Kevin Chen: Viết tiểu thuyết là đang diễn

ZÉT NGUYỄN 13/08/2023 10:08 GMT+7

TTCT - 'Vùng đất quỷ tha ma bắt có thể trở thành một chướng ngại trên con đường nhân sinh của tôi bởi không biết chừng từ đỉnh cao này tôi sẽ đi xuống. Nhưng tôi không quá lo lắng, vì đi xuống cũng có những phong cảnh khác nhau' - Kevin Chen.


Nhà văn Kevin Chen

Nhà văn Kevin Chen

Tác phẩm Vùng đất quỷ tha ma bắt mang nhiều yếu tố tự truyện, nhưng cũng là nơi để anh triển khai trí tưởng tượng. Để có chất liệu cho quá trình hư cấu, anh có thể chia sẻ những nghiên cứu anh đã thực hiện để viết tiểu thuyết này không?

- Khi viết tiểu thuyết này tôi đã đi rất nhiều nơi, nơi đầu tiên là quê hương của tôi - Vĩnh Tĩnh. Tôi đã trở về nhà rất nhiều lần. Mỗi lần tôi về quê, người dân địa phương thấy tôi rất khác biệt với họ, vì cách ăn mặc của tôi, ngoại hình của tôi đã bị đô thị hóa rất nhiều. Tôi dùng thân phận của một người rời xa quê hương rất nhiều năm để trở về Vĩnh Tĩnh nhiều lần. 

Phương thức trở về của tôi là đi bộ. Về đến ga, xuống tàu là tôi đi bộ, dù ở quê tôi hiện giờ mọi người không còn đi bộ nhiều nữa, đa số đi xe máy. Họ thấy một người đang cuốc bộ thì thấy rất kỳ cục. Nhưng đi bộ với tốc độ đó tôi có thể nói chuyện với mọi người, có thể ngửi được rất nhiều mùi, như vậy rất có ích cho việc viết cuốn tiểu thuyết này. 

Ngoài ra còn có hai nơi khác rất quan trọng trong sách là Berlin và biển Baltic, những nơi đó tôi cũng đã đi rất nhiều lần, thậm chí chiếc tàu lặn ở bên bờ biển Baltic thật sự tồn tại trong thực tế.

Với nhân vật T. trong sách - một người liên quan tới vấn đề tân phát xít, tôi đã nghiên cứu rất nhiều hoạt động của tân phát xít: cách ăn mặc của họ (chẳng hạn họ đi đôi giày New Balance có chữ N), hình xăm của họ. Tôi tham gia các hoạt động rất kỳ lạ của họ. Đối với họ, một người châu Á như tôi tham gia các hoạt động đó cũng rất kỳ lạ. Tôi không sợ, bởi những hoạt động đó đều có cảnh sát giám sát, tôi có thể chụp ảnh, thậm chí khi có người ở trong các tổ chức đó hỏi tôi làm gì ở đây, tôi thành thật trả lời: "Tôi đang viết một cuốn tiểu thuyết và tôi đang làm nghiên cứu". Người kia cũng rất thành thật, giải thích cho tôi ý nghĩa những hình xăm trên tay anh ta. Những điều đó tôi đã viết trong cuốn sách.

Tính liên văn bản có thể thấy rõ qua cách anh xây dựng vùng đất Vĩnh Tĩnh có rất nhiều tương đồng với làng Macondo trong Trăm năm cô đơn của Gabriel García Márquez, hay hạt Yoknapatawpha của William Faulkner. Trong lời tác giả bản dịch tiếng Anh Ghost town, khi nói về hình tượng ma quỷ anh nhắc tới Haruki Murakami và Đỗ Lệ Nương - nữ nhân vật chính trong Mẫu đơn đình… Anh có tiếp thu ảnh hưởng của García Márquez hay những nhà văn khác, trong cả văn học phương Đông lẫn phương Tây, khi viết Vùng đất quỷ tha ma bắt không?

- Tác phẩm của những nhà văn trên và những nhân vật trong đó đều ít nhiều liên quan tới ma quỷ, Trăm năm cô đơn viết rất nhiều về ma quỷ, Đỗ Lệ Nương sau này cũng trở thành ma. Điều đó đã cho tôi gợi ý rằng ở các nơi khác nhau trên thế giới đều có những câu chuyện về ma quỷ. Họ đều là những nhà văn mà tôi hết sức ngưỡng mộ, họ viết về ma quỷ bằng những cách thức khác nhau, tôi muốn viết về ma quỷ bằng cách thức riêng của mình. Tôi cảm thấy khi viết về ma quỷ thì tôi không cô đơn.

Tại sao anh lại lấy Berlin làm nơi chạy trốn cho nhân vật Trần Tư Hoành, biến nó thành một đối cực với vùng đất Vĩnh Tĩnh?

- Về mặt địa lý, Berlin và Vĩnh Tĩnh không có mối liên hệ gì với nhau cả. Nhưng khi sinh sống ở Đức, tôi nhận ra rằng lịch sử nước Đức cùng lịch sử và quá trình phát triển cận đại của Đài Loan có những điểm khá tương đồng. Nước Đức đã trải qua hai cuộc đại chiến thế giới, rồi lại phân thành hai quốc gia. Trong quá trình đó cũng xảy ra những vấn đề như khủng bố, hay độc tài, toàn trị. 

Đài Loan cũng vậy, sau năm 1945, có một thời gian khá dài Đài Loan trải qua thời kỳ khủng bố, thời kỳ độc tài, toàn trị. Nhiều người Đài Loan khi đối mặt với thời kỳ đó sẽ liên tưởng tới nước Đức, họ lấy nước Đức làm tấm gương. Bởi vì đi từ chế độ toàn trị sang chế độ tự do như hiện thời, nước Đức trải qua một quá trình khá lâu dài, phải lập pháp, phải đấu tranh để giành tự do thì mới có được sự phát triển như hiện nay.

Nhưng Đài Loan không giống Đức ở chỗ Đài Loan không trải qua quá trình tư pháp, lập pháp nên không đạt được đến mức độ như nước Đức đạt được. Vì vậy, nói đến quá trình chuyển từ độc tài sang tự do, người Đài Loan hay nghĩ tới Đức. Tuy Berlin là một vùng đất lớn, một đại đô thị, Vĩnh Tĩnh chỉ là một vùng đất nhỏ, nhưng ở nơi nào con người ta cũng phải đối mặt với những vấn đề đó: cũng sợ hãi khủng bố, cũng khao khát hướng tới tự do.

Kevin Chen: Viết tiểu thuyết là đang diễn - Ảnh 2.

Bạo lực gây sang chấn cả về thể chất lẫn tinh thần hiện diện dày đặc trong tiểu thuyết này của anh. Tại sao anh lại chọn viết về đề tài này?

- Trong một chế độ phụ quyền, một chế độ nam tôn nữ ti, thì bạo lực là phương thức mà người nam dùng để khống chế người nữ. Bất kể là bạo lực trong hôn nhân hay ngoài hôn nhân, bạo lực xảy ra trong xã hội thường ngày rất nhiều bởi đấy là thứ luôn tồn tại trong xã hội nam tôn nữ ti. Vì trong cuốn sách này có rất nhiều nhân vật nữ nên tôi không thể không nói đến vấn đề bạo lực. Trong xã hội Đài Loan thời đại cũ, những người phụ nữ là nạn nhân của bạo lực.

Làm thế nào để khi xây dựng nhiều nhân vật thế, anh cân bằng được yếu tố chức năng của nó với số phận riêng biệt? Cấu trúc đa tuyến, giọng điệu đa thanh có phải giải pháp cho chuyện đó? Vậy sao không khí queer vẫn lấn át toàn tác phẩm?

- Khi viết cuốn sách này, tôi tưởng tượng đây giống như một dàn hợp xướng, một dàn đồng ca. Nhưng không phải là một dàn hợp xướng mà mỗi thanh âm đều tốt đẹp, sẽ có những âm thanh rất đối chọi nhau và rất kỳ lạ. Có lúc người này lớn tiếng cao giọng cất tiếng hát, sau khi hát một lúc thì họ mệt và nhường cho một người khác lên tiếng. Người đọc nghe từng người cất lên tiếng hát, và rồi sẽ được nghe tất cả đồng thanh hát. Nghe bài hát đó đến cuối cùng, ta có thể hình dung được diện mạo của cả gia tộc, ghép được các mảnh ghép với nhau thành một bức hoàn chỉnh.

Ý niệm của tôi khi viết nhiều nhân vật, nhiều tuyến, nhiều giọng nói, chính là đoàn hợp xướng. Trong đoàn hợp xướng đó có một giọng hát, một tiếng nói tương đối đặc biệt, đó là người em trai út đồng tính. Tiếng nói, giọng hát của người đó có lúc bị tắt hay biến mất, có lúc lại vang lên. 

Tôi muốn thông qua nhân vật này để nói đến sự chuyển hình của xã hội Đài Loan từ kỳ thị đồng tính đến dần dần chấp nhận đồng tính. Tôi muốn nói với những thế hệ sau này - thế hệ được hưởng thụ sự tự do - đừng quên thế hệ trước đã phải chịu đựng rất nhiều bạo lực, đã phải sống rất đau khổ.

Đài Loan là nơi đầu tiên hợp pháp hóa kết hôn đồng tính ở châu Á vào năm 2019. Nhưng ở thập niên 1980, 1990, không khí bài trừ LGBT ở Đài Loan được miêu tả trong cuốn sách của anh có rất nhiều sự vang vọng với các tác phẩm LGBT khác như Nhật ký cá sấu của Khâu Diệu Tân, hay Nghịch tử của Bạch Tiên Dũng. Có thể đọc Vùng đất quỷ tha ma bắt trong âm vọng với các tiểu thuyết kia không? Viết về đề tài LGBT, đặt trong mạch dòng văn học này ở Đài Loan, anh muốn đối thoại với truyền thống hay khẳng định vị thế bằng một giọng mới?

- Tác giả Khâu Diệu Tân của Nhật ký cá sấu cũng đến từ Vĩnh Tĩnh. Bố của cô Khâu là thầy giáo tiểu học của tôi. Nhưng trước khi cô Khâu tự sát ở Paris, cô không nói với mọi người cô ấy quê ở Vĩnh Tĩnh. Mọi người đều tưởng cô ấy là người Đài Bắc. Bởi vậy nếu cô ấy còn sống, có lẽ đến một ngày nào đó cô ấy sẽ viết về Vĩnh Tĩnh quê hương của mình. Một phần nào đó, tôi viết về Vĩnh Tĩnh là để hoàn thành tâm nguyện mà cô Khâu chưa hoàn thành được.

Về Bạch Tiên Dũng, từ nhỏ tôi đã đọc nhiều cuốn sách của ông, nhưng khi viết Vùng đất quỷ tha ma bắt, tôi cố gắng không để bị ảnh hưởng bởi tiếng nói của các bậc tiền bối, vì như vậy sẽ bị át mất tiếng nói riêng của mình.

Năm 2018, Đài Loan trưng cầu ý dân về hôn nhân đồng tính, kết quả là đa số người dân từ chối luật hóa hôn nhân đồng tính. Anh có nói thất bại đó đã giúp anh rất nhiều trong việc hoàn thành tác phẩm này, vì cảm thấy cay đắng chua chát là một thứ năng lượng tuyệt vời giúp ta sáng tác. Viết cuốn này, anh có định trả thù điều gì không?

- Đúng là tôi muốn dùng cuốn sách này để đối thoại với phong trào đồng tính ở Đài Loan. Tôi viết câu chuyện của tôi - câu chuyện về một người con trai út ở một vùng quê hẻo lánh ở Đài Loan. Tôi muốn xuất phát từ một nhân vật nhỏ của một vùng đất nhỏ để nhìn thấy toàn bộ Đài Loan. Tôi cảm thấy nhân vật nhỏ của vùng đất nhỏ lại rất có tính đại diện, vì họ đều phải rời khỏi quê hương mình đến đô thị lớn để tìm kiếm tự do, nhưng đến thành phố lớn rồi thì bất kể có cố gắng trốn thế nào đi nữa, rốt cuộc cũng có ngày sẽ phải trở về vùng đất chôn nhau cắt rốn của mình. Điều này cũng phần nào thể hiện phong trào đồng tính Đài Loan khi mọi người đều cố gắng chạy trốn, cuối cùng cũng quay trở về điểm xuất phát. Như tôi, tôi chạy trốn đến Đài Bắc, sau đó chạy đến Berlin, cuối cùng cũng phải trở về Vĩnh Tĩnh để viết cuốn sách này.

Hình tượng người bố đàn ông gia trưởng thường xuất hiện trong văn hóa châu Á đóng vai trò là áp lực nam tính lên nhân vật chính, nhưng anh lại xây dựng những người phụ nữ, chẳng hạn người mẹ và người bà, những người căm ghét khi con mình là đồng tính, và khát khao có một người con trai đích thực trong gia đình. Anh có dụng ý gì khi xây dựng hình tượng người bố mang tính chất lật đổ như vậy?

- Đây là một câu hỏi thú vị. Người mẹ trong một xã hội phụ quyền như thế chính là nạn nhân. Người mẹ muốn chấm dứt khổ nạn của mình nhưng phương thức chấm dứt của người mẹ lại là đi làm tổn thương người khác. Trong một xã hội phụ quyền, nhiều khi những người ghét phụ nữ nhất lại là những người phụ nữ bởi người phụ nữ ghét giới tính của mình, đâm ra họ cũng ghét những người cùng giới tính với mình. Mẹ tôi đã sinh liên tiếp bảy người con gái, nhưng bà không thích con gái, bà muốn sinh con trai thôi, bởi chỉ có sinh con trai thì trong xã hội đó bà mới được coi là người phụ nữ hoàn chỉnh. Nếu sinh toàn con gái, bà sẽ bị người ta chê cười. Cho nên nhiều khi bà phải làm tổn thương những người khác vì như thế bà mới có cơ hội để tồn tại.

