Khách hàng lớn hay rẻ tiền?

KHÁNH LINH 24/12/2022 10:46 GMT+7

TTCT - Lợi nhuận tư bản là vấn đề không bao giờ được nhân nhượng, từ những nhà máy dệt hơi nước ở Anh cho tới Amazon.


Khách hàng lớn hay rẻ tiền? - Ảnh 1.

Ảnh: The Guardian

Trước khi Amazon trở thành nhà bán lẻ hàng đầu, công ty có nhiều cửa hàng nhất trên thế giới (trên 10.000 cửa hàng) là Walmart, với doanh số hằng năm trên 500 tỉ USD. 

Walmart có khoảng 100.000 nhà cung cấp, trong đó có vài trăm nhà cung cấp Việt Nam, chủ yếu là hàng dệt may, thức ăn chế biến sẵn, hàng gia dụng…

Được sản xuất hàng cho Walmart đồng nghĩa đơn hàng có sẵn cho nguyên cả năm và năm sau bao giờ cũng tăng hơn năm trước. 

Walmart có hệ thống kiểm soát nhà cung cấp và nhà thầu phụ vô cùng khắt khe với vô số quy định, về điều kiện lao động chẳng hạn, ít nhất phải theo tiêu chuẩn của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO).

Cho sống được sống, bắt chết phải chết

Walmart và những nhà bán lẻ khổng lồ tầm cỡ thế giới khác như Target hay IKEA, thường sử dụng các công ty dịch vụ bên thứ ba để đánh giá sự tuân thủ của nhà cung cấp, đảm bảo nhà máy của họ không sử dụng lao động trẻ em, không ép công nhân tăng ca quá mức, không gian, môi trường làm việc đủ điều kiện để công nhân không bị mắc bệnh nghề nghiệp…; nhưng điều cốt yếu vẫn là giá sản phẩm - giá gia công phải vô cùng rẻ và mỗi năm mỗi giảm.

Hệ thống nhà cung cấp cho Amazon hay Walmart từ Trung Quốc 20 năm trở lại đây dịch chuyển nhiều sang Bangladesh, Pakistan, Sri Lanka, Campuchia và cả Việt Nam, những nơi đơn giá nhân công lao động thấp hơn. Như ở Bangladesh, lương tối thiểu chỉ tầm 40 USD, tức khoảng 50% so với Việt Nam (mức này ở Trung Quốc là gấp đôi Việt Nam).

Điều này cũng chỉ ra vị thế của nền sản xuất Việt Nam: đâu đó giữa thuần túy gia công giá trị thấp và gia công lắp ráp nhưng đã có sản xuất chế tạo. 

Chúng ta nói nhiều về Samsung, LG hay Intel, nhưng cần đối diện thực tế ngành xuất khẩu nhiều nhất của nền sản xuất Việt Nam vẫn là dệt may và da giày, mà thị phần của các hãng bán lẻ như Amazon hay Walmart đương nhiên là không nhỏ.

Việc Gilimex - một nhà sản xuất dệt may - tuần rồi đâm đơn kiện Amazon vì công ty này bỏ rơi họ sau đại dịch do đơn hàng sụt giảm, là ví dụ tiêu cực mà sớm muộn những nhà gia công giá rẻ số lượng lớn đều phải đối diện, ở một tình thế cực kỳ bất lợi.

Những khách hàng lớn như Amazon kiểm soát nhà cung cấp rất chặt. Sản phẩm là thiết kế của họ, định mức vật tư họ đưa ra, nhiều trường hợp họ chỉ định luôn nhà cung cấp nguyên liệu, thậm chí thời gian, định mức gia công họ cũng nắm, nên giá như thế nào là do họ quyết định, lợi nhuận của nhà sản xuất do vậy cũng bị họ khống chế.

Để có thể tăng được doanh thu và lợi nhuận tuyệt đối, nhà cung cấp không có cách nào khác là chấp thuận đề nghị của khách hàng cá mập, tăng thêm công suất nhà máy và nhận thêm đơn hàng. 

Càng nhận thêm đơn hàng, khách hàng lại càng có lý do yêu cầu giảm giá, và nhà cung cấp càng phụ thuộc, cho tới khi toàn bộ hệ thống sản xuất tập trung cho một kiểu sản phẩm và khách hàng duy nhất.

Nói như nhiều nhà sản xuất gia công cho một hãng đồ gỗ nội thất theo kiểu tự mua về lắp ráp nổi tiếng: cho ăn thì ăn, cho sống thì sống, thậm chí bảo chết thì sẽ chết! 

Thương hiệu đồ gỗ này là của một quốc gia Bắc Âu đứng đầu thế giới về tiêu chuẩn sống, về các quy tắc đạo đức nhân văn, nhưng điều đấy không có nghĩa là họ sẽ đối xử nhân văn với nhà cung cấp. 

Trong một điều tra độc lập năm 2006, khi được hỏi có thể mở rộng quy mô sản xuất để nhận thêm đơn hàng từ công ty Bắc Âu nói trên hay không, các nhà sản xuất đồ gỗ nội thất Việt Nam đều lắc đầu. Họ muốn ưu tiên nguồn lực để phát triển khách hàng mới.

Khách hàng lớn hay rẻ tiền? - Ảnh 2.

Biểu đình đòi lương tối thiểu 15 đô la và hợp đồng lao động đầy đủ phúc lợi của giai cấp vô sản Mỹ - những nhân công cấp thấp của Walmart. Ảnh: In These Times

Vẫn là cuộc bóc lột tư bản

Cách mà Amazon cắt đơn hàng đột ngột khiến nhà cung cấp rơi vào tình trạng sống dở chết dở đúng là ít khi xảy ra trong hoàn cảnh bình thường, vì kiểm soát tồn kho của họ thường được hoạch định chuẩn mực và có tính dự báo nguyên năm. 

Tuy nhiên, khi tình hình thị trường hoặc kết quả kinh doanh của công ty sụt giảm đột biến, phong cách kinh doanh của các công ty Âu - Mỹ là cắt giảm tương ứng ngay tức khắc. Những điều khoản pháp lý mà nhà cung cấp vin vào trong trường hợp này đều dễ bị vô hiệu hóa bởi điều khoản bất khả kháng.

Đó là chưa kể khó có nhà gia công Việt Nam nào đủ nguồn lực để theo đuổi một vụ kiện tụng như vậy, với những bộ hợp đồng giao dịch hàng chục trang, vô số phụ lục đính kèm, và một hệ thống luật pháp như ma trận của tới hai, ba quốc gia. Vô phúc đáo tụng đình, mà khách hàng của họ thì lại rất chuyên nghiệp trong việc này, với đội ngũ pháp lý hùng hậu và nguồn lực gần như vô hạn.

Với người tiêu dùng bình thường, rất ít người nghĩ đến những Amazon, Walmart, IKEA… với tư cách người mua hàng, một phần quan trọng vì các hãng này không muốn những bê bối về cách họ vắt kiệt năng lực sản xuất của nhà cung cấp bị công khai. 

Nhiều nhà cung cấp của họ ở Bangladesh trong lĩnh vực dệt may thường xuyên bị cáo buộc trong các điều tra của ILO là bóc lột nhân công trẻ em, làm thêm giờ quá mức quy định, môi trường lao động dưới chuẩn… 

Tất cả những sai phạm, tội lỗi đấy đương nhiên là do nhà cung cấp, chứ Walmart hay Amazon thì… vô can, vì họ đã có khuyến cáo nhà sản xuất ngay từ đầu rồi. Còn nguyên nhân cốt lõi, mức đơn giá rẻ mạt mà họ ép nhà cung cấp phải theo, hầu như không được nhắc đến.

Một cách tuyến tính, những gì mà các công ty thực dân áp dụng ở thuộc địa cách đây 100 năm, đến giờ đang biến tướng, chứ không hề biến mất - dù chủ nghĩa thực dân được coi là đã chấm dứt. Bóc lột biến tướng thì đấu tranh cũng phải thay đổi. 

Ngày nay, thay vì cách mạng vũ trang hay phong trào giải phóng dân tộc, những nước gia công sẽ phải tìm được khách hàng đòi hỏi sản phẩm có chất lượng và đạo đức cao hơn, hoặc làm ra được sản phẩm của chính mình, để tự đi bán. Đó chính là những gì toàn bộ nền sản xuất Việt Nam cần phải hướng tới.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận