vực nào (hội họa, âm nhạc, toán học, tin học, sử học...). Bạn tìm hiểu xem M. có đam mê nào trong cuộc sống (du khảo, sưu tầm tem, viết văn, làm thơ, sáng tác nhạc, chụp ảnh nghệ thuật...). Bạn khuyến khích M. phát huy hết năng khiếu của mình hay dành nhiều thời gian cho những ý thích, đam mê lành mạnh ấy.

Bằng những cách tế nhị, khéo léo khiến M. thấy rằng chính em thật sự “đặc biệt” trong mắt bạn và trong mắt mọi người. Nếu phát huy hết khả năng của mình, M. sẽ cảm thấy mình được khẳng định, được công nhận. Thực tế ở giới trẻ, khát vọng lớn nhất chính là được khẳng định mình. Và M. cũng sẽ thấy cuộc sống đẹp hơn, thấy tự tin hơn nếu được khẳng định giá trị bản thân.

Điều thứ ba tôi muốn chia sẻ là bạn cần khuyến khích M. tham gia nhiều hoạt động đoàn thể và kết bạn với những bạn bè đồng trang lứa xung quanh. Người thuộc giới tính thứ ba hay có khuynh hướng kết bạn ảo trên mạng vì che giấu bản thân dễ dàng hơn. M. cần có những người bạn thật và tránh bớt việc kết bạn ảo. Không hiếm trường hợp một ngày nào đó, bạn ảo bỗng dưng “mất tích”, để lại cho M. những hụt hẫng, những khoảng trống, những chới với thật sự “chết người”. Trong cuộc sống thường nhật, bạn bè đôi lúc cũng có những giận hờn, xích mích hay hiểu lầm nho nhỏ nhưng đó là những tương tác thật và M. cần có những trải nghiệm đó như bất cứ ai. Có tương tác M. mới có thể chín chắn hơn, giao tiếp tốt hơn, trưởng thành hơn.

Đừng “xô em xuống dòng sông lạnh lẽo”

Câu chuyện của em H. mà bạn kể làm tôi nhớ đến một trường hợp mà tôi phải tư vấn năm vừa qua tại một trường cấp II ở quận 9, TP.HCM: một nữ sinh lớp 9 tên T.K. yêu một cô giáo dạy toán. Em gọi điện thoại liên tục cho cô giáo vào đêm khuya và nói yêu cô, không thể sống thiếu cô. Điều không hay là cô giáo thẳng thừng từ chối tình cảm của em, thay sim điện thoại và xin nghỉ không lương một tháng để đi đâu đó. T.K. đau khổ, tự ý nghỉ học, bỏ đi lang thang suốt ngày. Tối mịt thì T.K. xách cặp về với những lời nói dối khi cha mẹ cật vấn sao về trễ như thế. Khi biết con trốn học đã một tuần, cha mẹ em gọi cho tôi xin tư vấn. Gặp trực tiếp T.K., em tâm sự với tôi rằng: “Cô ấy như xô em xuống một dòng sông lạnh lẽo...”.

Dường như với các em thuộc giới tính thứ ba, sự “thất tình” trở nên bi kịch hơn rất nhiều vì trong các em sự mặc cảm quá lớn, đôi khi các em không vượt qua được nếu không có sự giúp đỡ từ người thân. Với H., tôi mong bạn khéo léo, tế nhị trong việc từ chối tình cảm của em. Dù từ chối nhưng bạn hãy giữ mối quan hệ bình thường, không trốn tránh H.. Diễn tả một cách cụ thể là bạn hãy đưa cho H. một bàn tay thân ái, nhẹ nhàng dìu dắt em qua một cây cầu gập ghềnh bắc trên dòng sông của những tổn thương, mặc cảm, giận hờn, chua xót... Và bạn hãy đối xử với H. như với M. vậy, như một người bạn lớn, thân ái, tôn trọng, nâng đỡ về mặt tinh thần.

Cuối cùng, tôi mong bạn mãi giữ tấm lòng yêu thương học sinh như thế dù thời gian có trôi qua bao lâu, dù tuổi nghề có nhiều lên bao nhiêu đi nữa. Tôi mong bạn giữ mãi ngọn lửa nhiệt tình trong tim để học đường mãi là một mái ấm, một gia đình thứ hai cho các em.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận