"Kẻ mọt sách không phải anh hùng"

LOUISA CHUA 25/05/2011 02:05 GMT+7

TTCT - Trích đoạn “Khúc chiến ca của mẹ Hổ” được đăng trên Wall Street Journal (xem TTCT số ra ngày 15-5-2011) nhanh chóng trở thành đề tài bàn luận trên các diễn đàn giáo dục Mỹ, được một số nhà trường Mỹ đưa vào lớp học. Dưới đây là trích lược hai bài viết được đưa ra cho sinh viên thảo luận.

Dạy con theo kiểu nào: Đông hay Tây?

Phóng to
Bà Amy Chua - Ảnh: Wiki

Cách dạy con của bà Amy Chua xem ra rất kỳ quặc đối với người Mỹ đương đại. Vì không muốn nuôi dạy “những đứa trẻ yếu đuối”, bà khiến tuổi thơ của hai cô con gái không khác gì trong trại huấn luyện tân binh nhưng không có cả giờ giải lao. Theo bà, đây là cách dạy con của người Trung Quốc. “Các bậc cha mẹ phương Tây rất hay lo âu về tâm lý của trẻ và sợ chúng bị tổn thương, còn người Trung Quốc thì không. Họ đòi hỏi sự mạnh mẽ ở con trẻ, vì vậy họ cư xử cũng khác”.

Người Mỹ ủy mị

Bà Amy Chua đã tấn công, dọa nạt, lăng mạ không thương tiếc con mình cốt chỉ để các cô gái tập trung học hành và tập đàn... Năm Louisa 7 tuổi, bà Chua đã dọa sẽ gửi búp bê của cô bé đến trại cứu tế nếu cô bé không tập nhuyễn một đoạn nhạc piano rất khó. Bà thậm chí không cho cô bé ăn tối và đi vệ sinh đến khi cô đàn được thuần thục.

Cách dạy con của bà Chua là một sự bác bỏ nặng nề đối với kiểu ủy mị ngọt ngào - dỗ dành “tất cả chúng ta đều đặc biệt” thường thấy trong cách dạy con của người Mỹ. Phương pháp của bà chứng tỏ hiệu quả, ít ra là đáp ứng được mục tiêu bà đặt ra: các con bà luôn đạt điểm xuất sắc, một cô thậm chí từng biểu diễn piano ở Carnegie Hall. Có lẽ các bậc cha mẹ Mỹ chúng ta nên cứng rắn hơn với con cái và thôi lo nghĩ về lòng tự trọng của chúng.

Ít ai trong chúng ta có thể phủ nhận lời bà Chua, rằng: “Khi ta trở nên giỏi trong một việc gì thì ta sẽ thích thú với nó. Để giỏi được thì cần phải luyện tập, mà trẻ con thì không bao giờ tự giác luyện tập cả”... Bọn trẻ thật sự đã là những tạo vật nhỏ bé có khả năng chịu đựng thử thách.

Nếu tất cả đều là số 1...

“Con ghét đời mình. Con ghét mẹ”

Tuy vậy, có những điểm phải lưu ý. Thứ nhất là hai con của bà Chua bẩm sinh đã rất thông minh (vợ chồng bà Chua đều là giáo sư dạy luật tại Đại học Yale, cha của bà là giáo sư khoa vi tính tại Berkeley). Con bà được thừa hưởng từ trí thông minh đến tính tỉ mỉ chu đáo. Những đặc tính này còn liên quan đến sắc tộc.

Nhà tâm lý học Daniel Freedman cùng vợ là Nina Chinn, cũng là người Trung Quốc, đã thực hiện một cuộc nghiên cứu vào những năm 1970 với trẻ sơ sinh ở San Francisco. Họ thấy rằng: “Trẻ con phương Tây dễ khóc hơn và khi đã khóc thì khó dỗ hơn, trong khi trẻ Trung Quốc dễ thích nghi, đặt đâu ngồi đấy...” (Những đứa trẻ này đều nhỏ hơn hai ngày tuổi).

Cũng cần để ý rằng sẽ có nhiều vấn đề nảy sinh trong một ngôi trường toàn những trẻ em mà những “mẹ hổ” của chúng đều yêu cầu chúng là số 1 ở tất cả các môn, cũng như sự đầu tư nuôi dạy cao độ kiểu giáo sư Chua lại là một vấn đề cho những gia đình đông con hơn của bà. Ngay cả bà “mẹ hổ” kiên cường nhất cũng có thể kiệt sức với đứa con thứ ba, thứ tư.

Bên cạnh đó, không phải ai sinh ra cũng có thiên hướng ham học. Nếu đứa trẻ có năng khiếu về những lĩnh vực khác như xã hội, sửa chữa máy móc, chơi thể thao hay nghệ thuật sáng tạo thì cách dạy con của bà Chua chỉ làm lệch hướng đi của trẻ. Trẻ con cần được thúc giục và giám sát nhưng cũng cần tự do để tìm hiểu bản thân và năng khiếu của mình. Trẻ con cần có một tuổi thơ và được tự do chơi đùa.

Đây là những khái niệm đã ăn sâu vào văn học Mỹ, nơi đã tạo ra những Tom Sawyer, Huckleberry Finn, hay Penrod của Booth Tarkington (**). Những câu chuyện này đều nhấn mạnh sự tự do, những cuộc phiêu lưu của trẻ và cả sự coi thường quyền lực của người lớn... Đọc đoạn trích của giáo sư Chua, tôi thầm nghĩ: “Không đứa trẻ trai nào có thể chịu đựng được như thế”. Có phải nhiệm vụ của bà Chua đã dễ dàng hơn nhờ các con bà là gái?

Dường như không. Trong một trả lời phỏng vấn tờ The New York Times sau đó, bà Chua kể cho chúng ta về màn nổi loạn đắng cay của cô con út: “Louisa, khi đó 13 tuổi, bắt đầu đập bể ly trong một nhà hàng Matxcơva và hét vào mặt mẹ: Con ghét đời mình. Con ghét mẹ”.

...Nước Mỹ không phải là một đất nước mọt sách. Bài viết nổi tiếng của Milton Friedman “Vai trò của chính phủ đối với giáo dục” chẳng đếm xỉa gì tới chuyện học hành giỏi giang, mà xoáy sâu vào quyền tự do. Friedman viết trẻ em phải được phép làm điều chúng thích, đó là quyền của trẻ.

Đối với người Mỹ, một kẻ mọt sách không phải là anh hùng, trừ phi anh ta trở thành một doanh nhân thành đạt. Bill Gates bỏ học ở Harvard. Trong quyển sách ra gần đây Bad students, not bad schools, giáo sư Robert Weissberg bàn về một vị hiệu trưởng tuyên bố khát vọng của ông là tập trung vào việc xây dựng chương trình học cho đội bóng chày trong trường đại học. Đây mới đúng là phương pháp của người Mỹ.

...Trật tự xã hội của đế chế Trung Hoa gồm bốn giai tầng: sĩ, nông, công, thương. Đứng đầu là giới học giả đã qua được các kỳ thi của triều đình để kiếm một cửa quan..., đứng chót mới là giới thương nhân bị coi khinh.

Xã hội Mỹ không như thế... Nước Mỹ là đất nước của những nhà thử nghiệm và phát minh, của những doanh nhân và thợ mỏ, của những kẻ đi tiên phong và thích phiêu lưu, của những nhà thuyết giáo và chính khách... Trẻ em của chúng tôi được tự do tìm kiếm và phát triển với nhiệt huyết của mình, và điều này không đi kèm với toán cao cấp hay piano cổ điển.

(*): Tựa bài do TTCT đặt, trích lược từ bài viết tựa đề “Thiên chức người mẹ và sự chuyên chế: các bà mẹ Mỹ có nên tranh đua với những mẹ hổ Trung Hoa”.
(**): Nhân vật chính trong các tiểu thuyết của Mark Twain và Booth Tarkington, biểu tượng của một thế giới tuổi thơ vô lo và kỳ diệu trong văn học Mỹ.

Ngược lại với bà Chua, tôi cảm thấy bà quá nâng niu con mình. Bà bảo vệ con mình khỏi những hoạt động trí tuệ phức tạp vì bà không hiểu thế nào là sự thử thách về trí tuệ... Tập đàn suốt bốn giờ đòi hỏi sự tập trung cao độ, nhưng đối với một đứa trẻ 14 tuổi, tập đàn không thử thách trí tuệ nhiều như việc ngủ qua đêm ở nhà bạn.

Buổi tụ tập ngủ qua đêm đó đòi hỏi đứa trẻ phải học cách tranh đua cho vị trí của mình, thương lượng với bạn bè, hiểu thêm về những quy phạm xã hội và sự khác biệt giữa bản thân và nhóm bạn. Đây là những bài kiểm tra về mặt xã hội đòi hỏi rất nhiều hoạt động trí óc mà những buổi học thêm hay những lớp học ở Yale không thể sánh bằng.

2. Nắm bắt được những kỹ năng phức tạp ấy là cốt lõi của thành công. Hầu hết chúng ta hoạt động theo nhóm, vì một nhóm thường hoạt động hiệu quả hơn một cá thể (vận động viên bơi lội thường gặt hái kết quả tốt nhất khi bơi tiếp sức hơn là bơi một mình). Ngoài ra, hiệu suất làm việc của một nhóm không tương quan với chỉ số IQ trung bình của nhóm hay thậm chí chỉ số IQ của những thành viên thông minh nhất.

Các nhà nghiên cứu tại Trường đại học Massachusetts và Carnegie Mellon tìm thấy các nhóm sẽ có chỉ số thông minh tập thể cao hơn khi các thành viên trong nhóm hiểu được cảm xúc của nhau, khi họ thay phiên nhau phát biểu, khi dữ liệu của mỗi thành viên được xử lý trôi chảy và khi họ nắm bắt được khuynh hướng và điểm mạnh của nhau.

Hòa nhập được vào một nhóm hoạt động tốt là vô cùng khó. Nó đòi hỏi khả năng tin vào những người nằm ngoài quan hệ họ hàng với mình, khả năng đọc được ngữ điệu và tâm trạng, hiểu vì sao những mảnh tâm tình mà mỗi con người mang tới căn phòng đó có thể hay không thể hòa hợp với nhau.

3. Những kỹ năng này không thể được dạy, mà chỉ có thể được lĩnh hội thông qua trải nghiệm. Và đây cũng chính là những trải nghiệm khó khăn mà bà Chua đã che chắn cho con mình khi bắt chúng mau về nhà làm bài tập mỗi ngày.

Trẻ em học cách đối xử với người khác ở đâu? Trẻ em học cách sáng tạo và sử dụng ẩn ý ở đâu? Ở đâu để trẻ học cách nhận biết những tiểu tiết từ một vở kịch giống như người đi săn phải đoán biết từ cảnh quan? Ở đâu để chúng học cách đặt mình vào vị trí của người khác và lường trước phản ứng của họ?

Có tới hàng triệu kỹ năng chỉ có thể được lĩnh hội thông qua quá trình trưởng thành và sẽ không thể phát triển nếu việc học chính quy chiếm hết toàn bộ thời gian của trẻ.

Tóm lại, tôi không phản đối việc bà Chua tạo áp lực lên con gái bà. Cá nhân tôi xem quyển sách dạy con của bà là một tác phẩm can đảm và gây nhiều suy nghĩ. Nó mềm mỏng hơn so với những gì mà những nhà phê bình đã đẩy lên.

Tôi chỉ muốn bà nhận ra bằng một cách nào đó, căngtin trường học có thể đem lại nhiều tri thức hơn là thư viện. Và tôi hi vọng các con gái bà sẽ trưởng thành để viết những quyển sách của chính mình, học được các kỹ năng để có thể dè trước việc những quyển sách đó sẽ được đón nhận thế nào.

__________

Kỳ tới: Những người con Mỹ gốc Á lên tiếng

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận