Khẩu vị của bất tử

NGÂN HƯƠNG 30/08/2016 20:08 GMT+7

TTCT - Như một minh họa khôi hài về tính tương đối của thời gian, câu chuyện ngụ chỉ trạng thái mọi vật đều như đang đứng im và đợi ngày kết thúc.

Klein Dan và Tom Cathcart
Klein Dan và Tom Cathcart

Nối tiếp “đặc sản” Triết tếu Plato và con thú mỏ vịt bước vào quán bar, Thomas Cathcart & Daniel Klein sắp đặt một du hành độc nhất vô nhị dành cho Heidegger: đối thoại với con hà mã về chữ C lớn trên đường tản bộ về phía cổng thiên đường. Chúng ta sẽ tìm thấy ở cuốn triết học thường thức này nhiều bất ngờ thú vị và tinh tế: những tư tưởng triết học đồ sộ được ứng xử thông thái và lịch thiệp bằng trải nghiệm triết học đường phố mang đậm màu sắc hài hước, thể hiện dưới những truyện cười và tranh biếm họa.

Gỡ rối cho nỗi sợ chết

Lũ rùa đi dã ngoại. Chúng mất mười ngày mới tới nơi, nhưng cũng khi ấy chúng nhận ra đã quên cái mở nắp chai, bèn sai con rùa nhỏ nhất quay về lấy. Con rùa nhỏ nói: “Không, tôi mà đi khỏi thì các anh sẽ ăn mất mấy cái bánh”. Lũ rùa hứa với nó là sẽ không làm vậy, nên nó ra đi. Mười ngày, hai mươi ngày, rồi ba mươi ngày trôi qua. Cuối cùng, vì đói quá nên lũ rùa quyết định ăn mấy cái bánh. Ngay khi chúng vừa cắn vào miệng bánh, con rùa nhỏ từ sau một tảng đá thò đầu ra kêu: “Thấy chưa? Thế nên tôi mới không đi”. (tr.224)

Như một minh họa khôi hài về tính tương đối của thời gian, câu chuyện ngụ chỉ trạng thái mọi vật đều như đang đứng im và đợi ngày kết thúc. Nói như Thomas và Daniel, chúng ta không thể suy tư về ý nghĩa tồn tại bản thể nếu không chấp nhận sự thật về cái kết. Mặc dầu vậy, không thể phủ nhận một điều: Chúng ta là những sinh linh duy nhất hiểu rằng mình sẽ chết và chúng ta cũng là loài duy nhất có khả năng tưởng tượng mình bất tử.

Tình trạng nước đôi ấy khiến chúng ta phát điên. Cái chết dọa chúng ta sợ vãi linh hồn (tr.10). Nan đề này đã được tác giả gỡ rối bằng màn pha trộn tinh thần triết học của các ông lớn triết gia với những câu chuyện bi hài trong thực tế gắn liền với các chủ đề triết học quen thuộc: Làm thế nào để thắng nỗi sợ chết? Liệu có sự sống sau cái chết không? Chính sách để được lên thiên đường là gì? Con người có thể lựa chọn để bất tử chứ?

Lĩnh hội triết học thông qua truyện cười là vũ khí sức mạnh của hai tác giả trong việc xử lý những vấn đề hóc búa. Ở cuốn sách này, bằng việc trích xuất các tình huống đời sống hài hước và đặt để trong bối cảnh những tư tưởng khô như ngói, cuộc du hành của Heidegger và con hà mã khiến bạn đọc thay vì sợ hãi đã có thể nghĩ cách trêu người và đánh lừa thần chết. “Thật may vì tình cờ chúng tôi biết không ít truyện tiếu lâm, thực tình, chúng tôi từng phát hiện rằng kể truyện tiếu lâm là cách nhanh gọn để rọi sáng những tư tưởng triết học tổng quát...” (tr.12).

Memento Mori! (Hãy nhớ rằng anh sẽ chết!)

Hẳn ai cũng đều muốn nghĩ giá cái chết nó chừa mình ra. Dẫu biết rằng cuộc sống sẽ kết thúc với mỗi người theo một cách riêng, hoặc giả như vào ngày tận thế nó sẽ kết thúc cùng một lúc với tất cả mọi người, chẳng ai có thể nhẹ nhàng vượt qua nỗi sợ chết. Ernest Becker phủ nhận cái chết bằng cách nuôi dưỡng ảo tưởng lớn, còn Kierkegaard tuyên bố chỉ khi buông bỏ ảo tưởng, sống chung với nỗi sợ, đó mới là lối thoát.

Trong khi Plato và Aristotle đang bận tranh cãi về ý niệm linh hồn cá nhân, Phật giáo không hề tin vào linh hồn hay tái sinh. Mọi tư tưởng ấy có thể mâu thuẫn, duy chỉ có điều tất cả những người họ đều đã chết. Thật tiếc, chẳng có bưu thiếp nào gửi đến từ thế giới bên kia để chúng ta an tâm kiểm chứng liệu thiên đường có phải là một quang cảnh đáng để vì nó mà chết, và địa ngục có đáng sợ như những gì tôn giáo hay nghệ thuật mô tả.

M.N.
M.N.

Cuốn sách là thành quả trải nghiệm triết học của hai tác giả khi họ đồng thời vừa đối diện với nỗi sợ chết, vừa tinh nghịch bày trò giăng bẫy thần chết tối cao. Sự kết hợp giữa hai thái cực bi - hài: cái chết - truyện cười đã tạo điều kiện cho họ tìm thấy những khía cạnh hài hước xung quanh câu chuyện về cái chết hay nỗi sợ chết. Xuyên suốt cuốn sách, tinh thần nhẹ nhõm ấy chính là cách họ đạt được phép thắng lợi tinh thần mà vẫn không bị chìm nghỉm trong mớ triết thuyết hỗn độn.

Đối với Albert Camus, chỉ có một vấn đề triết học thật sự nghiêm túc là sự tự sát. Heidegger nói chắc như đinh đóng cột: khiến triết học trở nên dễ hiểu là tự sát đối với triết học. Mỗi triết gia đều ôm lấy cho mình những câu hỏi lớn và loay hoay tìm kiếm mọi câu trả lời khả dĩ, chỉ riêng con hà mã vẫn đang ú ớ chưa hiểu chuyện gì đang xảy ra.

Rốt cuộc khi lên đến cổng thiên đường, ai sẽ có câu trả lời tốt nhất cho câu hỏi của Thánh Peter “Ý nghĩa của cuộc sống là gì?” và giành lấy cho mình tấm vé vào cổng cuối cùng? Cuốn triết học thường thức này không giúp chúng ta thoát khỏi nỗi sợ chết, nhưng ít nhất nó đã mang đến một niềm an ủi. Vĩnh hằng chính là bây giờ, đời sống hữu - tại - thế là điều đáng mong ước.

Thượng đế vẫn hô to: Memento Mori! (Hãy nhớ rằng anh sẽ chết!), song luôn có ánh sáng cuối đường hầm, điều quan trọng là phải biết ra tay trước thần chết bằng cách lựa chọn bất tử theo khẩu vị riêng.

Tôi đã luôn muốn trở thành một ai đó. Giờ tôi thấy đáng ra mình nên nói cụ thể hơn (tr.53)

Đóng góp lớn của Heidegger trong triết học về chết là lời kêu gọi hãy đối mặt với cái chết để sống đích thực - sống chân thật và hiểu bản chất cuộc sống thật sự là gì. Nếu không ý thức về cái chết, chúng ta chỉ sống nửa vời (tr.65)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận