TTCT- Cuốn "Người cha im lặng" được Đoàn Bùi viết bằng tiếng Pháp (1) vừa được xuất bản tại Việt Nam (2). Từng đoạt giải Amerigo Vespucchi và giải Porte Doreé (Cánh cửa vàng) năm 2016, cuốn sách như cuốn tự truyện của một cô gái sinh ra, lớn lên tại Pháp, thấy mình giống thế hệ chuối (trong trắng ngoài vàng). Bìa sách tiếng Pháp và tác giả Đoàn Bùi TTCT trò chuyện cùng cô về hành trình tìm hiểu sự mất ngôn ngữ của người cha, về quãng thời gian trước kia của một gia đình di dân từ những năm 1960 - những điều được tái hiện xuất sắc trong tác phẩm này. Bị vắt kiệt sức Chị đã bắt đầu cuốn sách này như thế nào? - Năm 2005, sau cơn tai biến của cha tôi và sự việc ông bị mất tiếng nói, tôi hiểu rằng mình sẽ phải viết câu chuyện này. Nhưng tôi đã mất nhiều thời gian mới bắt tay được vào bản thảo. Năm 2014, trong chuyến đi Việt Nam để điều tra về quá khứ của gia đình, đặc biệt là của ông nội tôi, cũng chính là thời điểm tôi nhen nhóm những dòng đầu tiên của cuốn sách. Đó là một quá trình chín muồi trong tư tưởng và kéo dài hơn chục năm. Điều gì đã thúc giục chị viết? - Chính cuộc sống. Những đám tang và những đứa trẻ được sinh ra khiến tôi muốn giao chuyển câu chuyện của chúng ta cho thế hệ sau. Trong trường hợp của tôi là vậy. Tôi “đoạn tang” với tiếng nói của cha tôi vào năm 2005, bởi hiểu rằng cha sẽ không bao giờ nói được nữa, không bao giờ có thể kể chuyện của cha cho chúng tôi. Cũng vào năm đó, con gái của tôi ra đời, tôi được làm mẹ. Tôi tự hỏi sau này mình sẽ kể cho con nghe chuyện gì, sẽ nói cho nó những gì về ông bà nó, về đất nước Việt Nam ?! Chị đã viết sách trong bao lâu? - Khoảng một năm rưỡi và 10 năm trong tâm tưởng. Chị đã gặp khó khăn nào nhất khi viết cuốn sách này? - Thật phức tạp khi phải phá vỡ sự im lặng mà tôi từng được giáo dục. Khi chẳng người nào buồn lên tiếng, bản thân tôi cũng không muốn là người lên tiếng. Tôi dềnh dang mãi mới chấp nhận rằng: phải làm một cuộc điều tra về chính chúng tôi. Đó là một con đường dài mỏi mệt mà vượt qua nó chẳng khác gì trèo lên một ngọn núi, bị vắt kiệt sức, cứ đi một chút rồi lại dừng, liên tục, đôi khi chán ngấy, muốn quay trở về xuất phát điểm và mặc kệ tất cả. Nhưng rồi lại tiếp tục. Có bao giờ chị quyết định bỏ dở? - Rất nhiều lần tôi cảm thấy không thể tiếp tục được nữa... Thậm chí, cả khi bản thảo đã ở giai đoạn cuối để hoàn thành cuốn sách. Lúc bản thảo đã sẵn sàng để gửi đến nhà in, tôi đang đi thực hiện một phóng sự ở Lesbos cho tờ báo nơi tôi làm việc. Tôi chuẩn bị cho một cuộc điều tra về những người mất tích trên biển (3). Có cái gì như thể hiện thực của ngày hôm nay đang húc vào hiện thực của quá khứ, những thuyền nhân người Việt, giống như chú Cầu tôi, chết trong lòng đại dương, cô Tảo, cô ruột tôi may mắn đã sang được đến Mỹ an toàn nhưng không bao giờ mở miệng nói về chuyện đó. Tôi suýt nữa nói người ta đừng xuất bản sách của tôi nữa. Thậm chí, lúc nhìn thấy sách được in ấn xong xuôi, tôi còn choáng. Tôi chưa sẵn sàng cho việc đó. Nó quá là hung bạo! Nhưng những gì xảy ra tiếp theo lại khá thuận lợi. Trước khi xuất bản, tôi đã đưa cho mọi người trong gia đình đọc bản thảo, nên khi sách ra chẳng ai ngạc nhiên. Tôi chỉ gặp những phản ứng tích cực. Tuy nhiên mẹ tôi từ chối đọc... Những ngày đầu tiên, mẹ tỏ ra khá căng thẳng. Rồi một tháng trôi qua, mẹ bảo tôi là mẹ cũng thấy nhẹ lòng nhờ cuốn sách của tôi. Bởi vì các bà bạn của mẹ cuối cùng cũng biết tin... cha tôi bị tàn tật và mất tiếng! Lúc bấy giờ tôi mới hiểu rằng bấy lâu nay mẹ vẫn giữ kín chuyện này. Giấu giếm khiến mẹ gặp nhiều phiền phức trong cuộc sống thường nhật. Giờ thì mẹ được giải phóng rồi. Tác giả Đoàn Bùi (Ảnh: nhân vật cung cấp) Im lặng như một sự ám ảnh Sự im lặng lan tràn, chiếm lĩnh cuốn sách, từ người cha nhẫn nhịn, người mẹ luôn giấu sự thật tới những người con... Phải chăng sự im lặng như một sự ám ảnh cực mạnh? - Vâng, đúng vậy, im lặng là sợi chỉ đỏ xuyên suốt cuốn sách. Sự im lặng có một chiều kích thầm kín: im lặng trong nội bộ gia đình. Nhưng nó cũng mang tính tập thể và toàn cầu. Tôi nghĩ đến sự im lặng của lịch sử, vì bao giờ cũng thế, lịch sử được kể bởi bên thắng trận. Khi nói “bên thắng trận” tôi không chỉ nghĩ về khía cạnh quân sự. Việt Thanh Nguyễn đã kể rất hay trong The Sympathizer rằng người Mỹ thông qua sách vở và điện ảnh, đã “thắng” trong cuộc chiến kể chuyện như thế nào. Đúng là về mặt quân sự họ đã thua trận, nhưng họ lại bắt cóc được nó trong những tưởng tượng. “Tất cả thiếu niên đều chối bỏ cha mẹ, nhưng đối với những đứa trẻ con nhà di dân thì sự chối bỏ ấy còn độc ác hơn”, chị thấy đây là điều chung hay chỉ là điều riêng của một người nhạy cảm như chị lúc đó? - Đó là cảm giác chung của tất cả trẻ em di dân. Chúng tôi luôn bị mâu thuẫn giữa mong muốn hòa nhập với xã hội Pháp nhưng vẫn phải trung thành với nguồn gốc của tổ tiên. Nhưng hòa nhập cũng là hòa tan, làm sao để trở thành một đứa trẻ Pháp về mọi mặt, nói tiếng Pháp, đọc văn học Pháp... Ngoài ra, trẻ em còn thường thích giống nhau: Chúng tôi muốn “như những đứa trẻ khác”. Nếu bạn lớn lên như tôi trong một thành phố chỉ toàn người da trắng, “như những đứa trẻ khác”, đồng nghĩa với ước mơ mình có tóc vàng, mắt xanh và dòng máu Pháp chảy trong huyết quản từ nhiều thế hệ. Cha của Đoàn Bùi là cậu bé thứ ba từ bên trái qua (Ảnh: Nhân vật cung cấp) Cảm thương người cha của mình Rất nhiều người có cảm giác không thuộc về nơi nào, còn chị thì sao? - Tôi vẫn là một đứa trẻ “chuối”, theo nghĩa là trong tôi có nhiều nền văn hóa. Nhưng tôi cảm thấy bình tâm về chuyện này. Tôi không có cảm giác là mình chẳng thuộc về đâu, mà ngược lại giờ đây tôi có thể thám hiểm di sản Việt mà tôi được nhận từ cha mẹ ông bà. Tôi nhất định phải bày tỏ lòng tưởng nhớ đến tổ tiên, ghi chép cặn kẽ câu chuyện đời họ để kể lại cho các thế hệ sau, nhất là các con tôi. Tha hương làm tan nát những người cha. Chị đã giải mã được về sự im lặng của người cha. Điều này có làm chị cảm thông hay “rụng rời” khi biết cha có con riêng mà ông vẫn giữ kín? - Tôi không có gì phải tha thứ cho cha tôi cả, tôi không trách ông đã che giấu quá khứ. Trái lại, tôi thấy cảm thương cho ông vì giờ đây tôi hình dung tất cả câu chuyện này đã là gánh nặng như thế nào cho ông. Tất nhiên là tôi mong ông cất được nó sang một bên để lòng ông được nhẹ đi phần nào. Niềm say mê của chị là sách vở, dương cầm, hoạt động đơn độc? - Viết cũng là chơi dương cầm, trong hai trường hợp này đều là “gõ bàn phím”, hai thực hành rất giống nhau. Và cùng chung quan điểm về mặt cơ thể học: tôi nhớ có lần tôi bị cước tay, tôi đã hoảng sợ vô cùng vì không thể viết cũng như chơi dương cầm... Cả hai đều là những công việc rất đơn độc. Điều ấy giúp ta kết nối lại với bản thân. Và cùng lúc, nó cũng cho phép chia sẻ cảm xúc với những người khác. Chị nghĩ thế nào về dòng sách văn học của những người xa xứ như Nam Lê, Nguyễn Việt Thanh, Lê Thị Diễm Thúy...? - Tôi rất thích tiểu thuyết The Sympathizer của Nguyễn Việt Thanh. Có nhiều điểm tương đồng giữa chúng tôi dù kinh nghiệm của cộng đồng Việt ở Pháp và Mỹ rất khác nhau. Tôi thích cuốn Con thuyền (The boat) của Nam Lê. Và Andrew Lam, Bich Minh Nguyên và Monique Truong. Đó là những tác giả tôi mới khám phá nhưng đã giúp tôi định hướng trong câu chuyện của mình và cả trong việc viết. Chúng tôi chia sẻ với nhau điểm chung là không tìm thấy được gia đình tổ tiên trong các cuốn sách của những người khác, và vì thế mà sinh ra ý định cầm bút để tự viết. Trong số các nhà văn Pháp gốc Việt, tôi thích Anna Moi, Linda Lê hay Minh Tran Huy. Chân thành cảm ơn chị.■ (1) Nhà báo gốc Việt, làm việc cho tuần báo L’Obs (Pháp). (2) NXB Hội Nhà Văn, 2018, dịch giả: nhà văn Thuận. (3) Năm 2013, Đoàn Bùi đoạt giải thưởng Albert Londres với phóng sự Les fantômes du fleuve, viết về hành trình của những người tị nạn vào châu Âu. Người cha im lặng đã cuốn tôi đi ngay từ những trang đầu tiên. Văn chương Việt ở Pháp nói chung hiền hiền, không tôn vinh món nem rán, vịnh Hạ Long thì cũng tôn thờ tình cha, nghĩa mẹ, chẳng ai dám cười đùa trên những giá trị truyền thống bất khả xâm phạm, nhất là chẳng ai dám vạch áo cho người xem lưng, đem những không hay của người thân phơi bày trên sách báo. Đoàn Bùi không chỉ phơi bày, cô còn tỉ mẩn phân tích và mổ xẻ, với một giọng văn hài hước cùng không ít tự trào mà tôi tin là đã gây sốc cho phần lớn độc giả gốc Việt. Dưới ngòi bút tinh tế, sắc sảo và dũng cảm của một nhà báo danh tiếng, những bí mật đè nặng lên chính gia đình cô đã được lần mở trong toàn bộ tính phức tạp bi thương của chúng, mà trung tâm là người cha đã suốt đời chọn im lặng làm bạn đồng hành cùng những bóng ma của quá khứ. Một tiểu thuyết tự truyện hấp dẫn và cùng với nó là những câu hỏi nhức nhối về cội nguồn và hội nhập, về chính sách nhập cư ẩn chứa không ít bất công của một xã hội Pháp luôn tự hào về các giá trị “tự do - bình đẳng - bác ái”. Nhà văn Thuận (người dịch tác phẩm) Tags: Đoàn BùiNgười cha im lặngIm lặng như một sự ám ảnh
Huỳnh Như ghi cú đúp ở giải AFC Champions League nữ QUANG THỊNH 06/10/2024 Tiền đạo Huỳnh Như tỏa sáng trong chiến thắng 3-1 của CLB nữ TP.HCM trước TXG Blue Whale (Đài Loan) ở lượt trận đầu tiên của bảng C AFC Champions League nữ 2024-2025.
Ban đại diện cha mẹ học sinh đại diện cho ai? VÕ VINH 07/10/2024 Nhiều người chán họp phụ huynh. Một phần vì chuyện tiền bạc, phần vì ban đại diện đại diện cha mẹ học sinh dường như không phải là đại diện cho phụ huynh lớp!
Đại giáo chủ Iran trao huân chương cho tư lệnh không quân tấn công Israel MINH KHÔI 06/10/2024 Lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei đã trao tặng huân chương cho tư lệnh không quân Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo (IRGC) vì vai trò trong các cuộc tấn công tên lửa vào Israel.
'Ngắm' dự án Saigon Sports City vừa được Keppel bán 70% vốn, dự kiến gần 7.500 tỉ đồng NGỌC HIỂN 06/10/2024 Dự án Saigon Sports City (SSC) của Tập đoàn Keppel sau 4 năm khởi công đến nay vẫn là bãi đất trống. Keppel sẽ thoái 70% vốn và dự kiến thu về tới 7.500 tỉ đồng.