Chi tiết người bố đồng tính được tiết lộ vào cuối cuốn sách là do tôi muốn làm độc giả phải giật nảy mình vì ngạc nhiên. Tôi rất muốn dọa cho độc giả sợ chơi. Hình như cú hù dọa này của tôi khá thành công.

Là người học chuyên ngành sân khấu, và là diễn viên của nhiều bộ phim, anh nói gì về mối liên hệ giữa việc viết với việc diễn của anh: anh vận dụng được gì từ tính biểu diễn của diễn viên vào sự biểu diễn ngôn từ trong tác phẩm? Ở tiểu thuyết này người đọc nhận thấy tính điện ảnh rất rõ trong tính trình diễn, tính cấu trúc tình huống và nghệ thuật montage?

- Việc học ngành sân khấu và làm diễn viên hỗ trợ rất nhiều cho tôi trong quá trình viết, tôi rất đam mê diễn xuất. Viết và đóng kịch, đóng phim giống nhau ở chỗ là mọi người đều đang biểu diễn. Viết tiểu thuyết là đang diễn. Tôi hy vọng tiểu thuyết của tôi có tính kịch.

Ngôi nhà cổ (xây năm 1884) của một gia đình họ Chen ở thị trấn Vĩnh Tĩnh, theo phong cách Quảng Đông ở miền nam Phúc Kiến.

Ngôi nhà cổ (xây năm 1884) của một gia đình họ Chen ở thị trấn Vĩnh Tĩnh, theo phong cách Quảng Đông ở miền nam Phúc Kiến.

Anh có coi quê hương, địa danh như một sự định vị trên toàn thế giới? Tâm thế lưu vong của nhân vật chính khi đi tìm tự do ở Berlin có nên được đặt trong sự so sánh ngầm với thân phận lưu vong, vọng cố hương của tổ tiên anh, từ đại lục ra Đài Loan?

- Tôi cảm thấy hầu như mỗi con người đều sẽ có trải nghiệm rời xa quê hương, chẳng hạn rời quê hương để đến một thành phố lớn. Tôi cảm thấy quê hương Vĩnh Tĩnh có thể là bất cứ nơi đâu, bất cứ làng quê nào trên thế giới, vì làng quê ở Pháp, Ý hay Mỹ đều có thể xảy ra những câu chuyện như vậy. Mỗi con người đều phải rời quê hương mình để tìm kiếm tự do, rốt cuộc vẫn không tìm thấy tự do, vẫn phải trở về vùng đất quê hương ấy.

Trong cuốn sách, các nhân vật ám ảnh với các món ăn. Thức ăn đóng vai trò như thế nào trong thế giới của anh?

- Vấn đề "ăn" trong tiểu thuyết rất quan trọng, vì ăn là một phần của của cuộc sống nên viết về ẩm thực hay thì góp phần làm cuốn sách trở nên thú vị. Tôi viết nhiều chi tiết về ẩm thực, chẳng hạn ăn canh khế hoặc một số món ăn khác, những chi tiết đó mang lại cảm giác rất gần gũi, rất là cuộc sống. Nếu viết về Việt Nam, tôi sẽ viết rằng mọi người thường ngồi trên những chiếc ghế bé bé rồi ăn uống, như vậy sẽ có hương vị rất riêng, hương vị đặc biệt của Việt Nam, tuyệt đối không phải là những cái này [chỉ tay quanh sảnh khách sạn].

Anh cảm thấy như thế nào về sự thành công vang dội của Vùng đất quỷ tha ma bắt? Nó trở thành nguồn cảm hứng hay thành chướng ngại vật cho việc viết các tác phẩm tiếp theo?

- Tôi tận hưởng thành công của cuốn sách, cảm thấy rất vui khi cuốn sách được xuất bản ở nhiều nước trên thế giới. Cuốn sách này có thể trở thành một chướng ngại trên con đường nhân sinh của tôi bởi không biết chừng từ đỉnh cao này tôi sẽ đi xuống. Nhưng tôi không quá lo lắng, vì đi xuống cũng có những phong cảnh khác nhau. Nhiều người nói phải tiếp tục tạo ra những kỷ lục mới, phải vươn lên tầm cao mới, tôi nghĩ vậy sẽ rất vất vả. Là một nhà văn, viết được một tác phẩm tiêu biểu, tôi thấy vui vẻ, mãn nguyện rồi. Tôi chỉ hy vọng những cuốn sách tôi viết sau này sẽ có những nét khác biệt riêng, bởi viết là việc vui vẻ nhất đối với tôi.

Xin cảm ơn anh.■

(Cuộc phỏng vấn được thực hiện với sự trợ giúp phiên dịch của dịch giả Nguyễn Vinh Chi)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận