​Julian Assange và thời “thực dân hóa kỹ thuật số”

MINH THƯ THEO SPIEGEL 06/08/2015 17:08 GMT+7

Sau một thời gian im ắng, WikiLeaks tiếp tục tiết lộ các hồ sơ tố cáo Mỹ đang do thám Chính phủ Pháp, nghe lén 125 số điện thoại của các nghị sĩ Đức cũng như công bố một số điện tín ngoại giao của Saudi Arabia. Báo Đức Spiegel đã phỏng vấn giám đốc WikiLeaks Julian Assange đang cư trú chính trị trong Đại sứ quán Ecuador ở Anh (*). TTCT trích dịch.

 

Julian Assange, công dân Úc, nhà báo, tổng biên tập trang web WikiLeaks được ông sáng lập năm 2006. Tên tuổi Assange và WikiLeaks được biết đến rộng rãi từ năm 2010 khi trang web này đăng những thông tin quân sự và ngoại giao mật mà binh sĩ Chelsea Manning tiết lộ và Assange bị Mỹ điều tra từ đó. Cùng năm, Assange bị Thụy Điển điều tra về bốn vụ án tấn công tình dục mà Assange bị cáo buộc thực hiện. Từ năm 2012, bị đe dọa dẫn độ về Thụy Điển, Assange đã xin cư trú chính trị trong Đại sứ quán Ecuador ở London (Anh). Ảnh: wikipedia

Giúp Edward Snowden để thoát khỏi một tiền lệ

SPIEGEL: Ông Assange, WikiLeaks đang trở lại - qua việc công bố các tài liệu chứng tỏ Mỹ do thám Chính phủ Pháp, Quốc hội Đức, in các điện tín ngoại giao của Saudi Arabia. Nguyên nhân của việc trở lại này?

- Assange: Vâng, WikiLeaks đã in nhiều tư liệu những tháng vừa qua. Thật ra chúng tôi đã in nhiều tư liệu thời gian qua, nhưng đôi khi nó là những tư liệu mà phương Tây hay truyền thông phương Tây không quan tâm, như hồ sơ về Syria chẳng hạn. Nhưng các ông vẫn phải cân nhắc rằng đã và vẫn đang có một cuộc xung đột (giữa WikiLeaks) với Chính phủ Hoa Kỳ từ năm 2010 khi chúng tôi bắt đầu công bố một loạt tài liệu mật của Mỹ.

Điều này có nghĩa gì với ông và với WikiLeaks?

- Kết quả là hàng loạt vụ kiện, việc phong tỏa, các cuộc tấn công PR và... Bởi một lệnh phong tỏa ngân hàng, WikiLeaks đã bị cắt đứt tới 90% nguồn tài chính của mình. Việc phong tỏa đã diễn ra hoàn toàn theo kiểu ngoại tụng (không qua tòa án phân xử). Chúng tôi phải tiến hành các biện pháp pháp lý để chống lại việc phong tỏa này và chúng tôi đã thắng ở các phiên tòa, nên mọi người vẫn có thể tiếp tục quyên góp tiền cho chúng tôi.

Những khó khăn nào các ông phải khắc phục?

- Có những cuộc tấn công vào hạ tầng kỹ thuật của chúng tôi, và các nhân viên chúng tôi phải bị giảm lương 40%. Nhưng chúng tôi đã đoàn kết và không sa thải ai, là điều tôi hết sức tự hào. Chúng tôi giống như Cuba, phải tìm lối ra trong cuộc phong tỏa này... Những nhóm khác nhau như Wau Holland Foudation của Đức đã quyên góp cho chúng tôi suốt cuộc phong tỏa.

Các ông làm gì với tiền quyên góp đó?

- Chúng giúp chúng tôi trả tiền cho hạ tầng kỹ thuật mới mà chúng tôi cần. Tôi đã công bố thông tin về Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) suốt 20 năm nên tôi biết rõ về việc do thám hàng loạt của NSA và GCHQ (tình báo Anh). Chúng tôi cần một hệ thống thế hệ tiếp theo để bảo vệ các nguồn của chúng tôi.

Và các ông đã có chúng?

- Vâng, vài tháng trước chúng tôi đã khởi động một hệ thống mới và tích hợp chúng với các ấn phẩm của chúng tôi.

Và chúng tôi có thể chờ đợi những công bố mới?

- Chúng tôi đang ngập chìm trong tư liệu. Về kinh tế mà nói, thách thức với WikiLeaks là liệu chúng tôi có gia tăng quy mô thu nhập tỉ lệ thuận với số lượng tài liệu mà chúng tôi phải xử lý.

Ông có biết gì về độc giả của mình không?

- Không nhiều, chúng tôi không do thám họ. Nhưng những gì chúng tôi được biết thì đa số độc giả của chúng tôi là từ Ấn Độ, tiếp đó là từ Mỹ. Chúng tôi cũng có một số lớn độc giả tìm kiếm (thông tin) các cá nhân. Em gái sắp lấy chồng và ai đó muốn kiểm tra chú rể. Hay ai đó đang điều đình một hợp đồng làm ăn và muốn biết chút gì đó về đối tác tiềm năng hay quan chức mà anh ta sắp đến nói chuyện.

...Edward Snowden nói nhiều nhà báo đã có được những bài báo thú vị từ tư liệu của anh ta, nhưng tổ chức duy nhất quan tâm tới anh ta và giúp anh ta thoát khỏi Hong Kong là WikiLeaks.

- Edward Snowden bị bỏ rơi ở Hong Kong, đặc biệt là bởi The Guardian, tờ báo đã đăng độc quyền câu chuyện của anh ta. Nhưng chúng tôi cho rằng việc một nguồn tin ngôi sao như Edward Snowden không bị bỏ tù là chuyện rất quan trọng. Bởi nó có thể tạo ra một hiệu ứng khủng khiếp lên những nguồn tin sau đó.

...Hãy nói về các chính khách. Tại sao các chính trị gia, những người biết được - nhờ WikiLeaks và Edward Snowden - rằng điện thoại họ bị nghe lén và email của họ bị tình báo nói tiếng Anh đọc trộm lại phản ứng một cách nhút nhát, chậm chạp, khập khiễng trước những phát hiện này?

- Tại sao người ta lại hạ thấp chúng? Angela Merkel phải tỏ ra không nhượng bộ vì bà ta không muốn bị nhìn như một lãnh đạo yếu ớt, nhưng tôi chắc rằng bà ấy đã đi đến kết luận người Mỹ sẽ chẳng thay đổi gì. Tất cả thông tin tình báo Mỹ đều rất giá trị cho cơ quan tình báo đối ngoại Đức Bundesnachrichtendienst.

Xin hãy tưởng tượng đôi chút về việc Chính phủ Đức than phiền việc bị do thám và người Mỹ chỉ cần nói: Thôi được, chúng tôi sẽ cho các ông thêm một thứ mà chúng tôi lấy được từ Pháp. Khi người Pháp than phiền, họ sẽ được một thứ lấy được từ người Đức.

NSA bỏ ra nhiều nguồn lực để lấy thông tin, nhưng chỉ ném một vài mẩu cho Pháp và Đức khi họ bắt đầu rên rỉ về việc bị là nạn nhân mà chẳng được gì, các bản sao kỹ thuật số chẳng tốn kém gì.

Nếu mọi thứ như thế thì thật bối rối cho Chính phủ Đức và Pháp.

- Đáng buồn. Kiểu như các chính khách Đức nghĩ rằng cuộc tranh luận này sẽ làm chúng tôi trông có vẻ yếu cơ và tạo xung đột với Mỹ. Nên tốt nhất là hạ thấp chuyện bị do thám xuống.

Nếu anh, một chính trị gia Đức, biết rằng các cơ quan tình báo Mỹ đã tích cực thu thập thông tin 125 chính trị gia hàng đầu cùng các quan chức Đức hàng thập niên qua, anh sẽ nhớ lại vài cuộc nói chuyện những năm qua và khi đó anh hiểu rằng người Mỹ có hết những cuộc hội thoại này, chúng có thể đánh sập nội các Merkel bất cứ lúc nào họ muốn, bằng cách rò rỉ một ít thông tin này cho báo chí.

Ông có thấy một tình huống đe dọa tiềm năng nào không?

- Họ sẽ không rò rỉ bản giải băng các cuộc điện đàm họ nghe lén được, bởi chúng có thể gây chú ý vào chính việc do thám. Cách họ làm là trích xuất các dữ kiện từ những cuộc đàm thoại, thí dụ nói đến những liên hệ của chúng cho truyền thông kiểu: “Tôi nghĩ các bạn nên theo dõi mối liên hệ giữa chính trị gia này với người đó, và việc họ làm trong hôm đó”.

Ông có một thí dụ nào được ghi nhận lại từ loại chiến thuật được sử dụng này không?

- Chúng tôi vẫn chưa công bố thông tin nào về một chính khách Đức, nhưng có thí dụ về những người Hồi giáo nổi bật ở các nước khác nhau rằng có rò rỉ thông tin họ đã xem phim sex. Nói xấu hoặc phá hủy tư cách đại diện từ những thông tin họ chặn được là một phần của tiết mục được sử dụng.

Ai sử dụng những phương pháp này?

- Cơ quan GCHQ của Anh có bộ phận riêng sử dụng những phương pháp này mà họ gọi là JTRIG. Chúng bao gồm đe dọa, chế tác ra các video, hàng loạt tin nhắn SMS, thậm chí tạo ra những doanh nghiệp giả với những tên gọi tương tự những doanh nghiệp thật mà Vương quốc Anh đang muốn tách ra khỏi một số khu vực trên thế giới, kêu gọi mọi người đặt hàng những doanh nghiệp giả này và bán các sản phẩm kém của chúng để các doanh nghiệp thật bị mang tiếng xấu.

Nghe giống như học thuyết âm mưu điên khùng, nhưng nó đã được ghi nhận cụ thể trong tài liệu của GCHQ do Edward Snowden cung cấp.

“Disneyland hóa” internet

...Chúng ta đã nói về các chính trị gia và mật vụ, nhưng chưa nói về các tập đoàn lớn. Ông đã gặp Eric Schmidt, giám đốc điều hành của Google. Ông có nghĩ ông ta là nhân vật nguy hiểm?

- Nếu ông muốn hỏi “liệu Google có thu thập thông tin nhiều hơn NSA?” thì câu trả lời là “không”, bởi NSA cũng thu thập thông tin từ Google. Tương tự như với Facebook và với những công ty khác ở Silicon Valley. Họ cũng thu thập nhiều thông tin và đang sử dụng một hình mẫu kinh tế mới mà các nhà kinh viện gọi là “chủ nghĩa tư bản do thám”. Thông tin tổng hợp về các cá nhân thì không nhiều giá trị, nhưng khi anh đặt hàng tỉ cá nhân vào thành một nhóm, nó sẽ có tính chiến lược giống như đường ống dẫn dầu.

Các dịch vụ mật bị coi là tội phạm tiềm năng, nhưng các tập đoàn công nghệ thông tin lớn thì được nhìn nhận một cách nhập nhằng hơn. Thí dụ Apple sản xuất những máy tính đẹp, Google là một công cụ tìm kiếm hữu ích.

- Cho đến thập niên 1980, máy tính là những cỗ máy lớn được thiết kế cho các nhà khoa học quân sự, nhưng rồi các máy tính cá nhân được phát triển và các công ty bắt đầu đặt lại tên cho nó như những chiếc máy có ích cho mỗi con người.

Những tổ chức như Google mà mô hình kinh doanh của nó là do thám hàng loạt “tự nguyện”, xuất hiện như là cho không. Email miễn phí, tìm kiếm miễn phí... Giống như chúng không phải là công ty, bởi các công ty thì không cho không. Nó tạo cảm giác giả tạo rằng chúng là một phần của xã hội dân sự.

Và thực tế là chúng định hình suy nghĩ của hàng tỉ người dùng?

- Chúng còn xuất khẩu một quan niệm cụ thể của văn hóa. Bạn có thể sử dụng các thuật ngữ cũ như “chủ nghĩa đế quốc văn hóa” hay gọi nó là “Disneyland hóa” của Internet. Có thể “thực dân hóa kỹ thuật số” là thuật ngữ tốt nhất.

“Thực dân hóa” đó trông như thế nào?

- Các tập đoàn đó tạo ra những quy tắc xã hội mới về những thông tin nào bị cấm và những thông tin nào được phép truyền tải... Đến tận những vấn đề cơ bản mà thường là thuộc chức năng của những cuộc thảo luận của công chúng và các quốc hội xây dựng luật.

Khi một điều gì đó trở nên đủ gây tranh cãi, nó liền bị những tổ chức này cấm đoán. Hay kể cả khi nó không quá gây tranh cãi nhưng ảnh hưởng đến lợi ích gần gũi với họ, nó sẽ bị cấm một phần hay đơn giản là không được thúc đẩy.

Nhưng chính sách văn hóa không phải là việc làm ăn cốt lõi của WikiLeaks. Các ông sẽ nhấn vào những vấn đề nào trong tương lai?

- Trong hai năm vừa qua, chúng tôi đã trở thành chuyên gia về ba thỏa thuận thương mại cực kỳ quan trọng: đó là Hiệp định đối tác đầu tư và thương mại xuyên Đại Tây Dương (TTIP), thương mại trong Hiệp định dịch vụ (TISA) và Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). WikiLeaks đã trở thành nơi đến để rò rỉ những phần của các thỏa thuận đang được đàm phán này.

Những thỏa thuận này là một gói mà người Mỹ đang dùng để định vị bản thân trong một thế giới chống lại Trung Quốc bằng cách xây dựng một cuộc bao vây lớn. Chúng ta đang nhìn thấy điều gì đó là kết quả của việc hội nhập kinh tế và pháp lý chặt chẽ hơn với Mỹ, kéo trung tâm hấp dẫn của Tây Âu khỏi Á - Âu và hướng về Mỹ, khi cơ hội lớn nhất cho một nền hòa bình dài hạn ở Á - Âu là hội nhập kinh tế.         

  

(*): http://www.spiegel.de/international/world/spiegel-interview-with-wikileaks-head-julian-assange-a-1044399.html#spLeserKommentare

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận